LỄ TRUYỀN TIN 2014
(Lễ Nhậm chức Quản xứ Kađô – Lạc Hòa)
Mỗi lần đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel chào Ðức Maria khi mở đầu cuộc truyền tin: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà”. Ðây là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất và cũng là lời chúc phúc có giá trị nhất đối với con người. Theo cách trình thuật của Thánh Luca, Đức Maria được ví như “thiếu nữ Sion” trong sách ngôn sứ Sôphônia (x. Xp 3, 14-17)): nói đến Sion là nói đến quả đồi lịch sử tại Giêrusalem, thủ đô nước Do Thái, là nói đến toàn dân Israel trong Cựu Ước và dân Israel mới là Giáo hội, là gia đình nhân loại.
Thật vậy, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc được Thiên Chúa ở cùng. Theo sau lời chúc phúc cũng là lời báo cho Ðức Maria biết tình trạng ân sủng tuyệt vời của Người: Ðức Maria sẽ thụ thai Con Thiên Chúa. Ðây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Người phải bối rối. Thiên Chúa rất tế nhị khi giải đáp thắc mắc của người thiếu nữ, đã chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,35.37). Câu trả lời này mang lại cho Ðức Maria sự bình an sâu thẳm. Ðức Maria đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho Người. Ðức Maria đã tiếp nhận được điều chính yếu trong sứ điệp Truyền Tin, đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp đó và sẽ cống hiến hết mình cho điều mình xác tín.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gửi sứ điệp có liên quan đến công cuộc cứu độ của Người. Trong cái đại dương thông tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, cung cách giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng với từng đối tượng mà Người muốn ngỏ lời. Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp Truyền Tin cho Ðức Maria. Nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta. Nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa, thì Người sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và có thể Người sẽ đưa ra cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố lòng tin của chúng ta. Ðến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria ngày xưa.
Có những lúc chúng ta đã nghe được tiếng Chúa gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, ngần ngại không dám tiến thân. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền Tin, chúng ta hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa.
Nếu một lần trong lịch sử đã không có một tiếng “Xin Vâng”, thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Là sẽ không có lễ Giáng Sinh, sẽ không có lễ Phục Sinh, sẽ không có một niên lịch phụng vụ thánh; là sẽ không có Chính thống giáo, Tin lành, Anh Giáo, Công giáo… gọi chung Kitô giáo; là sẽ không có thánh giáo phụ, thánh hiển tu, thánh đồng trinh, thánh tử đạo, các thánh nam nữ; là sẽ không có đức giáo hoàng, viện phụ, hồng y, giám mục, mục sư, linh mục; là sẽ không có dòng tu, không có thánh đường, tu viện…
Vì Mẹ đã nói “Xin Vâng” với Chúa; đó là tiếng “Xin Vâng” thành lời. Nhưng cũng có tiếng “Xin Vâng” không thành lời, đó là thái độ “Xin Vâng” của Thánh Giuse, tức là sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa, sự ưng thuận đến quên mình. Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “Xin Vâng” của Đức Maria. Chúng ta có thể nhận ra rằng: để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời “Xin Vâng” chứ không phải một: lời thưa “Xin Vâng” trong ngày truyền tin và hành động “Xin Vâng” của thánh Giuse khi đón Đức Maria về nhà mình.
Hôm nay Cha tân quản xứ Kađô, mà giáo dân giáo xứ Đạ Tông yêu mến biết ơn, đã nói lời “Xin Vâng” với Thiên Chúa qua Hội Thánh địa phương. Hôm nay giáo xứ Kađô biểu lộ thái độ đón nhận Cha tân quản xứ bằng việc tổ chức đón ngài về nhà mình.
Đức Maria đã thưa lời “Xin Vâng” và Thánh Giuse đã hành động “Xin Vâng” để cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc sinh hạ Đấng Cứu Thế, làm cho “Thiên Chúa ở cùng” nhân loại một cách cụ thể, đem lại hạnh phúc cho mọi người. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc: Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Cũng thế, lời “Xin Vâng” của Cha tân quản xứ và hành động “Xin Vâng” của giáo xứ nhằm mục đích cùng nhau cộng tác với Chúa Thánh Thần để đem Chúa Giêsu đến cho mọi người tại vùng đất này.
Lời “Xin Vâng” của Đức Maria không phải chỉ dừng lại ở ngày truyền tin, nhưng nó được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của Mẹ: “Xin Vâng” trong những ngày sinh con, không mái nhà trú trọ, phải sinh trong một chuồng súc vật thấp hèn; “Xin Vâng” trong những ngày di cư tránh nạn bên Ai Cập, không chốn tựa nương nơi đất khách quê người; “Xin Vâng” trong những ngày làm lụng vất vả tại làng quê Nazareth; “Xin Vâng” trong những ngày khổ đau, khi thấy Con kiệt sức vác thập giá trên đường lên Núi Sọ; “Xin Vâng” trong những giờ phút vô cùng đau đớn, khi nhìn Con chết tức tưởi như một tội nhân trên thập giá. Nhưng với tất cả tâm hồn của một người mẹ can đảm, Mẹ Maria đã “Xin Vâng” và không bao giờ hối tiếc vì đã “Xin Vâng”. Có thể nói tóm lại cả cuộc đời của Mẹ là lời “Xin Vâng” thánh ý của Thiên Chúa một cách trọn hảo.
Chính khi vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, Đức Maria đã tiên báo và nên một với thái độ vâng phục của Đức Giêsu, Đấng mà lúc vào trần gian đã thưa rằng: “Này con xin đến… để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 5 – 7).
Sự vâng phục của Đức Maria cũng loan báo tâm tình vâng phục của Đức Giêsu trong suốt sứ vụ công khai cho đến núi Calvariô. Sau này đức Giêsu nói: “Lương thực của Thầy là làm theo thánh ý của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công tác của Người” (Ga 4, 34). Đặc biệt trong vườn Giệtsimani, đứng trước cái chết gần kề, Chúa Giêsu đã lo sợ đến toát mồ hôi máu, nhưng Ngài vẫn thưa lên cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn , xin tha cho Con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Lời “Xin Vâng” của Mẹ Maria khiến Mẹ trở nên một với Chúa Giêsu, đã mở được cánh cửa ơn cứu độ cho mọi người và đã mang Đấng Cứu Thế đến cho thế giới.
Mừng lễ Truyền Tin hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta theo gương “Xin Vâng”: Của Đức Mẹ, của Thánh Giuse, và nhất là của Con Thiên Chúa Làm Người.
Mỗi khi chúng ta vui vẻ chu toàn bổn phận, vâng lời bề trên, trung thành vâng giữ các giới luật của Chúa và Hội Thánh, can đảm đón nhận những khó khăn thử thách trong đời sống gia đình, chính là lúc chúng ta noi gương Thánh Gia, cộng tác vào kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa để sinh ích cho mình và cho tha nhân .