MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG SỰ CHẾT
Origène viết: “Một hình bóng khác của sự kiện Xuất hành được thực hiện, khi linh hồn lìa bỏ bóng tối của thế gian này, lìa bỏ sự mù lòa của thân xác, và được đưa vào trong thế giới khác. Thế giới này là “lòng Abraham” (Lc 16,22) trong trường hợp Ladarô, là “thiên đàng” (Lc 23,43) trong trường hợp người trộm lành bị đóng đinh”. Nói khác đi, sau khi đã vượt từ nết xấu sang nhân đức, từ bên ngoài vào bên trong, còn một cuộc vượt qua cuối cùng phải làm, là vượt qua khỏi thân xác và thế gian ; còn một “Biển Đỏ” cuối cùng phải đi qua, Biển Đỏ của sự chết.
Bên giường người hấp hối, người ta hay đọc một kinh nhắc lại ý nghĩa này của cái chết, tức như một cuộc vượt qua, một cuộc xuất hành: “Linh hồn ơi, hãy ra khỏi thế gian này”.
1. Từ sự chờ đợi ngày Quang lâm đến giáo lý về Tứ chung (fins dernières)
Ngay từ đầu, người ta ghi nhận trong lễ Vượt qua của Kitô giáo có một yếu tố đáng lưu ý, liên hệ đến cánh chung học. Đó là dân Chúa chờ đợi Chúa Kitô trở lại. Trước câu hỏi “Tại sao chúng ta canh thức đêm nay?”, một tác giả đầu thế kỷ III (Lactance) đã trả lời: “Có hai lý do : vì trong đêm nay, sau khi chịu Khổ nạn, Chúa Kitô đã sống lại; và vì một ngày nào đó, cũng trong đêm nay, Ngài sẽ thống trị thế giới”.
Ý tưởng về ngày Quang lâm trong đêm Vọng Phục sinh mạnh mẽ đến nỗi, theo lời thánh Giêronimô, Giám mục không được giải tán dân chúng trước nửa đêm. Vì sao? Vì cho tới giờ đó, Phu quân có thể đến bất cứ lúc nào, tức Quang lâm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Người ta nghĩ rằng đêm cuối cùng của thế giới, cũng như đêm đầu tiên, hẳn sẽ xẩy đến trong đêm Vượt qua.
Tuy vậy, cũng phải nói rằng, chờ đợi ngày Quang lâm chưa bao giờ là nội dung chính của lễ Vượt qua Kitô giáo; tưởng niệm công cuộc tạo dựng cũng vậy, cho dù phụng vụ Đêm Vọng Phục sinh có đề cập công cuộc này. Trong lễ Vượt qua, các Kitô hữu họp nhau tiên vàn là để tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, sự hoàn tất công trình cứu độ, chứ không phải để chờ Đức Kitô đến, hay để tưởng nhớ trước việc Ngài đến. Nội dung chính của ngày lễ luôn có tính chất lịch sử và tưởng niệm, cho dù bầu khí nổi bật là bầu khí cánh chung.
Qua dòng thời gian, người ta nhận thấy có sự biến chuyển : từ cánh chung (eschatologie) sang hướng thượng (anagogie). Theo một nghĩa nào đó thì tiến trình bị đảo ngược : thay cho ý tưởng Chúa đến với ta là ý tưởng ta đến với Chúa, thay cho việc Ngài trở lại thế gian là việc ta tiến về trời. Cùng với điều trên đây, cánh chung cá nhân của riêng từng người có ưu thế hơn cánh chung của cả Giáo hội. Viễn tượng “khi nào” Chúa trở lại mờ dần, ngược lại, viễn tượng chủ yếu là Chúa sẽ trở lại như thế nào. Từ đây không còn là chờ đợi ngày Quang lâm khiến người ta phải tỉnh thức vì nghĩ nó sắp xẩy ra, nhưng là chờ đợi tứ chung. Ngay cả sự canh thức Vượt qua cũng trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh cửu. Augustinô viết: “Trong đêm nay, chúng ta nhắc lại đêm mà Chúa đã sống lại, và đã khai mào cho ta đời sống vĩnh cửu, nơi không còn chết chóc hay an giấc”.
Cũng như những trường hợp khác, chính trong Truyền thống Giáo hội mà sự biến chuyển này được thực hiện. Truyền thống thu thập tất cả những gì người Kitô hữu nói về sự hoàn thành công cuộc cứu độ, theo một “nghĩa đặc biệt” gọi là nghĩa hướng thượng, như là khía cạnh thứ ba hay mức độ thứ ba của việc đọc Kinh thánh, sau nghĩa song đối và luân lý.
Thời Trung cổ, người ta đã tổng hợp lý thuyết về bốn nghĩa của Kinh thánh trong một kiểu nói nổi tiếng : văn tự dạy điều xẩy ra, ẩn dụ dạy điều phải tin, luân lý dạy điều phải làm, hướng thượng dạy điều phải đợi hay hướng tới (Littera gesta docet, quid credas allegoria, moralis quid agas, quo tendas anagogia)
Áp dụng lược đồ trên vào cuộc Vượt qua, một tác giả cũng thời Trung cổ đã nói : Vượt qua có một nghĩa lịch sử, một nghĩa ẩn dụ, một nghĩa luân lý và một nghĩa hướng thượng. Theo nghĩa lịch sử, Vượt qua là khi thần sứ đánh phạt Ai cập; theo nghĩa ẩn dụ là khi Giáo hội, nhờ phép Rửa, đi từ chỗ không tin sang chỗ tin; theo nghĩa luân lý khi, nhờ ăn năn thú tội, linh hồn đi từ nết xấu tới nhân đức; theo nghĩa hướng thượng, khi chúng ta từ chỗ lầm than của đời này đạt tới niềm vui vĩnh cửu.
Vậy cánh chung tồn tại trong ý thức của người Kitô hữu và trong phụng vụ lễ Vượt qua dưới hình thức thường xuyên quy hướng tới những sự trên trời (x.Cl 3,1), tới lễ Vượt qua vĩnh cửu, như một tưởng niệm thường xuyên mục đích của cuộc đời mình. Anagogia dịch theo chữ có nghĩa là hướng lên cao.
Phần trình bày vắn tắt trên đây có ý cho thấy sự kiện đầu tiên trong Tứ chung, tức sự chết, được bàn trong khảo luận về Mầu nhiệm Vượt qua như thế nào. Qua những gì nói tiếp sau đây, ta còn có thể thấy sự chết không chỉ là thành phần của Mầu nhiệm Vượt qua, mà còn có một ý nghĩa sâu xa hơn.
2. Sự chết xét theo khía cạnh khôn ngoan
Có hai cách xem xét sự chết : một cách xét theo khía cạnh khôn ngoan như Kinh thánh làm, điều này không riêng gì trong đạo, ngoài đời người ta cũng xét, trong triết học, tôn giáo hay thi phú; một cách xét theo khía cạnh mầu nhiệm hay vượt qua, cách này là riêng của Kitô giáo và chỉ mình Kitô giáo mới có.
Xét theo cách trước, sự chết là nhà sư phạm, là thầy dạy; xét theo cách sau, nó là nhà thần bí, theo nghĩa nó dẫn vào mầu nhiệm, và là thành phần của mầu nhiệm Kitô giáo. Cựu ước cho ta một cái nhìn về sự chết theo khía cạnh khôn ngoan, còn Tân ước cho ta một cái nhìn theo khía cạnh mầu nhiệm, Kitô học và vượt qua.
Trước hết ta xét sự chết theo khía cạnh khôn ngoan. Trực tiếp nói về nó là các sách Gióp, Thánh vịnh, Giảng viên, Huấn ca, Khôn ngoan. Tất cả các sách trên đều chú ý đặc biệt đến chủ đề sự chết: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90/89, 12). Chỉ trong sách Khôn ngoan, một trong những sách thuộc loại khôn ngoan, người ta thấy ý tưởng về sự đền bù ở thế giới bên kia bắt đầu soi sáng cho sự chết.
Theo quan điểm này, các giải đáp của Kinh thánh không khác lắm với những giải đáp của người đời.
Theo triết gia Epicure, sự chết là một vấn đề không đúng (faux problème). Ông nói: “Khi tôi ở đó thì sự chết lại không ở đó, còn khi sự chết ở đó thì tôi lại không ở đó”. Thế nên nó không liên hệ gì đến chúng ta cả. Đừng nghĩ tới nó nữa là xong.
Theo thánh Augustinô, khi một con người sinh ra, người ta đưa ra nhiều giả thiết về nó : nó có thể đẹp mã hay xấu dáng, có thể giầu hay nghèo, có thể sống thọ hoặc mệnh yểu. Nhưng người ta không nói : có thể nó sẽ chết hoặc không chết. Bởi sự chết là một thứ bệnh “phải chết”, bất trị, đã nằm trong bản tính con người. Đây là điều duy nhất tuyệt đối chắc chắn (Mọi người đều phải chết). Thánh nhân cũng nói trong Confessions : cuộc đời chúng ta phải được coi như một “sự chết dưới dạng sự sống”, hoặc một “sự sống dưới dạng sự chết” (I, 6, 7).
Lý luận trên đây được triết gia Heidegger lấy lại. Ông biến sự chết thành đối tượng triết học của ông. Khi coi con người như một hữu thể để chết, ông cho cái chết không phải là chuyện ngẫu nhiên chấm dứt cuộc đời, mà là chính bản chất của sự sống. Sống chính là chết, là thu ngắn dần dần cuộc đời. Sống để chết, có nghĩa là sự chết không chỉ là kết thúc, mà còn là mục đích của đời sống. Người ta sinh ra để chết, chứ không phải cho điều gì khác. Quan niệm này làm đảo lộn tận căn quan niệm của Kitô giáo, theo đó con người sinh ra và sống là để hướng tới sự sống vĩnh cửu.
Vấn đề liên hệ đến cái chết, xét theo sự khôn ngoan của con người, chính là nó không an ủi một ai, không làm tan đi nỗi sợ hãi. Ai nấy tự nhiên đều sợ chết. Mọi văn hóa, mọi nơi và mọi thời, đứng trước cái chết như đứng trước một câu đố không có lời giải đáp, hơn nữa, đây còn là một câu đố đặc biệt, không chờ đợi ai giải đáp cả.
Người Kitô hữu chúng ta tìm câu giải đáp ở đâu?
3. Sự chết xét theo khía cạnh vượt qua
Tân ước cũng có những lời đậm chất khôn ngoan về sự chết, nhắc lại cách chung những lời đã có trong Cựu ước. Chẳng hạn lời Thiên Chúa nói với người giầu: “Đồ ngốc! Nếu đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20), thì sách Giảng viên hay sách Huấn ca đã có những lời tương tự như thế rồi (x. Gv 2,21 ; Hc 11,19).
Nhưng điều mới không nằm ở chỗ đó. Nếu Đức Giêsu chỉ lặp lại những gì Cựu ước đã nói, tình trạng con người trước cái chết chẳng thay đổi được là bao. Chỉ khi Ngài chịu chết trên thập giá, thì mọi sự mới thay đổi tận căn, và cái chết mới trở thành cái gì đó mới mẻ.
Đức Giêsu nói về cái chết của mình như một cuộc “xuất hành” vượt qua (x. Lc 9,31). Theo tác giả Phúc âm thứ tư, cái chết của Chúa đích thị là cuộc vượt qua mới. Gioan còn rõ ràng làm cho chữ vượt qua mang một ý nghĩa mới, biểu thị cái chết của Chúa. Vượt qua là Chúa Giêsu “bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha” (x. Ga 13,1). Từ nay, Vượt qua và cái chết của Chúa là hai sự việc liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi người Kitô hữu nghĩ rằng chữ Vượt qua phát xuất từ chữ passio, tức là đau khổ, và nó được gọi như thế vì cuộc Khổ nạn của Chúa.
Không chỉ có danh xưng sự chết thay đổi, bản chất của nó cũng thay đổi nốt. “Con người sinh ra để chết”, như phát biểu của triết gia, câu này, như đã nói, trái ngược hẳn với viễn tượng Kitô giáo, thì lại được người tín hữu coi là công thức hoàn hảo của mầu nhiệm Kitô giáo. Sao vậy? Chính Grêgoriô Nyssê hay Augustinô nói Đức Kitô sinh ra là để chết. Các Giáo phụ nói rằng tử thần đã tấn công Ngài, cắn xé Ngài nhưng không thể tiêu hóa Ngài, vì Thiên Chúa ở trong Ngài. Vì lý do này, tử thần đã bị giết chết: “Cùng với Thần Khí là Đấng không thể chết, Đức Kitô đã tiêu diệt tử thần, một tử thần đã tiêu diệt con người. Phụng vụ của cả Đông phương lẫn Tây phương tóm tắt công trình cứu độ bằng lời ca vang lên trong suốt mùa Phục sinh: “Người đã chết để tiêu diệt sự chết”.
Sự chết của con người không còn giống như trước đây, nhờ một biến cố có tính chất quyết định. Một sự mới mẻ đến khó tin, mà chỉ nhờ Thiên Chúa đến trong thế gian này mới xẩy ra được. Tử thần đã mất đi nọc độc, giống như con rắn mà chất độc chỉ còn có tác dụng gây mê một thời gian ngắn, chứ không thể làm chết người được nữa. Tử thần đã bị chôn vùi trong cuộc chiến thắng. “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).
Chúng ta biết có ba bức tường giữa Thiên Chúa và ta : bản tính, tội lỗi và sự chết. Bức tường bản tính đã bị đánh sập do việc Nhập thể, khi bản tính con người và bản tính Thiên Chúa kết hợp với nhau nơi Đức Kitô ; bức tường tội lỗi đã bị đánh sập trên thập giá ; bức tường cuối cùng là sự chết bị đánh sập trong sự Phục sinh. Giờ đây, bức tường không còn nữa, mà trở thành một cửa ra vào, một lối đi qua, một sự vượt qua, một “Biển Đỏ” qua đó người ta đi vào đất hứa.
Thực sự, Chúa Giêsu không chỉ chết cho Ngài. Ngài không muốn để lại tấm gương về một cái chết oai hùng như kiểu Socrate. Ngài muốn chết theo một cách khác hơn. “Nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14); “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ” (Dt 2,9). Chúa đã chết thay cho tất cả mọi người, một sự quả quyết thật quan trọng. Tiếc rằng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của cái chết ấy, nên nó không làm chúng ta reo lên vì vui mừng.
Được dìm vào trong cái chết của Chúa (x. Rm 6,3), chúng ta có tương quan thực sự với cái chết này, dù chỉ là tương quan thần bí. Chúng ta được dự phần vào cái chết của Chúa, đến nỗi thánh Tông đồ đã dám táo bạo mà kêu lên: “Anh em đã chết” (Cl 3,3). Từ đây, ta thuộc về Đức Kitô hơn là thuộc về ta (x. 1 Cr 6,19-20). Điều thuộc về Đức Kitô thì thuộc về ta hơn cả những gì là của ta. Cái chết của Ngài là của ta hơn chính cái chết của ta. Có lẽ Phaolô cũng ám chỉ đến ý nghĩa này khi ngài nói: “dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai : tất cả đều thuộc về anh em, vì anh em thuộc về Đức Kitô” (x. 1 Cr 3,22-23). Sự chết thuộc về ta hơn là ta thuộc về sự chết.
Vậy cái chết của ta, chứ không chỉ có cái chết của Chúa, cũng trở thành một cuộc vượt qua. Trong một tác phẩm nhỏ có tựa đề De bono mortis (về thiện ích của cái chết), thánh Ambrosiô viết: “Cái chết là sự vượt qua của mọi người. Điều cần là bạn phải can đảm vượt qua. Đó là vượt qua từ hư hoại đến bất hoại, từ tử vong đến bất tử, từ xao động đến yên tĩnh. Chớ gì cái chết không làm bạn lo sợ, nhưng những lợi ích của cuộc vượt qua đẹp đẽ này khiến cho bạn phải vui mừng”.
Như vậy, cái chết không chỉ là thầy dạy người ta cách sống, như hiểu theo khía cạnh khôn ngoan. Nó đã trở thành một cái chết dẫn vào mầu nhiệm, một con đường đi sâu vào mầu nhiệm Kitô giáo. Người Kitô hữu sắp chết có thể nói rất đúng rằng: “Tôi hoàn tất trong thân xác tôi những gì còn thiếu nơi cái chết của Chúa” và “Không phải tôi chết, nhưng là Đức Kitô chết trong tôi”.
4. Ngươi có tin không ?
Chúng ta hôm nay bị bao vây bởi nhiều thứ âm thanh và hình ảnh, nhất là những người sống ở thành phố, và có những phương tiện truyền thông trong nhà. Nhưng không hình ảnh hay âm thanh nào đọng lâu trong trí. Cái sau nhanh chóng xua đuổi cái trước. Văn hóa mới là vậy. Và chính trong văn hóa mới này mà chúng ta phải loan báo Tin mừng, chứ không chờ đợi nó thay đổi.
Chúng ta dùng phương tiện nào để loan báo? Không gì hơn là lời nói : loan báo bằng thừa tác vụ lời. Quả thực, lời Chúa lúc nào cũng “như ngọn lửa, như chiếc búa đập tan tảng đá” (Gr 13,29). Lời Chúa không ngừng phân định với lời của con người, luôn luôn mạnh mẽ hơn lời của con người.
Chúng ta loan báo gì cho mình và cho người khác? “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết”, lời chúng ta vẫn công bố trong Thánh lễ, sau lúc truyền phép. Nếu là về sự chết thì điều quan trọng nhất trong Kitô giáo không phải là chúng ta sẽ chết, nhưng là Chúa Kitô đã chết. Người Kitô hữu không cần nghe nỗi sợ do cái chết gây ra, nhưng cần nghe biết về cái chết của Chúa. Chúa Giêsu đến làm cho con người hết còn sợ chết, chứ không làm cho họ sợ hãi thêm. Thư Do thái viết: “Đức Giêsu đã mang lấy huyết nhục, để nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh Chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15). Những điều trên đây chưa được người ta loan báo cho đủ.
Chúng ta cũng phải thật sự tin những điều cơ bản, một lòng tin ăn sâu vào tận xương tủy, và truyền đạt cho người khác không phải như một giáo lý, nhưng như một cách sống. Nếu Đức Giê su đã chết vì ta, đã “nếm thử cái chết” vì lợi ích của ta, thì ta phải biết điều đó cho đúng và rõ.
Người ta thường nói : tôi chỉ một thân một mình trước cái chết, không ai chết thay cho tôi và cũng không ai chết cùng với tôi. Đối với người Kitô hữu, nói như vậy không đúng, bởi vì đã có người chết thay cho tôi. Còn thánh Tông đồ thì nói: “Nếu chúng ta cùng chết với Người…” (2 Tm 2,11). Như vậy ta không chết cô độc, nhưng có thể có Chúa chết với ta.
Vấn đề ở đây cũng giống vấn đề Chúa đặt ra cho cô Matta: “Chị có tin không?”, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống” (Ga 11,21-26). Đó là ý nghĩa của đời sống người Kitô hữu : kết hợp với Đức Kitô trong sự sống cũng như trong sự chết.
Chết là một cái gì đó nghiêm trọng. Nhưng trong Đức Kitô, sự nghiêm trọng này có một ý nghĩa khác. Đức Kitô đã “nếm thử cái chết” vì ta, nếm thử cái chết của ta. Ngài đã vượt qua trước ta. Nếu ta đồng hóa với Ngài, tin vào Ngài, ta cũng nếm thử trước chính cái chết của ta, khi cùng với Phaolô mà kêu lên: “Tôi chết lên chết xuống mỗi ngày” (quotidie morior) (1Cr 15,31).
Cũng thánh Tông đồ còn viết ra những lời đẹp đẽ sau đây: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là kể từ sau Đức Kitô, sự mâu thuẫn lớn nhất không còn phải là giữa sống và chết, nhưng là giữa sống cho mình và sống cho Chúa. Nếu ta sống cho Chúa, thì sự chết và sự sống tương tự như ở với Ngài theo hai cách khác nhau : ở với Ngài trong nguy hiểm, rồi ở với Ngài trong an ninh.
Vậy từ nay, có một phương dược hữu hiệu giúp người ta không còn sợ chết. Ở đời, có người đi tìm thuốc trường sinh. Có người tìm cách chống lại cái chết, mà một trong những cách đó là làm cho hình ảnh mình tồn tại nơi con cháu. Ngày nay, còn có những người tin vào phương dược là tái đầu thai, dựa vào sự tin tưởng của một số tôn giáo hay văn hóa. Nhưng đó không phải là một phương dược hay một sự an ủi, mà là một hình phạt; không phải là nối dài niềm vui, mà là nối dài sự thanh luyện. Theo họ, linh hồn tái sinh vì còn phải đền bồi cho kiếp trước, tức là sẽ phải chịu khổ.
Đối với chúng ta, chỉ có một phương dược duy nhất và đích thực trước cái chết, đó là Chúa Giêsu Kitô. Thật bất hạnh cho ta nếu không biết nói điều đó ra trước mặt mọi người.
5. Sự chết là thầy dạy
Phải chăng có thể kết luận rằng nhìn sự chết dưới khía cạnh khôn ngoan chỉ là chuyện vô ích? Phải chăng không cần sự chết làm thày dạy nữa, vì ta đã biết sự chết là người dẫn vào mầu nhiệm? Không phải vậy. Chiến thắng của Đức Kitô đối với sự chết thuộc nội dung của lời loan báo sơ khởi. Tuy vậy ta biết rằng loan báo sơ khởi không dẹp bỏ khuyến thiện, nhưng xây dựng khuyến thiện, nghĩa là mời gọi con người thay đổi đời sống.
Sự chết, xét theo khía cạnh khôn ngoan, có nhiệm vụ của nó, y như lề luật cũng có nhiệm vụ của nó sau khi đã có ân sủng. Lề luật giúp bảo vệ tình yêu và ân sủng, vì lề luật đã được ban cho người tội lỗi (x 1Tm 1,9), mà chúng ta hết thảy còn là tội nhân, nghĩa là còn bị thế gian và các sự vật hữu hình lôi cuốn. Chúng luôn cám dỗ ta chạy theo chúng.
Sách Gương phúc viết: “Sáng ra, anh hãy nghĩ mình không còn sống đến chiều tối. Và chiều xuống, anh chớ chắc mẩm mình còn được nhìn buổi bình minh hôm sau” (I, 23). Đó là lý do vì sao các vị Tổ phụ trong sa mạc thích nghe về sự chết, đến nỗi đặt ra quy tắc thường xuyên nói về nó, coi nó như một thứ nền tảng của tu đức, và tìm mọi cách nghĩ về nó sao cho sống động. Người ta thuật chuyện có một vị làm công việc hằng ngày là kéo len. Ông có thói quen thỉnh thoảng làm rơi cây kim đan xuống đất, và trước khi cúi xuống nhặt kim lên, ông nhìn vào ảnh thần chết. Các tổ phụ này say mê lý tưởng sống giản dị. Đối với họ, để giúp lối sống này thì thích hợp nhất là nghĩ về sự chết.
Nhìn tới sự chết đặc biệt giúp cho người ta sống tốt. Bạn đang lo lắng vì những khó khăn nào chăng? Hãy đặt mình trên giường nằm chờ chết, và nhìn thẳng vào những sự việc bày ra trước mắt bạn. Bạn có còn cho những việc đó là quan trọng chăng? Hãy thử làm coi, có thể bạn sẽ được giải thoát. Hoặc bạn đang bất hòa với ai chăng? Cũng hãy làm như vậy. Lúc ấy bạn sẽ nghĩ gì? Có còn nghĩ mình thắng hay thua chăng?
Sự chết ngăn cản ta gắn bó với các sự vật, ngăn cản ta chọn trần gian này làm quê hương, khi nhắc cho ta rằng “trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững” (Dt 13,14). Còn lời Thánh vịnh thì nói: “Vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần” (Tv 49/48,18).
Sự chết dạy chúng ta tỉnh thức và chuẩn bị. Trong sụ chết, có sự phối hợp kỳ lạ giữa hai khía cạnh đối nghịch nhau : chắc chắn và không chắc chắn. Sự chết vừa là điều chắc chắn nhất, vừa là điều không chắc chắn nhất. Chắc chắn nhất vì nó sẽ xẩy ra. Không chắc chắn nhất vì không biết xẩy ra lúc nào. Cho nên Chúa mới cảnh giác: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).
Ngày ấy, Đavít đang bị vua Saolê săn đuổi. Anh đã nói với bạn Gionathan: “Giữa tôi và cái chết chỉ còn một bước” (1 Sm 20,3). Một lời xác nhận quá đúng, cho cả người thời xưa lẫn người thời nay. Chúng ta tất cả chỉ cách cái chết một bước. Cái chết có thể đe dọa ta bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Người ta tính có đến hàng ngàn người chết mỗi phút. Lắm người không ngờ đến phiên mình phải chết.
Nơi sự chết, tư cách là người dẫn vào mầu nhiệm không loại bỏ tư cách là thày dạy, ngược lại còn tìm kiếm nó, tôn vinh nó. Giống như ân sủng không loại bỏ lề luật, nhưng tìm kiếm và sẵn sàng lụy phục nó, vì biết rằng lề luật bảo vệ ta chống lại một kẻ thù nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất : tính hay thay đổi, thất thường, bất nhất của ta.
Sự chết với tư cách thày dạy còn làm nên các thánh. Thời Trung cổ, có một chàng thanh niên “con nhà giầu, học giỏi, đẹp trai”, với cả một tương lai xán lạn mở ra trước mắt. Một ngày kia, anh chứng kiến một người thân sắp chết. Người này nói với anh những lời chí tình: “Bây giờ anh sao thì tôi đã từng như thế, nhưng bây giờ tôi sao thì anh cũng sẽ như vậy”. Nghe xong, chàng thanh niên cảm thấy rúng động. Sau đó, lời này đã biến anh, từ một người sống theo thói đời, trở thành một vị thánh. Đó là thánh Sylvestre.
6. Sinh ra để chết
Khi lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thực hiện trước cái chết của Ngài. Ngài đã làm như các tiên tri xưa. Những vị này, bằng những hành động tượng trưng của mình, đã loan báo trước điều sắp xẩy ra, nhưng cũng thực hiện trước điều sẽ xẩy ra. Cũng vậy, khi bẻ bánh và trao chén, Chúa Giêsu thực hiện trước cái chết của Ngài, gán cho nó ý nghĩa mà Ngài muốn, sống nó trong vòng thân mật với các môn đệ, trước khi phó mình cho các biến cố bên ngoài, cho đám đông kẻ thù cuồng nhiệt, những người giải thích cái chết của Ngài cách khác hẳn.
Chúa đã nghĩ ra cách cho ta tham dự vào cái chết của Ngài, và kết hợp ta với Ngài. Tham dự Thánh Thể là phương tiện đích thực nhất, chính đáng nhất và hữu hiệu nhất giúp ta dọn mình chết. Nhờ Thánh Thể, chúng ta cũng cử hành cái chết của ta, và hàng ngày dâng cái chết đó lên Chúa Cha, vì Đức Kitô “đã chết thay cho mọi người thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14). Trong Thánh Thể, chúng ta có thể dâng lên Chúa Cha lời xin vâng (amen) trước những gì đang chờ đợi ta, trước cái chết nào mà Chúa muốn cho ta, cũng như có thể nhờ Đức Kitô mà hô lên lời “amen” của ta “để tôn vinh Thiên Chúa” (x. 2 Cr 1,20). Trong Thánh Thể, chúng ta quyết định để đời sống ta cho ai, chết cho ai.
Như đã nói, định nghĩa con người là một hữu thể để chết áp dụng cách hoàn hảo cho Đức Kitô, Đấng đã sinh ra “để có thể chết”. Nhưng nó cũng áp dụng cho người Kitô hữu nữa. Người vô tín tự hỏi : Nếu phải chết thì sao lại sinh ra? Triết gia hiện sinh thi tự hỏi : Ai đã ném ta và sai ta vào cuộc sống này? Còn chúng ta thì tìm ra giải đáp trong đức tin. Chúng ta sinh ra để chết. Nhưng đây không phải là một hình phạt, mà là một đặc ân. Chúng ta đã được Chúa ban sự sống. Chính sự sống đó là điều quý giá nhất, xứng đáng nhất chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa làm của lễ dâng hiến và hy sinh. Chúng ta muốn biến nó thành “của lễ sống động, thánh thiện” (x. Rm 12,1), tinh tuyền để làm vinh danh Chúa.
Để làm được điều này, chúng ta cần nại tới Chúa Thánh Thần. Kinh thánh viết là Đức Kitô đã hiến tế chính mình lên Chúa Cha “nhờ Thánh Thần hằng hữu” (Dt 9,14). Thánh Thần đã gợi lên trong lòng Đấng Cứu Thế hành động hiến dâng này, hành động đưa Ngài tới chỗ chấp nhận cái chết như một hy tế.
Nếu như vậy, chúng ta có sẽ trút bỏ được mọi sợ hãi và lo lắng trước cái chết chăng? Không đâu! Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Vượt qua sự sợ hãi này không phải là sự kiện thuộc bản tính. Theo tính tự nhiên, chúng ta vẫn sợ chết, lo lắng trước cái chết. Chúng ta vượt qua được là nhờ đức tin. Theo tính tự nhiên, chính Chúa Giêsu cũng đã có kinh nghiệm sợ hãi buồn sầu về cái chết sắp xẩy đến cho Ngài, và Ngài cho biết lý do: “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Chúng ta có thể dùng sự sợ hãi lo âu này làm chất liệu để cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng đã cứu chuộc sự sợ hãi của chúng ta.
Quan trọng là đức tin. Chúa Phục sinh đã lặp lại cho các môn đệ điều Ngài đã nói trước đây với cô Matta: “Thầy là sự sống lại. Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Ngươi có tin không? Credis hoc?” Hạnh phúc cho ai, nhờ ơn Chúa, cảm thấy mình có thể trả lời từ tận đáy lòng mình rằng : Vâng, lạy Chúa, con tin.
(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Le Mystère pascal, Paris, Salvator, 2000, pp.165-191)
Lm Micae Trần Đình Quảng