THÁNH LỄ TẠ ƠN
DỊP KỶ NIỆM CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG
Giáo xứ Thánh Mẫu, Bảo Lộc
17/12/2016
Sau hơn 3 năm mong đợi, cách đây một năm, ngày 15 tháng 12 năm 2015, giáo xứ Thánh Mẫu đã vui mừng tổ chức lễ khánh thành cung hiến ngôi thánh đường này. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, đã chủ tế Thánh Lễ. Hiện diện trong Thánh Lễ trọng đại này có Đức Hồng Y Phêrô, Tổng Giám mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, nay là Tổng Giám mục Huế, Đức Giám mục Giáo phận, đông đảo các linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài Giáo phận.
Trước Thánh Lễ, Cha quản xứ Gioan Bosco đã chia sẻ: “Ngôi Thánh đường được cung hiến hôm nay là do tâm nguyện của bao thế hệ đi trước, với tâm huyết của mọi thành phần dân Chúa trong đại gia đình Giáo xứ Thánh Mẫu”. Sau Thánh Lễ, mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ, tham dự nghi thức làm phép tượng, với tâm tình cảm tạ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng Giáo xứ.
Hôm nay, chúng ta dâng Thánh Lễ Tạ Ơn nhân dịp kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường, vào chiều ngày thứ nhất trong tuần lễ cuối cùng của Mùa Vọng, tuần lễ đặc biệt cùng với Đức Mẹ hướng về mầu nhiệm Đấng Cứu Thế Giáng Sinh. Nếu ngày Chúa Giêsu Giáng sinh là ngày khởi sự công trình xây dựng Nước Trời, thì Mùa Vọng là mùa mong đợi ngày Chúa đến để khánh thành công trình đó. Trong việc xây dựng nhà thờ, từ ngày khởi công đến ngày hoàn thành là cả một quá trình; quá trình đó chủ yếu là ơn của Thiên Chúa ban cho con người, và sự cộng tác của con người với ơn Chúa. Cha quản xứ cũng đã chia sẻ trước Thánh Lễ cung hiến nhà thờ: “Từ ngày đặt viên đá đầu tiên đến ngày cung hiến, Giáo xứ luôn nhắc nhở nhau sống tinh thần hiệp thông, noi gương cha ông thuở ban đầu, đã cụ thể hóa tinh thần hiệp thông bằng những hy sinh công đức và tài chánh từ nội lực của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ”.
Con người đã nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để làm nên ngôi nhà thờ này thế nào, thì con người cũng phải cộng tác với ơn Chúa và với nhau để hoàn thành công trình cứu chuộc bản thân và cộng đoàn như thế. Do đó, ngày khánh thành nhà thờ lại là ngày bắt đầu một Mùa Vọng mới, bắt đầu thời gian trông đợi những gì phải hoàn thành từ nơi nhà thờ này.
Trước hết, nhà thờ là nơi Lời Chúa được công bố, là nơi cử hành các Bí tích, mà trung tâm là bí tích Thánh Thể. Chúng ta gọi là Nhà Thờ hay Nhà Chúa. Thực sự Chúa không cần nhà, và chúng ta cũng không chỉ thờ phượng Chúa trong nhà thờ. Chúa Giêsu đã nói: “Đã đến lúc người ta phải thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật” (Ga. 4,23), tức là trong cuộc sống bước theo Chúa Giêsu. Thánh lễ được cử hành trong nhà thờ là một việc thờ phượng cao quý nhất. Nhưng sau khi truyền phép Mình Máu Thánh Chúa, chủ tế nói: “Đây là mầu nhiệm Đức Tin”, cộng đoàn đáp lại: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Chúa đến lần thứ hai là điều chúng ta đang mong đợi trong Mùa Vọng này. Chúa đến lần thứ hai là để khánh thành công trình cứu chuộc của mỗi cá nhân và của loài người.
Do đó, việc thờ phượng đích thực là cử hành mầu nhiệm Chúa Chết và Sống Lại qua cuộc sống của mỗi người và của cả cộng đoàn. Thiên Chúa đã ban Con Một xuống thế làm người, sống một cuộc sống mẫu mực, trở thành một Ađam mới, bên cạnh Đức Maria là một Evà mới. Ađam mới đã vâng phục ý của Thiên Chúa cho đến chết và chết trên thập giá. Đó chính là cách “thờ phượng trong tinh thần và trong sự thật”.
Các bí tích được cử hành trong nhà thờ này, nhất là bí tích Thánh Thể, nhắc nhớ việc thờ phượng của chính Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, tức là làm theo ý muốn của Chúa Cha dù phải hy sinh ý riêng. Chúa Giêsu đã chết trên thánh giá. Thánh giá có một thanh dọc hướng về trời, hướng về Chúa Cha, và có một thanh ngang, trên đó Chúa Giêsu giang tay như muốn ôm lấy tất cả loài người, muốn quy tụ tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất. Vậy thờ phượng Thiên Chúa là làm theo ý Chúa Cha là quy tụ tất cả mọi người thành anh chị em, con chung một Thiên Chúa là Cha. Đó là công trình của Thiên Chúa, nhưng con người được mời gọi cộng tác vào.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong tâm tình tạ ơn Chúa và tâm tình sống mùa Vọng, là sống với niềm tin rằng: Chúa Giêsu đã sinh ra để khởi sự công trình cứu chuộc loài người và sẽ kết thúc trong ngày hoàn thành, gọi là ngày Cánh chung. Trong năm Phụng vụ, từ Mùa Vọng đến lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta thấy Đức Mẹ có mặt trong mọi giây phút của cuộc sống Chúa Giêsu, đã cộng tác với Chúa như thế nào, thì xin Đức Mẹ giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu giống như Mẹ, để cuộc sống của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình và mỗi giáo xứ, đã có ngày khởi đầu, thì cũng có ngày kết thúc tốt đẹp.
Mùa Vọng mang ý nghĩa mong đợi một điều gì đó. Vậy, mỗi người và Giáo xứ chúng ta mong đợi điều gì? Để minh họa, tôi xin dùng hình ảnh một trận bóng đá. Trong trận bóng đá, hoặc chúng ta là cầu thủ thi đấu dưới sân cỏ, hoặc là người cổ động trên khán đài. Cả hai đều mong đợi cho đội mình chiến thắng, nhưng tất cả đều tích cực tham gia nhắm đến kết quả chung cuộc. Đó là sự mong đợi bằng hành động. Trong cuộc sống của người kitô hữu, mỗi người vừa là cầu thủ thi đấu, vừa là người cổ động cho người khác thi đấu. Thánh Phaolô khuyên Timôtê: “Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới” (1 Tm 6, 12). Chính Thánh Phaolô đã làm gương cho Timôtê: “Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,7-8).
Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón mừng Lễ Giáng Sinh. Nhưng Chúa đã giáng sinh rồi, nên niềm mong đợi của chúng ta hướng về Ngày Chúa đến như vị Thẩm phán đối với mỗi người, rồi cả loài người. Muốn nhận được “vòng hoa dành cho người công chính”, mỗi người phải là một cầu thủ dưới sân cỏ thi đấu hết mình, biết phối hợp với nhau trong toàn đội, ngoài ra cũng phải là người trên khán đài cổ động những người khác thi đấu để dành chiến thắng.