Thánh Matthêu viết: “Bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Người công chính là người được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người công chính còn là người được Thiên Chúa yêu thương vì luôn làm theo ý Thiên Chúa và sống theo Lề luật.
Thiên Chúa là Đấng công chính, nên khi xét xử theo công lý thì sẽ thưởng phạt con người cách công minh. Nhưng Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng thương xót, nên đã đối xử với con người theo lòng thương xót. Thánh Kinh mặc khải cho thấy Thiên Chúa đã dung hòa được công lý với lòng thương xót.
Chúng ta cùng suy nghĩ về trường hợp thánh Giuse là người công chính nhưng đã đối xử với Đức Maria theo lòng thương xót. Thật vậy, trong trường hợp Đức Maria “đã thành hôn” mà có thai trước khi về “chung sống với nhau”, thì vì lẽ công chính theo luật Môsê, ông Giuse được phép ly dị và có quyền tố cáo vợ ngoại tình với hình phạt ném đá đến chết. Nhưng vì lòng thương xót đối với Đức Maria mà ông biết là người thánh thiện, nên ông đã “định tâm bỏ bà cách kín đáo”, và khi được sứ thần cho biết “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20), “ông Giuse đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24).
Về việc dung hòa giữa sự công chính và lòng thương xót, trong bài giáo lý tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 3/2/2016, Đức Thánh Cha nói: “Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa có lòng thương xót vô hạn, nhưng cũng thực thi công lý hoàn hảo… Hai khái niệm xem ra mâu thuẫn, nhưng không phải thế, vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa dẫn đưa con người đến chỗ thực thi công lý đích thực… Chúng ta thấy rằng những người cho mình là nạn nhân chạy đến tòa án để đòi thực thi công lý. Đó là một nền công lý trừng trị, giáng phạt kẻ phạm tội… Nhưng con đường này không dẫn đến công lý đích thực, vì thực tế đã không thắng được điều ác… Chỉ khi dùng điều tốt đáp lại điều ác thì điều ác mới thật sự bị khuất phục”.
Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta là những người tội lỗi như thế. Ngài lên tiếng phân biệt phải trái theo lẽ công chính, nhưng luôn tha thứ cho chúng ta, giúp chúng ta đón nhận Ngài và ý thức điều xấu xa mình đã làm để thoát khỏi điều xấu. Thiên Chúa không kết án chúng ta, nhưng cứu rỗi chúng ta. Trái tim của Thiên Chúa là trái tim của một người Cha vượt ra khỏi khái niệm hạn hẹp của con người về công lý để mở rộng đến những chân trời bao la của lòng thương xót. Vì thế, Chúa Cha muốn chúng ta cảm nhận được lòng thương xót đó để chúng ta thể hiện lòng “thương xót như Chúa Cha”.
Người con trai hoang đàng đã phải gánh chịu những hậu quả xấu theo lẽ công chính, nhưng khi trở về nhà Cha đã được đối xử theo lòng thương xót (x. Lc 15, 11-32). Chúa Giêsu đã từng vạch rõ những sai trái của nhóm người gian dối vu cáo Chúa Giêsu, và sau đó còn đồng lõa với nhau loại trừ Người, nhưng trên thánh giá Người đã cầu xin Chúa Cha “tha cho họ” (Lc 23, 34). Chúa Giêsu cũng đã từng cảnh báo những sai trái của Phêrô và của Giuđa
(x. Ga 13, 21-27.38), nhưng Phêrô đã sám hối khi nhận ra lòng thương xót tha thứ của Người (x. Lc 22, 61-62), còn Giuđa thì không nên đã tự dẫn mình đến chỗ chết (x. Mt 27, 3-10). Ngày nay, người có tội bị kết án tử hình theo lẽ công chính, nhưng Giáo hội từng đề nghị loại bỏ án tử hình vì lòng thương xót, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Đó là cách dung hòa giữa công lý và lòng thương xót.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta gặp được trái tim của Chúa Cha khi đến tòa giải tội, để chúng ta hiểu rõ hơn tội của mình. Nhưng tại tòa giải tội, mọi người đều đi tìm một người cha cho chúng ta sức mạnh để bước tiếp, một người cha nhân danh Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta”. Đối với các linh mục, Đức Thánh Cha nói: “Cha giải tội có một trách nhiệm rất lớn… Anh em linh mục ngồi tòa giải tội là nơi mà Chúa Cha thực thi công lý bằng tấm lòng thương xót”.
Thánh Giuse là một mẫu gương dung hòa giữa lòng tôn trọng công lý và lòng thương xót. Như thánh Giuse, các Kitô hữu cũng là “người công chính” khi được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời được “công chính hóa” nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Thánh Giuse là người công chính giàu lòng thương xót, xin cầu cho chúng con !