THÁNH LỄ GIA NHẬP
NAM TU HỘI ICM
16/7/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Hôm nay có 9 thầy công khai tuyên bố gia nhập Tu hội Nhập thể – Tận hiến – Truyền giáo: 4 thầy gia nhập khởi đầu và 5 thầy gia nhập vĩnh viễn. Các bài Thánh Kinh được Tu hội chọn đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa muốn nói gì với chúng ta về TRUYỀN GIÁO ?
Trong bài đọc thứ hai trích thư gửi tín hữu Corintô, Thánh Phaolô viết rằng: “Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 1, 17). So sánh với lệnh truyền của Chúa Giêsu trong Sách Tin Mừng, ta thấy Thánh Matthêu viết: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Thánh Marcô viết: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Như thế, điều Chúa Giêsu quan tâm hàng đầu là “loan báo Tin Mừng”, là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, là “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”, còn việc “làm phép rửa” đến sau: ai tin thì được chịu phép rửa.
Vậy mà người ta thường đánh giá kết quả truyền giáo bằng số lượng những người chịu phép rửa, ít quan tâm đến kết quả sống Phúc Âm nhờ Tin Mừng được loan báo. Trong thực tế chúng ta có thể thấy không ít người đã chịu phép rửa nhưng không sống Phúc âm, cụ thể là không sống công bằng bác ái !
Thánh Phaolô ý thức rằng: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng”. Ngài băn khoăn khi giáo đoàn Corintô đã không sống Phúc Âm, đã chia rẽ nhau ngay khi cử hành Tiệc Thánh, đến nỗi ông đã phải cả quyết:“Nếu tôi nói được mọi ngôn ngữ loài người và Thiên Thần, mà tôi không có Đức Ái, tôi chỉ như thanh la, não bạt inh ỏi mà thôi. Nếu tôi hiểu được mọi mầu nhiệm, biết được thâm thuý mọi khoa học, lại được Ơn Khôn Ngoan sáng suốt, và có Đức Tin mạnh đến nỗi có thể chuyển núi, dời non, mà không có Đức Ái, thì chỉ là hư không! Nếu tôi bố thí tất cả gia tài cho kẻ nghèo khó, và hiến mình chịu thiêu đốt, nhưng nếu không yêu thương, thì cũng chỉ là hư không!” (1 Cr 13,1-3).
Đối với Tu hội ICM, ngoài 2 định hướng “nhập thể” và “tận hiến”, định hướng “truyền giáo” (missio) đã được thêm vào như mục tiêu của Tu hội: nhập thể, tận hiến để truyền giáo. Vậy phải hiểu “missio” theo nghĩa nào ?
Từ “missio” (sai phái), được dùng vào thế kỷ 16, thoạt tiên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là việc sai các nhà truyền giáo đến những nơi, những người chưa biết Chúa Kitô (lương dân), nhưng với Công đồng Vatican II, từ “missio” được triển khai theo một nghĩa rộng là việc thông truyền cho thế giới sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Đó là sống yêu thương. Giáo hội không những được sai “đến với” muôn dân (ad gentes) mà còn “ở giữa” muôn dân (inter gentes) để “Phúc-Âm-hóa” thế giới như men trong bột. Với nghĩa rộng này, từ “missio” đồng nghĩa với từ “evangelisatio” (Phúc-Âm-hóa), mà từ “Phúc Âm” hay “Tin Mừng” đã được dùng trong Thánh Kinh, và hiện nay từ “Phúc-Âm-hóa” hay “Loan báo Tin Mừng” được dùng nhiều trong các văn kiện của Giáo hội. Phúc-Âm-hóa lưu ý đến việc loan báo Tin Mừng cứu độ và sống Phúc âm cho 3 đối tượng: một là những người đã biết Chúa mà chưa tích cực sống Phúc âm; hai là những người đã biết Chúa mà nay bỏ Chúa hoặc thờ ơ với việc sống Phúc âm; ba là những người lương dân chưa biết Chúa. Sống Phúc âm chủ yếu là sống yêu thương như Thầy yêu thương, một tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa là Tình Yêu.
Như thế, các tu sĩ ICM là những người cảm nhận mình được mời gọi và sai đi để làm ngôn sứ loan báo Tin Mừng Tình Yêu như ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7). Các tu sĩ ICM cũng ý thức như ngôn sứ Giêrêmia: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,8-9). Hôm nay 9 thầy công khai đáp lại lời mời gọi của Chúa đi rao giảng Tin Mừng theo gương Thánh Phaolô, “rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 17-18).
Các thầy cam kết nỗ lực đáp lại những đòi hỏi của Đức Giê-su trong việc từ bỏ mọi sự và vác thánh giá theo Chúa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu… Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết… Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa… Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 58.60.61).
Chúng ta hợp ý cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho các thầy hôm nay gia nhập Tu hội, nỗ lực sống Phúc âm hơn nữa, cụ thể là sống giới luật yêu thương, để làm chứng nhân cho Tin Mừng giữa mọi người.