Giáo xứ Tutra nguyên thủy là những giáo điểm truyền giáo cho người Churu thời cha Darricau vào năm 1959, kế tiếp là các cha Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn. Sau năm 1975, các giáo điểm này dần dần sát nhập vào giáo xứ Suối Thông thành một giáo khu. Năm 2003, cha Tôma Phạm Quang Hào xây dựng nhà thờ Tutra và từ đó Tutra trở thành một giáo họ, có linh mục đặc trách. Năm 2009, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã nâng giáo họ Tutra lên hàng giáo xứ và đặt cha Bartôlômêô Nguyễn Văn Gioan làm quản xứ tiên khởi; ít lâu sau có cha Phêrô Vũ Ngọc Hùng làm phó xứ. Ngày 24/5/2013 cha Gioan rời Tutra lên đường nhận nhiệm vụ quản xứ Hòa Ninh, rồi Đinh Trang Hòa; Cha phó Phêrô Vũ Ngọc Hùng được bổ nhiệm làm quản xứ Tutra. Số giáo dân hiện nay khoảng 4000, trong đó có 800 người Kinh, còn lại là người Churu và K’Ho.
Cách đây 10 năm, nhà thờ Tutra đã được cung hiến cho Thiên Chúa với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Nhà thờ là trung tâm của Giáo xứ, là trái tim của Cộng đoàn Giáo xứ. Khi cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ, mọi người quây quần chung quanh bàn thờ, cũng được gọi là bàn tiệc thánh. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Giêsu là trung tâm, vì thế chủ tế hôn kính và xông hương bàn thờ. Quây quần chung quanh bàn thờ, cộng đoàn tín hữu cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và sống lại để cứu chuộc loài người.
Cũng chính từ nhà thờ này, các tín hữu trong giáo xứ được xây dựng thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở nên một cộng đoàn truyền giáo (loan báo Tin Mừng).
Thật vậy, khi cử hành phụng vụ, nhất là khi được học hỏi Lời Chúa, học hỏi Giáo lý, các tín hữu thêm hiểu biết, yêu mến và thi hành những điều mình tuyên xưng trong đức tin. Lời Chúa trong Thánh Kinh cũng như trong Giáo lý đều quy hướng về Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống người Kitô hữu. Nhờ đó mà trở thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn biết sống đức tin bằng hành động theo gương Chúa Kitô: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Tại nhà thờ này, đại gia đình giáo xứ cùng nhau biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa qua các việc phụng tự. Đặc biệt, khi cử hành Thánh Lễ, các tín hữu cùng nhau ca hát, chúc tụng Thiên Chúa, cùng nhau dự tiệc thánh mà của ăn và thức uống là chính Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Mọi người hiệp thông với Chúa Kitô là trung tâm, là của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Nhờ đó mà trở thành một cộng đoàn phụng tự.
Lễ xong, chủ tế chúc các tín hữu “đi bình an”, có nghĩa là các tín hữu được sai đi đem bình an của Đức Kitô mà mình đã nhận được từ nhà thờ này đến với những người sống chung quanh mình, trong gia đình cũng như trong xã hội. Nhờ đó mà trở thành một cộng đoàn bác ái. Không thể sống bác ái yêu thương nếu không biết lấy Đức Kitô làm trung tâm, nghĩa là làm cho Đức Kitô lớn lên, còn mình thì nhỏ bé đi (x. Ga 3,30). Đức Kitô đã dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 1-4).
Năm nay là Năm Thánh Lòng Thương Xót, năm tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội, chúng ta cùng nhau thực hiện những điều Giáo hội đã lưu ý:
– Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống: “Hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36).
Vì thế, trong Năm hồng ân này, hãy sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao hòa, tha thứ cho nhau và làm hòa với nhau, đồng thời biết giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác.
– Tại Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội (2016). Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tự tử…, người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Vì thế, cần chú ý đặc biệt đến những vấn đề sau đây: chăm sóc môi trường sống; đồng hành với anh chị em di dân; an toàn giao thông.
Khi mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ… Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”(Cv 2, 42-47). Noi gương các tín hữu thuở ban đầu sống đạo như thế, giáo xứ sẽ trở thành một cộng đoàn truyền giáo.
Sống trong Năm Thánh, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho nhau để lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta truyền giáo bằng những hành động yêu thương tha nhân qua việc “Thương người có mười bốn mối: thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối”.