Nhân mở trang web của Giáo phận Đà Lạt, biết được hôm nay đã khánh thành Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận, tự nhiên trong lòng thấy lâng lâng một niềm vui và cũng trào dâng nỗi nhớ nhung. Nhớ theo kiểu “khi ta ở đất chỉ là đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”…
Kể ra cũng đã hơn mười lăm năm rời xa Đà Lạt, rời xa ngôi nhà Minh Hòa, nơi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đềm thân thương. Ngày ấy Đại chủng viện Minh Hòa còn giữ lại nguyên những dấu tích của thời gian. Mái nhà đã xuống cấp hen rỉ đã nhiều, mọi mảnh đất quang nhà đều được tận dụng để ‘sản xuất’ cà rốt, trồng cỏ nuôi bò, những phòng học không có học sinh nên tận dụng nuôi gà công nghiệp, cơ sở vắt sữa với những kỹ thuật nghe nhạc…do các thầy tự chế. Góc phía đồi thì vườn cà phê mít hay Moka gì đó cũng được chăm tưới kỹ mà mà vẫn èo ọt không mấy kinh tế! Mấy lần đề nghị cha Đốc Đọc phá bỏ để trồng loại cây ngắn ngày cho có kinh tế hơn, Cụ phân vân rồi chỉ nói là để cho có việc giúp anh em lao động chân tay…
Hoàn cảnh kinh tế xã hội ngày ấy chưa khả quan lắm, nên cuộc sống vật chất trong chủng viện cũng chật vật. Nghĩ mà tội cho các thầy, ngoài giờ học thì còn vật lộn với mấy con bò, con gà mất hết thời gian nghiên cứu trau giồi kiến thức. Dù có những mối chuyên tiêu thụ “sữa thầy”, “trứng thầy”, “cà rốt thầy” đều đặn, nhưng có khi thanh toán sòng phẳng, cũng có khi khất nên quản lý Khiêm lắm khi cũng bạc đầu. Điểm lại những chuyên gia chăn nuôi ngày ấy, giờ nhắc lại chắc không thiếu chuyện vui cười. Chuyên gia Xuân, …với chuồng gà đa cấp, các chuyên gia Sơn, Hoàng…vừa là giám đốc vừa là cán bộ vệ sinh chuồng trại. Chuyên gia Trang thì máy xới và vườn cà rốt là nghề chuyên môn. Tôi và vài các “lão gia” khác cao tuổi nên được giao những công việc ngoài xứ đạo nhiều hơn như coi ca đoàn, mục vụ giáo xứ, quản thủ thư viện, hoặc phụ trách sinh viên học sinh dân tộc tại Tòa Giám Mục.
Khi dời thư viện từ Học viện Pio X về Minh Hòa, một dãy dài của chủng viện được sửa chữa lại để lưu trữ mấy chục ngàn đầu sách quý, có cả bộ tổng luận thần học của Thomas d’Aquine dầy cộm, sách tiếng Tây, tiếng Latinh, tiếng Anh và nhất là tiếng Việt được quản thủ thư viện sắp xếp cách khoa học. Thực tình là cả một kho văn hóa đồ sộ quý giá, nhưng ít người lui tới tìm tòi. Phần các chủng sinh còn trẻ, vốn sinh ngữ hạn hẹp nên có vào thì cũng lựa vài cuốn truyện hay tạp chí coi …đỡ buồn. Còn những vị đã dày dạn kiến thức lại ít giờ nghiên cứu thêm do gánh nặng mục vụ. Tuy vậy, việc bảo quản thư viện rất công phu, vài ngày lại kiểm soát tình trạng mối mọt, côn trùng chuột bọ thích gặm nhấm hơn đọc sách!
Mỗi đợt tĩnh tâm, các chủng sinh từ mọi giáo xứ hay đang đi học…tề tựu về Minh Hòa để huấn luyện tinh thần. Lâu lâu cũng có buổi lễ phong chức Phó tế cho một số ‘tân chức lão thành’ để có dịp thì ‘lom khom’ bước lên bàn thánh.
Đến nay thì nghe đâu cũng đã có nhiều anh em nho nhỏ ngày trước đã lãnh tác vụ linh mục và thi hành chức vụ ở nhiều giáo xứ, cả các lão gia thời ‘hàng tồn kho’ cũng đã mãn mùa vọng để dấn thân cho hết quãng đời còn lại…
Nhân lúc coi lại hình ảnh của ngày khánh thành Trung Tâm Mục Vụ giáo phận, trong lòng thấy xôn xao như ngày đi xa trở về. Những ngôi nhà đồ sộ xây dựng trong một quy hoạch đẹp mắt, và từ đó hướng về chủng viện Minh Hòa với mái đỏ tươi màu anh dũng của hai vị thánh bổn mạng. Nhưng rồi lại có một nỗi buồn nhen nhúm. Đan chen trong dòng người hớn hở kia là những khuôn mặt quen thuộc đã cùng ăn cùng sống ngày nào, mà nay đã bị mài mòn trước sức ép của thời gian và công việc. Nét trầm tư của đức cha Nhơn ngày xưa và hôm nay cũng vậy, dù có rạng rỡ cười tươi cũng không dấu được những vẻ mệt mỏi của hàng tấn trách nhiệm trên vai một cụ già thất thập cổ lai hy. Rồi kìa, cha Đốc Quảng cũng còn nguyên nét cương nghị, nhưng mái tóc đã chuyển màu để trả giá cho một đời linh mục chỉ chăm lo đào tạo và vun đắp cho các ơn gọi. Đó đây cũng có những khuôn mặt thân quen thời tồn kho và những khuôn mặt trẻ mà ngày nào còn rụt rè trước cửa phòng xin thuốc uống…
Kỳ công tay Chúa đã thực hiện cho Đà Lạt thật đáng ca tụng muôn đời, ân sủng Chúa dành cho Minh Hòa cũng khiến cho mọi đầu gối phải quỳ xuống suy tôn. Xin cầu chúc cho Minh Hòa yêu dấu sẽ vẫn là mái nhà tình thương ấp ủ và vun trồng cho nhiều mục tử hôm nay và tương lai thêm vững bước.
Xin chung lời cầu nguyện cho nhau.
Bác Sĩ J. Trần Minh Trinh