LỄ TRO 2016
MỒNG BA TẾT BÍNH THÂN
(Bài giảng của ĐC Antôn, ngày 10-2-2016)
Lễ Tro năm nay nhằm ngày Mồng Ba Tết, ngày xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta có dịp suy niệm để sám hối về những thiếu sót mà chúng ta chưa làm theo đúng ý Chúa muốn.
Thiên Chúa muốn tạo dựng con người “đầu đội trời, chân đạp đất”, cho nên con người cần nhận biết Thiên Chúa là Cha và ý thức mình được Cha chia sẻ quyền làm chủ trái đất. Ý niệm con người gắn bó với trời và đất trùng hợp với ý nghĩa sự tích bánh giầy, bánh chưng, mà người Việt Nam thường dùng trong những ngày Tết.
Truyện kể, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Hoàng tử nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Người con trai thứ 18 của Hùng Vương tên là Tiết Liêu, có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Một hôm, Tiết Liêu nằm mơ thấy một vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, gọi là bánh chưng. Ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ, đủ cả sơn hào hải vị. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có bánh giầy và bánh chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của bánh giầy, bánh chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng làm bánh chưng và bánh giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Chúng ta thường nghe nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, có nghĩa là “người tính chuyện, nhưng trời cho thành”. Đối với người Công giáo, ngày Mồng Ba Tết là ngày cầu Chúa Trời ban ơn thánh hóa công ăn việc làm trong Năm Mới.
Khi sáng tạo, Thiên Chúa nói với con người: “Hãy thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 27-28). Con người làm chủ trái đất bằng lao động, lao động tay chân cũng như lao động trí óc. Chúng ta làm việc, không những để đem lại lợi nhuận cho mình và những người thân, mà còn để chia sẻ cho những người khác, nhất là những người nghèo khổ. Thánh hóa công ăn việc làm chính là “làm việc để phục vụ”: phục vụ mình, phục vụ gia đình, phục vụ đồng loại.
Trong tâm tình cầu nguyện của ngày Mồng Ba Tết, cùng với tâm tình sám hối của ngày Lễ Tro khai mạc Mùa Chay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa tất cả những công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc vất vả chúng ta sẽ gặp.
Đặc biệt trong Năm Thánh này, qua sứ điệp Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta: “Mùa Chay của Năm Thánh này là cao điểm để cử hành và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 17), điều mà Đức Maria đã cảm nghiệm khi cất lên lời ca chúc tụng: “Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người… Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời”
(Lc 1, 50.54).
Mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong suốt lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Quả thế, Thiên Chúa luôn tỏ lòng từ ái và trắc ẩn sâu xa trong mọi hoàn cảnh, cách riêng những khi dân Chúa bất trung với Giao ước. Ngôn sứ Ôsê đã mô tả Thiên Chúa như một người cha, người chồng chung thủy, còn dân Israël như một người con, người vợ bất trung.
Tình yêu này đạt tới tuyệt đỉnh khi “Lòng Thương Xót nhập thể ” nơi Đức Giêsu, một tình yêu đã làm rung động trái tim các Tông đồ, đã thúc đẩy các ông không ngừng rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”.
Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người và làm cho con người có khả năng thương xót, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân qua công việc “thương người có mười bốn mối”:
Thương xác bảy mối:
1. Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
2. Thứ hai: cho kẻ khát uống.
3. Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
4. Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
5. Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
6. Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
7. Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối:
1. Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
2. Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
3. Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
4. Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
5. Thứ năm: tha kẻ dể ta.
6. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
7. Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
ĐTC mong muốn rằng “dân Kitô giáo cần suy nghĩ (và thực hành) trong suốt Năm Thánh này về những công việc thương xót thể xác và tinh thần”.
Chúng ta thường nghĩ đến sự nghèo khó thể xác, nhưng nhiều khi quên nghĩ đến sự nghèo khó tinh thần. Đức Thánh Cha cũng đã lưu ý vài điều: một người giàu của cải nhưng lại nghèo tinh thần khi không muốn nhìn thấy anh Ladarô đang ăn xin ở cửa nhà mình (x. Lc 16, 20-21); người nghèo nhất về tinh thần là người có tài năng nhưng kiêu ngạo không muốn ai hơn mình, vì họ rơi vào cạm bẫy của Satan, vốn là cội rễ mọi tội lỗi, khi cám dỗ Adam Eva: “Ông bà sẽ trở nên như những vị thần” (Kn 3,5).
Do đó, Mùa Chay của Năm Thánh này là một thời gian thuận lợi giúp chúng ta thoát khỏi sự ích kỷ, nhờ những công việc của lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa ban ơn đó, nhờ sự bầu cử đầy tình hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, là người đầu tiên, đứng trước sự lớn lao của lòng thương xót Chúa, đã nhìn nhận sự hèn mọn của mình (x. Lc 1,48) và ý thức rằng “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52). Do đó, khi ta biết mình hèn yếu, Chúa sẽ thêm sức cho ta. Khi ta biết mình trống rỗng, Chúa sẽ đong đầy cho ta. Khi ta biết mình nghèo nàn, Chúa sẽ làm giàu cho ta. Nhờ khiêm tốn, Thiên Chúa sẽ hoàn thành trong ta những điều ta không làm nổi.
Trong ngày Mồng Ba Tết, trùng với Lễ Tro hôm nay, chúng ta khiêm tốn nghe lời Giáo hội mời gọi khi xức tro trên đầu mỗi người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; đồng thời nghe lời Thánh Vịnh 37 mời gọi mỗi người khi xin ơn thánh hóa công ăn việc làm: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa”. Tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp để có thể sinh lời những yến bạc Chúa đã trao.