THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU 2014
Sáng 6/3/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 1000 linh mục và phó tế đang phục vụ tại 330 giáo xứ thuộc giáo phận Rôma.
Trong phần suy niệm sau bài đọc Tin Mừng theo thánh Mathêu, thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đoàn chiên không có mục tử chăm sóc, ĐTC gợi lại sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa mà thánh nữ Faustina truyền bá, và huấn dụ rằng: “Trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ và thái độ, các quyết định mục vụ, ví dụ dành ưu tiên cho bí tích Hòa giải và cho các việc từ bi bác ái”.
ĐTC giải thích: “Chúa Giêsu đã có tâm tình của Thiên Chúa, nghĩa là dịu dàng đối với dân chúng, nhất là những người bị bỏ rơi, các tội nhân, những bệnh nhân không ai chăm sóc... Vì thế, theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục phải là người giầu lòng từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng, và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe. Đặc biệt linh mục chứng tỏ lòng từ bi qua việc ban bí tích Hòa giải, biểu lộ tâm tình ấy trong thái độ, trong cách thức đón nhận, lắng nghe, khuyên bảo và xá giải...”.
Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC kêu gọi các linh mục tránh hai thái độ: dễ dãi và ngặt nghèo. Ngài nói: “Giữa các cha giải tội, có những cách thức khác biệt, đó là điều bình thường, nhưng không thể có sự khác biệt về nòng cốt, nghĩa là về học thuyết luân lý lành mạnh và lòng từ bi. Thái độ dễ dãi cũng như thái độ ngặt nghèo đều không làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, và cũng chẳng nâng đỡ những người mà chúng ta gặp gỡ… Người ngặt nghèo thì lạnh lùng và cứng nhắc, đóng đinh con người vào luật lệ. Trái lại người dễ dãi thì có vẻ từ bi bề ngoài, nhưng thực tế họ không coi trọng vấn đề lương tâm, coi nhẹ tội lỗi… Chính lòng từ bi làm gia tăng hành trình nên thánh”. ĐTC mời gọi các linh mục tự kiểm xem mình có lòng từ bi, cảm thông với dân chúng không ?Có đời sống cầu nguyện không: “Ban tối, Cha kết thúc mỗi ngày như thế nào ? Với Chúa hay với Tivi ?”.
ĐTC ứng khẩu kể lại tấm gương của hai linh mục thuộc giáo phận Buones Aires, Argentina: vị thứ nhất nổi bật về việc giải tội và vị thứ hai về lòng từ bi. Ngài kể:
“LM thứ nhất còn sống, linh mục nổi bật của Buenos Aires, cha ấy kém tuổi tôi, và sắp được 72 tuổi. Ngày nay phần lớn các linh mục trong giáo phận đến xưng tội với cha ấy. Một hôm cha ấy đến gặp tôi và nói: Thưa cha, con hơi bối rối, con tha thứ nhiều quá. Nhưng khi con cảm thấy cơn bối rối ấy tăng lên mạnh quá, con đến trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa và con nói với Chúa Giêsu: “Tại Chúa đã làm gương xấu cho con !”.
Về vị linh mục thứ hai, ĐTC thú nhận là đã lấy trộm Thánh Giá của vị ấy trong quan tài: “Đó là một linh mục dòng Thánh Thể nổi tiếng và các linh mục khác cũng đến xưng tội với cha ấy. Một trong hai lần ĐGH Gioan Phaolô 2 đến thăm Argentina, ngài xin mời cho ngài một cha giải tội, và vị linh mục ấy đã được gửi đến giải tội cho Đức Giáo Hoàng… Khi vị linh mục ấy qua đời, tôi đang là tổng đại diện và ở trong Tòa Giám mục. Tại đó cứ mỗi sáng tôi xuống xem máy Fax để coi có tin gì được gửi tới hay không. Vào sáng Phục Sinh, tôi đọc thấy tờ Fax báo tin: “Hôm qua, cha Aristide đã qua đời”. Cha được 94 hay 96 tuổi, khoảng đó. Hôm ấy tôi phải đi gặp các linh mục ở nhà dưỡng lão, nhưng sau bữa trưa, tôi đến nhà thờ của cha Aristide. Dưới tầng hầm nhà thờ chỉ có quan tài, hai bà cụ già và chẳng có hoa gì cả. Tôi tự nhủ: “Vị linh mục này đã tha thứ bao nhiêu tội lỗi cho hàng giáo sĩ mà giờ đây chẳng có bông hoa nào”. Nghĩ thế tôi đi lên và ra chỗ người bán hoa ở ngã tư đường để mua hoa, hoa hồng. Trở lại hầm nhà thờ, tôi bắt đầu chuẩn bị trang trí quan tài với hoa vừa mua. Lúc ấy tôi nhìn thấy xâu chuỗi mân côi cha Aristide đang cầm ở tay, “tên trộm” mà mỗi người chúng ta vẫn có trong lòng, chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi liền lấy tay dứt thánh giá nhỏ của xâu chuỗi mân côi trong tay cha Aristide và cầu nguyện với cha: “Xin cha cho con một nửa lòng từ bi của cha”. Tôi cảm thấy một cái gì mạnh mẽ. Thánh giá ấy tôi bỏ trong một túi nhỏ và luôn mang theo người. Bây giờ áo giáo hoàng không có túi ở ngực, nhưng tôi vẫn luôn mang một túi vải nhỏ bên trong với thánh giá ấy. Và khi có một ý tưởng xấu chống lại ai, thì tôi đặt tay trên túi vải đựng thánh giá ấy, và tôi cảm thấy ơn thánh” (mọi người vỗ tay!).
ĐTC ngỏ lời tiếp: “Cách riêng, linh mục biểu lộ lòng thương xót khi ngài cử hành bí tích Hòa giải … Nhưng điều đó đến từ cách thức mà chính ngài đã sống bí tích này trước tiên, theo cách mà ngài để cho Thiên Chúa là Cha ôm lấy… Các cha tự trả lời câu hỏi này : Tôi xưng tội như thế nào ? Tôi có để cho mình được Chúa ôm lấy không ?… Ngày 28/3 vừa qua, tại đền thờ thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã công khai quỳ xưng tội với một linh mục trước khi ngồi tòa giải tội cho người khác.
Về mục vụ lòng thương xót, ĐTC nói: “Lòng thương xót trước hết có nghĩa là chăm sóc các vết thương. Khi một người bị thương, lập tức người ấy cần được chăm sóc, chứ không cần được hỏi về cholestérol, về đường trong máu… Trước tiên phải săn sóc các vết thương há miệng ra, sau đó mới chăm sóc đặc biệt… Họ muốn một sự âu yếm ! Và anh em, các đồng sự thân mến – tôi hỏi anh em – anh em có biết các vết thương của các con chiên trong giáo xứ anh em không ? … Anh em có gần gũi họ không ?… Làm việc mục vụ luôn có đau khổ… đau khổ cho và vớingười ta. Điều đó không dễ dàng ! Đau khổ như một người cha và một người mẹ đau khổ cho con cái mình, … cùng với sự lo âu nữa… Tôi đặt cho anh em một vài câu hỏi…: Cha có khóc không ? … Trong chúng ta, bao nhiêu người khóc trước nỗi đau khổ của một trẻ em, trước sự hủy hoại của một gia đình, trước nhiều người không tìm thấy đường đi ? Cha có khóc không ? Cha có khóc cho dân của cha không ? Cha có cầu nguyện trước nhà tạm cho họ không ?
ĐTC nói tiếp: “Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót mà Chân Phước Gioan Phaolô II đã trực giác cách đây 30 năm trong lễ phong thánh cho Nữ tu Faustina: “Ánh sáng của Lòng Chúa Thương Xót… sẽ soi sáng hành trình của con người vào ngàn năm thứ ba”.
ĐTC kết thúc bài huấn dụ bằng việc động viên các linh mục rằng: “Các linh mục … thật giỏi ! Các ngài thật tốt ! Tôi tin rằng nếu … còn mạnh mẽ như thế này, không phải nhờ chúng tôi, các Giám mục, nhưng nhờ các Cha Xứ, nhờ các Linh mục! Đúng thế, điều này đúng thật như thế ! Không phải để xông hương an ủi anh em. Lòng Thương Xót. Anh Em hãy nghĩ tới biết bao nhiêu linh mục ở trên trời và hãy cầu xin ơn này! Chớ gì các ngài ban ơn Thương Xót cho anh em, mà các vị đó đã nhận được cùng với các tín hữu của mình. Điều này đem lại kết quả thật tốt đẹp”.
Anh chị em coi những chia sẻ hôm nay như những lời tâm sự mà chúng tôi – giám mục và linh mục – hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô với lòng biết ơn ngài đã nhắc nhớ chúng tôi, và tất cả chúng ta, về thương xót của Thiên Chúa. Chúng tôi tha thiết xin quý ông bà anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi, biết luôn cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bản thân mình, và biết thể hiện lòng thương xót đối với mọi người như Thiên Chúa đã thuơng xót bản thân chúng ta, đến nỗi đã ban Con Một chết thay cho tội lỗi chúng ta và đã sống lại để cứu sống chúng ta; đó là mầu nhiệm Vượt Qua mà Giáo hội đang long trọng cử hành trong Tam Nhật Thánh này.