NHỮNG BÀI SUY NIỆM TRONG TUẦN LỄ LINH THAO
Người hướng dẫn: Thầy YESUDAS MC
Người chuyển ngữ: Phaolô Lê Phước Thiện
***
BÀI SUY NGẮM THỨ NĂM
Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta
và chúng ta đi theo Người để thực hiện một điều gì đó tốt đẹp cho Chúa
“Ngày hôm sau, Chúa Giêsu quyết định đi đến Galilê. Người gặp Philipphê và nói với ông: “Hãy theo tôi” (Ga 1,43).
Cầu nguyện:
Chúng ta hãy để ít phút, nhắm mắt lại và trong tưởng tượng hãy xem Chúa Giêsu đang nhìn Philipphê và nói với ông: “Hãy theo tôi”. Đi theo là muốn đề nghị tham gia theo Chúa Giêsu trên con đường biến đổi bản thân và điều đó có nghĩa là đi theo con đường thập giá. Chúng ta cần theo Chúa Giêsu mà cơ bản là tập trung vào Thiên Chúa. Tập trung vào Thiên Chúa nghĩa là yêu mến Thiên Chúa. Yêu Chúa nghĩa là yêu những gì Chúa yêu. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Duy Nhất của mình để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết mà được sống đời đời. Chúng ta hãy thầm thĩ xin ơn theo Chúa Giêsu và yêu những gì Thiên Chúa yêu.
THINH LẶNG
Các bạn đã làm việc đó cho tôi, yêu trong hành động, cảm thông và lòng tràn ngập khát vọng cho Chúa, Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta. Chúng ta đang ở ngày cuối cùng của cuộc tĩnh tâm và cầu nguyện. Trong vài hôm nữa tất cả chúng ta sẽ rời Đài Loan và trở về quê hương với những hoạt động của mỗi chúng ta. Chúng ta mang về với mình được những gì và chúng ta sẽ đi với ai?
Mẹ Têrêsa, vào ngày 7-1-1992, sau lễ Ba Vua, đã viết cho đại gia đình Thừa Sai Bác Ái như sau: Mẹ nhắc nhở chúng ta: “Cộng đoàn đang hiện diện ở 97 quốc gia, chúng ta cũng đã phải đi vào một trong những vương quốc ấy (của ba vua) – sự khác biệt là chúng ta tiến vào với Chúa Giêsu chứ không phải đi tìm kiếm Chúa Giêsu. Khi chúng ta trở về chỗ và công việc của riêng mình – chúng ta đi với Chúa Giêsu và chúng ta làm việc đó cho Người.
Đi với Chúa Giêsu và làm việc đó cho Người, chúng ta cần nhận biết Người và yêu mến Người.
Trong một bài nguyện gẫm của mẹ Têrêsa, mẹ đã cảm hứng lên kinh cầu: “Đối với tôi Chúa Giêsu là ai?”
Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể.
Chúa Giêsu là Bánh sự sống.
Chúa Giêsu là của lễ hiến dâng trên thập giá đền tội chúng ta.
Chúa Giêsu là Hy tế được tiến dâng trong Thánh lễ để đền tội cho thế gian và cho tôi.
Chúa Giêsu là Lời – phải được nói lên.
Chúa Giêsu là Sự thật – phải được tường thuật cho hết mọi người.
Chúa Giêsu là Con đường – phải được bước theo.
Chúa Giêsu là Ánh sáng – phải được chiếu soi.
Chúa Giêsu là Sự sống – phải được sống.
Chúa Giêsu là Tình yêu – phải được yêu.
Chúa Giêsu là sự Vui mừng – phải được chia sẻ.
Chúa Giêsu là Hy tế – phải được tiến dâng.
Chúa Giêsu là sự Bình an – phải được phân phát.
Chúa Giêsu là Bánh sự sống – phải được ăn.
Chúa Giêsu là Người đói – phải được cho ăn.
Chúa Giêsu là Người khát – phải được cho uống.
Chúa Giêsu là Người trần truồng – phải được cho mặc.
Chúa Giêsu là Kẻ không nhà – phải cho tá túc.
Chúa Giêsu là Người bệnh – phải được chữa lành.
Chúa Giêsu là Kẻ cô đơn – phải được thương yêu.
Chúa Giêsu là Người không được hoan nghênh – phải được hoan nghênh.
Chúa Giêsu là Người cùi hủi – phải được băng bó vết thương.
Chúa Giêsu là Kẻ ăn mày – hãy cho một nụ cười.
Chúa Giêsu là Người nghiện rượu – hãy lắng nghe.
Chúa Giêsu là Người chậm phát triển – phải bảo vệ.
Chúa Giêsu là Người bé mọn – phải ôm ấp.
Chúa Giêsu là Người khiếm thị – phải dẫn đi.
Chúa Giêsu là Người câm – phải nói thay.
Chúa Giêsu là Người què quặt – phải bước đi cùng.
Chúa Giêsu là Người nghiện ma tuý – phải làm bạn với.
Chúa Giêsu là Gái mại dâm – phải đưa ra khỏi hiểm nguy và làm bạn với.
Chúa Giêsu là Tù nhân – phải được viếng thăm.
Chúa Giêsu là Người già nua – phải được phục vụ.
Đối với tôi,
Chúa Giêsu là Chúa của tôi.
Chúa Giêsu là vị Hôn thê/phu của tôi.
Chúa Giêsu là Sự sống của tôi.
Chúa Giêsu là Người yêu độc nhất của tôi.
Chúa Giêsu là Tất cả trong mọi người của tôi.
Chúa Giêsu là Mọi thứ của tôi”.
Bạn đã làm việc đó cho tôi – là đời sống tập trung quanh Chúa Giêsu và thông qua Chúa Giêsu. Đó là đời sống tập trung quanh Thiên Chúa. Chúng ta cần phải học nơi Chúa Giêsu tầm nhìn về sự sống. Chúa Giêsu là mẫu gương cho tất cả chúng ta là những người làm việc trong các tổ chức bác ái của Giáo Hội. Trong công tác bác ái chúng ta cần điều hành và quản lý cho việc vận hành của tổ chức. Mà đó không phải là khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo của chúng ta. Trọng tâm của việc lãnh đạo công tác bác ái của chúng ta bao hàm một tầm nhìn. Tầm nhìn này cần trở nên một tầm nhìn được chia sẻ.
Cuộc đời và hành động của Chúa Giêsu được xoay quanh một tầm nhìn đã cho Người một sứ mạng. Chúa Giêsu chia sẻ tầm nhìn và sứ mạng đó cho những kẻ thuộc về Người. Để hiểu được Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn 30 năm Người đã sống ở Nazareth để đào tạo tầm nhìn và tự trang bị cho sứ mạng của mình. Không có đường ngang lối tắt thần linh dành cho Chúa Giêsu dù Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người cách trọn vẹn. Người đã sử dụng những nguồn lực bình thường sẵn có cho Người. Điều này đã đặt Người vào đúng những điều kiện mà chính chúng ta gặp phải. Người đã sử dụng đường lối thông thường đã mở ra cho Người. Người sống một cuộc sống rất bình dị theo một cách hết sức là đặc biệt. Người đã sống những năm dài ở Nazareth, quan sát, giao tiếp, hiệp thông, lắng nghe, học hỏi và trở nên. Người đã học được gì? Người đã chuẩn bị cho sứ mạng mà Cha đã trao phó cho Người như thế nào?
Người đã đến từ những vùng chung quanh ngôi làng nhỏ bé không được gọi là “có học thức bao nhiêu”, Người không có bằng tiến sĩ Triết học hay Thần học trong Kinh Thánh, nhưng Người đã học được từ Đức Maria và thánh Giuse cách cầu nguyện, cách đọc và ý nghĩa của Lời Chúa. Người lắng nghe giáo huấn của Kinh Thánh trong hội đường, Người đã dành nhiều giờ cho kinh nguyện cá nhân. Người hoà mình với dân chúng, làm vài công việc của người thợ mộc. Người lớn lên như một người biết yêu thương, có bạn bè tốt bằng mối quan hệ với những con người đơn sơ sống chung quanh Người, Người đạt tới mức hiểu được hoàn cảnh của họ. Người cũng thấy sự lạm dụng quyền lực trong giới chính trị và cả tôn giáo nữa. Người biết chuyện gì đang diễn tiến. Đó là thực chất của thuật lãnh đạo chân chính trong Giáo Hội là biết được chuyện gì đang diễn tiến và thực tế hiện hành. Hoàn cảnh thực tế ở Nazareth đã đặt Chúa Giêsu trong bối cảnh giao tiếp thật sự với người đương thời của Người.
Chúa Giêsu nhận thức về Thiên Chúa như là Cha của Người trong đời sống bình dị ở Nazareth và Người muốn chia sẻ sự thân mật đó với những con người bình dị. Người biết chỉ có sự thân mật này mới đem đến ơn cứu độ. Người cảm nghiệm sâu sắc mối quan hệ giữa Cha với mình, và Người ý thức rằng Cha Người đã kêu gọi Người thực thi một sứ mạng là mạc khải Cha cho nhân loại. Trong những năm sống thầm lặng, tầm nhìn của Cha luôn sánh bước với Người và Người Cha ấy muốn Người mạc khải Người Cha duy nhất này cho nhân loại. Chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi để mạc khải Ngài cho thế giới. Tất cả những công tác bác ái của chúng ta chỉ là những phương tiện chứ không phải là mục đích sau cùng. Điều chúng ta cần tự vấn là – công tác bác ái của chúng ta trong Giáo Hội có đang được thực hiện để mạc khải Thiên Chúa cho người khác không? Nếu chúng ta phải mạc khải Thiên Chúa cho thế giới, chúng ta cần học nghệ thuật bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa như Chúa Giêsu.
Ngôn sứ Mikêa hỏi: “Đức Chúa đòi hỏi điều gì ở ngươi?” Ngài trả lời: “Tôi sẽ trình diện trước tôn nhan Đức Chúa, Tôi sẽ phủ phục trước tôn nhan Đấng Tối Cao với thứ gì? Tôi sẽ đến trước tôn nhan Ngài với những lễ vật toàn thiêu, với những con bê một năm tuổi ư? Liệu Đức Chúa có vui lòng với hàng ngàn con cừu đực còn tơ, với lượng dầu tưới lên như suối không? Liệu tôi phải tiến dâng đứa con đầu lòng bù cho lầm lỗi, Hoa quả của lòng tôi đền bù cho tội ác tôi đã phạm? “Có lời đã phán cùng ngươi, hỡi con người hay chết, điều tốt đẹp, và điều mà Đức Chúa đòi ở ngươi không gì khác hơn là, thực thi sự công chính, yêu thương với lòng tốt, và khiêm tốn bước đi với Ngài” (Mk 6,6-8).
Trong những công tác bác ái của chúng ta, việc điều hành và quản lý những dự án không phải là mục tiêu chính yếu. Mối quan tâm nền tảng của chúng ta là cần khiêm tốn bước đi trong sự hiện diện của Chúa qua những hoạt động bác ái của chúng ta. Chúng ta cần hướng về Chúa Giêsu và các thánh để học nghệ thuật bước đi trong sự hiện diện của Chúa. Và đó là tầm nhìn nền tảng trong thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI. Bước đi trong sự hiện diện của Cha là linh đạo của Chúa Giêsu. Người học được linh đạo này trong bối cảnh thực tế của cuộc sống bằng cách đáp ứng những hoàn cảnh sống theo cung cách ứng xử cụ thể. Trong những tình huống thông thường của cuộc sống, Người đã khám phá ra sứ mạng của mình qua việc lắng nghe âm thầm tiếng nói của Cha và tiếng lương tâm của Người. Đó là sự lắng nghe trong thinh lặng qua những giờ cầu nguyện lâu dài, Người cảm nghiệm được sự thân mật của Cha, và Người biết nếu như Người có thể ban phát sự thân mật này cho nhân loại đang bị thương tích, thì nó sẽ đem lại ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã minh chứng điều này cách đẹp đẽ biết bao trong sứ vụ của Người và Người đã nói với các môn đệ rằng: Ta đã yêu thương anh em như Cha đã yêu thương Ta, hãy ở lại trong tình yêu của Ta (x. Ga 15,9). Chia sẻ mối quan hệ thân mật này với người khác đã trở nên lối sống mới của Chúa Giêsu. Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy thực hành như vậy.
Trong thời gian sống ở Nazareth, Chúa Giêsu đã làm việc với đôi bàn tay và trái tim của Người. Người đã thành thạo những kỹ năng của người thợ mộc. Người biết phải lắp ghép những bộ phận lại với nhau như thế nào, tạo một dáng mới và sản xuất một đồ vật xinh đẹp. Người đã dung hoà được công việc và cái đẹp của việc lắp ghép những mảnh gỗ lại với nhau. Công việc đơn giản và bình dị này của những năm sống ẩn dật đã cung cấp cho Người tầm nhìn của việc xây dựng nước Thiên Chúa ở trần gian. Người nhận ra rằng xã hội loài người và Do Thái giáo bị chia cắt thành nhiều mảnh. Tôn giáo trở thành vô tâm và vô cảm. Sứ mạng của Người là tái xây dựng cái xã hội vô tâm vô cảm này. Người cũng biết, sở dĩ xã hội như thế là vì nó đã đánh mất sự liên kết đích thực với Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính mình. Do đó Người kêu gọi một sự biến đổi và trở về. Người có một tầm nhìn và sứ mạng rất rõ ràng trong sáng. Khi Người vận dụng chúng, Người cảm hoá được con người bằng đôi bàn tay và trái tim của Người và Người đã kêu gọi họ thay đổi thái độ, để Người có thể xây dựng Vương quốc Tình yêu. Trong Chúa Giêsu có một khát vọng bừng cháy cho sứ mạng này (x. Lc 12,49). Nó là của ăn và thức uống của Người (x. Ga 4,34). Nó là nỗi khao khát của Người (x. Ga 19,28). Tầm nhìn và sứ mạng này là một ngọn lửa trong trái tim Chúa Giêsu, vì thế Người muốn để đôi bàn tay của mình bị đóng đinh và trái tim bị đâm thâu qua.
Chúng ta cần tiếp thu tầm nhìn và sứ mạng này của Chúa Giêsu như là lời mời gọi sống của mỗi chúng ta. Những công tác bác ái của chúng ta không phải chỉ là một bổn phận hay một trách nhiệm hoặc chỉ là chạy theo một dự án hoặc một cuộc chiến đấu chống lại mọi loại thống khổ. Chúng ta cần mang lấy tầm nhìn gieo rắc ngọn lửa tình yêu của Người, ánh sáng của Người trong mọi hoạt động của chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cần dấn thân hoàn toàn cho sự hiện diện của Chúa trong hết mọi hoạt động của chúng ta. Không phải là vấn đề chúng ta làm được những gì, mà là vấn đề có một sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu trong tất cả những gì chúng ta làm cho kẻ khác. Sự hiện diện này phải trở nên một tầm nhìn được chia sẻ, nó sẽ là động lực thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta trong công việc cùng nhau xây dựng sự hiện diện của tình yêu giữa những “người anh em bé mọn nhất” của chúng ta. Việc chúng ta chung lòng chung sức cho sứ mạng là lời nói “xin vâng” dâng lên Chúa Cha – Đó là lời kêu gọi thánh thiêng và sẽ sản sinh ra sức mạnh vĩ đại trong Giáo Hội.
Chúng ta phải lưu ý, trong cuộc đời của Chúa Giêsu, một điều là Người đã chọn những con Người tầm thường. Họ là những con người được nhiều ân huệ và cũng nhiều va chạm và tổn thương. Những con người này đã trở nên môn đệ và những người lãnh đạo của Giáo Hội sơ khai. Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng những con người tầm thường nhất có thể trở thành môn đệ và lãnh đạo chân chính. Người đã cư xử với họ bằng tình thương và kính trọng. Người đã nói với họ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Có một ý nghĩa thuộc về họ. Do sự kiện này mà Chúa Giêsu đã chứng tỏ những con người tầm thường nhất có thể trở thành những môn đệ và những người lãnh đạo của Người. Làm môn đệ Chúa Giêsu và làm người lãnh đạo không lệ thuộc vào trình độ văn hoá, gia đình vọng tộc, có chức vụ hay địa vị cao. Điều mà Chúa Giêsu đã thực hiện với những con người này là sự biến đổi cung cách và giá trị. Chúa Giêsu đã khiến họ dấn thân một cách sâu đậm vào sự trưởng thành của chính họ và những người khác. Người đã cho họ không gian và thời gian để biến đổi nội tâm, tức là một sự đào tạo con tim. Người đã tạo trong họ bầu khí cho sự thay đổi và trưởng thành. Người đã thực hiện điều này bằng cách đồng hành với họ, nâng đỡ và tha thứ cho họ. Sự trưởng thành của người môn đệ phải chăng là ưu tiên số một của Người? Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đang cố gắng làm gì với tư cách là người lãnh đạo? Loại giá trị nào mà chúng ta đang cố gắng tạo nên trong những công tác bác ái của chúng ta? Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người phải hợp nhất với Người và với nhau, như thế họ sẽ làm được những điều trọng đại hơn. Như thế, Chúa Giêsu đã xây dựng một ý nghĩa của sự thuộc về và mục tiêu của Người là các môn đệ chứ không phải là thuộc về những sự vật. Mẹ Têrêsa đã từng gọi người nghèo mà mẹ phục vụ là “Dân tộc của chúng ta” và họ đúng là “một dân tộc vĩ đại”, “Họ là một dân tộc tuyệt vời làm sao!”… Là những người lãnh đạo, chúng ta thì sao? Chúng ta có hiểu được ý nghĩa mình thuộc về người nghèo và những người thiếu thốn không? Chúng ta đang phục vụ ai?
Chúa Giêsu, trong 30 năm âm thầm của mình, Người đã học bước đi trong sự thật. Sự thật về những điều bé mọn và mang tình yêu, sự thương cảm của Chúa cho người bé mọn nhất trong những người anh em. Chúa Giêsu đã sống với Mẹ Maria, thánh Giuse và những con người bình dị của làng Nazareth. Người đã trông thấy vẻ đẹp của những điều nhỏ nhặt nơi Đức Maria và thánh Giuse. Người đã dạy rằng điều nhỏ mọn là điều đẹp (x. Lc 21,4). Người thấy rằng món quà đặc biệt và sứ mạng của Người là làm việc với những con người bình dị, người nghèo của Thiên Chúa Yahvê. Những người nghèo này thì vô danh, tiểu tốt, không ai biết, chẳng ai quan tâm. Họ làm việc cật lực ngày đêm mà không được công nhận. Người đã đến để cứu chữa những người bị hư mất. Điều người quan tâm là đem đến sự tôn trọng, phẩm giá, tình yêu, sự cảm thông và bình an cho những ai bị thất vọng và bị xem là không có giá trị. Điều này rất rõ ràng trong những dụ ngôn của Người. Khát vọng của Người, “Quy tụ những người bị hư mất và xây dựng Nước Thiên Chúa” là trọng tâm sứ mạng của Người (x. Lc 4,18-19). Phần chúng ta thì sao? Chúng ta đang làm gì với những hoạt động bác ái của chúng ta? Chúng ta có thể dễ bị rơi vào cạm bẫy tạo nên do cuộc sống chúng ta bị quá tải bởi những công việc của đời sống hằng ngày. Chúng ta có thể đơn giản nghĩ rằng Chúa Giêsu đã làm việc vất vả nên chúng ta cũng cần làm như thế. Người rong ruổi khắp nơi để thi ân giáng phúc nên chúng ta cũng cần làm như vậy. Chúng ta có thể trở thành nghiện hoạt động. Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người đã quản lý những ưu tiên của Người tốt như thế nào và Người đã có được thời giờ dành cho những gì là quan trọng. Sau một ngày làm việc vất vả, Người đã để thời gian cầu nguyện lâu dài. Người xem con người như là một quà tặng và Người sẵn sàng đón nhận họ. Chúng ta cần học hỏi từ Chúa Giêsu cách Người bước đi trong sự thật, cách đó sẽ biến chúng ta thành một Kitô khác như là một ngôi vị.
Suốt thời gian 30 năm âm thầm, Chúa Giêsu đã học mở tâm hồn mình cho Chúa Cha, cho những con người bình dị và cho vạn vật. Trong Người có một sự trong sáng và cởi mở tuyệt vời. Chúa Giêsu nhấn mạnh sự trong sáng, sự cởi mở và tính trung thực như là những nhân đức dành cho những kẻ đi theo Người. Người chẳng bao giờ có bí mật gì liên quan đến sứ mạng của Người, Người đã nói cho các môn đệ của Người hết mọi điều (x. Ga 15,15). Người không muốn có kiểm tra đôn đốc, không cần giữ bí mật như thế. Người nhấn mạnh đến viêc cổ vũ ý nghĩa của sự thuộc về và của cộng đồng. Cuộc đời của Người là hoàn toàn thuộc về Chúa Cha, Người sống trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh. Chúa Giêsu là sự mạc khải tính duy nhất: tính duy nhất của Người với Chúa Cha, tính duy nhất của Cha với Người và với chúng ta, tính duy nhất của chúng ta với nhau, với Người và với Cha (x. Ga 17,21-23). Trong Người có một linh đạo hiệp thông và phục vụ. Người là chứng nhân của sự hiệp thông và phục vụ. Các môn đệ của Người đã làm như vậy (x. Cv 4,32-35). Nỗi khát khao cho một nhân loại tốt đẹp hơn của Người, đến từ sự hiệp thông với Chúa Cha. Sự kết hợp này làm cho nguồn ơn của Thần Khí tuôn tràn qua Người. Chúng ta được kêu gọi làm những người lãnh đạo trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, với Cha và cho phép Chúa Thánh Thần hoạt động qua chúng ta. Chính sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Chúa Cha dẫn chúng ta đến việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Sự hiệp thông này cũng biến chúng ta thành nguồn ơn của Thần Khí Chúa sẵn sàng cho những người khác, và như vậy lần lượt từng bước chúng ta được rập theo khuôn để trở thành chứng nhân của Chúa ở giữa nhân loại đang đau khổ này.
Để kết thúc bài suy ngẫm hôm nay, tôi muốn đưa tất cả quý vị đến một căn phòng cao hơn, nơi mà Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đang cầu nguyện với các Tông đồ. Các Tông đồ và một số chị em phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu ở trong căn phòng tầng trên. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ở giữa họ. Mẹ có thể trông thấy gương mặt của Con mình trên từng khuôn mặt của những người đang vây quanh Mẹ. Mẹ đang cầu nguyện để khai sinh Giáo Hội. Chúng ta được kêu gọi để trông thấy gương mặt của Chúa Giêsu trên gương mặt người bé mọn nhất trong số anh em và khai sinh cho Giáo Hội ở bất cứ nơi nào chúng ta đi. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với mẹ Têrêsa Calcutta: “Lạy Đức Maria, Người Mẹ yêu quý nhất của con, xin cho con một trái tim thật đẹp, thật trong sáng, thật vô tì vết, thật đầy tình yêu và khiêm tốn để con có thể đón tiếp Chúa Giêsu như Mẹ đã đón tiếp – và nhanh chóng đem Người đến cho kẻ khác”.
Để tổng hợp tất cả những gì chúng ta vừa chia sẻ – tất cả chúng ta hãy đi với Chúa Giêsu, khi chúng ta đi với Người, chúng ta cần biết được Người và cần học hỏi từ nơi Người cách bước đi trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta cần học hỏi từ nơi Người ý nghĩa của làm việc với đôi tay và trái tim. Chúng ta cần học hỏi từ nơi Người cách bước đi trong sự thật và mở lòng hiệp thông với Chúa, với tha nhân và vạn vật. Chúng ta cần cầu nguyện với Mẹ Maria và nhìn xem gương mặt Chúa Giêsu nơi người khác và nhanh chóng đi phục vụ họ.
Vp. Caritas Việt Nam