MỪNG KỶ NIỆM HÔN PHỐI
TẠI GIÁO XỨ THANH BÌNH
Lễ Thánh Gia 30/12/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Tại giáo xứ Thanh Bình, niềm vui Lễ Giáng Sinh năm nay được đánh dấu bằng Thánh Lễ mừng kỷ niệm hôn phối của 172 đôi trong ngày Lễ Kính Thánh Gia. Sự chung thủy của các đôi vợ chồng phản ánh sự chung thủy giữa Thiên Chúa với con người, giữa Chúa Kitô với Hội Thánh, theo gương thánh gia thất: Chúa Giêsu-Đức Mẹ-Thánh Giuse.
Chắc hẳn Lễ Giáng Sinh đã thôi thúc chúng ta chiêm ngắm mối tình giữa “đất với trời se chữ đồng” giữa Thiên Chúa với con người. Thánh Gioan đã viết trong thư thứ nhất: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9).
Thiên Chúa và con người trở nên một nơi Đức Giêsu, một sự kết hợp không thể phân ly. Cũng thế, tình yêu của các đôi hôn phối được cam kết qua việc thề hứa sống yêu thương nhau suốt đời, để làm chứng cho tình yêu chung thủy giữa Thiên Chúa với con người nơi Đức Giêsu mà Giáo hội mới mừng lễ Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh quen gọi là lễ Noel, qua tên gọi của Hài Nhi mới sinh: EMMA-NU-EL, gồm 3 từ Do Thái: EMMI (ở cùng), NU (chúng ta) và EL (Thiên Chúa): THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA. Đây là một sự thật được Thiên Chúa bày tỏ qua Kinh Thánh. Sự thật ấy mang nhiều ý nghĩa, nhưng có một ý nghĩa không thể không quan tâm, đó là Con Đường Làm Người của Thiên Chúa nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho con người.
Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu là Đường (là Đạo), có nghĩa là “Thiên Chúa Làm Người” để mở đường cho con người bước theo, nhằm đạt tới hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Vì thế, “Đạo” do Đức Giêsu thiết lập là Đạo lấy con người làm gốc, tuy nhiên vì Đức Giêsu là Thiên Chúa Làm Người, nên Đạo của Đức Giêsu đồng thời lấy Thiên Chúa làm gốc. Thiên Chúa và Con Người đã trở nên một nơi Đức Giêsu cách đây hơn 2000 năm và mãi mãi như thế. Do đó, yêu Chúa và yêu người là con đường dẫn đến hạnh phúc. Đó chính là “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2,10), tin mừng về Tình Yêu.
Tình yêu Thiên Chúa đã đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Đức Giêsu tự hiến mình trên thập giá, chết thay cho mọi người tội lỗi hầu cứu sống mọi người. Chính vì thế mà thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8). Cũng từ đó, cách thức Thiên Chúa yêu thương con người trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu giữa con người với nhau: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Do đó, các đôi hôn nhân muốn có hạnh phúc trong cuộc sống đời này và vĩnh cửu đời sau, được mời gọi sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Hôm nay mọi người nhìn thấy tấm gương sống động của những đôi vợ chồng đã vượt qua bao khó khăn để giữ lòng chung thủy với nhau. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm rằng: nói lời cam kết trong ngày thành hôn không khó, nhưng sống lời cam kết đó suốt đời mới khó vì đòi hỏi nhiều hy sinh.
Khó ở chỗ hai vợ chồng “tuy hai mà một” và “tuy một mà hai”. Mỗi người là một cá vị độc đáo, tuy có những điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau, khác nhau về thể lý, tâm lý, thói quen, nhận thức, việc chi tiêu, cách giáo dục con cái v.v. Vì thế, điều quan trọng là cố gắng hòa hợp và bổ túc cho nhau.
Chắc chắn các cặp đôi này có thể chia sẻ với chúng ta nhiều kinh nghiệm thực tế về đời sống hôn nhân gia đình. Qua giao tiếp với các gia đình, tôi xin phép ghi nhận vài điều căn bản về phương cách giải quyết những xung đột trong cuộc sống gia đình:
Một là, cần phải đối thoại: nói chung là đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng biết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, quan điểm của người kia. Khi đối thoại, cùng nhắm vào mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.
Hai là, chấp nhận khuyết điểm của mình: can đảm nhận ra những lỗi lầm của mình để cố gắng sửa đổi.
Ba là, hàn gắn, làm lành: sau khi tranh cãi với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng hờn giận kéo dài, chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
Bốn là, nhờ trung gian hoà giải: cần nhờ người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên bảo chân tình giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
Năm là, cầu nguyện: nếu hai vợ chồng biết cầu nguyện chung với nhau, chắc chắn họ sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hoà với nhau, đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.
Tất nhiên, muốn giải quyết những xung đột để gia đình được bình an hạnh phúc, đòi hỏi sự cố gắng và thiện tâm thiện chí của cả hai. Trong đêm Giáng Sinh, các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Bản thân Đức Giêsu là sự kết hợp hài hòa giữa Thiên Chúa và con người, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đó là công trình của Mẹ Maria cộng tác với Chúa Thánh Thần.
Giờ đây, chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa, với tâm tình cầu nguyện cho các gia đình, cách riêng cho các đôi hôn phối mừng kỷ niệm hôm nay, cũng như các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình, luôn biết noi gương Thánh Gia Thất sống hài hòa hạnh phúc nhờ lắng nghe và làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.