LỄ THÁNH GIUSE 19.3.2012
Bổn Mạng Giáo phận Đà Lạt
Kỷ niệm một năm nhận giáo phận của đức cha An Tôn Vũ Huy Chương
Ngày 01.3.2011, Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Đà Lạt, kế vị Đức Cha Phêrô là người trước đó khoảng một năm, ngày 22.4.2010, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội. Khoảng 2 tuần sau ngày công bố việc bổ nhiệm, Đức Cha Phêrô đã lên đường nhậm chức tại Hà Nội ngày 07.5.2010.
Là Giám mục Giáo phận Hưng Hóa thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, ngay sau ngày được tin công bố làm Giám mục Giáo phận Đà Lạt (01.3.2011), tôi đã đi Hà Nội trình lên Đức Tổng, và có dịp trao đổi với ngài về ngày nhậm chức tại Đà Lạt. Theo Giáo luật, Giám-mục-được-thuyên-chuyển có thể nhậm chức Giáo phận mới trong vòng 2 tháng kể từ ngày công bố. Tuy nhiên, vì được biết Giáo phận Đà Lạt nhận Thánh Giuse làm Bổn Mạng, và vì gần đến Tuần Thánh, nên tôi đã sắp xếp đi Đà Lạt khoảng 2 tuần sau ngày công bố để nhậm chức trước lễ Thánh Giuse, ngày 17.3, đến nay đã được một năm.
Dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo hội nói chung, của Giáo phận chúng ta nói riêng, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn lành trong lịch sử Giáo phận trong hơn 50 năm qua, mà mỗi người, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ có thể cảm nhận được. Tuy nhiên điều mà Thiên Chúa muốn hơn cả là chúng ta cố gắng sống theo gương Thánh Bổn mạng.
Một đặc điểm nổi bật nơi Thánh Giuse là một con người nhạy bén trước thánh ý Thiên Chúa và kiên trì làm theo ý Thiên Chúa dù gặp thử thách, điều mà Thánh Kinh gọi là “người công chính”.
Thật vậy, Thánh Giuse nhạy bén, mau vâng ý Chúa, trong việc đón nhận Đức Maria về với mình (x. Mt 1,18-25); Thánh Giuse nhạy bén, mau vâng ý Chúa, trong việc cùng Đức Maria đi sang Belem (x. Lc 2,1-5); Thánh Giuse nhạy bén, mau vâng ý Chúa, trong việc đưa Đức Maria và hài nhi Giêsu trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-14); Thánh Giuse nhạy bén, mau vâng ý Chúa, trong việc cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu trở về đất Israel (x. Mt 2,19-23).
Thánh Giuse cũng giống như tổ phụ Abraham mà Thánh Phaolô đề cập đến trong bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Rôma: “Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin” (Rm 4,13).
Như thế, Thánh Giuse là con người của niềm tin và phó thác trong thinh lặng, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, một người đã được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria và được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.
Về sự thinh lặng của Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 nói: “Sự thinh lặng của Thánh Giuse không là dấu chỉ sự trống rỗng nội tâm. Trái lại đó là dấu chỉ sức sống trọn vẹn tràn đầy của đức tin ẩn chứa trong trái tim tâm hồn. Và từ nơi đó tuôn chảy ra cùng hướng dẫn những suy nghĩ cùng việc làm. Qua sự thinh lặng, Thánh Giuse cùng với Đức Mẹ Maria gìn giữ Lời Chúa, mà ngài đã học hỏi trong Kinh Thánh, và giúp ngài đối chiếu để nhận ra những sự việc trong đời sống Chúa Giêsu. Sự thinh lặng của Thánh Giuse thành hình trong liên lỉ cầu nguyện ca ngợi Thiên Chúa, trong sự suy ngắm tìm hiểu thánh ý Chúa. Không phải là phóng đại, khi nghĩ rằng, – theo bình diện suy nghĩ loài người – Chúa Giêsu do từ người cha Giuse, đã học được đời sống nội tâm mạnh mẽ sâu thẳm. Điều này là điều căn bản của sự công chính đích thực, sự công chính to lớn hơn ( Mt 5,20) mà Chúa Giêsu ngày nào đó sẽ chỉ dạy cho các Tông đồ” (Kinh truyền tin ngày 18.12.2005, Chúa Nhật 4 mùa Vọng).
Cuộc sống của thánh Giuse là cả một cuộc đời âm thầm, khiêm nhượng. Ngài đã tận tụy gìn giữ gia đình Nagiarét mà Chúa trao phó cho Ngài coi sóc. Sự tận tụy hy sinh của Ngài được thể hiện qua việc lo lắng cho Đức Mẹ và cho Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Ngài cũng lấy đức tin để soi chiếu vào mọi suy nghĩ và hành động của mình. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với sự hiền lành và khiêm nhượng.
Suốt cuộc đời dương thế, và ngày nay trên thiên quốc, Thánh Giuse vẫn đang tiếp tục sứ mạng của Ngài là bảo vệ thân thể nhiệm mầu của Chúa Cứu Thế là Giáo Hội, là Giáo phận chúng ta, là mỗi gia đình và mỗi người. Hãy luôn biết cậy trông vào sự bảo trợ của Ngài.
Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho mỗi người chúng con !
Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho mỗi gia đình chúng con !
Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho mỗi giáo xứ và giáo phận chúng con !
Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho Giáo hội tại Việt Nam và Giáo hội trên toàn thế giới!
Amen.