BÀI SUY NGẪM THỨ BA
CHÚNG TA KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ NHỮNG NHÀ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ THÀNH SỰ HIỆN DIỆN, TÌNH YÊU VÀ SỰ CẢM THÔNG CỦA CHÚA
“ Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho họ vay mượn mà không hy vọng được đền đáp. Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác. Anh em hãy có lòng khoan dung vì Cha anh em là Đấng khoan dung” (Lc 6,35-36).
CẦU NGUYỆN
Trong thinh lặng, chúng ta hãy nhắm mắt lại và hãy lắng nghe một lần nữa những Lời của Chúa. Chúng ta được kêu gọi để trở thành dấu chỉ của lòng khoan dung. Những tên gọi của Chúa được Đức Giêsu mạc khải là: khoan dung, lòng thương xót, sự tha thứ, lòng hào hiệp, sự ân cần, sự dịu dàng, ánh sáng và sự thật. Người không đến để phán đoán hoặc kết án mà là để mạc khải cho mỗi người chúng ta biết chúng ta đẹp đẽ và chúng ta có thể trở nên đẹp đẽ như thế nào. Người kêu gọi chúng ta ở lại với Người, ngõ hầu Người có thể giúp chúng ta sản sinh ra cái gì là cao thượng nhất tiềm tàng trong chúng ta – Tình Yêu, sự Cảm thông và sự Tha thứ. Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể ở lại với Người.
THINH LẶNG
Đức Thánh Cha trong một bài giảng mới đây đã nói: “Chúng ta phải đem thực tại của Chúa trở lại với thế giới của chúng ta, làm cho Người được nhận biết và hiện diện”. Ngài đã cầu nguyện cho “cuộc đời của chúng ta có thể nói về Chúa, loan báo về Chúa, là một cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa xa vời có thể trở thành Thiên Chúa hiện diện và là một sự phó thác thật sự của chính chúng ta cho Chúa”.
Năm 1977, mẹ Têrêsa đã nói với một nhóm cộng tác viên và các anh em ở Los Angeles rằng: “Chúng ta nợ Giáo Hội lòng biết ơn sâu sắc vì đã cho phép chúng ta sống, chúng ta là hiện thân của Chúa Giêsu giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo và cho phép chúng ta là tình yêu, là sự cảm thông của Chúa đối với những người nghèo nhất. Vì Chúa vẫn yêu thương thế giới; Người tiếp tục yêu thương thế giới. Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con Một của Mình, và ngày nay, Người vẫn yêu thương thế giới và tiếp tục ban Đức Giêsu qua các bạn và qua tôi. Sở dĩ Chúa Giêsu đã đến trong thế giới là vì Thiên Chúa đã yêu thương thế giới, Cha của Người đã yêu thương thế giới; Người là món quà của Thiên Chúa ban cho thế giới. Và chúng ta cũng thế, mỗi người chúng ta theo cách riêng của mình, phải là tình yêu ấy, phải là lòng thương xót của Chúa Cha dành cho thế giới”.
“Và đó là lý do tại sao ơn gọi của anh chị em, của những cộng tác viên và của mỗi người chúng ta trở nên đẹp đẽ như thế”.
Thật là tốt nếu như chúng ta hỏi loại hình ảnh nào chúng ta phải có về Thiên Chúa và về Chúa Giêsu. Hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa và về Chúa Giêsu ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về lối sống của Kitô hữu. Nó sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động bác ái của chúng ta. Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc hành trình lướt qua Phúc Âm và chúng ta sẽ rộng mở tim mình cho Chúa để được biến đổi. Sứ mạng của Chúa Giêsu là mạc khải Thiên Chúa Cha cho nhân loại và cho thế giới. Người được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa. Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu như một Ngôi vị được hợp nhất với Thần Khí của Thiên Chúa. “Uy quyền” của Người bắt nguồn từ sự hợp nhất này với Chúa Cha. Khi đọc Phúc Âm, chúng ta tình cờ gặp trong đó, là những người đi theo Chúa Giêsu đã kinh nghiệm được một sự hiện diện quanh Người, sự hiện diện đụng chạm được, lây lan được. Đó là một sự hiện diện đem đến sự giải phóng và hoà bình. Mối quan hệ của Chúa Giêsu với Cha của Người diễn tả một sự đơn giản thật ấn tượng. Người chẳng bao giờ có biểu ngữ nào để nói với dân chúng – Người là ai và Người đang làm gì, giống như chúng ta làm trong những công tác bác ái của chúng ta. Thay vì những biểu ngữ, Người được đầy Thần Khí. Trong Phúc Âm thánh Luca ta đọc được: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Những ai đã gặp Đức Giêsu đều có kinh nghiệm về sự hiện diện thiêng liêng ở trong Người. Đó là kinh nghiệm về một Đấng Thánh Thiêng. Được Người hướng dẫn bằng sự hiện diện của Người thì người ta luôn cảm nghiệm được một điều gì đó hết sức kỳ diệu.
Một nhà báo thấy mẹ Têrêsa bước ra khỏi nhà ở Calcutta đã viết: “Nơi mẹ, có một ai đó đang hướng dẫn mẹ nơi mẹ đặt bàn chân phải, nơi mẹ đặt bàn chân trái, và hướng dẫn mỗi lời mẹ nói ra”.
Vì tất cả chúng ta là những người có dấn thân cho công tác bác ái, chúng ta nhận biết Thần Khí này của Thiên Chúa, chúng ta ở trong Thần Khí của Chúa, trong và qua Chúa Giêsu chúng ta có một sự dấn thân mang đầy ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta hôm nay. Khi Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải đem thực tại của Chúa trở lại trong thế giới của chúng ta, làm cho Người được nhận biết và hiện diện”. Có nghĩa là Người không phải là một Thiên Chúa tách biệt khỏi thế giới, mà là một người đang ở chung quanh chúng ta – “một người mà trong người ấy chúng ta sống, chúng ta cử động, và chúng ta hiện hữu”(Cv 17,28).
Trong Phúc Âm chúng ta không chỉ thấy Đức Giêsu như một người đầy Thần Khí mà còn như một người đầy lòng thương xót. Lòng thương xót là một từ quan trọng trong các sách Phúc Âm. Các tác giả sách Phúc Âm nói về Người như một người có lòng thương xót và về con người của Người rung động với lòng thương xót (x. Mt 9,36; Mc 6,34; Lc 7,13). Từ ngữ ‘lòng thương xót’ là tổng kết lời giáo huấn về Chúa và là đường lối sống trong Chúa. Đối với Chúa Giêsu, lòng thương xót là bản chất trung tâm và là phẩm chất của Chúa. Tôi tin nó là bản chất trung tâm và là phẩm chất luân lý của một đời sống chung quy về Chúa. Được đầy Thần Khí Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Anh em hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng thương xót” (Lc 6,36).
Cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu diễn tả một lối sống – được đặt nền tảng trong việc bắt chước Thiên Chúa. Hình ảnh của Thiên Chúa và đường lối sống của Thiên Chúa – nghĩa là Chúa là gì và hành động như thế nào thì chúng ta cũng như vậy – được hoà trộn với nhau. Dụ ngôn của Chúa Giêsu về người con hoang phí (Lc 15,11-32) và về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37) là những dụ ngôn mời gọi chúng ta nhìn tính cách của Chúa và mời chúng ta suy ngẫm – chúng ta đáp ứng cuộc sống quanh ta như thế nào. Dụ ngôn người con trai hoang phí, mục tiêu là nhắm về người Cha, “Người Cha nóng lòng chờ đợi, người Cha đang yêu, và người Cha thương xót”. Tất cả chúng ta đều biết rõ câu chuyện, tuy nhiên cùng nhau suy nghĩ thì cũng rất tốt. Chúng ta có ba cảnh trong dụ ngôn này. Cảnh thứ nhất là chuyến đi của người con thứ đến một xứ sở của dân ngoại xa xăm mang theo toàn bộ tài sản được chia. Khi anh ta đã tiêu pha mọi thứ, anh ta bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu. Vì thế, anh ta đi làm công cho một người dân của xứ sở dân ngoại đó, ông ấy đưa anh ta ra đồng chăn heo. Cảnh thứ nhất mô tả sự khốn cùng của người con thứ – đó có thể là của tất cả chúng ta – thân phận khốn cùng của sự xa rời tình yêu bền vững.
Cảnh thứ hai là cảnh người con trở về từ xứ sở dân ngoại xa xăm. Người con hoang phí “ngẫm nghĩ trong lòng” và định làm một chuyến trở về. Anh nghĩ -lỗi tại con – Lời thú tội được chuẩn bị: “Con đã phạm tội với trời và với cha”. Nhưng cha anh trông thấy anh còn ở đàng xa và chạnh lòng thương, ông chạy đến ôm hôn con mình trước khi anh có thể thú tội – lỗi tại con.Cách cư xử của người cha là một cuộc lễ ăn mừng vui vẻ. Trong sự vui mừng, người cha rõ ràng không biết đến lời thú tội của người con. Bạn nghĩ gì về cách làm của người cha? Bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa cũng làm như vậy không?
Khi cảnh thứ ba bắt đầu, nó bày ra phản ứng của người con cả trung thành và biết vâng lời. Anh ta không cảm thấy sung sướng, anh ta từ chối cùng tham gia. Lòng cảm thấy thiên vị, anh ta vẫn ở lại bên ngoài. Thế nên cha anh đến gặp anh và lắng nghe anh phàn nàn. Dụ ngôn bấy giờ kết thúc bằng lời phân bua đơn giản của người cha về cuộc lễ ăn mừng: “Chúng ta phải ăn mừng vui vẻ, vì em con đã chết và giờ đây đã sống lại”.
Trọng tâm của dụ ngôn là một lời mời gọi để thấy tính cách của Chúa trong một đường lối đặc biệt. Chúa giống như người cha nóng lòng chờ đợi đứa con trở về từ xứ sở dân ngoại xa xăm. Khi ông thấy người con đang trở về, ông “chạnh lòng thương” và vui vẻ tổ chức ăn mừng chuyến trở về nhà của anh ta. Lòng thương xót của ông cũng vươn tới người con biết vâng lời của mình nữa: ông đi ra ngoài mời anh ta tham gia buổi tiệc mừng vui vẻ, người cha mời anh ta thay đổi cái nhìn cơ bản nhất của anh về lối sống và cách thực hiện nó. Mục tiêu của người con biết vâng lời này là về sự vâng lời của anh, tài sản và tiền bạc – nhưng mục tiêu của người cha là về sự sống. Chúng ta hãy lắng nghe lời lẽ của người cha: “Em con đã chết và nay đã sống lại”. Người anh cả thiếu hai điều của đời sống – “lòng thương xót và niềm vui”. Chúng ta có thể giống người con biết vâng lời tập trung mục tiêu về dự án, hoạt động, điều hành, quản lý, tiền bạc cho công tác bác ái chứ không tập trung vào sự sống và điều cao quý nhất trong chúng ta: lòng thương xót và niềm vui.
Dụ ngôn mời chúng ta suy nghĩ về tính cách của Chúa và lối sống mà chúng ta nên sống từ cái nhìn lên tính cách của Chúa theo đường lối đặc biệt. Chúng ta phải thương xót như Chúa là Đấng thương xót. Chúng ta tập trung vào lòng thương xót được nhấn mạnh trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Trong câu truyện nổi tiếng này, một thầy cả và một thầy Lêvi làm ngơ khi đi ngang qua người bị kẻ cướp đánh trọng thuơng, nhưng một người Samaritanô dừng lại để giúp đỡ, ông ta băng bó vết thương cho người bị cướp, mang anh ta đến một quán trọ, chăm sóc anh ta và còn để lại tiền bạc cho chủ quán để tiếp tục chăm sóc cho anh ta. Cuối bài dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi, “Các anh nghĩ ai trong ba người đó là người thân cận của người bị rơi vào tay bọn cướp? Câu trả lời là: “Người đã tỏ lòng thương xót anh ta”. Rồi Chúa Giêsu bảo: “Các anh hãy đi và làm như vậy”.
Khi Chúa Giêsu nói về việc bắt chước lòng thương xót của Chúa, Người mời gọi chúng ta biến đổi cuộc sống của chúng ta. Lòng thương xót là cái nhìn đến đời sống con người trong cộng đồng, và lòng thương xót này là một đức tính của trái tim con người được Chúa ban cho. Nó nuôi sống, chăm sóc, ôm ấp và trên hết là thương xót và hy sinh mạng sống. Chúa yêu thương chúng ta và cảm nghiệm thay cho chúng ta. Thể hiện được lòng thương xót là cảm nghiệm như Chúa cảm nghiệm và hành động như Chúa hành động: bằng cách hiến dâng mạng sống và nuôi dưỡng sự sống. Chúa Giêsu mời chúng ta xem lòng thương xót như là đức tính trọng tâm của đời sống người tín hữu đối với Chúa, là Đấng thương xót. Lòng tin này là trung tâm của công tác bác ái trong Giáo Hội. Khi mẹ Têrêsa đến New York để bắt đầu sứ mạng bác ái của mẹ, một nhà báo đã hỏi mẹ: “Thưa mẹ Têrêsa, mẹ có nghĩ là công việc của mẹ sẽ thành công ở đây như ở Calcutta không?” Mẹ trả lời: “Tôi không được kêu gọi để thành công mà là để chứng tỏ lòng tin”.
Đức Thánh Cha trong thông điệp đầu tay của ngài đã viết: “Những ai đang hoạt động trong các tổ chức bác ái của Giáo Hội phải đặc biệt lưu ý là họ không chỉ đơn thuần đáp ứng những nhu cầu nhất thời, mà họ hiến dâng chính mình cho kẻ khác bằng sự quan tâm của con tim biết cảm thông, làm cho những người này có thể cảm nhận được sự phong phú của phẩm giá nhân bản của họ” (TCLTY, số 31a). Sự quan tâm của con tim biết cảm thông tăng trưởng từ sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu và chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, và như thế tất cả chúng ta đều là cộng tác viên của Đức Kitô, ở bất cứ vai trò nào hoặc việc phục vụ nào trong Giáo Hội. Và để làm được việc đó, chúng ta cần có một đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn, chúng ta cần có lòng nhiệt tình lớn lao. Mẹ Têrêsa đã giải thích điều này theo cách đơn sơ của mẹ:
“Cộng tác viên là một người phải có tình yêu và lòng thương cảm của Chúa ngày hôm nay. Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài và ngày hôm nay Ngài ban bạn cho thế gian… Chúa nói, hãy cho Ta trái tim của con! Trái tim đó phải là ánh nắng chói chan của tình yêu Thiên Chúa trong thế gian, là sự hy vọng của niềm hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa bừng cháy của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Do đó, cộng tác viên không phải là biểu tượng của lời nói… Bạn là cộng tác viên của chính Đức Kitô và Người muốn bạn hoàn toàn thuộc về Người dù bạn đang ở bất cứ nơi đâu, dù bạn đang làm bất cứ công việc gì ở đó, Người muốn bạn phải là ánh ánh nắng chói chan của tình yêu Thiên Chúa. Có quá nhiều bóng tối trong thế giới hôm nay và bạn, một cộng tác viên, bạn phải là ánh nắng chói chan ở đó. Có quá ít hy vọng, có quá nhiều thất vọng, có quá nhiều khốn khó trên thế giới và một cộng tác viên phải là hy vọng của niềm hạnh phúc bất diệt. Có quá nhiều sự ghen ghét, quá nhiều giết chóc, quá nhiều sự huỷ diệt trên thế giới, và cộng tác viên phải là ngọn lửa bừng cháy của tình yêu và lòng thương cảm của Thiên Chúa và đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện”.
Khí lực của tình yêu và lòng thương cảm làm cho chúng ta khác với những nhân viên xã hội khác. Hoạt động bác ái của Giáo Hội là một sự chiêm ngưỡng sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng làm cho chính mình trở thành hiện diện trong người đói, người trần truồng, người bệnh hoạn và kẻ không nhà. Đó là tại sao mẹ Têrêsa đã nói với các vị Thừa Sai Bác Ái của mình, “Chúng ta không phải là những nhân viên công tác xã hội thông thường, chúng ta thực sự là những người chiêm niệm ở ngay giữa lòng thế giới, vì chúng ta đụng chạm đến thân thể Chúa Giêsu – hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ mỗi ngày”.
Có một sự thật về công tác bác ái của chúng ta trong Giáo Hội. Chúng ta càng thực hiện cuộc hành trình này trong những công tác bác ái, thì trái tim của chúng ta càng được tái định hình. Một trái tim được tái định hình là một trái tim biết quan tâm. Nó được chất chứa đầy sự thương cảm. Khi sự thương cảm tuôn chảy thì lòng biết ơn nổi lên; toàn bộ hiện hữu biến thành một ngôi đền cầu nguyện, một Nhà Tạm, sự tiếp xúc của chúng ta trở thành kinh nguyện, bất cứ việc gì chúng ta làm đều thấm đậm lời cầu nguyện. Mỗi lần chúng ta yêu một cách sâu đậm, chúng ta quan tâm sâu đậm và bấy giờ chúng ta đổ xô vào lòng thương cảm đó. Chúng ta đến, như mẹ Têrêsa, để từng trải một kinh nghiệm khiêm tốn. Không phải là việc của tôi, mà là của Người”. Công việc của chúng ta thuộc về Người. Chúng ta có một sức mạnh vô cùng to lớn trong tất cả những trung tâm bác ái của Giáo Hội – đó là sự hiện diện của Chúa, “một Nhà Tạm”. Đó là tại sao mỗi khi mở thêm một cộng đoàn Thừa Sai Bác ái mới mẹ Têrêsa đều nói: “Tôi đã mở thêm được một Nhà Tạm nữa”. Hoặc Thầy Anrê, đồng sáng lập viên của Dòng Anh Em Thừa Sai Bác Ái cùng với mẹ Têrêsa, đã nói: “Chúng ta đang hướng về những điều tốt đẹp và ân sủng”.
Giờ đây tôi muốn kết thúc bài suy ngắm. Chúng ta hãy thực hiện một cuộc hành trình đến dưới chân Thánh giá. Chúng ta trông thấy Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu đang đứng đó. Lòng Mẹ tan nát, nhưng Mẹ đứng đó và đăm đăm nhìn Con của Mẹ là Đức Giêsu – Mẹ đầy lòng tin yêu và thương cảm.
Mẹ là người đầu tiên chạm đến Người.
Mẹ là người đầu tiên nuôi nấng Người.
Mẹ là người đầu tiên cùng bước đi với Người.
Mẹ là người đầu tiên thấy Người rời Nazareth.
Mẹ là người đầu tiên đến đứng dưới chân Thánh giá.
Mẹ là người đầu tiên đặt thân xác trần truồng, đầy thương tích của Con trên vế mình.
Đó là bài học cảm thông của Mẹ Maria.
Để tổng hợp những gì chúng ta vừa cùng nhau suy ngắm: Chúng ta được kêu gọi để đem thực tại của Chúa về cho thế giới, làm cho Người được nhận biết và hiện diện. Chúng ta phải làm cho sự hiện diện này được cảm nhận bằng cách mở cuộc đời chúng ta ra đón Thần Khí của Chúa và lòng thương xót của Người. Chúa Giêsu mời chúng ta xem sự thương cảm như là đức tính trọng tâm của đời sống đức tin vào Chúa. Chúng ta là những cộng tác viên và cộng tác viên chính là người phải có tình yêu và sự thương cảm của Chúa. Thần Khí của thương cảm làm cho chúng ta khác với những nhân viên xã hội thông thường khác. Và chúng ta là hiện thân của Chúa. Lạy Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ là sự hiện diện thật của lòng thương xót Chúa, xin dạy chúng con biết cảm thông.