I. ÍT ĐIỀU LƯU Ý
- Dầu mới được làm phép và hiến thánh được cung kính đưa tới nhà thờ các giáo xứ ; Dầu cũ thì đốt đi hoặc dùng để đốt đèn chầu.
- Có thể tổ chức rước Dầu mới trước Thánh Lễ Tiệc Ly hay vào thời gian thích hợp, nhằm dạy các tín hữu về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu thánh trong đời sống Kitô-giáo.
- Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc tới việc cất giữ Dầu Thánh (S.C) trong nhà thờ như sau : “Dầu Thánh theo truyền thống, được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh, vì xức dầu là dấu bí tích của ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Dầu Dự Tòng (O.S) và Dầu Bệnh Nhân (O.I) cũng có thể đặt chung ở đó” (x. GL 1183 ; 1241).
II. NGHI THỨC
(Mẫu đề nghị)
- Chủ sự mặc lễ phục trắng (nếu tổ chức rước Dầu trước Thánh Lễ Tiệc Ly)
- Chủ sự chào giáo dân và nói những lời sau đây hoặc tương tự :
Anh chị em thân mến,
Trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu sáng thứ Tư Tuần Thánh, tại nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt, Đức Giám Mục Giáo phận đã làm phép và hiến thánh Dầu mới gồm Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh.
Trong thế giới Đông Phương, từ xa xưa, dầu có nhiều công dụng : soi sáng, làm gia vị cho thức ăn, chữa lành bệnh tật dưới hình thức uống hoặc xoa bóp. Kitô giáo cổ xưa cũng như ngày nay đã dùng dầu với các ý nghĩa biểu tượng.
Trong Cựu ước, dầu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Dầu là biểu tượng của niềm vui, vì cũng như niềm vui, dầu làm rạng rỡ gương mặt con người (x. Tv 104,15). Vì thế, đổ dầu trên đầu ai có nghĩa là cầu chúc cho người ấy vui tươi và hạnh phúc (x. Tv 23,5 ; 92,11). Dầu thấm vào thân xác con người làm phấn khởi lòng người vui sống “Dầu và hương thơm làm cho lòng người vui như hội” (x. Cn 27,9). Dầu còn liên hệ với thời Đấng Thiên Sai : “Họ sẽ uống sự vui vẻ, uống rượu và xức mình bằng dầu thơm” (x. Is 25,6). Thánh vịnh 23 đã liên kết bữa tiệc Giavê thết đãi với việc Giavê xức dầu : “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù, đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,5).
Còn việc xức dầu, Cựu Ước cho ta thấy tầm quan trọng :
Trước hết, các vua được xức dầu, như Đavid : “Samuel cầm Sừng dầu và xức dầu cho Đavid trước mặt anh em và Thần Khí của Thiên Chúa đã xuống trên ông từ hôm đó” (x. 1Sm 16,13). Sau thời kỳ các vua, các vị được xức dầu là các thượng tế (x. Lv 4,3 ; 18,12). Sau cùng, các ngôn sứ cũng được xức dầu theo nghĩa bóng “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó …” (x. Is 61,1).
Đức Giêsu xuất hiện như Đấng Mêsia – Kitô (x. Lc 4,16-21) và cũng trong dịp này, người đã áp dụng cho bản thân Người lời của ngôn sứ Isaia (x. Is 61,1).
Giờ đây, chúng ta sẽ rước Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh.
Dầu Bệnh Nhân được dùng để xức cho các bệnh nhân. Hội Thánh xin Chúa xoa dịu thân xác các bệnh nhân, viếng thăm và làm cho các bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, giải thoát và làm thuyên giảm những đau đớn, phù trợ những người chăm sóc, cứu thoát bệnh nhân, ban sự sống và sức khoẻ cho họ.
Dầu Dự Tòng được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, tựa như người lực sĩ được xoa bóp dầu trước khi lên võ đài.
Dầu Thánh là dầu có pha thuốc thơm và đã được Đức Giám Mục hiến thánh. Dầu này được xức cho các tân tòng trong Bí tích Rửa Tội, cho các kitô hữu trong Bí tích Thêm Sức, cho các Linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong Bí tích Truyền Chức. Dầu này còn được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự nghi thức rước dầu để hiểu và sống ý nghĩa về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu thánh trong đời sống Kitô giáo.
- Hát bài hát thích hợp trong khi rước dầu.