THÁNH PHAOLÔ
BỔN MẠNG HIỆP ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ
HẠT BẢO LỘC
(Bài giảng của ĐC Antôn trong Thánh Lễ Kính Thánh Phaolô, Bổn Mạng TNTT, hạt Bào Lộc)
Thánh Phaolô được chọn làm bổn mạng Hiệp đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo hạt Bảo Lộc. Đặc biệt trong Thánh Lễ ngoại lịch kính Thánh Bổn Mạng hôm nay có nghi thức tuyên hứa của Huấn luyện viên cấp I và Huynh trưởng cấp III. Thánh Phaolô đúng là mẫu gương cho mọi người về thái độ mau mắn đáp lại tiếng gọi làm tông đồ cho Chúa.
Thật vậy, trên đường đi Damas, một người biệt phái tên là Saulê đang hăng say đi bắt bớ các Kitô hữu thì ngã ngựa khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với ông và biến đổi ông thành một Phaolô hăng say rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh. Sau này, trong thư gửi tín hữu Côrintô, ngài đã khiêm tốn tự thú về ơn được gọi làm tông đồ rằng: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15,9-10).
Như thế, trong khi thi hành sứ vụ lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm huấn luyện, thánh Phaolô ý thức rằng: ơn Chúa đóng vai trò số một, người được huấn luyện đóng vai trò số hai, còn người huấn luyện là người đồng hành đóng vai trò số 3. Người đồng hành không làm thay, nhưng mở đường cho người khác và làm gương cho người khác.
Chính vì thế, trong lời tuyên hứa, các huấn luyện viên và huynh trưởng ý thức rằng: “mục đích là đưa các em đến với Chúa, là để cho Chúa được lớn lên trong tâm hồn các em, còn chính bản thân mình thì phải mờ nhạt đi”. Cũng chính vì thế, trong Kinh Dâng Mình, các huấn luyện viên và huynh trưởng “xin tận hiến mình con cho Chúa, để Chúa làm mọi sự trong con…, xin ban cho con đức tin…, lòng trông cậy…, lòng mến… nhờ đó con… huấn luyện bằng lời nói, việc làm và bằng cả đời sống của con”. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côrintô, đã dám nói rằng: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (1 Cr 11,1).
Chúng ta cần bắt chước Đức Kitô nhiều điều, nhưng một điều có thể ít được quan tâm là bắt chước những đức tính nhân bản của Đức Kitô. Nói cách tổng quát, Đức Kitô là Thiên Chúa làm người, và khi làm người, Người là một con người có những đức tính mà người đời quý chuộng.
Đức tính nhân bản theo văn hóa truyền thống Việt Nam có thể nói ngắn gọn, dễ nhớ gồm 10 đức tính, trong 2 mối tương quan: với bản thân: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Dũng; với tha nhân: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; cách riêng về tứ đức dành cho các bạn gái: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Mới đây, ngày 23/6/2015, trong một bài đăng trong trang web của HĐGMVN, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng, phụ trách Ủy ban Giới trẻ thuộc HĐGMVN, đã viết:
“Đưa tin về tình trạng xuống cấp đạo lý trong xã hội, mấy ngày qua, có hai bài báo được đăng tải trên các trang mạng điện tử. Bài thứ nhất có nhan đề “Báo động nạn mất dạy ở Hà Nội” của tác giả Thiên Minh – Xuân Hinh được đăng tải ngày 10/6/2015. Bài thứ hai lại chạy tít: “Học trò càng ngày càng láo” của tác giả Khánh An, ngày 16/6/2015. Cả hai bài trên đều được đăng trên trang tin điện tử Petrotimes. Đọc hai nhan đề này, độc giả không khỏi cảm thấy xót xa trước những nét đẹp văn hoá truyền thống đang biến mất trong xã hội chúng ta.
Khi đặt nhan đề bằng những ngôn từ “trần trụi” như trên, tác giả biểu lộ sự bức xúc trước hiện tượng xã hội hôm nay. Bởi theo lẽ thông thường, khi phát ngôn, nhất là khi đặt bút viết, ai cũng phải rất thận trọng trước khi sử dụng những từ “mất dạy”, hoặc “láo”. Việc các tác giả chọn những từ này làm nhan đề cho bài viết và được đăng trên phương tiện truyền thông công cộng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Tác giả bài viết “Học trò càng ngày càng láo” đưa ra những nhận định chung về phẩm chất đạo đức của học sinh “thời @”. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn” ông bà ta truyền lại đã bị nhiều người lãng quên. Rất nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra trong một vài năm gần đây: học trò cãi nhau tay đôi với thày, thậm chí còn đánh nhau với thày giáo ngay trên bục giảng; học sinh tạt a-xít vào thày cô giáo để trả thù; học sinh phát tán những ngôn từ vu khống thầy cô trên các trang mạng xã hội…
Đối với bài viết “Báo động nạn mất dạy ở Hà Nội”, tác giả trăn trở về văn hoá ứng xử của thủ đô, cũng khởi đi từ học sinh, những “chủ nhân tương lai của xã hội”, khi kể lại một trường hợp cụ thể ở cổng trường phổ thông trung học Trần Phú (Hà Nội): những em học sinh đồng phục vào quán uống nước và tuôn ra hàng tràng những ngôn từ tục tĩu, kèm những lời chửi thề. Tác giả kết luận: “Nghe xong đoạn hội thoại, nếu không phải tuôn ra từ những cô cậu mặc đồng phục học sinh, có lẽ tôi sẽ nhầm với một nhóm bụi đời… Văn hoá ứng xử xuống cấp trầm trọng là hiện tượng đáng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác”.
Cũng theo trang tin điện tử Petrotimes, UBND TP Hà Nội có công văn số 3802/VP–VX do Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn chỉ đạo, gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu: Kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý đối với nạn “mất dạy” trên địa bàn Hà Nội… Hy vọng “cuộc ra quân” của vị Phó Chủ tịch và các ban ngành có liên quan sẽ chấn chỉnh những kiến thức để “làm người” trong xã hội, khắc phục những giá trị văn hoá đang bị coi thường và đánh mất. Tuy vậy, đây không chỉ là việc riêng của Ủy ban Nhân dân hay của các sở, mà mỗi chúng ta trong xã hội đều phải cộng tác để làm sạch môi trường văn hoá, làm đẹp quê hương đất nước chúng ta”.
Đứng trước tình hình đó, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể phải cộng tác như thế nào trong việc huấn luyện thiếu nhi về những đức tính nhân bản để làm sạch môi trường văn hoá, làm đẹp quê hương đất nước chúng ta ? Thiết tưởng, sinh hoạt của Thiếu Nhi Thánh Thể cũng đã nhằm huấn luyện những đức tính nhân bản cho các em, nhưng chúng ta còn phải làm gì tốt hơn nữa ?
Tôi mong ước Phong trào TNTT được trải rộng trong Giáo phận, thống nhất với nhau về tổ chức và sinh hoạt, để các Hiệp đoàn tại giáo hạt sớm trở thành một Liên đoàn trong toàn Giáo phận.
Với lòng biết ơn, tôi cũng mong ước các người thân trong gia đình tạo điều kiện cho vợ chồng hoặc con cái tham gia sinh hoạt Phong trào TNTT, để ngoài việc gia đình, còn hy sinh lo việc huấn luyện thiếu nhi trong giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, nhằm Phúc Âm hóa đời sống giáo hội và xã hội.
29-6-2015