LỄ TRUYỀN TIN 2018
Bài giảng lễ Truyền của ĐC An-tôn tại giáo xứ La Vang, Đambri ngày 9/4/2018
Khoảng chín tháng trước ngày lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin, ngày mà sứ thần đến báo tin cho Đức Trinh Nữ Maria biết ý định của Thiên Chúa muốn chọn Đức Maria làm Mẹ Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Đức Maria đã đáp lại lời Chúa bằng hai tiếng “Xin Vâng”; nhờ thưa “Xin Vâng” mà “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng ta”.
Khi đọc 2 chương đầu Phúc Âm theo thánh Luca, người ta dễ nhận ra việc thánh Luca muốn trình thuật song song hai sự kiện: truyền tin cho ông Dacaria và cho Đức Maria; sinh nhật Gioan Tẩy giả và sinh nhật Chúa Giêsu. Hai sự kiện này có những điểm giống nhau và khác nhau, ngụ ý làm nổi bật vai trò của Đức Giêsu và Đức Maria.
Riêng về sự kiện truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria, chúng ta có thể ghi nhận rằng:
– Ông Dacaria và bà Elisabeth là hai vợ chồng già, son sẻ, bị người đời coi là vô phúc, nên mong có con trai để nối dõi tông đường. Còn Đức Maria là một thiếu nữ trẻ, muốn cùng với anh Giuse sống trong nhóm ít người thời đó tự nguyện son sẻ, dù bị người đời coi là vô phúc, nhưng giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng sẽ chúc phúc cho dân Chúa bằng việc ban Đấng Mêsia (Kitô) mà muôn dân mong đợi.
– Ông Dacaria được sứ thần Gabriel truyền tin trong ngày ông đến lượt dâng hương trong Đền Thờ. Còn Đức Maria được sứ thần Gabriel đích thân đến tận nhà tại Nazareth.
– Ông Dacaria thấy sứ thần thì hoảng sợ. Còn Đức Maria thì ngạc nhiên khi nghe sứ thần chào: “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”.
– Ông Dacaria được báo tin là vợ ông sẽ sinh con trai và “em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa”. Còn Đức Maria được báo tin sẽ sinh con trai là “Con Đấng Tối Cao… Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
– Phản ứng của ông Dacaria là không tin, nên bị câm cho đến khi vợ ông là Elisabeth sinh con. Còn Đức Maria, tuy không hiểu sao mình có thể sinh con vì “không biết người nam” – có bản dịch là vì “không biết đến việc vợ chồng” – nhưng đã tin và thưa “Xin Vâng” khi sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Chiêm ngắm cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Đức Maria, ta thấy TC chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. TC chọn Đức Maria vì Ngài muốn chọn theo sự tự do của Ngài, nhưng cũng vì Đức Maria có tâm hồn khiêm tốn tự do đón nhận.
Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng”, nghĩa là đã tự nguyện cộng tác vào công cuộc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và vâng phục ý Thiên Chúa. Nhiều thánh Giáo Phụ đã không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Eva, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria ; điều mà Eva đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”. So sánh với Eva, các Giáo phụ còn quả quyết rằng: “Bởi Eva đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”.
Thật ra, Đức Maria đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để sinh ra Đức Giêsu là Sự Thật và là Sự Sống. Chính Chúa Giêsu đã chết thay cho nhân loại tội lỗi để nhân loại được cứu sống bằng sự phục sinh của Ngài. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa từ ngày được truyền tin cho đến khi đứng dưới chân thánh giá để hiệp thông với Chúa Giêsu tái sinh loài người làm con Thiên Chúa: “Này là Mẹ con, Này là con Mẹ”.
Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa – Alleluia! Ngợi khen Thiên Chúa vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16-21).
Đứng trước tình yêu của Thiên Chúa, thánh Gioan Tông đồ mời gọi: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,11). Thánh Gioan mời gọi chúng ta yêu thương nhau, vì yêu thương nhau là ở trong tình yêu của Chúa, là yêu thương Chúa, là yêu như Chúa yêu.
Thật vậy, Chúa chết cho mọi người, nhưng chỉ những ai yêu thương “như Thầy yêu thương” thì mới được cứu độ như lời thánh Gioan khẳng định:“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3.14). Vì thế, chúng ta cầu nguyện cho “nhiều người” trong chúng ta được cứu độ như lời Chúa phán: “Này là chén máu Thầy đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.
Đức Maria là mẫu gương yêu thương như Chúa yêu, vì Mẹ ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương. Tuy nhiên, từ trời cao, Đức Mẹ luôn ghé mắt xuống trần gian, đã hiện ra nhiều nơi trên hành tinh này, đã đến La Vang để an ủi những người gặp gian nan thử thách.
Khi hành hương đến La Vang Dambri, chúng ta biểu lộ lòng yêu mến và tin tưởng vào sự phù giúp của Đức Mẹ; khi góp phần vào công trình dâng tiến Đức Mẹ, chúng ta muốn Đức Mẹ được tôn vinh vì Đức Mẹ đã cộng tác mật thiết với Thiên Chúa trong công trình cứu độ chúng ta.
Ước gì chúng ta biết noi gương yêu thương của Đức Mẹ, yêu Chúa bằng việc luôn “xin vâng” theo ý Chúa, bằng việc quan tâm thực thi giới răn mới của Con Mẹ như một lời di chúc: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con” (Ga 13,34).
Giờ đây, chúng ta cùng với Đức Mẹ cất cao lời ca ngợi khen Thiên Chúa qua kinh Magnificat: “Linh hồn tôi tung hô Chúa…”