LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ
20/11/2015
Khoảng năm 1965, tôi chứng kiến một linh mục nói nặng lời với một ông trùm họ, và nghe ông trùm nói với linh mục đó rằng: “Con còn nể Cha vì Cha có 7 chức thánh”. Vậy, bảy chức thánh là những chức nào ?
Chúng ta biết rằng trước Công đồng Vatican II (1962-1965), người ta thường nói đến “7 chức”: 4 chức nhỏ (chức 1: giữ cửa, chức 2: đọc sách, chức 3: trừ quỷ, chức 4: giúp lễ); và 3 chức thánh (chức 5: phụ phó tế, chức 6: phó tế, chức 7: linh mục).
Sau CĐ Vatican, đã bỏ 4 chức nhỏ và chức 5, thay vào đó là 2 tác vụ: đọc sách và giúp lễ, và 3 chức thánh: giám mục, linh mục, phó tế. Vậy mà hiện nay vẫn có người gọi thầy phó tế là “thầy sáu” theo kiểu xưa !
Tuân theo chỉ thị của Công đồng về việc duyệt lại nghi thức phong chức “cả về nghi lễ lẫn các bản văn”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành sách Nghi thức mới ngày 18/6/1968. Hai mươi năm sau đó, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xuất bản một ấn bản mới ngày 29/6/1989, với một vài thay đổi chi tiết tuy nhỏ nhưng mang khá nhiều ý nghĩa.
– Về tựa đề: “Việc phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế”, thay cho tựa đề trước đây “Việc phong chức Phó tế, Linh mục và Giám mục”. Như vậy là có sự đảo ngược thứ tự. Trước đây, thứ tự tính từ dưới lên trên: trước hết phải lãnh chức phó tế, rồi sau mới đến chức linh mục và giám mục; xem ra đây là thứ tự của việc thăng quan tiến chức! Bây giờ thứ tự từ trên đi xuống: giám mục, linh mục, phó tế; đây là thứ tự thần học. Chắc cũng vì lý do đó mà hiện nay, thay vì dùng từ “phong chức”, người ta thường dùng từ “truyền chức” (là từ đã được dùng lâu nay trong kinh 7 bí tích: thứ sáu là Phép Truyền Chức Thánh).
– Theo Thần học hiện nay về bí tích Truyền Chức, chỉ có một Bí tích Truyền Chức nhưng có ba cấp bậc :
+ Giám mục: là người có chức thánh đầy đủ nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay “tông truyền”.
+ Linh mục: là cộng sự viên của giám mục, được tham dự vào sứ mạng mà Đức Kitô đã trao cho các tông đồ và những người kế vị các tông đồ.
+ Phó tế: là người được đặt lên, không hẳn để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng để phục vụ (“phục vụ” tiếng Hy Lạp là “diaconos”, tiếng Việt gọi là “phó tế”). Phận vụ của Phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là Thánh Lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, rửa tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ toạ lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái.
Có hai loại Phó Tế: Phó Tế “vĩnh viễn” có thể được ban cho người nam có gia đình (hiện nay chưa có tại Việt Nam), và Phó Tế “chuyển tiếp” được ban cho những người nam chuẩn bị chịu chức linh mục. Hôm nay chúng ta có thêm 10 Phó tế thuộc Giáo phận Đà Lạt và 01 Phó tế thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, sẽ được truyền chức linh mục trong một tương lai gần.
Trong nghi lễ truyền chức Linh mục và Phó tế, trước khi được đặt tay và truyền chức, các thầy công khai hứa vâng phục giám mục và bề trên hợp pháp (nếu là tu sĩ). Vào thập niên 70, tại Hoa Kỳ có phong trào phản chiến (chống chiến tranh tại Việt Nam), người ta thuật lại rằng: có một chủng sinh tham gia phong trào này và đã được Giám mục Giáo phận yêu cầu không được làm chính trị; thầy gặp riêng ĐGM và hứa vâng lời, nên ĐGM đã gọi chịu chức Phó tế. Nhưng ngay trong nghi lễ truyền chức, khi ĐGM hỏi: “Con có hứa vâng phục Cha và các Đấng kế vị Cha không ?”. Thầy trả lời: “Còn tùy” ! Tất nhiên, ĐGM phải ngưng việc truyền chức cho thầy, ngay trong Thánh Lễ Truyền Chức !
Trước khi gọi chịu chức, ĐGM còn phải xem xét những nhận định của Chủng viện về các thầy, cũng như những nhận định của các nơi đã được thông báo (rao), cụ thể là tại giáo xứ gia đình và các giáo xứ mà thầy đã giúp. Nếu có ngăn trở trầm trọng, thì dù sắp tới ngày lễ truyền chức, cũng phải ngưng ngay để cứu xét. Thậm chí có những trường hợp, sau khi đã cứu xét cẩn thận và bàn hỏi với các vị hữu trách về một thầy mà “bản chất” không đủ điều kiện để làm linh mục, chứ không phải chỉ vì một sự kiện nào đó thôi, thì ĐGM phải can đảm quyết định chuyển hướng cho thầy đó, vì ngài phải lãnh trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Tôi xin kể một trong những trường hợp mà tôi đã từng biết về một thầy có tật uống rượu say xỉn ! Thầy đã được nhắc nhở nhiều lần, và vì thấy có dấu hiệu tiến bộ nên đã được truyền chức Phó tế, nhưng phải đi thử thách 2 năm tại 2 giáo xứ khác nhau. Trong 2 năm đó, thầy không uống một ly nào ! Nhưng ngay sau khi được truyền chức linh mục vào buổi sáng, thì buổi chiều tân linh mục đã uống rượu mừng và tuyên bố: “Từ nay tớ sẽ uống thả dàn !”. Thầy Phó tế đó đã “nín thở qua cầu” để được tiến chức ! Và linh mục đó đã chết sớm vì bệnh sơ gan !
Về việc phục vụ, trong bài Tin Mừng vừa nghe đọc (Mt 20,25-28), Đức Giê-su dạy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Trong tuần tĩnh tâm vừa qua, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phó giáo phận Xuân Lộc, đã chia sẻ với chúng tôi về “Hành trình làm môn đệ theo Tin Mừng Thánh Marcô”, với chủ đề “Linh mục hăng say nhiệt thành”. Đức Cha Giuse đã nhắc tới lời của Đức Cha Chủ tịch HĐGM Phi Luật Tân nói rằng: “Giáo hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu linh mục nhiệt thành”. Đức Cha Giuse giải thích thêm: hăng say nhiệt thành ở đây là vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, chứ không phải vì tình cảm (thích thì làm, không thích thì thôi, kể cả việc làm lễ). Đức Cha Giuse cũng nhắc tới lời của ĐTC Bênêđíctô 16 nói rằng: “Giáo hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chung chung, nhưng cần những linh mục, tu sĩ hạnh phúc trong ơn gọi của mình”. Hạnh phúc ở đây là hạnh phúc vì được Chúa Giêsu mời gọi cộng tác đặc biệt với Người trong sứ vụ nói về Thiên Chúa, mời gọi mọi người đón nhận Tin Mừng để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Cha Giuse cũng gợi ý cho chúng tôi suy nghĩ thêm: Khi người phục vụ làm một việc tốt, thì phải chọn lựa làm với mục đích nào ? Làm việc đó nhằm vinh danh Chúa hay nhằm vinh danh bản thân khi chỉ nghĩ đến cái “tôi” của mình ? Tôi nhớ lại lời Thánh Phaolô dạy phải “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12. 14). Nhưng thực tế, “khóc với người khóc” xem ra dễ, vì mình vẫn hơn người kia; nhưng “vui với người vui” thì thật khó, vì mình không muốn thua người kia ! Người phục vụ mà ghen tị với người khác là dấu hiệu người đó chỉ nghĩ đến “cái tôi”, chứ không phải nghĩ đến Chúa, đến ích chung của cộng đoàn, nghĩa là không phục vụ theo như ý Chúa muốn.
Giờ đây, chúng ta bước vào nghi lễ Truyền Chức Phó tế với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho hàng giáo sĩ trong Giáo phận nhà, cách riêng cho các thầy sắp lãnh nhận chức Phó tế để phục vụ ơn cứu độ của Thiên Chúa.