THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CHÁNH SỞ
NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐÀ LẠT
02/8/2017
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Trong bài giảng lễ Nhậm chức Chánh sở Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn ngày 10/9/2016, Đức Tổng Giám mục Phaolô của Giáo tỉnh chúng ta đã nhắc nhớ: “Nhà thờ Chánh tòa là nhà thờ mẹ của các nhà thờ, có tòa của Giám mục, là nơi làm phép Dầu, công bố đường hướng mục vụ chính thức của giáo phận. Giáo xứ Chánh tòa là giáo xứ mẹ của các giáo xứ trong Giáo phận”.
Hôm nay, nhân dịp lễ Nhậm chức Chánh sở Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt, tôi xin nhắc lại đường hướng mục vụ của Giáo phận là “xây dựng giáo xứ, giáo phận trở nên một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở thành một cộng đoàn truyền giáo”.
1. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn đức tin:
Muốn xây dựng một cộng đoàn đức tin, việc quan trọng là giáo dục đức tin bằng nhiều cách, nhất là bằng việc học hỏi giáo lý, trong đó có việc học giáo lý cộng đồng khoảng 5 phút trước các Thánh Lễ mỗi Chúa nhật. Cộng đoàn có thể cùng học một câu trong tập “Giáo lý Cộng đồng” do Ban Giáo lý Đức tin Giáo phận biên soạn, hoặc xem một bài giáo lý trong bộ “Video Giáo lý Công giáo” đã được phổ biến.
2. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn phụng tự:
Việc phụng tự chính thức của Giáo hội là cử hành Phụng vụ, trong đó có Thánh Lễ. Hiến Chế về Phụng vụ nhấn mạnh: phải “bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động”; phải “dự liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La ngữ”. Hiến Chế về Phụng vụ còn lưu ý các ca đoàn: “Sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng một Hy Lễ đó”.
Trong cử hành Phụng vụ, Thánh nhạc đóng một vai trò quan trọng. Tại buổi tiếp kiến Hội nghị Quốc tế về Thánh nhạc ngày 4/3/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao tính thời sự của Huấn Thị về Thánh Nhạc, trong đó nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, tham gia một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn vào hoạt động Phụng vụ. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng và các ca đoàn: “Hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh nhạc và Thánh ca Phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời”.
Rất tiếc từ lâu nay trong lãnh vực Thánh Nhạc và Thánh Ca Phụng vụ, tại một số nơi trong Giáo phận, “đám mây” đó lại không “sáng ngời”! Vì thế, trong dịp các linh mục giáo phận tham dự tuần thường huấn vào tháng 6 năm 2017, tôi đã trình bày cụ thể và xin quý Cha trong toàn Giáo phận lưu ý về tinh thần phụng vụ trong thánh nhạc, thánh ca theo Văn kiện “HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC” cho toàn Giáo hội tại Việt Nam, đã được HĐGMVN ban hành ngày 28/4/2017, nhằm thống nhất mục vụ thánh nhạc theo đúng giáo huấn của Giáo Hội.
Riêng tại các giáo xứ có những biểu hiện không tuân giữ hướng dẫn của Giáo hội, cần phải tìm phương thức hữu hiệu nhất để đẩy mạnh tính cộng đoàn trong khi cử hành Phụng vụ, nhằm mục tiêu làm cho Thánh nhạc và Thánh ca Phụng vụ mang lại ý nghĩa “vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm như đám mây sáng ngời”.
3. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn bác ái:
Tại một số giáo xứ có những biểu hiện kéo bè kết phái, nói hành nói xấu, phê phán theo cảm tính, bịa đặt, vênh vang tự đắc, làm mang tiếng tập thể, làm tổn thương công trạng đã thực hiện, cần lưu ý lời huấn dụ của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô (x. 1 Cr 13, 1-13): “Giả như tôi có… đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí…, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Phaolô còn nói rõ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.
4.Tất cả nhằm xây dựng Giáo xứ trở thành một cộng đoàn truyền giáo:
Sách Công vụ Tông đồ đã ghi nhận kết quả của việc truyền giáo nhờ xây dựng cộng đoàn đức tin, phụng tự và bác ái như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-46).
Như thế, sở dĩ “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (trở thành một cộng đoàn truyền giáo) là vì tập thể đó đã sống tinh thần cộng đoàn: cùng nhau bồi dưỡng đức tin, cùng nhau tham dự Phụng vụ, cùng nhau sống bác ái.
Tôi nguyện chúc Giáo xứ Chính tòa và tất cả các Giáo xứ trong Giáo phận, dưới sự lãnh đạo của Cha Quản Xứ, sẽ nỗ lực và cương quyết xây dựng Giáo xứ theo định hướng mục vụ của Giáo phận, dựa vào gương mẫu của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x.TđCv 2, 42-47) và huấn thị của Hội Thánh.
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng Cha Tân Quản xứ sẽ chu toàn tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta có thể đọc được trong trang web. simonhoadalat những tâm tình của người đại diện bà con giáo xứ Lạc Viên – Diom đã thân thưa với Cha Phaolô Phạm Công Phương: “Xin kính dâng cha lòng tri ân cảm tạ, cảm mến cha vì tình thương cao cả, đã vun trồng Giáo xứ chúng con, đã dìu dắt chúng con, đã hun đúc nhờ những gương lành của cha; chim vô tình còn thương cây nhớ cội, người hữu tâm sao quên nổi người thân, tấm lòng thành xin nhớ ơn cha hiền, đã từng gầy dựng Giáo xứ gấm vóc; nay chúng con hưởng nhờ bao quả phúc, dạ những bồi hồi nhớ kẻ trồng cây, cây gia đình và Giáo xứ này đây”.
Chúng ta cũng có thể đọc trong trang web. simonhoadalat những tâm tình tương tự của bà con giáo xứ chính tòa đối với Cha Phaolô Lê Đức Huân, nay được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Mục vụ Giáo phận, Đại diện Giám mục đặc trách người dân tộc. Tôi cũng hy vọng và tin tưởng rằng từ Trung tâm Mục vụ của Giáo phận, Cha sẽ thực hiện “phương hướng mục vụ mở để các hoạt động truyền giáo được thực hiện theo tinh thần của Giáo hội” và đưa các sinh hoạt rộng hơn phạm vi một giáo xứ đến với mọi người, “không chỉ giới hạn trong phạm vi phục vụ người Công giáo mà còn được mở rộng để chào đón mọi người”. Amen.