FERNANDO FILONI*
Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch
Một suy tư về Đức Mẹ
Tháng Năm là tháng dành riêng cho Mẹ Maria. Bộ Lễ Nghi năm 1933 đã công nhận tước hiệu “Nữ vương Palestine”, tước hiệu này đã trở nên đặc biệt thân thương đối với Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Giêrusalem; hành động đó đã làm thỏa lòng mong muốn của Đức Thượng phụ Latinh Luigi Barlassina, là người vào năm 1920, tức là một trăm năm trước, lần đầu tiên đã gọi Mẹ với danh hiệu đó, trước khi tiếp tục xây dựng một ngôi đền ở Deir Rafat vào năm 1927.
Tác giả tin mừng Luca ghi chú tên của Mẹ lần đầu tiên khi ông nói về sứ vụ được giao cho Thiên thần Gabriel đến Nazareth. Maria là một tên phổ biến ở Palestine: chị gái của Môi-sê và Aaron được gọi là Miriam (Maria), và vào thời Chúa Giêsu, chúng ta biết mẹ của Gia-cô-bê (Hậu) và Gioan cũng có cùng tên, Maria ở Bê-tania và Maria Mađalêna.
Ở Nazareth, trong số những người bạn trong làng, Maria được biết đến như người vợ trẻ chưa cưới của Giu-se; sau khi sinh Con, Mẹ cũng sẽ được gọi là mẹ của Chúa Giêsu (Mt 13:55; Mc 6: 3). Nazareth là vùng đất nơi Maria đã từng sống, đã vui chơi và mơ mộng khi còn là thiếu nữ, hiểu biết lịch sử thánh thiêng, thực hiện đức tin của mình vào Đấng tối cao, chấp nhận ý muốn của Ngài; tại Nazareth, Thiên thần Gabriel yêu cầu Mẹ đồng ý trở thành mẹ của Con Thiên Chúa; Sau Bethlehem và chạy trốn sang Ai Cập, Mẹ trở về sống với Thánh Giu-se. Mẹ luôn mang trong mình hai ‘bí mật’: bí mật thứ nhất liên quan đến sự âu lo của Mẹ khi nghe mình được Thiên thần gọi là ‘đầy ân sủng’, và bí mật thứ hai là học biết về việc mang thai một người con khi còn là một trinh nữ. Đây là những vấn đề thân mật riêng tư và sâu lắng, không dễ chia sẻ và bình luận. Luca đề cập đến điều này bởi vì, rõ ràng, một ngày nọ, Mẹ đã nói về điều này và Luca muốn để lại một dấu vết gì đó trong câu chuyện của mình về sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Đó là điều không thể thiếu được, bởi vì nó liên quan đến nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu và chính công trình cứu chuộc. Do đó, tiếng “Xin vâng” ban đầu của Mẹ Maria đã trở thành điểm khởi đầu của một tiến trình sẽ kết thúc bằng chữ “Xin vâng” cuối cùng dưới chân thập giá; hai tiếng ‘fiat’ trở nên không thể tách rời.
Một khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời của Mẹ Maria là cuộc gặp gỡ của Mẹ với bà Isave ở giai đoạn tiến triển của thai kỳ; bà Isave chúc lành cho Mẹ Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. (Luca 1: 42,45). Một khoảnh khắc đáng nhớ, những lời nói đáng ngạc nhiên, những ký ức đã trở thành cuộc sống và những người bạn đồng hành để hỏi ý kiến, ngay cả trong giờ phút đen tối nhất của cuộc đời Mẹ. Mọi người, học được lời cầu nguyện đầu tiên của Mẹ, lặp đi lặp lại trong khẩn xin và ngợi khen: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
Mẹ Maria hiếm khi xuất hiện trong cuộc sống công khai của Con mình; Mẹ vẫn còn ở trong phần tối; Tác giả tin mừng Gioan nói rằng Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana ở Galilê, nơi Mẹ được gọi là “mẹ Ngài” (Gioan 2: 1); Mác-cô, trong một dịp khác, đã đề cập đến điều đó theo cách tương tự, khi những người thân được sai đi tìm Đức Giê-su đang giảng dạy và Ngài dường như thoát khỏi mối quan hệ huyết thống để thiết lập một mối quan hệ mới: “Ai là anh chị em của tôi và là mẹ tôi”(Mác-cô 3:35).
Tại tiệc cưới Cana xứ Galilê, Chúa Giêsu gọi Mẹ bằng thuật ngữ “bà” chứ không phải là “mẹ”, Chúa Giêsu dường như xa cách Mẹ; nhưng trên Thập giá, “Này bà, đây là con bà!” (Gioan 19,26), mối quan hệ tạm thời giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã kết thúc bằng việc trao Mẹ cho Gioan, “Đây là mẹ của con!” (Gioan 19,27); ở đó nhiệm vụ mới làm mẹ của Mẹ đã được xác định. Với sự ủy thác cho Gioan – “từ lúc đó, người môn đệ này đã đưa bà về nhà mình” (Gioan 19,27) – Mẹ Maria trở thành một phần của gia đình mới đang được hình thành. Thật vậy, từ đó trở đi Mẹ sẽ thuộc về Giáo hội không thể tách rời. Và trong tư cách này, chúng ta thấy Mẹ được nhắc đến lần cuối cùng trong Tân Ước, trong khi Mẹ vẫn kiên trì cầu nguyện với các Tông đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 1, 14). Mẹ Maria, do đó, đảm nhận một chiều kích không chỉ là Kitô học (đối với việc làm mẹ thể xác và là nhà giáo dục đầu tiên của con Mẹ cùng với thánh Giuse), mà còn là một chiều kích giáo hội học; trong bối cảnh này, cần lưu ý rằng, với nữ tính của mình, Mẹ đã cân bằng sự hiện diện của các Tông đồ vì việc Mẹ đón nhận ân sủng đã diễn ra ngay từ đầu trong chiều kích người nữ. Ở đây chúng tôi muốn trích dẫn một cách diễn tả đầy ý nghĩa và đầy soi sáng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, người đã viết rằng “Giáo hội, trong cấu trúc pháp lý của mình, được thành lập trên Thánh Phê-rô và Nhóm Mười một, nhưng trong hình thức cụ thể của đời sống giáo hội, luôn luôn là (…) những người phụ nữ mở cửa cho Chúa, những người phụ nữ đồng hành với Ngài ngay cả dưới chân thập giá và có thể gặp Ngài như một con người phục sinh “( Biển Đức XVI, Giê su Na-gia-rét – Từ khi vào thành Giêrusalem đến sự phục sinh).
Nếu Mẹ Maria không còn đứng một mình dưới chân thập giá, thì Mẹ cũng sẽ không đứng về phía vĩnh cửu; Mẹ sẽ là phần quý giá nhất của gia đình mới, Giáo hội, mà thánh Gioan là đại diện đã chào đón Mẹ với tình cảm bao la; nhưng trên hết Mẹ sẽ không bao giờ rời khỏi Giáo hội. Trên thực tế, chúng ta thấy Mẹ luôn luôn hiện diện ở mọi nơi và, trong thời đại của chúng ta, Mẹ hiện diện ở Lộ Đức để xác nhận lời tuyên bố tín điều Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ hiện diện ở Fatima như một dấu hiệu của hy vọng sau cuộc chiến tranh lớn lao tàn khốc đầu tiên, Mẹ hiện diện ở Xà Sơn (Trung Quốc) để an ủi các Kitô hữu bị bắt bớ, Mẹ hiện diện ở Czestochowa như chiến sĩ đấu tranh của quốc gia Ba Lan, Mẹ hiện diện tại Guadalupe trong việc đồng nhất với các cộng đồng dân chúng mới của Châu Mỹ Latinh, Mẹ hiện diện ở Deir Rafat như là Nữ hoàng Palestine; và sau đó một lần nữa ở Aparecida (Brazil), ở Vailankanni (Ấn Độ), ở Altötting (Bavaria), ở Mariazell (Áo), ở Loreto, ở Pompeii, ở Algiers; hơn nữa, Mẹ cũng khoác khuôn mặt của người Yazides[1] bị làm nhục và bị bán ở chợ Isis của Mosul và Raqqa, của những người phụ nữ mặt bị biến dạng bởi axit dưới bàn tay của những người đàn ông điên loạn và hung bạo, của những nạn nhân nạn giết phụ nữ, của những bà mẹ bị triệt sản mà không hay biết, của những nạn nhân nạn buôn người và buôn bán tình dục, của phụ nữ bị tước đoạt nhân phẩm và tự do; và vẫn là mẹ của tất cả những người bị gạt ra bên lề, của những người nghèo khổ do ma túy, do thiếu công ăn việc làm và do vô số bất công của con người, cũng như vẫn là sự nâng đỡ cho tất cả những người mẹ trao hiến sự sống của mình cho con cái; cuối cùng, vẫn là một biểu tượng có một không hai của vô số phụ nữ tận hiến, âu yếm mọi người bằng lời cầu nguyện an ủi tinh thần.
Chúng ta chắc chắn rằng đức tin của Mẹ Maria trao ban Chúa Giêsu cho chúng ta, nhưng Mẹ cũng trao ban chúng ta cho Thiên Chúa.
* Đại Thủ lãnh của Dòng Hiệp Sĩ Mộ thánh ở Giêrusalem.
[1] ND: một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd bản địa tại bắc Lưỡng Hà. Tôn giáo của họ, Yazidi giáo, có liên hệ tới cả Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái giáo, Hỏa giáo, và tín ngưỡng Lưỡng Hà cổ đại.