LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
QUA MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
Lễ Gia nhập Tu hội Nữ ICM 7.6.2016
(Bài giảng cùa ĐC Antôn)
Lễ Gia nhập Tu hội Nhập thể – Tận hiến – Truyền giáo năm nay được cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi xin chia sẻ về “Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể”.
Từ “nhập thể” (incarnatio) được Thánh Gioan Tông đồ dùng để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Tại sao Con Thiên Chúa làm người ? Câu trả lời có trong Kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế ; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.
Như thế, lý do thứ nhất của việc nhập thể là “vì loài người chúng tôi”. Loài người chúng ta đã được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô. Nụ hôn đầu tiên trong Kinh Thánh là “nụ hôn gió” của Thiên Chúa dành cho Adam khi “Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Adam Eva là hoa quả của tình yêu Thiên Chúa, tương tự như con cái là hoa quả của tình yêu cha mẹ. Con người được làm con Thiên Chúa, được sống hạnh phúc trong vườn Eden, mỗi ngày được đi dạo với Thiên Chúa trong vườn lúc gió hiu hiu thổi (x. St 3, 8). Đó là tình yêu sáng tạo. Sách Sáng thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 27). Thánh Gioan Tông đồ nói rõ: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 3). Như thế, việc Ngôi Lời nhập thể đã làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa trong công trình “sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Thế nhưng, loài người trong Adam Eva đã phạm tội chống lại ý muốn của Thiên Chúa, đã ăn trái cấm theo lời dụ dỗ của Satan, đã bị đuổi ra khỏi vườn Eden. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ ngay lúc đó khi “Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3, 21).
Tuy lúc đó Thiên Chúa đã “đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St 3, 24), nhưng đến thời đến buổi, con đường dẫn đến cây trường sinh đã được Thiên Chúa mở ra khi Ngôi Lời làm người. Khi đó, giữa Thiên Chúa và con người không còn một khoảng cách nào nữa, mà nên một trong Đức Giêsu Kitô, hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời. Kế hoạch sáng tạo con người của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Ngôi Lời Nhập thể. Tất cả do lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, chính việc sáng tạo đã khởi đầu ơn cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho con người.
Tuy nhiên, Kinh Tin Kính còn nói đến lý do thứ hai của việc nhập thể là “để cứu rỗi chúng tôi”. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã viết: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô… Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1, 5.7).
Như thế, ngoài ơn được làm con trong Con (viết hoa) qua mầu nhiệm nhập thể, loài người còn được ơn tha tội nhờ máu của Thánh Tử đổ ra qua mầu nhiệm cứu chuộc. Do đó chúng ta tuyên xưng: “và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Theo lẽ công bằng, loài người có tội thì phải chết, nhưng Con-Thiên-Chúa-Làm- Người đã chết thay cho loài người nhờ lòng thương xót.
Đứng trước lòng thương xót của Thiên Chúa, một số chị em đã muốn gia nhập Tu hội mang tên “Nhập thể” để theo sát Đức Kitô trong công trình cứu rỗi loài người. Thật vậy, khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã thưa cùng Chúa Cha: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,10).
Hiệp thông với ý muốn của Thiên Chúa, các chị em còn muốn noi gương Đức Maria thưa “Xin Vâng” khi được truyền tin Ngôi Lời Nhập thể. Thật vậy, khi thưa “Xin vâng”, Đức Maria đã tự nguyện vâng theo ý muốn của Thiên Chúa gia nhập công trình cứu rỗi loài người, tự hiến hoàn toàn cho Chúa Con, cùng Chúa Con và tuỳ thuộc vào Chúa Con để phục vụ mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt qua việc sống 3 lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.
Chúng ta tiếp tục tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho các chị em gia nhập Tu hội Nhập Thể-Tận Hiến-Truyền Giáo, cảm nhận sâu xa hơn nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể, để sống mầu nhiệm ấy bằng việc tận hiến cho Thiên Chúa trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội.