Niềm vui của Chúa nhật Phục Sinh được kéo dài đặc biệt trong Tuần Bát nhật Phục Sinh và suốt năm vào mỗi Chúa nhật hàng tuần. Hôm nay, Thứ Ba Tuần Bát nhật Phục Sinh, niềm vui Phục Sinh được nhân lên khi chúng ta mừng kỷ niệm 65 năm thụ phong linh mục (1951-2016) của Cha Cố Giuse Vũ Đình Tân, người Cha kính yêu của giáo phận Đà Lạt, cách riêng của giáo xứ Thánh Tâm là nơi Người đã phục vụ tròn 20 năm (1993-2013).
Được sống lại từ cõi chết, niềm vui Phục Sinh không phải chỉ là niềm vui riêng của cá nhân Đức Giêsu, mà của tất cả những ai tin vào Người vì họ cũng sẽ được sống lại vinh hiển trong ngày sau hết. Niềm vui chung của Giáo hội mang tâm tình tạ ơn TC. Niềm vui được làm linh mục không phải chỉ là niềm vui riêng của cá nhân Cha Cố Giuse, mà của biết bao nhiêu người đã được hưởng những ân sủng TC ban qua chức năng linh mục. Niềm vui chung của chúng ta cũng mang tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.
Bà Maria Mácđala trong bài Tin Mừng hôm nay là người đầu tiên đi báo tin cho các môn đệ “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 18). Đó là một nữ giáo dân có một quá khứ tội lỗi, nhưng đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, nên đã say mê Đức Giêsu đến nỗi đêm hôm dám đến bên mộ Đức Giêsu mà khóc, không hề sợ “ma” ! Đức Giê-su đã gọi bà: “Maria”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni”, nghĩa là “Lạy Thầy” (Ga 20,16). Cha Cố Giuse cũng đã được Chúa Giêsu gọi bằng tên riêng khi nhận chức vụ linh mục cách đây 65 năm vào ngày 10/3/1951.
Đức Giêsu bảo bà Maria Mácđala: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17). Trong 65 năm qua, Cha Cố Giuse cũng đã được Chúa Giêsu sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhiều người qua việc giảng dạy Lời Chúa và Giáo lý của Hội Thánh; đã thánh hóa dân Chúa bằng việc cử hành các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại”, và bí tích Hòa Giải để giải thoát con người khỏi chết trong tội, được sống lại trong ơn nghĩa Chúa; đã lãnh đạo dân Chúa với tinh thần khiêm tốn phục vụ không biết mệt mỏi; đã sống hòa hợp với mọi người, không phân biệt lương giáo, đạo đời.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, dịp cử hành “24 giờ cho Chúa” tại đền thờ Thánh Phêrô mới đây, chính ĐTC Phanxicô đã đi xưng tội với một linh mục, trước khi Người ngồi tòa giải tội hơn một tiếng rưỡi cho các hối nhân. ĐTC nhắn nhủ các linh mục “hãy lắng nghe tiếng kêu, có lẽ âm thầm, của những người muốn gặp Chúa… Thời khóa biểu và chương trình (của linh mục) không đáp ứng nhu cầu thực sự của những người có thể đến tòa giải tội… Chúng ta không thể làm cho ước muốn của tội nhân muốn hòa giải với Chúa Cha trở nên hư vô, vì sự trở về nhà cha của người con là điều mà Chúa Cha chờ đợi hơn mọi sự (x. Lc 15,20-32)”.
Cũng trong dịp này, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc-Âm-hóa nói rằng: “Lòng thương xót không thu hẹp trong bí tích hòa giải, nhưng có một chân trời bao quát hơn nhiều, đòi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót cho tha nhân”.
Năm 2006, nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ Hòa Bình, giáo phận Hưng Hóa, tôi ngỏ lời mong ước Chính quyền Tỉnh cấp đất cho giáo xứ Hòa Bình để xây dựng một nhà thờ xứng tầm với thành phố trung tâm du lịch của miền Tây Bắc Việt Nam.
Sau đó một năm, UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý cấp cho giáo xứ Hòa Bình 10.000 m2 trên một quả đồi để xây dựng nhà thờ mới. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, có một hộ không chịu nhận tiền đền bù, nên Chính quyền phải ấn định ngày cưỡng chế. Khi đó tôi đề nghị với Cha Xứ tổ chức cầu nguyện kính Lòng Chúa Thương Xót và biểu lộ lòng thương xót với mọi người, cố gắng tránh cưỡng chế. Một cơ hội đã đến: một người thân trong hộ gia đình không chịu nhận tiền đền bù qua đời. Cha Xứ cùng với HĐGX đã đi kính viếng mặc dù HĐGX không muốn đi. Vài tuần sau, chủ hộ này đã đến gặp Chính quyền để sẵn sàng nhận tiền đền bù, không cần phải cưỡng chế nữa! Từ những sự kiện đó, tôi đề nghị Cha Xứ chọn tước hiệu “Lòng Chúa Thương Xót” khi cung hiến nhà thờ Hòa Bình. Hiện nay, nhà thờ Hòa Bình là điểm hành hương kính Lòng Chúa Thương xót cho toàn Giáo phận.
Trước khi từ giã cõi đời, Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, dấu chỉ chết vì yêu; thiết lập bí tích Thánh Thể, dấu chỉ tình yêu nuôi sống; thiết lập chức linh mục thừa tác; ban hành giới luật yêu thương: “Các con hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15,12).
Trong Tân Ước, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên hữu hình và sống động nơi Đức Giêsu, vì ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Qua những dụ ngôn nói về lòng thương xót, như dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32), Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha luôn đi bước trước cảm thương và tha thứ.
Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Cụ thể trong Năm Thánh, Giáo Hội mời gọi các tín hữu:
– Tìm đến bí tích Hòa Giải là bí tích giúp họ gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa.
– Đi hành hương, bởi vì cuộc sống tâm linh là một chuyến đi, mà đích tới của chuyến đi ấy là lòng thương xót, đòi phải dấn thân và hy sinh.
– Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng biết tha thứ và cho đi; tránh xa tật nói hành nói xấu người khác; tránh những lời nói, hành động vì ghen tương, nhưng biết nhìn nhận điều tốt nơi mỗi người.
– Quan tâm tới những người nghèo khổ bằng hành động “thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”, vì những gì chúng ta làm cho một trong những anh em bé mọn là làm cho Chúa (x. Mt 25, 31-46).
Bà Maria Mácđala đã là một chứng nhân Phục Sinh. Cha Cố Giuse cũng là một chứng nhân Phục Sinh. Cả hai đã làm chứng cho ĐK Phục Sinh bằng lời nói và hành động. Lời nói và hành động làm chứng hữu hiệu nhất là sống bác ái yêu thương. Quan tâm đến người nghèo khổ, khuyết tật chẳng phải là một điểm son nơi Cha Cố Giuse sao ?
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhau trở nên chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh bằng những việc lành phúc đức chúng ta làm trong Năm Thánh Lòng Thưog Xót này. Amen.