MỒNG MỘT TẾT NĂM ẤT MÙI
(Bài giảng của Đức Cha Antôn)
1- CON DÊ TRONG BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA
Trong văn hóa phương Tây, dê là một trong 12 biểu tượng của Cung Hoàng Đạo. Dê cái là hình ảnh đáng kính yêu trong các huyền thoại phương Tây, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non đeo đuổi cuộc sống và lý tưởng; sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh; còn dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục. Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus – Jupiter, chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong. Khi tế thần người ta phải dâng dê, chiên, hoặc bò.
Trong văn hóa phương Đông với thuyết 12 con giáp thì dê là con giáp đại biểu cho địa chi Mùi – một chi quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 giờ đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều, khi con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Trong 12 con giáp, dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu nhưng cũng không kém phần nhanh trí. Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái vì sự đóng góp quan trọng của dê đối với đời sống con người. Một số dân tộc khác dùng dê làm vật tế thần.
2- CON DÊ TRONG KINH THÁNH
Trong Cựu Ước
Khi Chúa gọi và chọn ông Áp-ra-ham để khởi đầu cho một dân riêng của Chúa, Chúa đã hứa ban cho ông quyền sở hữu đất đai mà Chúa sẽ chỉ cho, cũng như dòng giống của ông sẽ đông đảo như sao trên trời, mặc dù vợ chồng ông đã già, lại son sẻ. Khi Chúa đưa dẫn ông và gia đình đến vùng Ðất Hứa, ông Áp-ra-ham đã nghi ngờ về quyền sở hữu vùng đất mới đó. Ông thưa với Chúa rằng: “Lạy Ðức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu ?”. Ðể chứng minh lời hứa của mình, Chúa đã truyền dạy cho ông Áp-ra-ham tìm các con vật đang trong thời kỳ tinh tuyền: một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy, và một bồ câu non làm vật tế lễ để thiết lập giao ước. Ông Áp-ra-ham đã làm theo lời chỉ dạy. Ðến khi mặt trời lặn, Chúa đã dùng một ngọn đuốc cháy rực mà thiêu hủy lễ vật dâng tiến. Và sau đó, Chúa đã thiết lập giao ước với ông (x. St 15,1-21).
Từ đó về sau, con cháu ông Áp-ra-ham dùng các con vật mà Chúa đã phán truyền để làm của lễ dâng lên cho Chúa. Đặc biệt, Luật Do thái qui định dùng con dê để làm lễ xá tội; vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này, xưng thú tất cả lỗi lầm của toàn dân rồi thả vào sa mạc cho đến chết, vì thế gọi là “con dê gánh tội”.
Máu chiên, bò, và dê đã trở thành biểu tượng và dấu ấn giữa Thiên Chúa và con người. Ðó là Giao Ước cũ – Cựu Ước. Nhưng thhư gửi tín hữu Do Thái khẳng định: máu súc vật tự bản chất không thể xóa tội được (x. Dt 10, 4). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể xóa tội được thôi. Vì thế, chính Con Thiên Chúa làm người đã trở thành “Đấng gánh tội trần gian” để xóa tội trần gian nhờ tình yêu hiến tế của Người trên thập giá. Đó là Giao Ước mới – Tân Ước.
Trong Tân Ước
Thời Tân Ước, khi Hài Nhi Giê-su sinh được tám ngày, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đem con trẻ tiến dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ theo luật Mô-sê. Con số tám ngày lạ lùng thay lại dính đến chuyện con dê trong Cựu ước. Chúa đã phán với Mô-sê: “Bê, chiên, hay dê, sau khi sinh, sẽ ở với mẹ nó bảy ngày; từ ngày thứ tám trở đi, nó sẽ được đoái nhận làm lễ tiến, làm lễ hỏa tế dâng Chúa” (Lv 22, 27). Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã không tiến dâng một con dê hay con cừu, nhưng các Ngài đã tiến dâng một đôi chim bồ câu non, và các Ngài biết mình đang tiến dâng lên Thiên Chúa chính Ðức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể. Thử hỏi có lễ tế nào cao quí hơn lễ tế ấy ? Ðó là của lễ tinh tuyền và đẹp lòng Chúa Cha nhất.
Trong Cựu ước dùng máu của chiên, bò, và dê. Trong Tân ước thì không dùng máu súc vật nữa. Thay vào đó là chính máu của Ngôi Lời Nhập thể, máu đổ ra để chuộc tội cho muôn dân. Chúa Giê-su đã lập Giao Ước mới này trong bữa tiệc ly: Người cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28).
Trong Thánh lễ, trước khi chủ tế trao Mình Thánh Chúa, lập lại lời của thánh Gioan Tẩy giả: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). Bản tiếng Việt dịch là “xóa”tội trần gian. Từ “xóa” không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là từ “airein”, mà bản dịch Latinh dùng từ “tollit” có nghĩa là “gánh lấy”. Có lẽ nên dịch là Ðấng “gánh” tội trần gian, vì Chúa Giê-su đã gánh lấy thân phận con người và nhất là gánh lấy tội lỗi loài người để “như con dê tinh tuyền gánh tội” có giá trị “xóa” được tội trần gian.
Theo thư gửi tín hữu Do Thái, Chúa Giê-su “đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 8:12). Không giống như “con dê tạ tội”, sau khi chết thành ra tro bụi, ngược lại, thân thể Chúa Giê-su đã phục sinh vinh hiển, lên trời trong vinh quang, và ngự bên hữu Chúa Cha, để Người ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó với Người.
KẾT LUẬN
Trong văn chương và trong văn hóa Việt nam, hình ảnh con dê thường bị nhìn dưới một khía cạnh châm biếm. Bởi vậy nên tục ngữ Việt nam có câu:
Bươm bướm mà đậu cành bông
Ðã dê con chị, lại bồng con em !
Nhưng Kinh thánh lại diễn tả hình ảnh con dê thật dễ thương. Nó được mô tả như một tiền ảnh của Chúa Giê-su, Ðấng đã gánh, đã vác hết mọi tội lỗi thế gian vào mình, và đã chịu chết để đền thay tội lỗi chúng ta.
Trong tâm tình đầu năm Ất Mùi, tôi muốn chia sẻ một vài tâm tư về con dê. Thiết tưởng, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã ý thức được Chúa Giê-su là của lễ thánh thiện và đẹp đẽ nhất mà các Ngài tiến dâng lên Thiên Chúa Cha. Rồi chính Chúa Giê-su đã gánh lấy tội của tôi, tội của chúng ta, tội của toàn thể nhân loại, và đã tự hiến làm lễ vật mưu cầu ơn cứu độ cho nhân loại.
Dâng Thánh Lễ ngày đầu Năm Mới, chúng ta hiệp nhau tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta như thế, để trong Năm Mới này chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng cộng đoàn gia đình, giáo xứ, dòng tu biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Ngày Tết chúng ta thường chúc cho nhau được hạnh phúc, nhưng làm sao hạnh phúc nếu thiếu tình yêu ? Tình yêu là Mùa Xuân, dù có phải trải qua Mùa Hạ, Thu, Đông, thì cuối cùng Mùa Xuân Vĩnh Cửu, là cuộc sống hạnh phúc với Thiên Chúa, sẽ dành cho những ai biết sống yêu thương suốt năm này qua năm khác, vì “ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa”.