LỄ THÁNH SIMON HÒA
12.12.2014
(Bài giảng của Đức Cha Antôn trong thánh lễ mừng Bổn Mạng Chủng viện Đalạt, thánh Simon Hòa)
Hôm nay chúng ta lại có dịp ôn lại tiểu sử thánh Simon Hòa và hun đúc nhau sống tinh thần của vị Thánh Bổn Mạng.
1. Lược sử thánh Simon Hòa
Thánh Simon Phan Đắc Hòa sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên trong một gia đình không công giáo, cha mất sớm, được mẹ đưa đến giúp một gia đình công giáo ở làng Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị. Sống với người công giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà còn muốn phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện một thời gian, nhưng qua các cha đồng hành, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống và làm chứng tá ngay giữa lòng đời.
Hôm nay, những người đã từng sống chúng một mái nhà nơi đây có dịp gặp nhau, có người làm là linh mục, có người nhận ra ý Chúa muốn mình sống và làm chứng tá ngay giữa lòng đời.
Simon Hòa, tuy không làm linh mục, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện. Sau khi lập gia đình và trở thành cha của 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Sống đời giáo dân, ông Hòa hành nghề y sĩ. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội giúp đỡ người nghèo khó. Ngoài ra, ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua, yếu đuối, cô nhi, quả phụ.
Với đời sống đạo đức, ông lang y Hòa được đề cử làm Trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực thi chức năng một cách tốt đẹp. Khi vua Minh mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, Ông Trùm Hòa sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà. Tối 13/4/1840, đang khi đưa Đức cha De la Motte đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức Cha đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, cuối cùng điệu về Huế.
“Ai có thể làm chúng tôi xa lìa được lòng mến CK ? Phải chăng là gian truân, cùng khổ, đói rách, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,35). Ông Simon Hòa đã phải chịu khốn khổ kể từ khi bị bắt vì đức tin, về thân xác cũng như về tinh thần. Thế nhưng đối với các vị tử đạo, đau thương chính là thử thách các chứng nhân phải vượt qua, để có thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thật vậy, “trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng yêu mến chúng ta” (Rm.8, 37).
Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Trong niềm tín thác vào Thiên Chúa, ông đã toàn thắng ngày 10/12/1840 tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa. ĐTC Lêo XIII đã phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900. Ngày 19/6/1988, ĐTC Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
2. Noi gương thánh Simon Hòa
Thánh Simon Hòa để lại cho chúng ta tấm gương dứt khoát theo Chúa dù phải hy sinh nhiều, và quan tâm phục vụ những người nghèo khổ.
Riêng đối với những người muốn đáp lại lời mời gọi của Chúa trong đời sống và sứ vụ linh mục, chúng ta lắng nghe lời khuyên nhủ của ĐTC Phanxicô: “Cha muốn nói với các con một từ, đó là … niềm vui bước theo Chúa Giêsu; niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, không phải niềm vui của thế gian... Nhưng niềm vui nảy sinh từ đâu? Một số người sẽ nói: niềm vui nảy sinh từ những thứ mà ta có, và như thế chúng ta đi tìm kiếm mẫu điện thoại thông minh mới nhất, xe gắn máy nhanh nhất, xe hơi làm người ta chú ý nhất… Nhưng, thực sự, Cha nói với các con, Cha cảm thấy đau lòng khi một linh mục … với chiếc xe hơi mốt mới nhất ! không thể thế được!… Đối với một số người khác nữa, điều đó đến từ áo quần hợp mốt nhất, từ những cách tiêu khiển ở những nơi được ưa chuộng nhất… Chúng ta biết rằng tất cả chỉ là một niềm vui bề mặt, không phải là một niềm vui thâm sâu… Niềm vui đích thực và thâm sâu nảy sinh từ sự gặp gỡ, từ mối tương quan … Khi kêu gọi các con, Thiên Chúa nói với các con: “Con quan trọng đối với Ta, Ta yêu thương con, Ta hy vọng vào con”. Chúa Giêsu muốn nói điều này với mỗi người chúng ta! Chính từ đó mà nảy sinh niềm vui! Niềm vui từ giây phút Thiên Chúa đã nhìn tôi..., cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến …, cảm thấy rằng chính Ngài kêu gọi chúng ta. Chính niềm vui gặp gỡ Chúa và từ tiếng gọi của Chúa thúc đẩy chúng ta phục vụ Chúa trong Giáo Hội …
Cha nói với các con điều này: hãy ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng, nhưng để làm điều đó, các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Chúa Giêsu. Một khi đã đến gặp Chúa Giêsu thì không thể không đến gặp tha nhân để rao giảng Chúa Giêsu. Chúng đi đôi với nhau…
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ với tâm tình cầu nguyện cho nhau ra đi gặp Chúa và gặp tha nhân. Đó cũng là lời mời gọi của Mùa Vọng: sửa đường cho Chúa đến và cùng Chúa mang ơn cứu độ đến với mọi người. Sửa “đường” có nghĩa là xem lại từ khởi điểm đến đích điểm để điều chỉnh; “đường” còn có nghĩa là cách sống theo gương Đức Giêsu là “Đường”. Mẹ Maria là mẫu gương thưa “xin vâng” trước ý muốn của Thiên Chúa và mau mắn đem niềm vui cứu độ đến với tha nhân, cụ thể như vội vã đến với Elisabeth và ở lại 3 tháng để khiêm tốn phục vụ. Amen.