(gpquinhon.org) Thứ bảy – 06/04/2013 09:27
Lm. Giuse Nguyễn Bá Trung
Lễ Truyền Tin được mừng kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu. Nhưng năm nay vì ngày 25 tháng 3 rơi vào ngày thứ hai Tuần Thánh nên Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ truyền tin vào ngày hôm nay (ngày 8.4), sau tuần Bát Nhật Phục Sinh.
Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.
Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin Chúa” (Annuntiatione Domini) vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức Trinh Nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.
Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adam và Evà mới thay thế cho Adam và Evà cũ đã phạm tội.
Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa Đàng xưa: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người” (St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.
Ngày lễ truyền tin hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe ba bài Kinh Thánh có liên kết chặt chẽ với nhau.
Bài đọc 1 trích sách tiên tri Isaia, trong bối cảnh đất nước Do Thái đang bị ngoại bang dòm ngó tiêu diệt, dân đã kêu cầu, mà xem ra Chúa chẳng nghe, vua Achaz đã thất vọng, nên đã bỏ Chúa, chạy sang liên minh với lân bang, mong sẽ được an toàn đất nước. Nhưng tiên tri Isaia vẫn tin tưởng vào Chúa, ông biết Thiên Chúa sẽ can thiệp lúc nào, cách nào là tùy ở Chúa và cái dấu chỉ mà Thiên Chúa sẽ can thiệp đó là lời sấm: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Con trẻ mà dân Do Thái mong đợi ấy chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, mà Ngài sẽ hiến dâng thân mình làm lễ tế đền tội. Và Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, thôn nữ nghèo nàn tại làng Nadaret, mà Thiên Chúa đoái thương sai sứ thần Gabriel đến truyền tin, mời gọi Đức Mẹ cộng tác, và Mẹ đã “Xin vâng”. Một lời “Xin vâng” trong phó thác và khiêm tốn. Nhờ đó, Mẹ đã trở thành Đấng Đồng Công cứu chuộc nhân loại. Mẹ đã trở nên Evà mới cộng tác với Con mình là Adam mới, kiến tạo một nhân loại mới là Giáo Hội của những người được cứu chuộc.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay chúng ta lưu ý đến thái độ của Đức Mẹ trong cung cách Mẹ nói lời “Xin vâng” với Thiên Chúa để nhận lời cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng trinh khiết hầu ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lập lại lời sứ thần Gabriel chào Đức Ma-ri-a khi mở đầu cuộc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Đây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa và có giá trị nhất cho một con người.
Quả thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở cùng, của người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sau khi nghe Sứ thần Gabriel trình bày thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Mẹ cộng tác vào việc cứu độ trần thế bằng cách mang lấy Con của Người trong lòng mình, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Mặc dầu chưa hiểu hết ý định và chương trình của Thiên Chúa, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Maria đã thưa lời “Xin vâng” và đón nhận tất cả, đón nhận ý Chúa làm ý mình để chương trình tình yêu của Thiên Chúa được thực hiện.
Với lời “Xin vâng” của thôn nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mở đầu công cuộc cứu rỗi trần gian. Thôn nữ Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế qua thái độ khiêm nhường khi đáp lời “Xin vâng” phát xuất từ lòng tin của mình. Lời “Xin vâng” của Mẹ là cửa ngõ dẫn vào ơn cứu độ. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật.” (Gl 4, 4). Mẹ thưa“Xin vâng” là Mẹ đón nhận công việc mở cửa cho ơn cứu độ tuôn tràn đến với nhân loại.
Nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ Maria, Đức Giêsu đã đến trần gian, khai mở cho nhân loại một thời đại mới, thời đại của tình yêu cứu độ. Đức Giêsu đã đến phá tan bức màn đêm tăm tối, mở ra một bầu trời hy vọng cho nhân loại. Nhờ lời xin vâng của Mẹ, lịch sử nhân loại bước sang trang mới, mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên hồng ân cứu độ.
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Bằng niềm tin và sự vâng phục, Mẹ đã tự do cộng tác vào công trình cứu độ. Từ lúc nhận lời Sứ thần truyền tin với lời “Xin vâng” đầu tiên, Mẹ đã sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Qua từng biến cố, Mẹ đã liên tục thưa những tiếng “Xin vâng”, để cùng với Chúa Giêsu tiến bước trong hành trình đức tin với lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha, để cuối cùng là lời “Xin vâng” hiệp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6 – 7 )
Với lời “Xin vâng”, Mẹ Maria quả thực đã trở thành người đầu tiên trong nhân loại nói lên sự vâng phục trọn vẹn đối với Thiên Chúa. Trong khi trần thế vui mừng vì hy vọng được tha thứ nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ, thì Mẹ Maria lại nghĩ đến những đòi hỏi gắt gao của lời xin vâng đó. Mẹ biết lời xin vâng ấy sẽ dẫn đưa Mẹ trên con đường hy sinh, nhưng vì yêu nhân loại và khát khao làm vimh danh Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận tất cả để chương trình cứu độ được nên hoàn tất.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hai tiếng xin vâng nói thì dễ dàng, nhưng để sống và thực hiện trọn vẹn lời ấy không đơn giản chút nào. Là những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi theo bước chân Mẹ, xin vâng theo thánh ý Chúa. Như Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi thưa lời xin vâng, không những trong một ngày nhưng trong suốt cuộc hành trình đức tin trên dương thế. Nói lời xin vâng không chỉ lúc thuận tiện nhưng cả những lúc gian nan thử thách, không chỉ lúc an vui hòa thuận, mà cả những lúc đau thương khốn khó… Khi chúng ta nói lên lời xin vâng như Mẹ, chúng ta sẽ cưu mang Chúa trong lòng để chia sẻ với những người chung quanh.
Chúng ta có thể nói: Nếu có một chân lý nào được gọi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Mẹ, thì chân lý quan trọng đó là câu “Xin vâng theo thánh ý Chúa”. Cũng vậy, nếu có một chân lý nào được coi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Giêsu, thì chân lý quan trọng ấy cũng là “Con đến để làm theo ý Cha”. Vậy, nếu Chúa Giêsu, nếu Đức Mẹ đã chọn chân lý cho đời sống mình là “Vâng theo thánh ý Chúa”, thì chân lý ấy cũng phải là một chân lý quan trọng nhất của đời sống tất cả chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta, dù làm gì, chúng ta luôn biết làm theo thánh ý Chúa, tức là luôn sống đúng và làm đúng với Tin Mừng của Chúa. Amen.
Nguồn tin: Gpquinhon.org