1. Ông Giacob vật lộn với Thiên Chúa
Sách Sáng thế thuật lại sự kiện ông Giacob vật lộn với Thiên Chúa (x. St 32, 22-33). Để hiểu trình thuật này, chúng ta cần phải biết mối thù hận giữa hai anh em sinh đôi, Esau và Jacob. Tuy Esau là anh vì sinh ra trước; nhưng bà mẹ Rebekah đã lập kế hoạch để Jacob tước đoạt quyền trưởng nam và lời chúc lành từ cha là Isaac. Esau tức giận về kế hoạch này nên tìm cách trả thù, và đã cùng với 400 thuộc hạ của ông lên đường đi gặp Jacob. Một đêm kia, ông Jacob đem theo vợ con và nữ tỳ chạy trốn Esau. Ông rất lo lắng cho số phận của ông và gia đình, nên đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Esau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con” (St 32,12). Ông Giacob bảo vợ con qua sông, rồi ở lại một mình; lúc đó có một người đến vật lộn với ông cho đến rạng đông.
Cuộc vật lộn giữa con người với thần minh thường xảy ra trong các truyện thần thoại. Tác giả Sách Sáng thế đã dùng hình thức văn chương này để chuyển tải ý muốn của Thiên Chúa đối với con người. Kết quả cuộc vật lộn là không thắng được ông Giacob. Người lạ mặt yêu cầu ông Giacob: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi”. Nhưng ông Giacob đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi”. Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Jacob”. Ông Jacob hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài”. Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?”Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy. Người lạ mặt từ chối mặc khải tên mình cho Giacob; nhưng sự kiện người đó chúc lành cho Giacob mặc khải phần nào tông tích của người lạ mặt. Giacob có thể đoán người đó là ai qua việc người đó truyền đặt tên cho nơi ấy là Peniel, có nghĩa “mặt của Thiên Chúa”. Ông Jacob đặt tên cho nơi đó là Penuel, “vì ông nói: tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng”.
Sau đó, Thiên Chúa đổi tên cho Jacob thành Israel, có nghĩa: “đã đấu với Thiên Chúa và đã thắng”. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel được ví như một cuộc vật lộn, và Israel đã thắng nghĩa là Thiên Chúa đã muốn tuyển chọn để trao cho một sứ vụ: Thiên Chúa đã trao cho Giacob sứ vụ làm tổ phụ của một dân riêng, Dân Israel, một dân luôn được Thiên Chúa chúc lành. Dân riêng trong Tân Ước là Giáo hội mà Đức Giêsu là Đầu.
2. ĐG “vật lộn” với ý TC trong vườn Cây Dầu
Trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26, 36-46; Mc 14, 32-42), “Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.”
Đức Giêsu phải vật lộn giữa ý của mình với ý của Thiên Chúa: “Xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”. Một cuộc vật lộn toát mồ hôi đẫm máu ! Cuối cùng Đức Giêsu đã thắng được cám dỗ muốn làm theo ý riêng !
3. Sống Đạo là một cuộc “vật lộn” với TC
Trong cuộc sống vác thánh giá theo chân Chúa, ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về các chước cám dỗ ! Một đàng Chúa kéo chúng ta đến với chân, thiện, mỹ (những điều chân thật, tốt đẹp), một đàng chúng ta muốn chiều theo những điều gian dối, hận thù, ghen ghét v.v. Nhiều khi chúng ta phải kiên trì “vật lộn” với Thiên Chúa trong đau khổ và thử thách.
Nguyện xin cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu Kitô tăng sức cho chúng ta trong cuộc chiến ở trần thế này đầy cạm bẫy này, cho đến khi chúng ta có thể nói được như Người trên thánh giá:“mọi sự đã hoàn tất”, với tâm tình “con phó thác mạng sống con trong tay Cha” !