PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH
THEO MẪU GƯƠNG THÁNH GIA
Bổn mạng giáo xứ Chi Lăng
Ngày Cha tân quản xứ nhậm chức
Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình, mà ta vẫn quen gọi là Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Thánh Gia là Bổn mạng của giáo xứ Chi Lăng.Trong năm Tân Phúc-Âm-Hóa gia đình này, hơn bao giờ hết, Thánh Gia trở thành một mẫu gương nổi bật cho các gia đình Kitô hữu noi theo. Các bài đọc trong Thánh Lễ cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi thành viên trong gia đình phải có để kiến tạo một gia đình hạnh phúc; đồng thời cho thấy những phúc lành mà Thiên Chúa hứa ban cho một gia đình sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Bài đọc 1 (Hc 3,3-7.14-17a):
Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca dạy những người con phải biết thảo kính cha mẹ vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Gia đình nào có con cái hiếu thảo thì người cha được vẻ vang, người mẹ thêm uy quyền. Đối với người làm con, việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:
– Với Thiên Chúa: họ được bù đắp các thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, họ sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
– Với bản thân: họ sẽ sống trường thọ và danh thơm sẽ được truyền tụng, không bị người đời quên lãng.
– Với con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, đó là sẽ được vui mừng vì con cái họ, nghĩa là sẽ được con cái hiếu thảo với họ, như chính họ đã hiếu thảo với cha mẹ của mình.
Từ những hệ quả trên, Lời Chúa trong sách Huấn Ca khuyên con cái hiếu thảo với cha mẹ mình. Việc hiếu thảo này được diễn tả qua những khía cạnh khác nhau: “thờ cha”, “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.
Bài đọc 2 (Cl 3,12-21):
Bài đọc 2, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê, cho chúng ta thấy nguyên lý của đời sống gia đình là dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô. Theo đó, đời sống gia đình của những người đã được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, tức là đời sống của một gia đình Kitô hữu, phải có những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào nhân đức nền tảng là “lòng bái ái” vì lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo mọi đức tính luân lý của Kitô giáo (xem Bài ca Đức Ái (x. 1 Cr 13).
Để thực hiện những điều trên, cuộc sống gia đình phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và đời sống cầu nguyện để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Qua đó, Lời Chúa sẽ dậy men trong gia đình, làm cho gia đình được Phúc-Âm-hóa.
Bài Tin Mừng (Mt 2,13-15.19-23):
Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã sống trong một gia đình có cha là Thánh Giuse và mẹ là Đức Maria. Bài Tin Mừng cho thấy vai trò của Thánh Giuse trong Thánh Gia, đó là vâng theo thánh ý Thiên Chúa hầu bảo vệ, che chở Đức Maria và Đức Giêsu tránh khỏi những toan tính của các thế lực chống lại Thiên Chúa, để Đức Giêsu có thể thực thi chương trình cứu độ khi đến thời đến buổi.
Trước đó, Thánh Giuse đã vâng theo lệnh Chúa qua lời của Sứ Thần Chúa truyền cho ông trong giấc mơ để đón nhận Đức Maria làm vợ mình, đặt tên cho con trẻ là Giêsu, và đưa Hài Nhi trốn sang Aicập để bảo đảm an toàn tính mạng cho Hài Nhi và Đức Maria khỏi sự đe dọa từ thế lực của vua Hêrôđê. Như thế, Tin Mừng cho thấy rằng ngay cả Thánh Gia cũng phải trải qua những thử thách và đau khổ trong đời sống thường nhật như bao gia đình khác.
Qua những thử thách và bách hại và cách hành động như trên, Thánh Giuse đã cho thấy thế nào là một người có niềm tin đích thực: vâng theo thánh ý Thiên Chúa với bất cứ giá nào.
Như thế, Thánh Kinh cho thấy Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình theo thánh ý Thiên Chúa. Nhờ có tôn ti trật tự, Thánh Gia là một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm và trở thành một mô hình gương mẫu để mọi gia đình và nhất là gia đình Kitô hữu noi theo.
Giáo xứ là một gia đình:
Giáo xứ Chi Lăng, trong đó có giáo họ Trại Hầm, là một gia đình. Chúng ta phải sống thế nào để noi gương Thánh Gia ?
Trước hết, để xây dựng giáo xứ, giáo họ, chúng ta nhớ lại một vài điều quan trọng được ghi nhận trong Quy chế Giáo xứ của giáo phận Đà Lạt:
– Giáo xứ là gì ? “Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận… (Điều 6).
– Về quyền lợi của giáo dân, Quy chế Điều 11 viết: “Giáo dân thuộc giáo xứ, đương nhiên được hưởng quyền lợi và phải thi hành nhiệm vụ trần thế và thiêng liêng đã được quy định do luật chung, hoặc do qui luật của giáo phận và giáo xứ chiếu theo luật chung…Tất cả những người không công giáo trong ranh giới giáo xứ cũng thuộc phạm vi mục vụ giáo xứ, nên giáo xứ có phận sự dùng mọi phương thế làm cho họ thuộc về Dân Chúa…”.
– Trong một giáo xứ, có Hội đồng giáo xứ:
* “Hội đồng giáo xứ là một cơ quan gồm những giáo hữu được ưu tuyển để cộng tác với Linh mục quản xứ trong việc điều hành giáo xứ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ngài” (Điều 28).
* Nhiệm vụ Hội đồng giáo xứ: “Hội đồng giáo xứ giúp Linh mục quản xứ điều hành giáo xứ. Hội đồng giáo khu giúp linh mục quản xứ và Hội đồng giáo xứ điều hành Giáo khu” (Điều 36).
* Muốn tốt đẹp, cần hội họp: “họp thường kỳ…; họp bất thường …; Mỗi năm một lần, dưới sự chủ tọa của Linh mục quản xứ, giáo xứ phải tổ chức Đại hội mục vụ giáo xứ, gồm tất cả các thành phần Dân Chúa …” (Điều 48).
Chúng ta nên học hỏi về Quy chế Giáo xứ để biết về quyền lợi và nghĩa vụ của giáo dân trong giáo xứ, về vai trò của Cha xứ và Hội đồng Giáo xứ, Giáo họ.
Noi gương Thánh Gia, chúng ta nỗ lực thực hiện điều căn bản mà Quy chế Giáo xứ đã ghi nhận: “Kính mến Thiên Chúa như con thảo đối với Cha lành, và thương yêu anh em như Chúa Giêsu dạy…” (Điều 12).
Noi gương Thánh Gia lên Đền thờ Giêrusalem, chúng ta nỗ lực thực hiện điều được ghi trong Quy chế Giáo xứ về việc thánh hóa ngày Chúa nhật: “Tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, nhất là Thánh lễ cộng đồng tại nhà thờ giáo xứ mình; thánh hóa ngày Chúa nhật bằng các việc đạo đức khác như chầu Mình Thánh Chúa, học hỏi giáo lý, sinh hoạt Hội đoàn, làm việc từ thiện v.v…” (Điều 13).
Noi gương Thánh Gia, nỗ lực thực hiện Quy chế Giáo xứ nói về nghĩa vụ đối với tha nhân, trước hết đối với gia đình: “Giáo dân lo chu toàn mọi bổn phận gia đình, thánh hóa và bảo vệ hạnh phúc gia đình, tạo cho gia đình một cuộc sống đạo đức, góp phần vào bầu khí thánh thiện của giáo xứ” (Điều 14); thứ đến, đối với anh em trong xứ: “Các giáo hữu trong giáo xứ phải sống trong sự hiệp thông của Dân Chúa, như đoàn kết, san sẻ, yêu thương, cầu nguyện và giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần” (Điều 15); đối với giáo xứ: “Giáo dân có nhiệm vụ góp phần xây dựng giáo xứ: hợp tác chặt chẽ với linh mục quản xứ và Hội đồng giáo xứ, giáo khu ; hưởng ứng những công tác do giáo xứ khởi xướng tùy khả năng và hoàn cảnh (Điều 16). Đối với giáo phận: “sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của vị mục tử, góp phần vào công việc chung và thực hiện chương trình chung của giáo phận; Công việc này thường quen được thực hiện qua Giáo hạt” (Điều 17). Đối với Giáo Hội toàn cầu: “Ý thức mình là thành phần của Giáo Hội toàn cầu, giáo dân đặc biệt chú trọng và góp phần thực sự vào nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Điều 18).
Trong Thánh Lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ, giáo họ, cách riêng cho Cha xứ, cho các Tu sĩ, cho Hội đồng Giáo xứ, Hội đồng Giáo họ, cho mỗi người và mỗi gia đình biết sống đoàn kết, yêu thương nhau như trong một gia đình, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trước mặt mọi người.