LỄ THÁNH MONICA 27/8/2015
BỔN MẠNG GIỚI HIỀN MẪU
GIÁO HẠT BẢO LỘC
(Bài giảng của Đức Cha Antôn)
Chắc hẳn chúng ta đều biết tiểu sử Thánh Nữ Monica, mẹ Thánh Augustinô. Hôm nay tôi xin trích dẫn một vài đoạn trong cuốn Tự Thuật của Thánh Augustinô viết về mẹ mình.
Thánh Augustinô thuật về một giấc mơ của mẹ Monica như sau: “Rồi trong một giấc mơ bà có một thị kiến. Bà thấy mình đang đứng trên sàn gỗ. Một thanh niên có thể là một thiên thần đến với bà. Bà đang lo lắng cùng cực về tôi… Chàng thanh niên xin bà đừng lo lắng… và cho biết bà ở đâu tôi cũng ở đó. Bà coi lời nói của chàng như một bảo đảm trực tiếp từ Thiên Chúa là ngài đã nghe lời bà cầu xin cho tôi và mọi sự sẽ tốt đẹp… Trong khi đó người phụ nữ đạo đức và trung thành tiếp tục cầu nguyện cho tôi, với nhiều lạc quan hơn, tuy cũng còn nhiều đau khổ và khóc lóc vì cuộc sống của tôi. Và lời cầu của mẹ tôi đã được nhận lời, và một hôm tôi đã đứng tại chỗ bà đứng sau 9 năm phản loạn”.
Khi thấy con đã trở lại cùng Chúa, Mẹ Monica đã nói với con:“Augustin con của mẹ, mẹ không còn thấy thú vị gì khi sống ở trần gian này nữa. Thực ra mẹ không biết còn việc gì phải làm ở trần gian này, cũng không biết tại sao Chúa còn để mẹ ở đây trong khi mọi hi vọng đã thành sự thực. Chỉ một điều làm cho mẹ còn muốn sống lâu hơn là niềm hi vọng thấy con trở thành Kitô hữu thực trước khi mẹ chết. Bây giờ không những Chúa ban ơn cho mẹ mà còn ban hơn nữa là thấy con bỏ gian tà những ham hố trần gian và hiến thân phụng sự ngài. Vậy thì mẹ sống làm gì nữa ?”
Đặc biệt, hôm nay tôi muốn triển khai một điều về người mẹ Monica mà người con Augustinô đã viết như sau: “Một trong những gương mẫu của mẹ tôi là việc mẹ sử dụng lời nói chỉ để mang lại bình an. Mẹ chinh phục mẹ chồng khi không bao giờ nói xấu bà ta, ngay cả khi mẹ luôn bị chỉ trích nhiều, sau này bà mới biết, qua những tin đồn ác ý trong nhóm đầy tớ. Sự kiên nhẫn và miệng lưỡi dịu hiền đã chinh phục bà nội tôi. Qui luật của mẹ tôi là chỉ nói với người khác điều có thể làm cho hai người thù nhau giải hoà, không bao giờ làm cho người ta ghét nhau. Nếu bà nói riêng cho từng người đang tranh cãi, bà chỉ nói những điều tích cực và giúp ích mà người kia đã nói. Ðây là một nhân đức nhỏ. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy là, hầu hết người ta trong những trường hợp ấy, có lẽ đây là một trong những hậu quả của bản tính con người đã sa ngã, thường có khuynh hướng nói đến những điều xấu xa nhất họ được nghe và còn nói thêm nữa. Không có con đường hoà bình như đã nói, đúng hơn hoà bình là con đường”.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22/12/2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn chân thành và sâu sắc vì các sự kiện và tất cả những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã thực hiện thông qua sự phục vụ của Tòa Thánh, đồng thời khiêm tốn xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi lầm đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Sau đó ĐTC liệt kê 15 thứ bệnh mà những người phục vụ có thể mắc phải , trong đó có điều thứ 9 về bệnh “ngồi lê đôi mách, lẩm bẩm và nói hành”.
ĐTC nói: “Tôi đã nói nhiều về bệnh này nhưng sẽ không bao giờ nói cho đủ. Đó là một bệnh nặng nhưng khởi sự lại rất đơn giản bằng đôi ba chuyện phiếm, nhưng rồi làm cho con người thành kẻ gieo rắc cỏ dại (như Satan), và trong nhiều trường hợp, họ trở thành kẻ “sát nhân máu lạnh”, huỷ hoại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em mình… Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Anh em hãy làm mọi sự mà đừng kêu ca, hay phản kháng, để không có gì đáng trách mà sống tinh tuyền” (Pl 2,14-18). Hỡi anh em, chúng ta hãy giữ mình khỏi tật khủng bố người khác bằng việc nói hành nói xấu !”
Một dịp khác, ĐTC Phanxicô đã gửi một sứ điệp rõ ràng đến các bề trên của các dòng tu Ý khi các vị gặp nhau tại Vatican. Ngài nói với các vị rằng điều quan trọng là các cộng đoàn phải sống tình huynh đệ và không được nói xấu nhau. Đức Thánh Cha nói: “Một dấu chỉ rõ ràng mà đời sống tu trì phải thể hiện hôm nay chính là đời sống huynh đệ. Hãy vui lòng đừng để cho sự khủng bố của thói nói xấu xảy ra giữa anh em! Hãy ném nó đi! Mong cho ở giữa anh em là tình huynh đệ”.
Trong bài giảng sáng ngày 2/9, ĐTC Phanxicô nói về đoạn Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với dân làng Nazareth: Những người Nazareth mà Chúa Giêsu đã cùng lớn lên với họ, những người ngưỡng mộ Người nhưng đồng thời kỳ vọng những điều kỳ diệu nơi Người: họ muốn có một phép lạ để có thể tin vào Người. Và khi Chúa Giêsu nói với họ rằng họ không có đức tin, họ liền nổi cơn thịnh nộ, trục xuất Ngài ra khỏi thành, đưa Người lên đỉnh núi để xô Ngài xuống vực, ĐTC nhấn mạnh: “Một tình huống bắt đầu với sự ngưỡng mộ đã kết thúc bằng một hành động tội ác: họ muốn giết Chúa Giêsu. Bởi vì ghen tị và đố kỵ. Việc này không chỉ là điều đã xảy ra từ 2.000 năm trước: điều này vẫn diễn ra hằng ngày trong tâm hồn chúng ta, trong cộng đồng chúng ta…Việc bàn tán vô bổ thường trở thành nói xấu là một vấn đề xưa cũ nhưng lại rất hiện thực thường ẩn đàng sau cái đầu xấu xí của nó trong cuộc sống hằng ngày của con người. Những ai trong một cộng đoàn hay nói xấu về người anh em mình, tức các thành viên khác của cộng đoàn, là muốn giết chết họ… Chúng ta thường nói xấu, buôn chuyện. Nhưng biết bao lần cộng đoàn chúng ta, ngay cả gia đình chúng ta, đã trở thành địa ngục khi chúng ta ác độc giết người anh em mình bằng lời nói… Ghen tị có thể phá huỷ một cộng đoàn hay một gia đình khi chúng gieo sự dữ trong lòng mọi người và làm cho họ nói xấu nhau. Đó là hành động phá hoại”.
Tại Đại hội về Gia đình tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã huấn dụ rằng: “Trong đời sống hôn nhân cũng có những vấn đề. Luôn luôn có những cách nhìn khác nhau, những ghen tị, cãi cọ. Cũng phải nói với các đôi vợ chồng trẻ: đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà chưa làm lành với nhau. Chính nhờ biết làm hoà với nhau sau mỗi lần cãi vã, hiểu lầm, ghen ngầm, và kể cả phạm tội nữa, mà làm mới lại bí tích hôn nhân. Biết làm hoà với nhau sẽ mang lại sự hiệp nhất trong gia đình”.
Thời Hi Lạp cổ đại, triết gia Socrates là một người nổi tiếng về sự thông thái khôn ngoan và được nhiều người ngưỡng mộ. Một hôm có một người quen đến nói thì thầm vào tai ông rằng : “Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không ?”. Socrates liền nói : “Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét để sàng lọc ba bước về câu chuyện đó đã”. Người kia hỏi lại: “Xem xét để sàng lọc ư ?”. Socrates đáp : “Đúng vậy. Bước sàng lọc thứ nhất là XÉT VỀ SỰ THẬT: Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hoàn toàn chính xác hay không ?”. Người kia trả lời: “Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi”. Socrates liền nói: “Được rồi. Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai là XÉT VỀ THIỆN Ý: Điều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng biểu dương không ?”. Người kia trả lời: “Không phải điều tốt, mà còn ngược lại !”. Socrates tiếp tục: “Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không. Bây giờ là bước sàng lọc cuối cùng là XÉT VỀ ÍCH LỢI: Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không ?” Người kia đáp: “Không. Thực sự là không !”. Bấy giờ Socrates mới ôn tồn kết luận như sau : “Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì ông nói nó ra với tôi làm chi?”.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy trong cuộc sống thường ngày không được nói hành nói xấu tha nhân. Lý do có thể tóm gọn như sau : Một là hành động bất công khi lên án một người mà không cho họ bào chữa. Hai là hành động lỗi bác ái khi làm mất tình đoàn kết nội bộ và động cơ dẫn đến sự nói xấu thường do ích kỷ, tự mãn và ganh ghét những người hơn mình. Ba là hành động tội ác, nếu việc nói xấu đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho danh dự và uy tín của người bị hại. Đức Khổng Tử đã dạy học trò: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”(điều mình không muốn thì đừng làm cho người). Còn Chúa Giê-su thì dạy các môn đệ: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
Thánh Augustinô đã viết như sau: “Một trong những gương mẫu của mẹ tôi là việc mẹ sử dụng lời nói chỉ để mang lại bình an… Qui luật của mẹ tôi là chỉ nói với người khác điều có thể làm cho hai người thù nhau giải hoà, không bao giờ làm cho người ta ghét nhau.
Lạy Thánh Monica, xin cầu cho chúng con !