TẾT BÍNH THÂN – NĂM CON KHỈ
08/02/2016
Hôm nay là ngày Mồng Một Tết Bính Thân, tôi xin chia sẻ đôi điều từ hình ảnh 3 con khỉ !
Tại đền Toshogu ở Nikko, Nhật Bản, người ta thấy một điêu khắc cổ có hình 3 con khỉ: một con lấy 2 tay che mắt, không muốn nhìn chuyện gai mắt; một con lấy 2 tay che tai, không muốn nghe chuyện chướng tai; một con lấy 2 tay che miệng, không muốn nói lời không tốt.
Tại sao người Nhật dùng 3 con khỉ làm biểu tượng việc này? Trong tiếng Nhật, “không nhìn, không nghe, không nói” là “Mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru”. Từ “zaru” nghĩa là “không”, phát âm gần giống từ “saru” nghĩa là “con khỉ” và được lập lại 3 lần, có lẽ vì thế mà người ta khắc hình 3 con khỉ che mắt, che tai, che miệng.
Ý niệm “không nhìn, không nghe, không nói” tương tự như lời dạy của Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ (chương 12): “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn” (không hợp lễ thì không nhìn, không hợp lễ thì không nghe, không hợp lễ thì không nói). Châm ngôn Âu châu có câu: “Muốn sống bình an thì phải đui, điếc, câm” (Pour vivre en paix, il faut être aveugle, sourd et muet). Nhà Phật có câu “tâm viên, ý mã’ (tâm nhảy nhót như khỉ, ý nghĩ lồng lộn như ngựa): tâm của con người nếu không kềm nó lại, nó sẽ suy nghĩ lung tung, sinh ra rối loạn, phiền não. Khi lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với lục trần là 6 thứ cám dỗ bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà không nhiễm, thì hành giả (người thực hành giáo lý) mới được an tâm, được lục thông. Ngược lại, để tâm mình bị mê loạn thì lục căn trở thành lục tặc tức là 6 tên giặc phá hại sự thanh tu.
Mắt để thấy, tai để nghe, miệng để nói là những khả năng mà không ai muốn thiếu. Người có tai thính và mắt sáng, theo chiết tự chữ Hán là người thông minh, vì chữ thông có bộ nhĩ (là tai) và chữ minh có bộ nhật và bộ nguyệt tượng trưng cho hai con mắt, ý muốn nói người thông minh là người sáng tai, sáng mắt, nên cũng sáng dạ.
Nhưng, không phải tất cả điều đều nên thấy, mọi điều đều nên nghe, và mọi điều đều nên nói, nghĩa là cần biết giới hạn và phân định !
Trong Kinh Thánh, Sách Samuel quyển thứ nhất thuật lại câu chuyện ông Saulê khi được cử lên làm vua, có mấy người khinh dể, nói nhiều lời không đẹp về ông, nhưng “ông làm như không nghe thấy” (1 Sm 10,27).
Thánh Gioan Tông đồ cảnh cáo về “dục vọng của đôi mắt” (1 Ga 2,16) mà Chúa Giêsu đã phán: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5,29). “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Thánh Giacôbê đã dạy: “mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1,19).
Có một tác giả đã viết về 3 con khỉ ngồi trên cây dừa, vừa ăn vừa kể chuyện nắng mưa. Một chú bỗng dưng nghiêm giọng nói:
Tôi nghe bàn tán lúc ban trưa:
Loài người tiếm nhận là dòng dõi
Của giống nòi cao quý nhà ta
Chúng thấy sang, bắt quàng làm họ
Khỉ với người thật khác nhau xa!
Có khỉ nào phụ rẫy người tình?
Có khỉ nào bỏ trẻ sơ sinh?
Hay giao con đỏ cho nhà khác
Để về sau nó chẳng biết mình?
Một điều chướng mình không mắc phải,
Có khỉ nào cản lối ngăn đường,
Không cho khỉ khác vào ăn trái,
Để dừa rơi rụng rớt đầy mương!
Có khỉ nào say sưa đêm tối,
Thuê xã hội đen gây thiệt mạng
Cầm hèo, cầm súng lại cầm dao
Điên cuồng đâm giết người đồng loại
Khỉ với người thật khác xiết bao !
Đọc bài thơ mà thấy xót xa !
Những ngày đầu Năm Mới, người người cầu xin ơn bình an. Ước mong trong Năm Mới Bính Thân, để được bình an, mỗi người nỗ lực có được tấm lòng mới, lòng hiền lành, nhờ mắt không ham nhìn điều ác, tai không ham nghe sự dữ, và miệng chỉ nói lời thiện hảo.
Hơn nữa, khi suy nghĩ về “khỉ ba không”, chúng ta cũng nên suy niệm về “Kitô hữu ba hãy” (theo Cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM): hãy mở tai, mở mắt, mở miệng như Chúa Giêsu đã nêu gương, để lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, để nhìn thấy những đau khổ của tha nhân mà chạnh lòng thương, để nói lên sự thật (x.Ga 14,6) “có thì nói có, không thì nói không”
(Mt 5,37) nhằm tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ hạnh phúc của mọi người.
Do đó,
– Khi bưng tai đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như vua Salômôn: “Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe” (1 V 3, 9);
– Khi bịt mắt đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như người mù ở thành Giêricô: “Lạy Ngài, xin cho con nhìn thấy được” (Mc 10, 51);
– Khi che miệng đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51,17), và hãy khẳng định như thánh Phaolô: “Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói” (2 Cr 4,13).
Ước gì được như vậy (Amen) !