THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO
CÁC GM, LM VÀ TU SĨ ĐÃ QUA ĐỜI
02/11/2018
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Cái chết là điều tất yếu đối với mỗi người. Giáo lý Công giáo luôn gắn liền cái chết với việc phán xét. Trong sách Phúc Âm, Chúa Giêsu thường chỉ nói về việc phán xét chung, khi toàn thể nhân loại sẽ đối diện với Vua Giêsu để chịu phán xét về cuộc sống trên trần gian này (x. Mt 25, 31-46; 12,41). Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng nói đến việc phán xét riêng mỗi người sau khi chết, như trong câu chuyện ông Ladarô và người ăn xin nghèo khổ, nhắc nhớ các tín hữu sống tốt để khỏi bị lên án vào ngày phán xét như lời thánh Phaolô nhắn nhủ: “Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước tòa Thiên Chúa… mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 10,11-12), “vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm” (2 Cr 5,10). “Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7-8).
Có người nói rằng: không cần cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời, vì khi chết các ngài đã được nhiều người cầu nguyện và được đông đảo các cha dâng Thánh Lễ đồng tế rồi! Tuy nhiên, nào ai biết được chính xác về tình trạng của người khác, vì “mỗi người sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa”.
Dù là ai và làm gì thì cuối cùng đều phải trình diện trước mặt Vua Nước Trời. Khi đó Ngài xét xử dựa trên Luật yêu thương. Người Á đông quan niệm Ông Trời là chủ tể của mọi loài; ai sống theo ý Trời thì có phúc, làm ngược ý Trời thì bị phạt: “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (người sống theo Trời thì còn, người nghịch với Trời thì mất). Cụ thể, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” nên người nào sống yêu thương là “thuận thiên” và sẽ được “tồn” trong hạnh phúc vĩnh hằng. Kẻ sống mà không yêu thương là kẻ “nghịch thiên” và sẽ “vong” vĩnh viễn trong cõi trầm luân. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó.” (1 Ga 3,14-15).
Các giám mục, linh mục, tu sĩ đã hoàn tất cuộc sống ở trần gian theo thánh ý Thiên Chúa, nhưng chính họ vẫn thường ngày đấm ngực thú nhận “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, vì thế chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho các ngài được Chúa nhân từ tha thứ mọi hình phạt đáng chịu vì tội, và được gọi nhập vào đoàn ngũ các thánh trong Nước Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng: “Vào cuối đời, chúng ta sẽ chịu xét xử về tình yêu thương, sự gần gũi và dịu dàng đối với người anh em của chúng ta một cách cụ thể, khi họ cần bánh ăn, cần áo mặc, cần được tiếp đón, cần tình liên đới”. ĐTC nhấn mạnh: “Chúa Giêsu đã mở ra Vương quốc của Người, nhưng để được vào Vương quốc ấy, chúng ta phải bắt đầu ngay từ cuộc sống này, bằng cách thực thi những công việc trên”.
Trong lần hiện ra với ba trẻ nhỏ tại Fatima ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã cho ba em thấy hỏa ngục. Các em sợ hãi và xin Đức Mẹ cứu giúp, Đức Mẹ nói với các em bằng giọng buồn: “Các con đã thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội lỗi phải vào. Như vậy, khi các con đọc Kinh Mân Côi, hãy đọc câu này sau mỗi chục kinh: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”.
Tất nhiên chúng ta không thể cứu các linh hồn đã sa hỏa ngục . Nhưng những ai phạm tội nhẹ mà chưa được ơn tha thứ, hoặc đã được tha các tội nặng nhẹ, nhưng chưa đền tội đủ, thì linh hồn họ rất cần lời cầu nguyện, hy sinh và việc làm phúc đức của chúng ta, nhờ đó các linh hồn được tha bớt các hình phạt nơi luyện ngục, để sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Đó là mầu nhiệm “các thánh thông công” (hiệp thông giữa thiên đàng, luyện ngục và trần thế).
Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các giám mục, linh mục và tu sĩ đã qua đời là một cử chỉ hiệp thông, biểu lộ lòng biết ơn đối với những người đã hết lòng phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng không thể tránh khỏi những yếu đuối của thân phận con người, biết đâu lại là những người cần đến lòng thương xót Chúa hơn.
Chúng ta khẩn khoản nài xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, xót thương các linh hồn trong luyện ngục, cách riêng các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn, và không quên cầu nguyện cho tất cả chúng ta là “con cháu Evà đang ở chốn khách này” biết noi gương Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế, để mai ngày cũng được hạnh phúc trường sinh với Chúa. Amen.