THÁNH LỄ TẠ ƠN
65 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
50 NĂM THÀNH LẬP
GIÁO XỨ MINH GIÁO
Đà Lạt, 21/4/2018
(bài giảng của Đức Cha Antôn)
Khi nghe về lịch sử giáo xứ Minh Giáo, chúng ta biết rằng cách đây 50 năm, ngày 19/03/1968, Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã thành lập giáo xứ Minh Giáo và bổ nhiệm cha Micae Nguyễn Việt Anh làm cha xứ. Cha Micae Việt Anh chính là vị sáng lập Tu hội Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền giáo.
Thật ra lịch sử của giáo xứ này hình thành từ tháng 3 năm 1955, khi cha Ðỗ Ngọc Bích, Dòng Ðaminh, cùng với 3000 giáo dân gốc Hải Phòng, Nam Ðịnh, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh đến ngọn đồi rừng thông cuối khóm Nam Thiên, lập nên trại định cư Ðaminh. Ðến năm 1957, vì điều kiện sinh sống khó khăn, khoảng 2000 người bỏ xuống tỉnh Ðồng Nai, chỉ còn khoảng 1000 người kiên trì ở lại. Từ năm 1958-1968, trại Đaminh thuộc về giáo xứ Chính Tòa, chỉ có Thánh Lễ ngày Chúa Nhật do cha Giuse Phùng Cảnh và Cha Rôcô Trần Phúc Long cử hành.
Ngày 8/6/1975, cha Anrê Nguyễn Văn Thành được bổ nhiệm làm cha xứ, và một năm sau có cha Giuse Tống Ðình Quý làm phó xứ, rồi làm chính xứ. Từ năm 2011 đến nay, Cha Giuse Nguyễn Mạnh Khoa làm chính xứ.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, chắc hẳn chúng ta có cùng một tâm tình “chúc tụng Thiên Chúa” như trong bài đọc 1 trích sách Các Vua (x. 1V 8, 55-56) và có cùng một tâm tình cầu nguyện: “Xin Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở cùng chúng ta như Người đã ở với tổ tiên chúng ta… xin hướng lòng chúng ta về với Người, để chúng ta bước đi trên mọi nẻo đường của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, giới răn và luật pháp Người”.
Mệnh lệnh của Thiên Chúa là gì? Với bài đọc 2, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (x. Pl 2,1-11), chúng ta có thể nói rằng mệnh lệnh của Thiên Chúa là “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”.
Tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu cũng là tâm tình của Đức Maria qua bài Tin Mừng theo Thánh Luca chúng ta vừa nghe đọc (x. Lc 1, 39-55). Thật vậy, ngay sau khi thụ thai “Ngôi Lời Nhập thể”, Đức Maria “vội vã lên đường” đi thăm chị họ mình là Elisabeth, tuy son sẻ đã mang thai được 6 tháng. Khi nghe lời bà Elisabeth ca ngợi mình là “có phúc hơn mọi phụ nữ”, Đức Maria đã cất cao lời chúc tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”. Đức Maria tuy mới nhận được ơn cao cả làm Mẹ Ngôi Lời Nhập thể, nhưng đã khiêm tốn ở lại đó 3 tháng để phục vụ chị họ mình trong lúc sinh nở.
Những việc phục vụ khiêm tốn cũng đã được ĐTC Phanxicô nhắc đến trong Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan” về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, mới được công bố ngày 9/4/2018.
Tông huấn lưu ý rằng: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh, bất kể chúng ta giữ vai trò gì, bằng cách sống cuộc đời mình với tình yêu thương và làm chứng tá… Đôi khi cuộc sống gửi đến cho chúng ta những thách đố lớn… hầu chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài”. Đặc biệt mẫu gương của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được nhắc đến trong Tông huấn: “ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã không bỏ phí thời gian để chờ đợi ngày mình được trả tự do, nhưng đã sống giây phút hiện tại tràn ngập tình yêu. Ngài quyết định: Tôi sẽ sống giây phút hiện tại mỗi ngày; tôi sẽ làm những công việc bình thường một cách phi thường”.
Tông huấn mời gọi chúng ta làm cho sự thánh thiện lớn lên qua những việc bình thường, nhỏ bé, như “không đơm điều đặt chuyện, kiên nhẫn lắng nghe trong yêu thương, nói lời tử tế với một người nghèo”.
Giáo xứ Minh Giáo được một ơn đặc biệt là có quý Cha Tu hội ICM chăm sóc mục vụ, một Tu hội đã chọn Đức Mẹ “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin làm bổn mạng. Chiêm ngắm cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ Gabriel và Đức Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. Thiên Chúa chọn Đức Maria vì Mẹ muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách tự do, nhưng cũng vì Mẹ có tâm hồn khiêm tốn đón nhận thánh ý Chúa.
Đức Maria đã đáp tiếng “Xin vâng”, nghĩa là đã tự nguyện cộng tác vào công cuộc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và vâng phục ý Thiên Chúa. So sánh với Eva, các Giáo phụ quả quyết rằng: “Bởi Eva đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”.
Thật ra, Đức Maria đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để sinh ra Đức Giêsu là Sự Thật và là Sự Sống. Chính Chúa Giêsu đã chết thay cho nhân loại tội lỗi để nhân loại được cứu sống bằng sự phục sinh của Ngài. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa từ ngày được truyền tin cho đến khi đứng dưới chân thánh giá để hiệp thông với Chúa Giêsu tái sinh loài người làm con Thiên Chúa: “Này là Mẹ con, Này là con Mẹ”.
Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa – Alleluia! Ngợi khen Thiên Chúa vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16-21).
Đứng trước tình yêu của Thiên Chúa, thánh Gioan Tông đồ mời gọi: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,11). Thánh Gioan mời gọi chúng ta yêu thương nhau, vì yêu thương nhau là ở trong tình yêu của Chúa, là yêu thương Chúa, là yêu như Chúa yêu.
Ước gì trong việc xây dựng giáo xứ, với tâm tình tạ ơn của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta biết noi gương yêu thương của Đức Mẹ, yêu mến Chúa bằng việc luôn “xin vâng” theo thánh ý Chúa, bằng việc quan tâm thực thi giới răn mới của Con Mẹ như một lời di chúc: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con” (Ga 13,34).