LỄ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
TU HỘI TRUYỀN GIÁO VINH SƠN
TẠ ƠN 60 NĂM
HIỆN DIỆN TẠI VIỆT NAM
Đà Lạt 27/9/2015
(Bài giảng của ĐC Antôn)
1. Những nét nổi bật trong đời sống Thánh Vinh Sơn
– Năm 1998, khi Đại Chủng viện Cần Thơ mở khóa cho các chủng sinh thuộc 3 giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Cha Giám đốc lúc đó là Cha GB Phạm Minh Mẫn (sau làm Hồng Y Tổng Giám mục Sàigòn) ngỏ ý mời các Sơ Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn phục vụ tại Đại chủng viện. Bề trên Tu hội cho biết: “Ơn gọi Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn là phục vụ người nghèo, nên không có ơn gọi phục vụ tại đại chủng viện”. Cha Giám đốc nói rằng: “Các Sơ cứ coi chúng tôi như người nghèo !”. Nể tình, các Sơ chỉ nhận lời làm việc một năm. Cuối năm học, Chủng viện chia tay các Sơ, một chủng sinh đại diện cám ơn đã nói rằng: “Các Sơ không giảng dạy gì, nhưng tinh thần phục vụ khiêm tốn của quý Sơ là một bài học sống động cho các chủng sinh”.
– Năm 2003, khi tôi về nhận giáo phận Hưng Hóa, chỉ có 24 linh mục phục vụ trên 200.000 giáo dân trên địa bàn 10 tỉnh Tây Bắc. Tôi nghĩ đến việc mời các linh mục dòng đến phục vụ, trong đó có một cha thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn. Tôi ngỏ ý mời ngài phụ trách một giáo xứ lớn nhằm ổn định giáo xứ này, nhưng ngài nói: “Ơn gọi của chúng con là phục vụ người nghèo. Xin Đức Cha cho coi một xứ nhỏ ở vùng có đông người nghèo !”. Nể tình, Cha vâng lời đi coi xứ lớn, sau đó bề trên cho thêm 3 cha nữa. Sau vài năm coi xứ lớn, cả 3 cha tình nguyện xin Giám mục đi phục vụ những người dân tộc thiểu số. Tôi thấy các cha thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn đã nêu gương cho mọi người về việc quan tâm đến người nghèo như thánh Vinh Sơn.
– Thật vậy, nét nổi bật nhất trong đời sống Thánh Vinh Sơn Phaolô là việc phục vụ người nghèo. Ngay từ hồi còn thơ ấu ngài đã là một con người giầu lòng thương xót. Có lần thu góp được 30 xu, số tiền đáng kể đối với một em bé chăn cừu, nhưng em đã tặng tất cả cho người nghèo. Sau này, khi làm linh mục, cha Vinh Sơn luôn rao giảng về lòng thương xót của Chúa và mời gọi mọi người sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
– Để có những người quan tâm đặc biệt đến người nghèo, năm 1617 Thánh Vinh Sơn đã thành lập các Hội Bác Ái để quy tụ giáo dân góp sức vào sứ mệnh phục vụ người nghèo; năm 1625, sáng lập Tu hội Truyền giáo để đào tạo các linh mục phục vụ người nghèo; năm 1633, cùng với Thánh Louise de Marillac thành lập Tu hội Nữ tử Bác ái để đào tạo các thiếu nữ lo cho người nghèo.
– Đối với Thánh Vinh Sơn, việc phục vụ người nghèo không những phải nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi người nghèo để giúp đỡ họ một cách cụ thể và thiết thực, mà còn phải xuất phát từ trái tim thấu hiểu hoàn cảnh của người nghèo để thông cảm với họ, để “trở nên mọi sự cho mọi người” như Thánh Phaolô tông đồ.
– Trong những năm gần đây gia đình Vinh Sơn đã thảo luận về cụm từ “thay đổi hệ thống” phục vụ người nghèo, “nhằm mục đích ngoài việc cung cấp thực phẩm, quần áo, chỗ ở và làm giảm bớt các nhu cầu trước mắt, còn cho phép tự chính dân chúng tham gia vào việc xác định các nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói nơi họ và tạo ra các chiến lược, bao gồm vận động, thay đổi những cấu trúc giữ họ trong nghèo đói”.
– Mặc dù thuật ngữ “thay đổi hệ thống” là tương đối mới, nhưng có thể khẳng định là Thánh Vinh Sơn Phaolô thực sự đã làm thay đổi hệ thống. Ngài không muốn hình thành một cộng đoàn tu sĩ sống trong một tu viện đóng kín. Cha Vinh Sơn thấy sự cần thiết phải thành lập một nhóm các linh mục và tu huynh, sống chung với nhau và cam kết đi ra ngoài “để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”. Đây là một hình thức thay đổi hệ thống để tạo ra một nhóm người nam dấn thân phục vụ người nghèo. Trong việc đào tạo các Nữ Tử Bác Ái, Cha Vinh Sơn đã tạo ra một hệ thống mới của người phụ nữ dấn thân, thậm chí không muốn gọi họ là tu sĩ. Bằng cách này, họ sẽ được tự do hơn để đi ra ngoài phục vụ người nghèo. Ông Frederic Ozanam thành lập Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô vào năm 1833. Mục tiêu ban đầu của hội là để cung cấp sự trợ giúp trực tiếp và ngay lập tức cho những người sống trong nghèo đói. Tuy nhiên Frederic cũng đã khẳng định điều này trong những năm đầu của Hội: “Bạn không được bằng lòng với việc cung cấp đồ dùng cho người nghèo qua cuộc khủng hoảng đói nghèo, mà bạn phải nghiên cứu tình trạng của họ và những bất công đã gây ra tình trạng nghèo khổ như vậy với mục đích cải thiện lâu dài”.
2. Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn: 60 năm hiện diện tại Việt Nam
– Thánh Vinh Sơn Phaolô chào đời năm 1581 trong một gia đình nông dân nghèo tại một làng quê miền Tây Nam nước Pháp, trong bối cảnh dân nghèo bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng, vì đa phần hàng giáo sĩ yếu kém lại chỉ lo chạy theo bổng lộc. Vinh Sơn đã gia nhập hàng giáo sĩ và lãnh chức linh mục trong bối cảnh đó. Nhưng chính khi tiếp xúc thực tế với giáo dân ở các giáo xứ nghèo, cha Vinh Sơn đã được ơn hoán cải và khám phá ra ơn gọi của mình: dấn thân rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần cha Vinh Sơn đã lập Tu Hội Truyền Giáo vào năm 1625.
– Năm 1949, khi đất nước Trung Hoa thay đổi thể chế chính trị, các linh mục Truyền Giáo buộc phải trở về Pháp, và trên đường trở về, các ngài đã ghé vào Việt Nam như một đoạn dừng chân nghỉ ngơi. Thế nhưng, các ngài đã nhận ra Việt Nam là một vùng đất thuận lợi cho việc truyền giáo và triển vọng có nhiều ơn gọi. Về lại Pháp, chỉ ít năm sau, các ngài đã quay trở lại Việt Nam. Năm 1955, nhà đầu tiên của Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn tại Việt Nam đã được thiết lập tại Đà Lạt. (Các Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn đến Việt Nam sớm hơn, từ cuối năm 1928).
3. Dưới triều Giáo hoàng Phanxicô, tinh thần Thánh Vinh Sơn mang tính thời sự
– Trong bài “Mười Điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô Muốn Bạn Biết”, điều thứ nhất mà tác giả John L.Allen đã đề cập đến là: “Một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Ông viết: “Vào ngày 16 tháng 3 năm 2013…, Đức Thánh Cha đã chia sẻ lý do ngài chọn tước hiệu Phanxicô là để tôn vinh vị thánh Phanxicô thành Átxidi, mà chuyện tình của thánh nhân với “Bà Chúa Nghèo” là một huyền thoại. Sau đó, Đức tân giáo hoàng đã phát biểu một câu ám chỉ toàn bộ chương trình lãnh đạo của ngài: “Tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo!” Vậy, điều đầu tiên Đức Phanxicô muốn bạn biết, đó là Chúa Kitô đến để ban tặng tình yêu và ơn cứu độ cho hết thảy mọi người, nhưng nhất là cho người nghèo… Ngày 19 tháng Ba năm 2013, Đức Phanxicô đã lấy mối quan tâm đến người nghèo làm chủ đề chính cho bài giảng thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của mình, khi khẳng định “sức mạnh đích thực là phục vụ”, đặc biệt phục vụ “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, và ít quan trọng nhất”. Như thế, ĐTC mong muốn việc hướng tới người nghèo phải là trọng tâm của vai trò Kitô giáo trong thế giới hiện nay”.
– Cho đến nay, dấu nhấn trong triều đại của Đức Phanxicô là hướng tới người nghèo và đề cao tư tưởng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngày 11/4/2015, áp lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, ĐTC đã ban hành tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, công bố việc thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 8/12/2015, và kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua, 20/11/2016.
– Thư Mục vụ của HĐGMVN gửi Công đồng Dân Chúa ngày 17/9/2015 vừa qua đã viết: “Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống… Vì thế, trong năm hồng ân này, anh chị em hãy …quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác” (Thư Mục vụ, số 2).
Kết:
Như thế, những nét nổi bật trong đời sống Thánh Vinh Sơn Phaolô vào thế kỷ 17 vẫn mang tính thời sự trong thế kỷ 21 mà ĐTC Phanxicô đã định hướng như “trọng tâm của vai trò Kitô giáo trong thế giới” và ngài muốn chúng ta là những người “làm cho sứ điệp đó trở nên đáng tin”, đó là quan tâm phục vụ người nghèo với “Dung Mạo Lòng Thương Xót”.