TẠ ƠN THIÊN CHÚA VỀ SỰ HIỆN DIỆN
CỦA ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN
TẠI GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
21/12/2017
(Bài giảng của Đức Cha Antôn)
Hôm nay là ngày kỷ niệm 50 năm Cung hiến Thánh đường Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn. Nhân dịp này, Đan viện còn hân hoan mừng kỷ niệm 81 năm thành lập Đan viện tại Nho Quan từ năm 1936; 60 năm hiện diện tại Đơn Dương từ năm 1957; Kim Khánh Khấn Dòng của 2 đan sĩ; Truyền chức Phó tế cho 15 đan sĩ.
Nhìn lại quá khứ, Đức Viện Phụ đương kim Vianney Nguyễn Tri Phương đã ghi trong Kỷ yếu: “Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn đã cảm nhận được những hồng ân trong từng biến cố lớn cũng như nhỏ nơi hành trình phát triển qua những ký ức và hình ảnh sinh hoạt, trong thời gian và không gian của từng giai đoạn mang đậm dấu ấn tình thương của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Riêng trong không gian giáo phận Đà Lạt, mọi người đều cảm nhận được hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo phận nhờ sự hiện diện của Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn trong thời gian 60 năm qua. Giáo phận Đà Lạt khi mới được thành lập (năm 1960) có 81 linh mục triều và dòng, coi sóc 77.324 giáo dân. Hiện nay, Giáo phận Đà Lạt có 379.122 giáo dân, 303 linh mục (176 triều – 127 Dòng), 69 đại chủng sinh, 56 dòng tu và tu hội với 1.241 tu sĩ, trong đó có các đan sĩ thuộc Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn.
Được biết Đức Cha Simon Hòa Hiền, giám mục tiên khởi giáo phận Đà Lạt, thường xin với Đức Viện Phụ cho các linh mục Châu Sơn làm mục vụ tại các giáo xứ vì Giáo phận lúc đó còn thiếu linh mục. Khi Đức Tổng Phụ Dòng Xitô sang Việt Nam, đến thăm Đức Cha Simon Hòa, đã trao đổi với Đức Cha về vấn đề này, trong đó hai bên nói đại ý như sau: “Đức Cha muốn có một Đan viện trong Giáo phận của Đức Cha hay muốn các linh mục đan sĩ làm mục vụ giáo xứ?”. Đức Cha trả lời: “Muốn cả hai”. Bề trên Tổng quyền thưa với Đức Cha: “Nếu muốn các linh mục đan sĩ làm mục vụ giáo xứ thì không còn Đan viện nữa”.
Thật vậy, Hiến pháp và Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh Gia minh định rằng : “Theo tinh thần Tổ phụ Henri Denis Benoit, cuộc sống đan tu Xitô Thánh Gia là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh. Vì chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ Xitô Thánh Gia không ra hoạt động ở bên ngoài. Sinh hoạt hàng ngày chỉ trong khuôn viên đan viện hay còn gọi là trong nội vi đan viện. Khi có lý do đặc biệt mới được phép ra khỏi đan viện”.
Thật vậy, linh đạo Xitô Thánh Gia là đời sống chiêm niệm, đời sống Cầu nguyện và Lao động, bắt nguồn từ tinh thần thánh Biển Đức, truyền thống Xitô nguyên thuỷ và Đấng sáng lập là cha Henri Denis Biển Đức Thuận.
Trong Tông thư dịp cử hành Năm Đời sống Thánh hiến (2015-2016), Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với các đan sĩ về điều mà Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang đòi hỏi: “Các đan viện và các nhóm có chiều hướng chiêm niệm có thể gặp nhau giữa họ, hoặc nối kết trong những cách thế khác biệt hơn để trao đổi các kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện, việc làm thế nào để tăng triển tình hiệp thông với tất cả Giáo Hội, về việc làm sao nâng đỡ các Kitô Hữu bị bách hại, làm thế nào đón nhận và theo dõi những ai đang đi tìm một đời sống thiêng liêng sâu đậm hơn hoặc những người cần tới sự trợ giúp về luân lý hoặc vật chất”.
Đời sống đan tu cao đẹp và ích lợi cho Giáo hội và Thế giới như thế, cho nên Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn hiện diện trong giáo phận Đà Lạt quả là một hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo phận và cho tỉnh Lâm Đồng. Giáo phận Đà Lạt xin tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn các đan sĩ. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành cho Đan viện để mỗi ngày một phát triển và đáp ứng những điều mà Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang đòi hỏi.
Đức Viện Phụ Vianney đã ghi trong Kỷ yếu: “Sống hiện tại với những di sản hồng ân như là nền tảng để trung thành với ơn gọi đan tu giữa một thế giiới đầy biến động… Hướng về tương lai trong niềm tin yêu phó thác cho sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa”.
Đặc biệt hôm nay, chúng ta vui mừng vì Thiên Chúa Quan phòng đã yêu thương ban cho Đan viện 14 đan sĩ Châu Sơn được truyền chức Phó tế. Trong Sách Nghi thức, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ xem các thầy sắp bước lên bậc như thế nào trong thừa tác vụ:
Anh chị em thân mến,
Được dũng mạnh nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các phó tế sẽ giúp Giám Mục và hàng linh mục của ngài, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái. Các phó tế là thừa tác viên phục vụ Bàn thờ, loan báo Phúc Âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Thánh Chúa cho các tín hữu.
Ngoài ra, các phó tế sẽ khuyên bảo lương dân cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ tọa kinh nguyện, ban phép Rửa tội, chứng hôn và chúc lành cho Hôn phối, đem của ăn đàng cho người hấp hối, chủ sự các nghi thức an táng.
Qua việc đặt tay từ thời các Tông đồ truyền lại, các thầy được thánh hiến và liên kết chặt chẽ hơn với Bàn thờ, sẽ nhân danh Giám Mục hay linh mục quản xứ chu toàn thừa tác vụ bác ái. Nhờ ơn Chúa, các phó tế làm mọi công việc ấy, để anh chị em biết rằng các thầy thật sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.
Còn các thầy thân mến,
Các thầy sắp lên chức Phó tế. Chúa đã nêu gương để các thầy làm theo như Người đã làm.
Vậy, Phó tế là những thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các thầy hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các thầy hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ người ta thế ấy. Vì không ai có thể làm tôi hai chủ, nên các thầy hãy coi mọi đam mê xác thịt và tiền tài là ách nô lệ tà thần.
Các thầy sẽ công khai tuyên bố sẵn sàng giữ sự độc thân suốt đời để làm bằng chứng các thầy muốn cống hiến tâm hồn và thân xác mình cho Chúa Kitô vì Nước Trời để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, ngoài ra các thầy phải trung thành chu toàn các Giờ Kinh Phụng vụ để cầu nguyện thay mặt dân Chúa.
Giờ đây, chúng ta sốt sắng tham dự nghi lễ Truyền chức Phó tế do Đức Cha Phó Đaminh cử hành, với tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho các thầy sắp lãnh nhận chức thánh.