LỄ TIÊN KHẤN & MỪNG KIM KHÁNH
Dòng Cát Minh Têrêsa Đà Lạt
21/11/2017
Dựng vợ gả chồng là quy luật tất nhiên. Thế nhưng hôm nay chúng ta chứng kiến 2 cô gái đã đi ngược với quy luật và dòng chảy của cuộc đời nhân thế vì muốn “đính hôn” với Đức Kitô khi tuyên khấn lần đầu, và chứng kiến một nữ tu đã khấn lần đầu được 50 năm, sau đó đã kết hôn với Đức Kitô khi khấn trọn đời cách trọng thể.
Thánh Phaolô viết: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7, 32-34).
Như mọi người, những nữ tu này vẫn biết làm duyên làm dáng, và con tim của họ vẫn nồng nàn tình yêu, nhưng tình yêu của họ muốn dành cho “thần tượng Giêsu” chứ không phải cho một người nào đó, nhất là để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.
Những nữ tu này sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả việc không làm duyên làm dáng, không son không phấn, thậm chí sống trong 4 bức tường của đan viện và chấp nhận vác thập giá đi theo Người để hy sinh cầu nguyện cho Giáo hội và cho thế giới.
Thánh Lễ Khấn Dòng hôm nay được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ; đây là dịp tốt để chúng ta chiêm ngưỡng Đức Mẹ như một mẫu gương cho các Kitô hữu nói chung, cho các tu sĩ nói riêng.
Bài Tin Mừng (Mt 12, 46-50) thuật lại việc Chúa Giêsu đang nói với đám đông thì “có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.”
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã xác định người thân của mình là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó cũng là định nghĩa chính xác nhất của người môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu đã không định nghĩa người thân của mình, môn đệ của mình, người theo mình, hay người Kitô hữu là người đã được rửa tội, được khấn dòng hay được truyền chức thánh, nhưng cơ bản là người biết quan tâm thực hành ý muốn của Thiên Chúa.
Cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc hành trình cảm nhận và thi hành thánh ý Chúa với trọn niềm tin yêu. Đức Mẹ ý thức mình thuộc về Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương mình, để rồi từ đó muốn sống trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa qua việc dâng mình cho Chúa, luôn làm theo những gì Thiên Chúa muốn. Mặc dù cuộc đời Mẹ phải trải qua những bước thăng trầm sóng gió, nhưng Mẹ đã luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” nhằm nhận ra thánh ý Chúa và “xin vâng”. Điều đó đã giúp Mẹ đồng hành với Chúa Giêsu trên đường khổ giá, giúp Mẹ bày tỏ tình yêu thương với tất cả mọi người. Mẹ đã không dừng lại nơi tình mẫu tử ruột thịt, nhưng đã sống tình mẫu tử thiêng liêng gắn liền với thánh ý của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý trọng họ như những người có liên hệ huyết nhục với Người. Khi hỏi và trả lời “Ai là mẹ tôi và anh em tôi?”, Chúa Giêsu có ngầm ý ca tụng Người Mẹ đã sinh ra Người và đồng thời đã thi hành ý muốn của Chúa Cha.
Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa người nghe đến việc so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng như không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ theo huyết thống, Chúa Giêsu muốn đưa mọi người nghe đến một mối liên hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt. Các tu sĩ luôn yêu mến cha mẹ và anh chị em trong gia đình ruột thịt của mình, nhưng cũng muốn thi hành ý Thiên Chúa khi tự nguyện sống trong một gia đình mới tại đan viện.
Nhưng trong cuộc sống cụ thể, mỗi người chúng ta đã thi hành thánh ý Chúa chưa? Nhìn lại, phải thú nhận rằng: thường chúng ta hay làm theo ý riêng hơn là theo ý Chúa. Có những lúc chúng ta biết đó là điều không hợp ý Chúa, vậy mà chúng ta cứ vẫn làm; cũng có những lúc chúng ta biết Chúa muốn cho chúng ta làm thế này, nhưng chúng ta vẫn lại làm thế khác. Chính vì thế mà mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa vẫn còn lỏng lẻo và vẫn còn là thứ yếu trong cuộc sống.
Thánh Phanxicô đệ Salê nói: “Làm theo thánh ý Chúa chưa đủ, còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình nữa”.
Thánh nữ Gertrudê mỗi ngày đọc 365 lần lời nguyện tắt: “Nguyện cho ý Cha nên trọn”. Một hôm Chúa hiện ra cho phép chị chọn khỏe mạnh hay đau ốm, chị thánh thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con rất ước ao xin Chúa đừng làm theo ý con, nhưng theo ý Chúa”.
Thánh Felix là một tu sĩ sống tại Rôma, miệng luôn thốt lên lời “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa). Vì thế các trẻ em ở Rôma vừa thấy thầy từ xa đã bảo nhau: “Đó là ông thầy Deo gratias” và khi gặp thì chào: “Chào thầy Deo gratias”. Thật vậy, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica, Th.Phaolô viết: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều TC muốn trong ĐKG” (1 Th 5,18).
Sebastian Bach là một nhạc sĩ Công giáo lừng danh người Đức, khi về già lâm phải căn bênh trầm trọng có thể gây ra chứng mù lòa. Một hôm, người bạn đến báo tin có một bác sĩ giỏi về nhãn khoa mới tới thành phố, và ông ta sẵn sàng giải phẫu mắt cho nhạc sĩ. Nhạc sĩ vui mừng nói với người bạn: “Xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tôi sẵn sàng”. Công việc chữa trị được tiến hành, nhưng 4 ngày sau, khi mở băng, nhạc sĩ đã nói: “Xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả”. Mọi người nghe vậy thì bật khóc, nhưng nhạc sĩ đã cất tiếng cười vang: “Ơ hay, tôi đã bảo là xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa mà. Nào, xin mọi người hãy hát lên bản nhạc mà tôi thích nhất, đó là bài: những điều Chúa làm, Ngài đều biết rõ!”.
Hôm nay chúng ta chứng kiến việc Chúa đã làm nơi đan nữ Marie Elisabeth Lê Thị Vui trong 50 năm qua, nơi hai đan nữ trẻ Marie Jeannine Thánh Giuse Nguyễn Thị Thu Hà và Marie Lucie Chúa Giêsu Nguyễn Thị Truyền. Nào chúng ta cùng hiệp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho 3 đan nữ này, cho các đan nữ Cát Minh và cho tất cả chúng ta nhận ra và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống và biết dâng lời cảm tạ trong mọi hoàn cảnh.
Chúng ta cùng noi gương Mẹ Maria cất cao lời ca: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần khí tôi hớn hở trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Amen.