THỨ BẢY TUẦN THÁNH 2018
(Bài giảng của ĐC An tôn)
Bí tích Thánh Tẩy, quen gọi là bí tích Rửa Tội, được cử hành cho các dự tòng trong đêm Vọng Phục Sinh, nhắc nhở các Kitô hữu về Bí tích mà hầu hết chúng ta đã lãnh nhận từ khi mới sinh. Đây là Bí tích quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đã được mặc khải tiệm tiến từ Cựu Ước đến Tân Ước.
Trong Cựu Ước, dấu chỉ của ơn cứu độ đã đạt đến đỉnh điểm trong khi ông Giosuê dẫn dân Israel băng qua dòng sông Jordan mà vẫn khô chân, rồi tiến vào Đất Hứa. Trong Tân Ước, khi Đức Giêsu đến sông Jordan để chịu phép rửa bằng nước và Thánh Thần, Đức Giêsu được giới thiệu như là Giosuê mới, Đấng dẫn đưa dân Người về đất hứa cuối cùng là thiên đàng.
Trở lại Cựu Ước, ngay từ lúc khởi đầu của cuộc tạo dựng, “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Nước là một biểu tượng giống như thanh gươm hai lưỡi: một mặt là trao ban sự sống và sinh hoa kết quả; mặt khác cũng là quyền lực phá huỷ có thể nhấn chìm mọi sự sống.
Vào thời ông Noe, Thiên Chúa đã cho cơn hồng thuỷ tẩy sạch những người tội lỗi. Ông Noe cùng gia đình được cứu thoát nhờ con thuyền mà Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ông làm. Sau cơn hồng thuỷ, Thiên Chúa lại tái tạo khi để nước rút đi, rồi một lần nữa đất lại lộ ra (x. St 8,1-12). Thế rồi Thiên Chúa khôi phục lại phúc lành của Người trên công trình tạo dựng, đặc biệt trên con người, một cuộc khởi đầu mới được tạo nên (x. St 9,1).
Hội Thánh nhìn con tàu của Noe là hình ảnh tiên báo ơn cứu độ nhờ Bí tích Rửa Tội. Thánh Phêrô mô tả việc tiên báo trong thư thứ nhất rằng:“Phép rửa không phải là việc tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là lời cam kết với Thiên Chúa của một lương tâm ngay thẳng, cứu thoát anh em nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 3,21). Thánh Phêrô thấy rằng: cũng như sự dữ bị quét sạch trong trận hồng thuỷ, thì tội lỗi cũng được tẩy trừ nơi Bí tích Rửa Tội.
Đặc biệt, trong cuộc vượt qua Biển Đỏ, việc giải thoát nhà Israel khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, loan báo ơn giải thoát nhờ Phép Rửa. Khi Israel thực hiện cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, quân đội của Pharaô đã đuổi theo họ. Bị chặn lại nơi Biển Đỏ, Môsê đã giơ tay trên biển và Thiên Chúa đã dồn biển lại, rồi “nước rẽ ra” (Xh 14,21). Nước rẽ ra và đất xuất hiện, dân Thiên Chúa được giải cứu, biểu trưng cho nước của Bí tích Thanh Tẩy, Bí tích tẩy sạch tội lỗi đã giam hãm dân Chúa.
Trong Tân Ước, khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả trong dòng nước sông Jordan, Thánh sử Marcô thuật lại cho chúng ta rằng:“Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra và Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người” (Mc 1,10). Động từ “xé ra” ám chỉ thực tại tầng trời được mở ra và Thần Khí “ngự xuống” nơi Đức Giêsu vừa lãnh nhận Phép Rửa.
Trong cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu trên thánh giá, thánh Marcô thuật lại rằng: Đức Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi tắt thở, tấm màn trướng trong Đền Thờ bị “xé ra” từ trên xuống dưới (x. Mc 15,37-38). Ở đây thánh Marcô muốn diễn tả mối liên kết giữa Phép Thánh Tẩy và cuộc Khổ hình Thập giá của Đức Giêsu. Thật vậy, khi các con ông Zêbêdê là Giacôbê và Gioan xin Đức Giêsu cho họ được ngồi bên tả và bên hữu Người, Đức Giêsu nói đến cuộc khổ nạn và cái chết sắp xảy ra như một Bí tích: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Đây chính là điều mà Đức Giêsu muốn nhắm đến khi trả lời cho hai con ông Zêbêdê: cho dù họ không chịu đóng đinh cùng với Đức Giêsu, nhưng qua Bí tích Rửa Tội, họ đã được dự phần vào cái chết của Người trên Thánh Giá: “Phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu” (Mc 10,39).
Như thế, Đức Giêsu hiểu rằng có một mối tương quan giữa Thập giá và Bí tích Rửa tội. Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không biết rằng: tất cả chúng ta đã chịu phép rửa để…được kết hợp với cái chết của Người sao?… Bởi thế, cũng như Người đã trỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, thì chúng ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4).
Vì thế, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu sống mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu: “Anh em hãy giết chết những gì ở dưới đất trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu và tham lam” (C1 3,5).
Còn thánh Gioan thì xác tín về giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã truyền dạy trong Bữa tiệc Thánh Thể, nên đã khẳng định: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3.14).
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được ơn biết sống Bí tích Rửa tội mà chúng ta lãnh nhận.