Thứ Năm Tuần Thánh 2017
(Ga 13, 1-15)
(Bài Giảng Của ĐC Antôn)
Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ: “Giờ tôi chưa đến”. Nhưng “trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”
Chúa Giêsu yêu thương đến cùng bằng 2 việc: một là rửa chân cho các môn đệ, hai là lập Bí tích Thánh Thể. Cả hai việc này đều muốn nói đến sự Chết và Sống lại của Chúa Giêsu.
Thật vậy, trước khi rửa chân, Chúa Giêsu “lấy khăn mà thắt lưng” làm ta liên tưởng đến lời Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21, 18). Như thế việc rửa chân ám chỉ cái chết của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu chết để làm gì ? Khi Phêrô không chịu để cho Chúa Giêsu rửa chân, Chúa Giêsu đã nói với ông: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Được chung phần với Chúa Giêsu tức là được tham dự vào sự sống vĩnh cửu mà Chúa Giêsu Phục Sinh đem lại cho con người.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Vì Tin Mừng theo Thánh Marcô, Matthêu, Luca đã trình thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể rồi, nên Thánh Gioan không thuật lại nữa, nhưng đã viết một bài suy niệm sâu xa về Bánh Hằng sống. Người ta không thể sống nếu không ăn uống. Cũng thế, người ta không thể sống vĩnh cửu nếu không được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng sự Chết và Sống lại mà Bí tích Thánh Thể loan truyền và tuyên xưng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống…Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 54-58).
Như thế, chiều nay, Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta cử hành hai việc đều nói đến sự Chết và Sống lại của Chúa Giêsu: rửa chân và Bí tích Thánh Thể. Sự Chết của Chúa Giêsu sẽ được cử hành chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Sự Sống lại của Chúa Giêsu sẽ được cử hành vào đêm Vọng Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh.
Vì thế, đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống điều chúng ta cử hành.
Chúng ta sẽ cử hành nghi thức rửa chân và cử hành Bí tích Thánh Thể trong phần Phụng vụ Thánh Thể và chầu Thánh Thể sau Thánh Lễ.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”; sau khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Làm việc này là làm việc gì ? Tất nhiên là việc cử hành Nghi lễ Rửa chân và cử hành Bí tích Thánh Thể. Hai việc đó đều nói đến sự Chết và Sống lại của Chúa Giêsu. Nhưng trước khi làm hai việc này, Thánh Gioan đã ghi nhận ý nghĩa việc Chúa Giêsu làm: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Như thế, rõ ràng Chúa Giêsu nói về giới răn trọng nhất mà Người đã ban truyền sau khi rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35).
Thiết tưởng chúng ta không cần triển khai thêm, nhưng cùng nhau cầu nguyện như là một môn đệ gọi Chúa Giêsu bằng Thầy (theo lời kinh của Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ):
Lạy Thầy Giêsu,
Khi Thầy rửa chân cho các môn đệ, chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn. Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ. Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người. Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
Thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy. Chúng con vẫn xâu xé nhau … Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình. Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải. Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử. Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ. Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy, chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động. Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo, để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc. Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con, để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời từng người, nhất là những ai khổ đau bất hạnh. Amen.