LỄ VĨNH KHẤN 4 NỮ TU DÒNG ĐỨC BÀ
Nhà nguyện Tu viện Đức Bà Lâm Viên
Đà Lạt 22/8/2015
(Bài giảng của ĐC Antôn Vũ Huy Chương)
Nhân dịp mừng kỷ niệm 80 năm hiện diện tại Việt Nam, Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Augustinô tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn và Vĩnh Khấn cho 4 nữ tu tại ngôi nhà nguyện xinh đẹp này của trường Đức Bà Lâm Viên (Notre Dame de Langbian), thường gọi là Couvent des Oiseaux, được xây dựng từ năm 1935 tại Đà Lạt, ghi đậm dấu ấn hiện diện của Dòng Đức Bà tại Việt Nam cách đây 80 năm.
Như những người sống đời thánh hiến, các tu sĩ của Dòng Đức Bà cũng tuyên khấn giữ 3 lời khuyên Phúc Âm.
Các chị tuyên khấn trọn đời giữ đức khó nghèo ! Lời khấn thuộc đức thờ phượng, quy hướng về TC, tín thác vào Thiên Chúa. Đó là một hành vi đức tin. Việc khấn giữ đức khó nghèo muốn nói lên niềm tín thác vào TC hơn là cậy dựa vào của cải.
Chị em còn tuyên khấn trọn đời giữ đức khiết tịnh, vì muốn dành trọn tình yêu và con người cho Thiên Chúa! Chị em ý thức rằng chính Chúa Giêsu chọn chị em làm bạn trăm năm. Thiên Chúa nói với Israel, và hôm nay nói với từng chị em tuyên khấn: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (Hs 2,21).
Chị em còn tuyên khấn trọn đời giữ đức vâng phục. Từ bỏ ý riêng luôn là một việc không dễ dàng, nhưng chị em muốn theo sát Chúa Kitô là Đấng “đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá”, chết để đem lại sự sống cho bản thân và cho nhiều người như Chúa Kitô.
Các nữ tu Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Augustinô (CNN: Congrégation Notre Dame, Chanoinesses de Saint Augustin) có tuyên khấn gì đặc biệt không ? Dựa trên tư liệu của Hội Dòng, tôi xin được giới thiệu đôi nét về Hội Dòng này.
Dòng Đức Bà được khai sinh vào lễ Chúa Giáng Sinh 1597 tại Lorraine (Pháp) do hai Đấng sáng lập: Thánh Pierre Fourier và Á Thánh Alix Le Clerc.
Thánh Pierre Fourier (1565-1640) xuất thân từ một gia đình thương gia gốc nông dân. Cậu Pierre là một sinh viên ưu tú đại học Pont-à-Mousson do các cha dòng Tên sáng lập. Ngài vào tu dòng Kinh sĩ Thánh Augustinô, và làm cha xứ một làng mà giáo dân ngồi quán rượu đông hơn đến nhà thờ. Ngài vừa mạnh dạn canh tân mục vụ, vừa cải thiện đời sống xã hội: trợ giúp người nghèo, lập quỹ trợ vốn không lấy lời, cho nấu nồi xúp nhân đạo, hoán cải một họ đạo từ lâu bị bỏ rơi. Ngài được dân làng tặng danh hiệu là “Cha Hiền”. Ngài còn là một nhà giáo dục truyền đạt cho các nữ tu một khoa sư phạm tuyệt vời: “Hãy giúp cho trẻ em sống vui, sống tốt lành… trở nên những vị thánh, những người con thảo trong gia đình, những người công dân tốt trong xã hội…”
Á Thánh Alix le Clerc (1576-1622) chào đời ngày 02/02/1576 tại Remiremont (Lorraine-Pháp) trong một gia đình trung lưu, đạo đức. Nhiều bạn bè thường mời cô dự những cuộc vui chơi khiêu vũ nhưng… tâm hồn cô không bình an giữa cảnh phù hoa. Năm 18 tuổi, cô gặp linh mục Pierre Fourier, cha xứ Mattaincourt, và quy tụ được bốn bạn trẻ khác, cũng muốn hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Tôn chỉ của các cô là làm mọi việc lành có thể làm được cho vinh danh Chúa.
Như thế, Dòng Đức Bà bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng Thánh, cùng một nhiệt khí tông đồ và đặc biệt cởi mở đón nghe các tiếng gọi của thời đại các ngài. Ở cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, trong giáo hội Âu Châu, người phụ nữ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là vào sống giữa bốn bức tường của một đan viện, hoặc là đi lấy chồng. Khi cô Alix có ý định đi tu, gia đình và cha linh hướng muốn cô vào dòng Clara mới được cải tổ, nhưng cô có ý định khác như cô đã ghi trong cuốn Tự thuật: “Khi tôi cầu nguyện với Chúa, lòng trí tôi luôn nghĩ phải làm ra một nhà dòng mới cho nữ tu, để ở đó, làm mọi việc lành có thể làm được”(TT số 15).
Việc lành cô Alix mơ ước thực hiện với các bạn đồng chí hướng, đó là giáo dục các trẻ nữ bị “coi như rơm rác, không ai ngó ngàng tới”. Khi cha Pierre Fourier nhận định đây là một ơn gọi mới, cha đã vận động xin Toà Thánh cứu xét việc thành lập một Hội Dòng nữ sống tinh thần và luật thánh Augustinô, đồng thời được dạy học các trẻ nữ ngoại trú. Năm 1628, Đức Thánh Cha Urbanô VIII ký sắc lệnh chuẩn y.
Hội Dòng vừa có đời sống cộng đoàn, vừa được sai đi, được nhiều tự do hơn và mở rộng đời sống tông đồ tùy khả năng phục vụ, đặc biệt là giáo dục giới trẻ nữ. Hội Dòng đã trải qua nhiều thăng trầm do hoàn cảnh lịch sử.
Lịch sử Hội Dòng tại Việt nam bắt đầu từ năm 1935. Đáp ứng lời kêu gọi của ĐTC Piô XI, Dòng Đức Bà đã sang Việt nam lập tu viện và trường học đầu tiên nhận nội trú tại Đà lạt: Notre Dame du Langbian – Đức Bà Lâm Viên.
– Các nữ tu thừa sai sang Việt nam đã huy động các tu viện toàn dòng đóng góp xây dựng những nhà nguyện và đài thọ giáo viên dạy học miễn phí cho các trẻ em ở các làng MLon, Trường Xuân, Công Hinh gần Bảo Lộc. Bên cạnh trường Đức Bà Lâm Viên, dưới chân đồi, các nữ tu mở một trường tiểu học miễn phí cho các học sinh nghèo: trường Têrêsa do nữ tu Việt Nam đầu tiên làm hiệu trưởng, sau này đổi tên thành trường Đức Bà.
– Năm 1936 lập tu viện và trường học Notre Dame du Rosaire – Đức Bà Mân Côi – ở Hà nội. Một số nữ tu dạy nghề cho các trẻ em và thiếu nữ nghèo tại Kẻ Bưởi, Phúc Xá. Đức Giám mục Hà Nội trao cho Mẹ Marie Zoila sứ vụ đào tạo các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Mấy năm sau Đức Cha Philiphê Nguyễn Kim Điền nhờ Mẹ Marie Christophe giúp huấn luyện các chị dòng Mến Thánh Giá Huế và Khánh Hưng (Sóc Trăng).
– Năm 1950: lập tu viện và trường học Regina Mundi ở Sàigòn.
– Năm 1954 : Hiệp định Genève phân chia đất nước Việt Nam, các nữ tu vào Nam tăng cường hai ngôi trường ở Đà Lạt và Sàigòn. Trong khuôn viên trường Regina Mundi, Nhà Dòng mở lớp Công Tâm để đào tạo những thiếu nữ có khả năng giáo dục và làm công tác xã hội, đi phục vụ những trường trong các xóm đông dân cư ở thành phố và vùng nông thôn. Đồng thời, cũng mở trường tiểu học miễn phí Thiên Lý ở Xóm Lách, với một nữ tu làm hiệu trưởng.
– Đầu thập niên 70, các nữ tu phân tán thành những huynh đoàn nhỏ sống tại các xóm đông dân cư, tại Phú Nhuận có huynh đoàn Minh Chiếu, tại Gia định có huynh đoàn Liên Tâm và Thanh Tâm.
– Năm 1975 :Với biến cố thống nhất đất nước, trường Regina Mundi trở thành trường Lê Thị Hồng Gấm. Các nữ tu tiếp tục giáo dục đức tin, dạy văn hóa trong các trường Nhà Nước hay dạy sinh ngữ tại nhà, làm việc tại Đài Truyền Hình Thành Phố, tại các bệnh viện…
Trong Hiến Chương 1617 có ghi: “Mục đích chính yếu và ý định đầu tiên của các Nữ tu và con cái Dòng Đức Bà là tự thánh hiến trọn vẹn để phục vụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta… để dạy học miễn phí các thiếu nữ…và ngoài công việc giáo dục ấy, tìm cách làm tất cả những gì các chị có thể làm… để Thiên Chúa được tôn vinh nhất, cho bản thân các chị được cứu rỗi và nên thiện toàn, cho tha nhân được hưởng phần xác cũng như phần hồn”.
Theo Hiến Chương 1640: “Mối quan tâm duy nhất của các nữ tu dòng Đức Bà là theo chân Đức Giê-su Ki-tô khắp mọi nơi, noi gương Ngài cho thật sát”. Đó là Linh đạo Hội dòng. Đức Ma-ria luôn hướng lòng các chị về phía Con của Mẹ: “Ngài bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Mẹ thúc đẩy các chị cùng một trật lắng nghe và rao giảng Lời Chúa, và mở lòng các chị dấn bước vào đời sống tông đồ.
Đời sống tông đồ của các chị muốn trung thành với thực tại Nhập thể, hợp nhất với nhau trong chính động lực của cuộc nhập thể là Đức Ái: “Chỉ có một tâm hồn và một trái tim hướng trọn về Thiên Chúa” (Luật thánh Augustinô).
Hiến Chương cũng nêu lên sứ mạng của Hội dòng: “Dòng Đức Bà chuyên lo giáo dục. Qua những nhiệm vụ khác nhau, tại các trường học nơi nào có thể làm được, cũng như dưới các dạng giáo dục khác, ước muốn của các nữ tu là ra sức giúp con người phát triển và lớn lên, làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và gieo vãi mầm mống của hiệp thông”.
Chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ Hội Dòng trong suốt 80 năm qua, cầu nguyện cho Hội Dòng có nhiều ơn gọi, cầu nguyện cách riêng cho 4 nữ tu hôm nay khấn trọn đời giữ đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, đặc biệt dấn thân cho việc giáo dục các thiếu nữ.