THÁNH LỄ CUNG HIẾN
NHÀ THỜ AN HÒA
16/01/2016
Mỗi lần đi trên đường cao tốc từ Đà Lạt tới gần Liên Khương, nhìn sang phía tay phải, người ta thấy một ngọn tháp vút lên trời cao, nhưng mấy ai biết đó là tháp nhà thờ giáo xứ An Hòa ? Khi đi từ phòng chờ ra sân bay, người ta thấy rõ ngọn tháp, nhưng cũng chỉ một ít người biết đó là tháp nhà thờ An Hòa. Khi máy bay lên xuống, nhìn qua cửa sổ, người ta thấy rõ ngôi nhà thờ giữa cảnh trí an hòa của khu dân cư với những vườn cà phê xanh tươi, nhưng không phải ai cũng biết đó là nhà thờ và giáo xứ An Hòa!
Nhưng những ai đến đây hôm nay, khi thấy hết những gì mới mẻ và linh thiêng nơi trung tâm giáo xứ An Hòa, không thể không hợp ý tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn những người đã góp công góp của vào công việc xây dựng cơ sở trung tâm của Giáo xứ, một công trình văn hóa tại địa phương, thuộc xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Đọc lại quá trình hình thành và phát triển giáo xứ An Hòa, được biết vùng đất này vào năm 1957 được gọi là “Cư Xá Bảo An” thuộc Liên Khàng, quận Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức (khoảng đầu năm 1961, địa danh Liên Khàng được đổi thành Liên Khương). Khu thổ cư thật vuông vắn, đường ngang đường dọc như ô bàn cờ, mỗi con đường cách nhau 200m. Con đường chính rộng 12m chạy dọc từ cổng vào chia khu đất thành hai phần bằng nhau. Cắt ngang cũng bằng một con đường chính rộng 12m cách cổng vào bằng 2/3 khu đất. Ngã tư giao nhau của hai con đường này được chọn làm trung tâm, nơi xây dựng nhà thờ và trường học. Các con đường phụ còn lại rộng 4m. Đất được phân chia thành từng lô có diện tích 0,5ha và được đánh số từ 1 đến 282.
Vào cuối năm 1957, cha Giuse Nguyễn Hữu Đỉnh, Dòng Chúa Cứu Thế, thường đi lại giúp đỡ tinh thần. Lúc này dân cư khoảng vài ba chục người với ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ nằm trên lô đất số 178 (hiện nay là trường Mầm Non Liên Hiệp). Sau khi cất thêm nhà xứ (lô số 37) và trường học (lô số 58), có các tu sĩ nam nữ của Tu hội Tận Hiến về giúp đỡ.
Vào khoảng cuối năm 1958, tượng đài Đức Mẹ Phù Hộ được dựng lên ở ngã tư đường khu trung tâm, hướng ra phía cổng vào.
Từ Noel năm 1958 cha Giuse Phùng Thanh Quang ở Đà Lạt thường xuyên đi lại giúp đỡ tinh thần. Năm 1959 Cha Phùng Thanh Quang đón Cha Hieronymô Guibert (Đỗ Minh Hiền), Dòng Đa Minh, về trực tiếp phụ trách giáo sở An Hòa, thuộc giáo phận Sài Gòn. Giáo sở An Hòa chọn Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria làm bổn mạng và mừng lễ vào ngày 22/08.
Đầu tháng 8 năm 1960, Cha Henri Nerdeux (Đỗ Minh Lý), Dòng Đa Minh, về thay Cha Hiền. Nửa tháng sau, ngày 15 tháng 8, lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo sở An Hòa được nâng lên thành giáo xứ, thuộc giáo phận Sài gòn. Vào thời gian này giáo xứ được chia thành bốn khu là Đông, Tây, Nam Bắc (lấy tượng đài Đức Mẹ và hai đường lớn làm chuẩn). Lúc này số giáo dân khoảng 350 người.
Ngày 24/11/1960, khi Tòa Thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, trong đó có việc thiết lập giáo phận Đà Lạt, giáo xứ An Hòa thuộc giáo phận Đà Lạt.
Vào năm 1961, cha Lý cho khởi công xây dựng ngôi nhà thờ 7 gian, dài 28m, rộng 12m, tường gạch mái tôn, nằm sau tượng đài Đức Mẹ. Ngày 02/02/1963, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền về làm phép nhà thờ mới dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.
Đầu tháng 6 năm 1963, cha Lý đổi về Cần Thơ và cha Théophane Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, Dòng Đa Minh, thay thế.
Vào năm 1964, các tu sĩ Tận Hiến chuyển về Đà Lạt. Năm 1965, các nữ tu dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương đến phục vụ. Năm 1966, dòng Trinh Vương chuyển về Phú Hiệp. Một năm sau, 1967, các nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đến Giáo xứ.
Đầu năm 1968, cha Bửu Dưỡng về hưu tại xứ Tùng Nghĩa và cha Marcô Trần Xuân Thành về thay thế. Số giáo dân lúc đó khoảng 2500 người.
Năm 1969, khi Toà Thánh xếp lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ vào thứ bảy ngay sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, rồi năm 1970, Toà Thánh xếp lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương vào ngày 22 tháng 8, thì lễ Bổn mạng giáo xứ bị thay đổi và không cố định vào một ngày nào rõ ràng trong năm, nên giáo xứ đã chọn Đức Maria Hồn Xác Lên Trời làm Bổn mạng, lễ ngày 15 tháng 8, cũng để ghi nhớ ngày thành lập Giáo xứ.
Cuối tháng 4 năm 1975, cha Phêrô Võ Trung Thành thay thế cha Marcô Trần Xuân Thành. Cùng phụ trách có cha Louis Phạm Văn Nhượng và cha Giuse Nguyễn Văn Bảo. Thời gian này còn có 12 Thầy thuộc Đại Chủng Viện Minh Hoà về tạm trú, do cha Louis Nhượng phụ trách.
Đầu tháng 11 năm 1975, cha Louis Nhượng và các thầy trở về Chủng Viện ở Đà Lạt, còn một ít thầy ở lại giúp xứ.
Ngày 10/05/1980, cha Giuse Nguyễn Văn Bảo chịu trách nhiệm Quản Xứ. Nhà thờ được sửa sang, tượng đài Đức Mẹ, nhà giáo lý và nhà truyền thống được xây dựng. Song song là việc xây dựng đời sống tinh thần qua các lớp giáo lý, các sinh hoạt hội đoàn, nỗ lực sống yêu thương nhau, quan tâm đến việc bác ái từ thiện…
Các cơ sở vật chất, nhất là nhà thờ, đều xuống cấp sau trên dưới 50 năm sử dụng, nên bà con trong Giáo xứ đã quyết tâm cùng với Cha Xứ và quý Cha lo việc tái thiết tổng thể như ta thấy ngày nay.
Giáo xứ An Hoà hiện có trên 4500 người, trong đó khoảng 1000 người Dân Tộc, chia làm 5 giáo họ: Mân Côi, Đa Minh, Vô Nhiễm, Giuse và Gần Reo. Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo hội được khoảng 10 linh mục và 30 nữ tu.
Như ngôi nhà thờ được cung hiến cho Thiên Chúa dưới tước hiệu Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, với ngọn tháp hướng về trời cao, chúng ta cùng hướng về Thiên Chúa, cầu nguyện cho nhau biết noi gương Đức Mẹ. Trong bản tuyên bố tín điều ngày 1/11/1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã khẳng định: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vô nhiễm Nguyên tội, Trọn đời Đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác”. Đó là một đặc ân mà Đức Mẹ đã nhận được như bảo chứng cho những ai tin vào mầu nhiệm “xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta cũng sẽ nhận được ân huệ đó trong ngày sau hết, nhưng “Mẹ ơi! Đường đi trăm ngàn gian khó. Hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng”.