LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
24/06/2016
LỄ KHẤN TRỌN ĐỜI
Nữ Đan Viện Biển Đức Lộc Nam
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Nữ Đan Viện Biển Đức Lộc Nam đã chọn ngày lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả để cử hành Lễ Khấn Trọn Đời. Chắc hẳn Đan viện ý thức rằng: mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, cần nỗ lực noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả, trở thành “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1, 76).
Thánh Luca là thánh sử duy nhất đã viết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đọc 2 chương đầu, chúng ta thấy 2 bức tranh về việc truyền tin cho Ông Giacaria và cho Đức Maria, về sinh nhật Gioan Tẩy Giả và sinh nhật Chúa Giêsu. Hai bức tranh đặt song đối nhau, cho thấy những điểm giống nhau, đồng thời nổi bật những điểm khác nhau:
– Cùng một sứ thần hiện ra với ông Giacaria và Đức Maria, nhưng một đàng ông Giacaria gặp sứ thần tại Đền thờ, một đàng sứ thần đích thân đến tận nhà Đức Maria;
– Khi giới thiệu song thân, thánh Luca cho thấy ông Giacaria và bà Elisabeth là hai vợ chồng già son sẻ, chỉ mong ước có một đứa con trai; còn Đức Maria và Thánh Giuse là hai người trẻ tự nguyện son sẻ, biểu lộ niềm tín thác cầu mong Thiên Chúa ban Đấng Mêsia (Kitô) đến cứu độ dân Người;
– Về chính đứa con, trẻ Gioan “sẽ nên cao cả trước mặt Chúa… sẽ đi trước mặt Chúa để… chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 15.17); còn trẻ Giêsu “sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 32-33).
– Sau khi nghe sứ thần truyền tin về việc sinh con, ông Giacaria và Đức Maria đều “bối rối”, nhưng ông Giacaria đòi một dấu hiệu (x. Lc 1, 18), và sứ thần cho một dấu hiệu là ông bị câm; còn Đức Maria chỉ muốn biết “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34), và sứ thần cho biết là sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria liền thưa “Xin Vâng” với niềm tin không cần dấu hiệu;
– Trong ngày bà Elisabeth sinh Gioan, hàng xóm láng giềng và bà con thân thích đến nhà chia vui; còn trong ngày Đức Maria sinh Đức Giêsu trong hang đá vì “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 7), chỉ có mấy người chăn chiên ngỡ ngàng, nhưng lại có “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 1, 13-14).
– Trong ngày sinh nhật Gioan, ông Giacaria cất lên bài ca chúc tụng (Benedictus), trong đó nói về trẻ mới sinh: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1, 76-77); còn trong ngày sinh nhật Đức Giêsu, Đức Maria im lặng “ghi nhớ những điều đó trong lòng” (Lc 2, 51); thật ra ngay sau khi được truyền tin, Đức Maria đã “vội vã” đi thăm bà Elisabeth, đem Đức Kitô đến cho Gioan lúc mới 6 tháng tuổi, và khi được bà Elisabeth khen là có phúc, Đức Maria đã cất cao lời ca Magnificat ngợi khen Thiên Chúa vì “đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50).
Sau này, khi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Giordanô, rồi khi Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời, nhiều người tưởng Gioan là Đức Kitô, nhưng ông đã xác nhận ơn gọi của mình: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Người” (Ga 3,28).
Về bản thân mình, so với Đức Kitô, ông Gioan đã khiêm tốn nói rằng: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3, 16). Ông đã giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1, 29). Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Trong khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi dân chúng “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 23), và đã kêu gọi vua Hêrôđê trở về nẻo chính đường ngay khi nhà vua lấy vợ của anh trai mình. Chính vì thế mà ông đã bị cầm tù, rồi bị chém đầu. Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.
Dòng nữ Biển Đức được thành lập ở Việt Nam từ năm 1954 tại Buôn Mê Thuật. Năm 1967, đan viện được dời về Thủ Đức theo yêu cầu của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nhà Mẹ tại Vanves (Pháp) do Mẹ Waddington Delmas sáng lập năm 1921. Châm ngôn: “Ora et Labora” (Cầu nguyện và Lao động) theo tinh thần của Thánh Phụ Biển Đức.
Các nữ tu Biển Đức tự giới thiệu mình như sau:
“Chúng tôi biết mình ở trong và giữa Giáo Hội, được mời gọi sống ơn gọi riêng của mình : Sống huynh đệ trong cộng đoàn; Sống Phụng vụ cho Giáo Hội và cho thế giới; Canh tân đời sống theo lời mời gọi của Tin Mừng. Ba lời khấn: Vâng lời, An định, và Hoán cải giúp chúng tôi sống triệt để theo Tin Mừng mỗi ngày một hơn. Như vậy, chúng tôi phải làm chứng về lòng tin, tuân giữ huấn lệnh của Thiên Chúa và đặt niềm hy vọng vào Đấng đã chết và đã sống lại ngang qua những thực tại trần thế”.
“Đời sống đan tu theo Tu luật Thánh Tổ Phụ Biển Đức làm cho chúng tôi gần gũi với tất cả những ai đang trên đường đi tìm Chúa; Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những ai chưa nhận biết Ngài”.
“Chúng tôi ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa không chỉ trong cộng đoàn mà thôi, nhưng còn trong các anh chị em tín hữu không cùng tôn giáo với chúng tôi. Việc tương quan với các tôn giáo khác đối với chúng tôi là một Lễ Truyền Tin, một cuộc Thăm Viếng, và khám phá ra Đấng đang hiện diện nơi người khác”.
“Đón tiếp khách là một trong những yếu tố của ơn gọi đan tu” (Tu Hiến Pháp, 24). Nhà khách của cộng đoàn chúng tôi luôn luôn mở cửa đón tiếp bất kỳ ai: linh mục, tu sĩ, giáo dân ; những người muốn đến có thể vài ngày hay một tuần, để tìm về cội nguồn đời sống thiêng liêng của họ, và đồng thời để nghỉ ngơi sau nhiều ngày tháng miệt mài trong công việc. Họ đến tìm gặp Chúa trong thinh lặng, ngõ hầu ở đó họ có thể tìm gặp lại sự bình an”.
Tại Việt Nam có 5 đan viện Biển Đức, trong đó chỉ có một Nữ Đan Viện Biển Đức tại Thủ Đức. Từ năm 2000, một số chị em Biển Đức từ Thủ Đức thay phiên nhau lên canh tác và xây dựng cộng đoàn tại vùng Lộc Nam. Ngày 10 tháng 01 năm 2015, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã ký quyết định cho phép thiết lập Đan viện Nữ Biển Đức tại Lộc Nam. Căn cứ Giáo luật, điều 609 § 2, để thiết lập Nữ Đan Viện này, còn phải có phép của Tòa Thánh.
Năm 2012, một Nữ tu dòng Biển Đức, Mẹ Dolores Bề trên Đan viện Regina Laudis ở Mỹ, đã giật giải Oscar về điện ảnh qua bộ phim “Thiên Chúa lớn hơn Elvis”. Trước khi là nữ tu, Mẹ Dolores đã từng là minh tinh Dolores Hart, một nữ diễn viên trẻ đang lên, đã đóng 11 bộ phim cùng với Elvis Presley, nhưng đã bỏ tất cả để đi tu trong Đan viện Biển Đức. Soeur Dolores đã khấn trọn đời năm 1970.
Lịch sử cuộc đời 4 Soeurs khấn trọn đời hôm nay có thể không giống như Soeur Dolores, nhưng một điều chắc chắn là 4 Soeurs đã xác tín rằng “Thiên Chúa lớn hơn tất cả”. Chúng ta chúc mừng các Soeurs và cầu nguyện cho các Soeurs trung thành với lời tuyên khấn.