Thánh Têrêsa Avila
(1515 – 1585)
I.ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc đạo đức. Lúc nhỏ, thánh nữ rất thích đọc sách tu đức và hạnh thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, và được nên thánh trong Hội thánh. Có lần ngài bảo em: “Chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên thiên đàng hưởng phước với các thánh.”
Thánh nữ chỉ mong được lên thiên đàng, và rất sợ hình khổ hỏa ngục.
Têrêsa có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Ngày ngày, ngài lần chuỗi Mân Côi để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ. Và năm lên 12 tuổi, khi mẹ ngài mất, ngài đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nhận ngài làm con, và hứa suốt đời sống xứng đáng làm con Đức Mẹ.
Năm 1530 nhân tuần cấm phòng tại tu viện thánh Augustinô, thánh nữ cảm thấy ước nguyện đi tu mỗi lúc một thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn, Ngài trở về ngỏ ý xin cha cho phép vào tu trong dòng Carmelô, nhưng cha Ngài nhất định khước từ. Dầu vậy, Têrêsa không sờn lòng, ngài vẫn kiên trì hun đúc ý chí cầu nguyện sống tận hiến theo tiếng Chúa gọi. Một hôm thánh nữ phân vân không biết quyết định làm sao, theo tiếng Chúa gọi hay vâng lời cha già, thì một câu nói của thánh Giêrônimô đã giúp ngài định hướng dứt khoát cho cuộc đời của mình: “Cả khi cha mẹ con, nằm lăn trước cửa để ngăn cản con đi tu, thì con cũng cứ can đảm bước đi vì tiếng Chúa trong con hơn…” Thế là chim bằng vỗ cánh vút cao trên nền trời xanh thẳm.
Năm 1533, Têrêsa vừa đúng 18 tuổi, ngài nhất định cất bước lên đường vào tu trong dòng “Nhập thể”. Sống cuộc đời mới, thánh nữ hân hoan như cá gặp nước, ngài tiến bộ rất nhanh trên đường tu đức. Ngày 2.11.1535 ngài được mặc áo dòng. Cuộc đời tưởng sẽ êm xuôi nhưng không phải thế. Bao nhiêu cơn cám dỗ nặng nề về đức tin và ý hướng tận hiến nổi lên. Thêm vào đó là tâm trí mệt mỏi, bệnh thần kinh xuất hiện hành hạ đến nỗi bề trên phải cho ngài về nhà uống thuốc nghỉ bệnh. Ơn kêu gọi trải qua một cơn sóng gió nặng nề. Nhiều khi thánh nữ cảm thấy chán nản, muốn nhắm mắt để mặc thế gian lôi cuốn. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu. Chính lúc Têrêsa cảm thấy mình yếu đuối hơn cả thì lại là lúc Chúa hoạt động nơi ngài mạnh hơn hết. Quả thế, một hôm thánh nữ đang say sưa mơ tưởng những sự thế gian, thì bàn tay quan phòng của Chúa đã đến đúng lúc thức tỉnh thánh nữ. Tiếng nói mầu nhiệm của Chúa đã lọt vào lòng thánh nữ: “Cha không muốn con mê mải sự thế gian và tiếp xúc với người đời mà cha chỉ muốn con tiếp xúc với các thiên thần”.
Năm 1558, vào sau dịp lễ Phục Sinh, thánh nữ được trông thấy hai bàn tay của Chúa Giêsu rồi tiếp sau là khuôn mặt sáng ngời của Ngài. Lần khác Chúa cho thánh nữ trông thấy địa ngục đầy rẫy những hình khổ và lửa đỏ cháy ngùn ngụt thiêu đốt những linh hồn tội lỗi…
Những thị kiến ấy đã gợi lên nơi thánh nữ ý tưởng phải lập một dòng nhiệm nhặt hơn, chuyên lo đền tội. Thiên Chúa đã chúc lành cho ý định của ngài và giúp ngài thực hiện.
Ngày 24.8.1562, tu viện đầu tiên đã mọc lên ở Avila và ngày ngày có nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Quy luật dòng rất nghiêm nhặt, như đi chân không, chú trọng đến việc ăn chay, hãm mình đánh tội, thức khuya dậy sớm, đọc kinh cầu nguyện rất nhiều. Và cũng từ đó, các tu viện được xây cất thêm mỗi ngày một đông, chứng tỏ Thiên Chúa rất hài lòng với công việc lớn lao của thánh nữ.
Cầu nguyện và suy ngắm chiếm địa vị ưu tiên trong tinh thần tu đức của thánh nữ. Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là đặt mình trước mặt Chúa và nhận biết sự nhỏ bé, hèn mọn của mình.
Đề tài thánh Têrêsa ưa nguyện ngắm hơn cả là đời sống hy sinh và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vì thế trong mọi hoàn cảnh, thánh nữ luôn múc lấy sức mạnh nơi thánh giá Chúa và luôn luôn tâm niệm lời Chúa phán: “hãy vác thánh giá và theo Chúa”. Thánh nữ đã viết: “Tôi không phàn nàn về thân phận của tôi, quả thực tôi không yếu đuối như những phụ nữ khác. Tôi có một trái tim quả cảm. Thiên Chúa nâng đỡ những ai quyết tin tưởng nơi Ngài. Chúa là sức mạnh, là nơi nương tựa và hướng đạo của tôi”.
Thánh Têrêsa đã sống và đã chết với lòng tin tưởng ấy. Thánh nữ hay than thở với Chúa: “Lạy Chúa, dù thành công hay thất bại, dù vui sướng hay đau khổ con vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa”. Thánh nữ qua đời ngày tại Alba de Tormes ngày 05.10.1582 hưởng thọ 67 tuổi. Năm 1622 đức Grêgôriô XV phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1970 Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong ngài lên hàng tiến sĩ của Giáo Hội.
II.NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẬM NÉT VỀ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA
1.Bên cạnh những danh xưng mà người ta gán cho ngài như: Vị cải tổ dòng Cát Minh, người con của Giáo Hội, nhà đại chiêm niệm, nhân chứng của Thiên Chúa tình yêu thì hình ảnh đậm đà và đẹp nhất người ta thích nói về ngài là hình ảnhTêrêsa của Chúa Giêsu.
Giai thoại nổi tiếng sau đây cho chúng ta thấy điều đó.
Hồi ngài ở đan viện Toledo, một ngày kia, ngài bỗng thấy một cậu bé khôi ngô, thánh nữ ngạc nhiên dừng bước hỏi:
– Này em, em tên gì?
Cậu bé không trả lời ngay, nhưng hỏi ngược lại:
– Thưa bà, vậy bà tên chi?
– Tôi tên là Têrêsa của Chúa Giêsu.
Thánh Nữ đáp.
Cậu bé mỉm cười rất dễ thương tiếp lời:
– Tôi, tôi tên là … Giêsu của Têrêsa!
Nói xong, cậu bé “Giêsu của Têrêsa” biến mất…
Đức Thánh Cha Gioan XXIII rất thích câu chuyện này. Ngài ghi lại trong quyển nhật ký của Ngài mấy dòng tư tưởng sau đây:
“Tôi phải sống thế nào để Chúa Giêsu cũng nói với tôi, như thuở xưa Ngài đã nói với Thánh Têrêsa thành Avila: “Tôi tên là Giêsu của Têrêsa”. Vậy tiên vàn, tôi phải là Angêlô của Chúa Giêsu trước đã…”
Vâng! Mỗi người chúng ta phải là người của Chúa Giêsu.
2.Khi đã trở nên người của Chúa Giêsu thì thánh Têrêsa sẵn sàng sống tuân theo mọi đòi hỏi của Chúa.
Ngài luôn cầu nguyện: ”Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài Thánh Ý Chúa”.
Trên đường đi lập đan viện Burgos, thánh Têrêsa gặp phải nhiều đau khổ nên đã thốt ra những lời sau đây:
– Ôi lạy Chúa, phần thưởng của Chúa dành cho kẻ phục vụ toàn là những thử thách gay go.
Thánh nữ liền được nghe tiếng Chúa nói:
– Đó là cách Ta đối xử với các bạn thân của Ta!.
Têrêsa đáp lại:
– Đúng rồi, có gì lạ đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!