Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Lễ Truyền Tin là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48). Thánh Augustinô viết : ” Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn “(x. Bài giảng 69, 3, 4).
Hôm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm cao cả tuyệt vời đã hoàn tất cách đây hơn hai ngàn năm. Sự kiện ấy diễn ra trong không gian và thời gian: “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1 , 26-27 ). Tuy nhiên, để hiểu được những gì đã xảy ra tại Nagiaret hơn ngàn năm về trước, chúng ta lần dở lại Thư gửi tín hữu Do thái. Bản văn này thuật lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Cha và Chúa Con về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội “. Nên tôi nói: “Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 5-7). Như thế, vì vâng ý Chúa Cha, Ngôi Lời đến đã đến cư ngụ giữa chúng ta, dâng chính thân mình làm của lễ hy sinh vượt trên mọi hy lễ đã dâng trong Cựu Ước. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu là lễ vĩnh viễn và hoàn hảo cứu chuộc thế gian.
Kế hoạch của Thiên Chúa dần dần được thể hiện trong Cựu Ước, lời tiên tri Isaia là bằng chứng: “Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Immanuel” (Is 7, 14). Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi thời gian tới hồi viên mãn như đã báo trước, những lời trên được thực hiện, ngày hôm nay chúng ta cử hành với hạnh phúc và niềm vui.
Từ Abraham đến Đức Maria
Hành trình truyền tin khởi đi từ Abraham “cha chúng ta trong đức tin” (x. Rm 11, 12 ). Đưa chúng ta về Nagiaret, gặp Đức Maria nữ tử Sion thuộc dòng dõi Abraham. Hơn ai hết, Đức Maria là người có thể dạy cho chúng ta sống đức tin với “Cha chúng ta”.
Abraham và Đức Maria, cả hai đều nhận được từ Thiên Chúa lời hứa tuyệt hảo. Abraham sẽ trở thành cha một cậu con trai, sinh ra một quốc gia vĩ đại. Đức Maria sẽ trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu của Chúa. Sứ thần Gabriel nói , “Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai […] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người […] và triều đại Người sẽ vô tận ” (Lc 1, 31-33) .
Lời hứa của Thiên Chúa đến với Abraham và Đức Maria thật bất ngờ, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày và đảo lộn những trật tự bình thường của hai đấng. Lời hứa ấy là hoàn toàn khổng thể đối với Abraham và Đức Maria. Sara vợ của Abraham đã lão, Maria còn trinh nữ nên đã thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34).
Lời “xin vâng” của Abraham và Đức Maria
Cả Abraham và Đức Maria đều được yêu cầu trả lời “xin vâng” cho một điều mà từ trước tới nay chưa từng thấy thế bao giờ. Sara, người đàn bà son sẻ đầu tiên trong Kinh Thánh thụ thai bởi ân sủng quyền năng của Thiên Chúa, giống như người phụ nữ sau cùng là bà Elizabeth. Thiên Thần Gabriel nói về Elizabeth để trấn an Đức Maria: “Này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già” (Lc 1, 36).
Như Abraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong đêm tối, tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi Maria. Tuy nhiên, câu hỏi “việc đó xảy ra thế nào được?” chứng tỏ Đức Maria đã sẵn sàng thưa “xin vâng” bất chấp mọi hoàn cảnh. Maria không đặt câu hỏi liệu lời hứa có được thực hiện hay không, nhưng chỉ hỏi việc đó xảy ra thế nào và đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1, 38). Với những lời trên, Đức Maria chứng tỏ mình là nữ tử thuộc dòng dõi Abraham đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của tất cả các những người tin.
Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm này, chúng ta nhìn lại hành trình của Abraham khi đón ba vị khách lạ vào nhà mình (x. St 18, 1-5) ông đã nhận được lời hứa. Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu ấy báo trước buổi Truyền Tin cho Đức Maria. Sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lôi kéo Mẹ. Nhờ lời thưa “xin vâng” của Đức Maria tại Nagiaret mà mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất cuộc gặp gỡ của Abraham với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hát mừng người nữ ” đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian” ( Hymne Ave Regina Caelorum ).
Chúng ta xin gì cùng Mẹ Thiên Chúa?
Chúng ta cầu xin cho mọi người trong Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này được đối mới về đức tin, không chỉ chung chung, nhưng là một đức tin có ý thức và can đảm tuyên xưng như vẫn đọc trong Kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người “.
Tại Nagiaret, Chúa Giêsu “đã ngày càng tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” ( Lc 2 , 52 ). Chúng ta xin Thánh Gia để bảo vệ tất cả các gia đình khỏi các mối đe dọa hiện nay đang đè nặng trên các gia đình. Chúng ta phó thác cho Thánh Gia tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ sự sống và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá con người. Chúng ta phó dâng cách riêng các gia đình trên thế giới cho Mẹ Maria.
Tại Nagiaret, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, chúng ta xin Đức Maria giúp Hội Thánh rao giảng “Tin Mừng” khắp mọi nơi. Trong “Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình”, chúng ta xin xin Mẹ dạy chúng ta con đường khiêm tốn, vâng phục và niềm vui Phúc Âm để phục vụ anh chị em.
Ước gì trên hành trình dương thế, có Mẹ Maria đồng hành, nhờ lời “xin vâng” của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại. Chúng ta có thể thư “xin vâng” với Chúa Kitô, ngõ hầu toàn thể nhân loại “giao hòa với Thiên Chúa” Amen.