Ở Đà Lạt có Thung Lũng Tình Yêu. Ở Giêrusalem có Ngọn Đồi Tình Yêu, Đồi Canvê. Cao điểm Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã diễn ra tại Giêrusalem trong Tam Nhật Thánh mà Tông đồ Gioan đã diễn tả trong bài Tin Mừng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Chúa Giêsu đã yêu thương đến nỗi chết cho người mình yêu. Người đã sống lại để cho người mình yêu được hạnh phúc vĩnh cửu. Mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu được cử hành trong bí tích Thánh Thể mà Người đã thiết lập trong ngày kỷ niệm hôm nay, ngày mà Người “rửa chân” cho những kẻ mình yêu, ám chỉ cái chết rửa sạch tội lỗi để họ “được chung phần với Thầy” (Ga 13,8).
Chúng ta phải làm gì để được chung phần vinh hiển với Thầy Giêsu ? Thánh Gioan Tông đồ viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4, 9-11). Chúa Giêsu đã không nói “chúng ta cũng phải yêu thương Thiên Chúa”, mà nói “chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Rõ ràng yêu thương nhau là giới răn quan trọng nhất !
Chúng ta đã nghe nói nhiều về giới luật yêu thương: mến Chúa, yêu người. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Tình Yêu, đặc biệt năm nay, chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Tình Yêu.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại và đầy lòng trắc ẩn” với những ai cậy trông vào Ngài (Xh 34,6).
Trong Tân Ước, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên hữu hình và sống động nơi Đức Giêsu, vì ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Qua những dụ ngôn nói về lòng thương xót, dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32), Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha luôn đi bước trước cảm thương và tha thứ.
Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Cụ thể trong Năm Thánh, Giáo Hội mời gọi các tín hữu:
– Tìm đến bí tích Hòa Giải là bí tích giúp họ gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa.
– Đi hành hương, bởi vì cuộc sống tâm linh là một chuyến đi, mà đích tới của chuyến đi ấy là lòng thương xót, đòi phải dấn thân và hy sinh.
– Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng biết tha thứ và cho đi; tránh xa tật nói hành nói xấu người khác; tránh những lời nói, hành động vì ghen tương, nhưng biết nhìn nhận điều tốt nơi mỗi người.
– Quan tâm tới những người nghèo khổ bằng hành động “thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”, vì những gì chúng ta làm cho một trong những anh em bé mọn là làm cho Chúa (x. Mt 25, 31-46).
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta cảm nghiệm rõ nét lòng thương xót của Đức Giêsu: rửa chân cho các môn đệ, dấu chỉ chết vì yêu; thiết lập bí tích Thánh Thể, dấu chỉ tình yêu nuôi sống; ban hành giới luật yêu thương: “Các con hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15,12).
Giờ đây chúng ta sốt sắng cử hành những nghi lễ diễn tả mầu nhiệm Tình Yêu giàu Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.