NHỮNG BÀI SUY NIỆM TRONG TUẦN LỄ LINH THAO
Người hướng dẫn: Thầy YESUDAS MC
Người chuyển ngữ: Phaolô Lê Phước Thiện
***
BÀI SUY NGẮM THỨ TƯ
Khát khao một linh đạo quy chiếu vào Chúa Giêsu
(Ga 1,45-47)
“Ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nazareth có cái gì hay được? Ông Philipphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giêsu thấy Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,45-47).
Cầu nguyện:
Chúng ta hãy để ra ít phút khi bắt đầu ngày cầu nguyện và hồi tâm hôm nay – chúng ta hãy nhắm mắt lại và thấy trong tưởng tượng Nathanaen đang tiến về phía Đức Giêsu và Đức Giêsu thấy rõ tâm can của ông đang khao khát gặp Người. Trái tim ông đang rộng mở, lương thiện và thành thật. Nathanaen tin tưởng vào sự tốt lành có thể đến từ ngôi làng “hèn kém nhất” đó. Ông cũng đang đến để cảm nghiệm ân huệ và sự tốt lành của một làng Nazareth không quan trọng. Đó là nỗi khao khát đã làm cho sự trải nghiệm này trở nên xác thực. Lòng khao khát “được thấy, được yêu và được phục vụ Chúa Giêsu nơi người bé mọn nhất trong số những người anh em của chúng ta” sẽ khai mở con tim chúng ta đón nhận Chúa Giêsu và trải nghiệm được sự hiện diện của Người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng cõi lòng chúng ta, cho chúng ta được thành thật và lương thiện trong tất cả mọi hoạt động bác ái của chúng ta trong Giáo Hội.
THINH LẶNG
Hôm nay là ngày 10 tháng Chín; ngày 10-9 luôn là một ngày rất đặc biệt đối với mẹ Têrêsa, và với lòng biết ơn, mẹ đã nhắc nhớ ngày này như là ngày mà Chúa đã can thiệp đặc biệt đến cuộc đời mẹ. Như mẹ đã nói: “Vào ngày này, năm 1946, trên chuyến xe lửa đi đến Darjeeling, Chúa đã ban cho tôi „tiếng gọi trong một tiếng gọi‟ cho người đói khát của Chúa Giêsu được no dạ thoả lòng bằng cách phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo”. Đó là ngày mà sự khao khát của Chúa và của mẹ Têrêsa gặp gỡ nhau. Sự khao khát của cả đời mẹ là một người: chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã có một nỗi khát khao dành cho mẹ – “Hãy là ánh sáng của Ta. Hãy là ngọn lửa tình yêu của Ta, giữa những người hết sức nghèo khổ – những người bệnh hoạn tật nguyền – những người đang hấp hối – những trẻ em đường phố. Ta muốn con mang người nghèo đến cho Ta” – “Ơn gọi của con là yêu, là chịu đựng đau khổ, là cứu rỗi các linh hồn và bằng bước đi này, con sẽ lấp đầy sự khao khát của Trái Tim Cha dành cho con” (x. Tìm gặp hồng ân của Mẹ, tr. 11). Nỗi khao khát của mẹ là được thuộc về trái tim Chúa Giêsu. Mẹ đã nói: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani; theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ; theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Còn về tiếng gọi, tôi thuộc về thế gian; về trái tim, tôi hoàn toàn thuộc về trái tim Chúa Giêsu”.
Cả hai thứ – yêu Chúa Giêsu và phục vụ người nghèo nhất trong số những người nghèo – được sinh ra cùng nhau. Nó là kết quả cuộc chạm trán thiêng liêng của tiếng kêu than của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Ta khát” và là tiếng kêu than của Chúa Giêsu nơi người nghèo nhất trong những người nghèo. Mẹ Têrêsa đã đáp lại tiếng kêu đó bằng tiếng “xin vâng” và nhận ra rằng đó chính là Chúa Giêsu đã tự đồng hoá với người nghèo. Người nghèo và Chúa Giêsu là một và như nhau.
Tại sao Chúa Giêsu nói “Ta khát”. Lời đó có nghĩa là gì? Quả thật là cái gì đó khó diễn tả ra được bằng lời… Sự khao khát sâu xa của Người dành cho chúng ta… “Ta khát” là một cái gì đó còn sâu thẳm hơn là Chúa Giêsu chỉ nói “Ta yêu con”. Đến khi chúng ta biết được nội tâm sâu thẳm mà Chúa Giêsu khao khát cho chúng ta – chúng ta không thể bắt đầu biết được Người muốn là ai cho chúng ta hoặc là Người muốn chúng ta là ai cho Người. Sự thật lạ lùng là Chúa thật sự khao khát đối với mỗi một con người – đối với tôi, với bạn và với tất cả chúng ta. Một cách đặc biệt, trái tim Người khao khát mãnh liệt đối với người nghèo nhất trong những người nghèo, đối với những người yếu đuối nhất, không nơi nương tựa nhất, chịu đau khổ nhất và không mong muốn nhất, những người không là gì đối với bất cứ ai. Đối với Người, họ là “tài sản quý giá”.
Từ sự khao khát sâu xa của Người dành cho họ, Người đã gọi mẹ Têrêsa “cho họ”, để qua những công tác khiêm tốn của tình yêu, mẹ sẽ giải toả nỗi thống khổ của họ và chăm sóc những nhu cầu trực tiếp của họ, và là một kênh bày tỏ mối tình âu yếm, cá nhân của Người dành cho họ, lôi kéo họ để mời Người bước vào cuộc đời của họ và làm cho họ tăng trưởng trong tình yêu của Người. Trong sự khao khát này của Chúa Giêsu, mẹ Têrêsa cũng được đổ đầy bằng tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Người Tôi Tớ của Chúa, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã gọi mẹ là “hình ảnh (icon) của người Samaritanô nhân hậu”. Bí mật của mẹ là “mẹ đầy Chúa Kitô, và vì thế mẹ nhìn mọi người bằng con mắt và quả tim của Chúa Kitô”. Là những người có liên quan đến những hoạt động bác ái của Giáo Hội, chúng ta nên có cái khao khát – một linh đạo quy chiếu về Chúa Giêsu. Điều này sẽ giúp chúng ta sống cách cụ thể điều mà Đức Thánh Cha đã viết trong thông điệp đầu tay của ngài, “một tình yêu trong sáng và quảng đại là chứng từ tốt nhất cho Chúa, trong Người chúng ta tin tưởng và nhờ Người chúng ta được hướng đến tình yêu.” (TCLTY, số 31c).
Để suy ngẫm – (xem Lc 19,1-10) “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (xem thêm: Ga 4,1-30; St 24;29; Xh 2,15-21).
Những khao khát đóng một vai trò lớn lao trong việc định hình cuộc đời chúng ta và cho ta một hướng đi. Khao khát sẽ cho chúng ta năng lực để đem lại hoặc phá huỷ sự sống.
Tôi có một kinh nghiệm đáng xấu hổ trong cộng đồng mà hiện nay tôi đang sống và đang làm việc. Số là chúng tôi có một nhà dành cho những người bị nhiễm HIV/AIDS. Một tuần sau khi tôi đến cộng đoàn, bề trên của tôi hỏi xem tôi có thể giúp một thanh niên tên là Rajesh chấp nhận cái chết không. Anh ta đang ở vào thời kỳ cuối của căn bệnh. Anh ta ở trong tình trạng có thể đoán là sẽ chết trong vòng một hoặc hai tuần và Rajesh đã sẵn sàng ở với chúng tôi một thời gian.
Trong lần cố vấn đầu tiên của tôi, thì chính anh ta cố vấn cho tôi hơn là tôi cố vấn cho anh ta. Đó là một trải nghiệm giúp tôi khiêm tốn hơn. Anh đã chia sẻ với tôi câu chuyện sau đây. “Thưa thầy, tôi có một tham vọng trong đời là kiếm tiền và tôi đã kiếm được rất nhièu tiền, tôi đã tậu một cơ ngơi và xây một ngôi nhà đẹp. Anh tôi và gia đình anh ấy ở tầng trệt, còn tôi và mẹ tôi sống ở tầng một. Tôi thật hạnh phúc và rồi nỗi khao khát lớn dần đưa tôi đến rượu và phụ nữ. Tôi đã sống theo cung cách ấy nhiều năm. Rồi tôi cưới vợ. Cuộc hôn nhân của tôi kéo dài không lâu và vợ tôi đã bỏ tôi. Bỗng chốc tôi ngã bệnh rất nặng, xét nghiệm HIV dương tính và đành phải chấp nhận nằm viện. Gia đình tôi đã không bao giờ trở lại thăm tôi và tôi nằm lại bệnh viện trong nhiều tháng. Chính trong bệnh viện mà tôi đã gặp được các thầy đầu tiên và họ đã đưa tôi về đây. Tôi được hạnh phúc ở đây và tôi chợt nhận ra và yêu một cái gì đó. Giờ đây tôi đã có được một khao khát mới, tôi biết tôi đang hấp hối – “Tôi muốn chết trong giờ chầu trong khi các thầy hát ca cầu nguyện với Chúa”. Và Rajesh đã chết một tuần sau đó vào một buổi chiều thứ Bảy khi chúng tôi đang chầu chung với bệnh nhân.
Những khát vọng định hình con tim chúng ta và cho chúng ta một đường hướng. Thánh Tôma Aquinô nói rằng không thể ham muốn một điều gì đó vì nó xấu. Ngay cả khi chúng ta muốn một điều gì đó mà chúng ta biết nó xấu cho chúng ta, những thứ lôi cuốn chúng ta, dù là gì đi nữa, vẫn xem ra có một cái gì đó tốt trong nó. Chúng ta có thể quyết định bỏ qua một số những ước muốn của chúng ta vì người khác. Chúng ta cũng nhận ra rằng một số những ước muốn của chúng ta có thể chẳng bao giờ được thực hiện trọn vẹn. Và chỉ vì chúng ta muốn một điều gì đó hoặc ngay cả cần nó, không có nghĩa là chúng ta sẽ đạt được nó.
Tất cả chúng ta đều có những mức độ ước muốn khác nhau. Có những ước ao bình thường, có những khao khát sâu lắng hơn và cũng có những khát vọng thầm kín nhất. Và không nghi ngờ gì trong tất cả chúng ta cũng có rất nhiều, rất nhiều những khát vọng. Chúng ta chất chứa đầy trong lòng nhiều mức độ ước muốn khác nhau. Chúng ta hãy nhìn vào những ước muốn của chúng ta bằng một thái độ hồi tâm và cầu nguyện. Những ước muốn này có thể chỉ cho chúng ta biết nơi chúng ta đang đi với tư cách một cá nhân và với tư cách một tổ chức.
Có nhiều ước muốn bình thường trong tất cả chúng ta, chẳng hạn như thích một món ăn nào đó, một cuộc đi bộ nào đó, hoặc “tán gẫu” với bạn bè, có giờ ngủ thêm, đang khi ở Đài Loan muốn đi tham quan danh lam thắng cảnh, văn hoá của Đài Loan. Thế là chúng ta có rất nhiều những ước muốn thông thường. Chúng ta cũng biết được khi nào một khát vọng nào đó của chúng ta hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta và khi nó không được thực hiện, nó có thể làm chúng ta xao xuyến, hoặc dễ làm cho chúng ta bị hụt hẫng.
Chúng ta có những ước muốn sâu xa, chẳng hạn: muốn cảm thấy được an toàn hoặc ước muốn an ninh vững chắc, có sức khoẻ tốt, có việc làm thoải mái, có một người bạn, muốn có sự giao du thân mật, muốn yêu và được yêu… tất cả những ước muốn đó đều rất là quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta cũng biết rằng khi những ước muốn đó không thực hiện được trọn vẹn thì chúng ta cảm thấy cô đơn bất hạnh, chúng ta bám víu lấy tình bạn, chúng ta kêu gào lòng thương cảm và nhiều hoạt động bác ái của chúng ta trở thành phương tiện để thu hút sự chú ý. Vì thế, điều trông như là lòng quảng đại, thực chất chỉ là một thao tác; và điều trông như là tình yêu, thực chất chỉ là tiếng kêu gào lòng thương cảm và sự trợ giúp. Tốt nhất là ta nên tự vấn – mình đang đứng ở đâu?
Chúng ta cũng có những ước muốn sâu xa hơn… để hiểu chính mình, để được tự do thực hiện những quyết định dựa trên những giá trị, phát triển những tiềm năng của mình… Tất cả những điều ấy đều tốt, nhưng khi những khát vọng này không được thực hiện đầy đủ, chúng ta trở nên bồn chồn, vất vưởng, bất lực. Chúng ta cảm thấy hụt hẫng, bất hạnh, trở nên cay đắng và luôn tiêu cực.
Rồi có nỗi khát vọng thầm kín nhất của chúng ta… đó là khát vọng sâu xa nhất giúp chúng ta thẳng tiến và giúp chúng ta khám phá ra con người thật của mình. Ta nên hỏi: “Khát vọng thầm kín nhất của chúng ta là gì? Tôi có khát vọng thầm kín nhất không?” Nhiều người trong chúng ta có thể đơn giản chôn vùi nỗi khát vọng thầm kín nhất của mình trong ba mức độ ở trên. Thiên Chúa đã đặt một khát vọng sâu xa tìm đến Người nơi mỗi chúng ta, một sự khát khao tích cực là yêu và được yêu. Một khao khát tìm đến sự hiệp thông. Chúng ta đọc trong Thánh vịnh 27, khát vọng của tác giả Thánh vịnh bày tỏ điều mà tác giả đang tìm kiếm trong cuộc đời:
“Duy một điều tôi xin cùng Chúa,
một điều tôi tìm kiếm ở Người
là cho tôi được sống trong nhà Chúa
mỗi ngày suốt đời tôi
cho tôi được chiêm ngưỡng dung nhan dịu dàng của Chúa
và tìm cách được ở trong đền thánh của Người”. (Tv 27,4)
Điều mà tác giả Thánh vịnh tìm kiếm đó là sự hiệp thông và sự hiệp thông đó là khát vọng sâu xa nhất của tác giả. Điều thật sự thúc đẩy chúng ta đến sự thánh thiện là khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Sự thánh thiện vượt qua khỏi khát vọng của tôi đến khát vọng dành cho Chúa, khát vọng tìm đến sự hiệp thông, tình yêu của Người, “cơn khát” của Người. Khi chúng ta không chuyển mình hướng về điều này, chúng ta trở thành ích kỷ, mải miết trở về với chính mình, chúng ta đi lòng vòng với một cảm giác trống rỗng và thiếu thuộc về.
Chúng ta càng mở lòng ra đón nhận khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta, thì chúng ta càng tăng trưởng trong tình yêu và sự hiệp thông. Trong sự tăng trưởng này, một sự thanh thản mới, một sự bình an tĩnh lặng, một sự thư giãn thánh thiện in dấu trên tất cả mọi hoạt động và mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta. Khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta dẫn chúng ta đến sự hiện diện mới trước mặt Chúa và canh tân mọi lối sống của chúng ta. Các thánh và mẹ Têrêsa Calcutta đang chiếu toả những gương sáng cho tất cả chúng ta.
Chính khát vọng sâu thẳm nhất trong chúng ta – tạo nên một môi trường tận hiến cuộc đời cho người khác. Chính khát vọng này giúp chúng ta đón nhận món quà của sự thánh thiện của Chúa. Với tư cách là những người lãnh đạo và là những thành viên của những tổ chức bác ái của Giáo Hội, khát vọng của chúng ta là gì? Trong mỗi tổ chức bác ái, những người lãnh đạo và những thành viên của tổ chức đó đều có những nhu cầu riêng, những khát vọng riêng. Tôi đã được chứng kiến điều đó với chúng tôi, những Thừa Sai Bác Ái, – cả nữ lẫn nam – người này muốn công tác có nhiều thách thức hơn, người kia muốn làm công việc mang tính giáo dục nhiều hơn, người khác lại muốn đi làm công tác ở nước ngoài, kẻ khác lại muốn có thì giờ dành cho cầu nguyện/thanh tịnh, người khác nữa muốn một loại công tác này, người kia lại chuộng một kiểu công tác khác, kẻ muốn làm lãnh đạo, người thì lại muốn thoát ra khỏi chức vụ đó. Và tất cả những điều đó quả thật là chuyện bình thường. Nhưng bao lâu chúng ta vẫn chạy theo những ngôi sao hoặc những khát vọng khác, chúng ta sẽ bị loại sang một bên. Với tư cách là những người lãnh đạo và thành viên của những hoạt động bác ái của Giáo Hội, điều gì có thể kéo chúng ta sát lại với nhau? Chúng ta có muốn được kéo lại chung với nhau không? Theo tôi nghĩ, chúng ta sẽ chỉ là một với Giáo Hội, chúng ta chỉ đạt đến sự hiệp thông sâu sắc với tư cách là những người lãnh đạo và là thành viên của công tác bác ái của Giáo Hội và chúng ta sẽ chỉ có hiệu quả trong sứ mạng của chúng ta, nếu chúng ta hoà hợp trên bình diện của khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta.
Tôi không nói là chúng ta phải có khát vọng sâu sắc nhất được diễn tả bằng cùng những từ ngữ như nhau. Nhưng chúng ta phải hoà hợp với nhau trên bình diện đó. Tôi hy vọng việc chúng ta cùng nhau đến đây, tại Đài Loan, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau suy ngắm về đề tài “Bạn đã làm việc đó cho tôi” – là để tạo nên sự hoà hợp – trên bình diện của khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta. Vì thế, tôi đề nghị chúng ta hãy để một ít thời giờ để hồi tâm suy nghĩ, có thể ngay cả lập một bảng danh mục, những khát vọng đa dạng đang ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta… Kế đến, một khi chúng ta có thể chỉ tên khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta, có cái gì chúng ta có thể thực hiện để làm việc theo chủ đề chúng ta đã đang suy ngắm – “Các bạn đã làm việc đó cho tôi” – chủ đề dẫn chúng ta đến sự hiệp thông.
Đôi khi tôi tự vấn, điều gì đã liên kết các tông đồ đầu tiên. Họ khác nhau về tính khí, về quan điểm, và ngay cả cách họ hiểu Chúa Giêsu và Tin Mừng cũng khác nhau. Thế thì điều gì đã liên kết họ lại với nhau? Không phải là những mục tiêu, ý tưởng hoặc văn hoá chung đã nối kết họ. Vậy nó là cái gì? Chắc tôi sẽ nói, chính Chúa Giêsu là người đã liên kết họ. Mỗi người trong họ đều yêu Chúa Giêsu, khát khao sống trước sự hiện diện của Người và có sự sống của Người trong họ. Mỗi người trong họ đều khát khao không những Thiên Chúa mà còn muốn điều Người muốn nữa. Họ được liên kết trong ý muốn của Người, và ước muốn của Người dành cho họ. Ước muốn của Chúa Giêsu là các môn đệ sẽ phải theo Người. Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy theo tôi” (Ga 1,43; 21,19). Theo Chúa Giêsu trong tình yêu – Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Khát vọng của Chúa Giêsu là muốn được ở trong mỗi môn đệ và giúp chúng ta tin tiếng kêu của Chúa Giêsu, “Ta khát”, cùng đáp lại tiếng kêu đó và trải nghiệm được sự vui mừng vì được phục vụ Người – “Các bạn đã làm việc đó cho tôi”.
Để kết thúc buổi suy ngắm của chúng ta hôm nay, chúng ta hãy thực hiện một cuộc hành hương đến dưới chân Thánh giá. Chúng ta hãy đứng đó với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chị của Mẹ Người, bà Maria Clô-pát, Maria Magđalêna và môn đệ Người yêu mến. Chúng ta hãy lắng nghe nỗi khao khát của Chúa Giêsu – “Ta khát”. Đây là cảnh gây xúc động ở đồi Canvê – Đức Maria là người đầu tiên trông thấy và nghe được khát vọng sâu thẳm nhất của Con Mẹ. Mẹ và các bà khác đang đứng gần Thánh giá. Vì thế, thật hợp lý khi tin rằng họ là những người đã cho Người uống khi Người kêu lên: “Ta khát” và chính là cho họ mà Người đã ban Thần Khí. Kinh Thánh nói: “Khi người ta đã đưa giấm cho Người uống thì Người nói “Mọi sự đã hoàn tất”. Rồi Người gục đầu xuống và trút thần khí” (Ga 19,30). Người đã trao Thần Khí của Người cho ai? – “Cho tất cả những người đứng dưới chân Thánh giá”. Điều đó có nghĩa là cho tất cả những ai đáp lại tiếng kêu của Chúa Giêsu trong người nghèo, người cần được trợ giúp, những người đó sẽ nhận lãnh món quà Thần Khí xuất phát từ Chúa Giêsu.
Để tổng hợp tất cả những gì chúng ta đã chia sẻ – cuộc đời và khát vọng của mẹ Têrêsa là một Người: đó là Đức Giêsu. Nơi Mẹ, cả hai – tình yêu Chúa Giêsu và việc phục vụ người nghèo nhất – được sinh ra cùng với nhau. Khát vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành đời sống chúng ta. Tất cả chúng ta đều có những khát vọng khác nhau. Chính khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta đưa dẫn chúng ta đến một đời sống thánh thiện và tạo nên một môi trường ban phát sự sống cho kẻ khác. Điều có thể quy tụ chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui – chính là cái khát vọng được biến thành khát vọng của Chúa Giêsu. Khi gặp được khát vọng của Chúa Giêsu, thì Người sẽ đổ đầy lòng chúng ta món quà của Thần Khí Người.
Vp. Caritas Việt Nam