MỒNG MỘT TẾT ĐINH DẬU
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Đà Lạt có tên gọi thân thương là “Nhà thờ Con Gà”. Con gà trên tháp chuông làm bằng hợp kim nhẹ, đặt trên một trục quay và có thể quay theo hướng gió, có tác dụng như một cột thu lôi chống sét. Họp nhau trong Nhà thờ Con Gà, dâng Thánh Lễ cầu bình an ngày đầu Năm Đinh Dậu, tôi xin được gợi lên vài ý tưởng cho đời sống tâm linh từ chuyện con gà.
Trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt với nét tranh Làng Hồ, hình ảnh chú lợn ủn ỉn, con gà cục tác… là những nét chấm phá tuyệt vời về một làng quê Việt Nam an bình, thiên nhiên gần gũi với con người. Nhìn những con gà trống cần mẫn báo giờ thức trước bình minh, những con gà mái ấp ủ con dưới cánh, cục tác khi đẻ trứng, chúng ta có thể rút ra những bài học nào cho đời sống tâm linh?
Bài học thứ nhất về sự tỉnh thức qua tiếng gà gáy:
Tiếng gà gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở miền quê. Từ tiếng gà gáy, chúng ta có thể suy nghĩ về sự tỉnh thức. Tỉnh thức là không ngủ mê, là nhiệm vụ của người canh gác. Ðức Giêsu đã từng nhắc nhở: “Anh em hãy tỉnh thức, vì không biết ngày giờ nào Chúa sẽ đến” (Mt 24,42). Trong đời sống đức tin, rất cần phải tỉnh thức. Tỉnh thức để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống; tỉnh thức để khám phá ra dấu chỉ tình thương Thiên Chúa trên hành trình đức tin; tỉnh thức để thấy được mình đang đi đúng hướng hay đi trệch đường; tỉnh thức để chu toàn nhiệm vụ trước những cám dỗ của bao thế lực sự dữ.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta ngủ mê giữa ban ngày, ngủ mê trong danh, lạc, thú; ngủ mê với những thành kiến và muôn vàn nỗi âu lo. Chúng ta rất cần một tiếng “gà gáy” trong đời sống tâm linh, để phản tỉnh, như Tông đồ Phêrô đã nhận ra được sự bất trung của mình, đồng thời khám phá ra lòng thương xót của Chúa. Chúng ta rất cần một tiếng gà gáy báo hiệu từ sâu thẳm nội tâm, để có thể trở về với Chúa và định hướng cho hành trình phía trước. Nhìn lại và định hướng chính là cán cân giúp cho cuộc sống được thăng bằng. Nhưng nếu cứ ngủ mê thì sẽ chẳng bao giờ biết nhìn lại, biết định hướng. Con gà trên nóc Nhà thờ Chính tòa nhắc nhớ chúng ta: hãy tỉnh thức.
Bài học thứ hai về tình yêu qua hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh:
Quan sát hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, ta sẽ thấy được dấu chỉ của một tình yêu tuyệt vời. Ngôn sứ Isaia đã mượn hình ảnh này để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ ta đêm ngày (x. Is 49,13-16).
Chúng ta có thể học được nhiều điều thú vị qua hình ảnh gà mẹ luôn “cục cục” gọi con, chân đào bới tìm mồi, và khi tìm thấy thức ăn, gà mẹ dành hết cho con. Từ loài vật cho tới loài người, tình mẫu tử lúc nào cũng bao la như biển thái bình. Đặc tính của tình mẫu tử là hy sinh quên mình, là trao ban tất cả. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô là một tình yêu như thế, một tình yêu quên mình đến hy sinh mạng sống trên thập giá, đến trao ban Mình và Máu làm của ăn và của uống nuôi dưỡng đoàn con. Thật vậy, khi biết đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ và dạy họ giới luật yêu thương (x. Ga 13, 1-17): “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Trong bài giảng chiều chúa nhật 15/1/2017 vừa qua tại giáo xứ Santa Maria, thuộc giáo phận Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Là Kitô hữu trước tiên là làm chứng về Chúa Giêsu. Một giáo xứ không có khả năng làm chứng nếu trong giáo xứ có những vụ nói hành nói xấu nhau”. Ngài hỏi mọi người: “Anh chị em có muốn một giáo xứ hoàn hảo hay không? Nếu muốn thì đừng nói hành nói xấu người khác. Nếu anh chị em có điều gì chống đối ai, thì hãy nói trực diện với họ hoặc với cha sở, chứ đừng nói với những người khác. Đó là một dấu chỉ Chúa Thánh Thần hiện diện trong giáo xứ. Chúng ta có thể phạm tội này tội khác, nhưng tội phá hoại cộng đoàn chính là tội nói hành nói xấu nhau”. Đức Thánh Cha đã nói cụ thể như thế về giới luật yêu thương.
Bài học thứ ba về việc loan báo niềm vui qua hình ảnh con gà cục tác sau khi đẻ trứng:
Tiếng gà mái cục tác báo hiệu niềm vui sau khi đẻ trứng. Chúa Giêsu đã nói về niềm vui tương tự khi con người vượt qua gian nan thử thách: “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người mẹ khi đã sinh con rồi, thì mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời” (Ga 16, 20-21). Trong cuộc sống theo Chúa, con người luôn gặp gian nan thử thách, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử đức”, nhất là đức tin. Đức tin chủ yếu là sự tín thác vào Thiên Chúa, vì thế nhờ tín thác vào Thiên Chúa mà có được niềm vui và hy vọng. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (x. Mt 6, 25-34), Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao?…Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Chúng ta hy vọng điều gì sẽ đem lại niềm vui trong Năm Mới? Chắc hẳn lời cầu chúc cho nhau được hạnh phúc là điều mọi người đều mong ước. Nhưng con người dễ thất vọng khi gặp thử thách, nên con người cần được loan báo niềm vui. Juan Vincente Boo đã viết một cuốn sách về ĐTC Phanxicô mang tựa đề “Đức Giáo Hoàng của Niềm Vui”, vì theo tác giả, Niềm Vui “là trục chính trong triều đại giáo hoàng của ngài. Dĩ nhiên, không những nó là đòn bẩy tuyệt vời mà ngài đang sử dụng để thay đổi Giáo hội, mà còn phải là cuộc sống và cách hành xử của nhiều người”. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lấy niềm vui làm chủ đề cho các văn kiện quan trọng, chẳng hạn Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” về việc truyền giáo, Thông điệp “Laudato si’: Niềm Vui của Công trình Sáng tạo” về môi trường, Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” về đời sống hôn nhân, gia đình.
Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm trôi. Chính vì thế, rất cần những con người loan báo niềm vui, vui để vượt qua thử thách, vui để nhận ra dấu hiệu của sự sống ngay trong những khủng hoảng của cuộc đời. Mỗi người chúng ta cần phải là người loan báo niềm vui như tiếng gà cục tác sau khi đẻ trứng, để nhắc nhở mọi người về một niềm vui tiềm ẩn, niềm vui từ những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Khởi đi từ hình ảnh con gà, chúng ta đã gợi ra một vài điều suy niệm. Mong rằng, qua mọi hình ảnh, mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận ra dấu ấn Thiên Chúa in đậm trong cõi nhân sinh này. Do vậy, những bài học từ con gà về sự tỉnh thức, về tình yêu thương, về việc loan báo niềm vui, là những hành trang cần thiết cho đời sống tâm linh của mỗi người chúng ta, đặc biệt trong Năm Đinh Dậu này.