THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG
(lễ Thánh Phanxicô 4/10/2015)
Năm nay đại gia đình Phan Sinh cùng với đại diện mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội địa phương họp nhau dâng Thánh Lễ mừng kính Thánh Phanxicô Ádxidi, tại giáo xứ Du Sinh do quý Cha Dòng Phanxicô chăm sóc mục vụ, trong Giáo hội toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng mang tông hiệu Phanxicô, đặc biệt với một Thông điệp mới được ban hành ngày 23/5/2015 mang tựa đề Laudato si’, lời mở đầu “Bài Ca Tạo Vật” của Thánh Phanxicô: “Hãy Ngợi khen Chúa…”.
Chúng ta ai cũng biết Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.
Nhưng có lẽ ít ai biết “Bài Ca Tạo Vật” của thánh Phanxicô: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, với muôn loài tạo vật, đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời, Anh là ánh sáng ban ngày, nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi, Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời, Anh tượng trưng Ngài, ôi Đấng tối cao. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Mặt Trăng và muôn Sao Chúa tạo dựng trên nền trời: lung linh, cao quí và diễm lệ. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Anh Gió, Không khí và Mây trời, cảnh thanh quang và tứ thời bát tiết, nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước, thật ích lợi và khiêm nhu, quí hóa và trinh trong. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Anh Lửa, nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm, Anh đẹp và vui tươi, hùng tráng và mạnh mẽ. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất, Chị nâng đỡ, Chị dìu dắt, Chị sinh ra bao thứ hoa trái muôn màu giữa ngàn cỏ dại”.
Như thế, qua hai bài ca này, chúng ta thấy rằng: Thánh Phanxicô chẳng những đề cao tình yêu huynh đệ giữa người với người, mà còn đề cao tình yêu huynh đệ giữa người với vạn vật, như mặt trời, mặt trăng, trái đất…: “Hãy ngợi khen Chúa” (Laudato si’). Thông điệp Laudato si’ của ĐTC Phanxicô viết về chủ đề “chăm sóc ngôi nhà chung” là trái đất của chúng ta.
Trái đất của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì khí thải từ các nhà máy, các phương tiện giao thông vận tải, rác rưởi bừa bãi… Nhiều nơi bị lũ lụt vì thảm họa phá rừng… Nguyên nhân là con người đã không quan tâm đầy đủ và đồng bộ đến việc bảo vệ môi sinh, tức là bảo vệ môi trường sinh sống của mọi thọ tạo trên trái đất này !
ĐTC bắt đầu Thông điệp bằng việc lượng giá hoàn cảnh hiện tại về môi sinh trên thế giới, bằng cách dựa vào những kết quả của nghiên cứu khoa học (Chương 1). Tiếp đến, ngài trình bày truyền thống Do thái-Kitô giáo để làm nổi bật những lý do của một cuộc dấn thân cho môi sinh (Chương 2), nêu rõ căn cội của các vấn đề (Chương 3). Kế đến, ngài đưa ra một đề nghị về nền môi sinh toàn diện, gồm môi trường, kinh tế và xã hội (Chương 4). Từ đó, ngài xác định những định hướng và hành động (Chương 5). Ngài kết thúc bằng cách cho thấy những nguồn mạch thiêng liêng có thể giúp nhân loại thay đổi (Chương 6).
Chúng ta nghe một trích đoạn của Thông điệp nói cụ thể như sau: “Tránh việc sử dụng chất dẻo và giấy, giảm thiểu tiêu thụ nước, phân chia rác thải, chỉ nấu ăn những gì chúng ta sẽ có thể ăn cách vừa phải, đối xử cách quan tâm đến các sinh vật khác, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay chia sẻ cùng chuyến xe với nhiều người, trồng cây xanh, tắt những điện dùng không cần thiết” (số 211). Tất cả những việc đó “có thể đóng góp vào việc thay đổi thế giới và đồng thời cho phép sự thiện lan rộng trong xã hội” (số 212).
Thánh Phanxicô chẳng những cảm thấy mình cần phải đến với những người bị loại trừ, người nghèo khổ, người yếu thế, mà ngài còn phải quan tâm đến hạnh phúc của môi trường và của mọi tạo vật. Ngài sống tốt với các loài vật. Ngài vui vẻ giữa cảnh thiên nhiên. Ngài giảng cho chim để nhắc nhở chúng phải ca ngợi Chúa vì bao ơn lành Chúa ban cho chúng. Ngài cảm hóa một con chó sói và biến nó thành một trong các vật nuôi cưng của ngài. Lẽ tất nhiên ngài hiểu nỗi thống khổ của thiên nhiên và cuộc sống ở đời, đôi khi thật là tàn nhẫn. Tuy nhiên, Ngài biết rằng Đấng tạo Hóa không tạo ra sự dữ, do đó Ngài cho rằng mọi loài chung quanh Ngài là tốt lành và cần được đối xử một cách thật lịch sự, trong yêu thương và lòng độ lượng.
Tóm lại, thánh Phanxicô là một người biết cảm thông với mọi loài và mọi người chung quanh ngài. Ngài thúc giục loài người hãy tôn trọng và yêu thương mọi loài trên trái đất này, và mong mọi loài cũng có tinh thần như thế đối với con người. Ngài cảm thấy rằng khi sống hài hòa với mọi loài xinh đẹp chung quanh mình, loài người sẽ có hành vi yêu thương và tôn trọng, thay vì giận dữ và thống trị.
Năm 1224, hai năm trước khi từ trần, Ngài nhận năm dấu thánh, các vết thương đích thực của Chúa Kitô trên thân thể ngài. Thánh Phanxicô Átxidi từ trần ngày 4/10/1226 ở tuổi 44, và được Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX phong Hiển thánh ngày 16/7/1228.
Ngài đã dạy chúng ta: “Trước tiên hãy làm các việc cần thiết, sau đó làm các việc có thể làm, rồi cuối cùng anh em sẽ làm được những việc xem ra không thể làm”. Ngài là nguồn cảm hứng trong thời đại ngài, trong các thời tiếp theo và cho cả thời đại hôm nay nữa. ĐTC Phanxicô của thời đại hôm nay đã viết một Thông điệp về việc “chăm sóc ngôi nhà chung” mời gọi chúng ta sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô.
Trong một cuốn phim về Thánh Phanxicô và Thánh Clara, cảnh mở đầu là hình ảnh hai bàn chân của cha Phanxicô đang bước trên thảm cỏ xanh, và chị Clara đang bước theo chân cha Phanxicô. Cha Phanxicô quay lại hỏi: “Có phải chị đang bước theo vết chân của tôi không ?”. Chị Clara trả lời: “Không ! Em đang bước theo những bước chân sâu hơn”. Chúng ta hiểu ngay rằng: đó là những vết chân của chính Đức Giêsu.
Lạy Thánh Phanxicô, xin cầu cho chúng con !