Tổng biên tập Vatican News: Truyền thông phải mang lại hy vọng
Ngọc Yến – Vatican News
Giáo sư Mirosław Kalinowski, Hiệu trưởng Đại học Công giáo Lublin đã mời ông Tornielli và ông Menichetti đến thăm trường được mang tên Thánh Gioan Phaolô II. Đại học Công giáo Lublin là một trong những trường đại học Công giáo lớn trên thế giới và là một trung tâm quan trọng của tư tưởng Công giáo. Đại học tiến hành các hoạt động khoa học và đào tạo những người trẻ trong các khoa như thần học, triết học, khoa học xã hội, luật và nhân văn cũng như toán học và khoa học tự nhiên. Buổi gặp gỡ tập trung vào chủ đề “Các phương tiện truyền thông và công nghệ hiện đại trong truyền thông của Giáo hội”.
Nhắc lại tầm quan trọng của việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông dựa trên sự thật và lời chứng thực về cuộc sống của mọi người, ông Tornielli nói: “Khi chúng ta bước vào mối quan hệ với một người, đối diện với kinh nghiệm sống của người này, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với các nguyên tắc của họ, chúng ta cảm thấy tôn trọng và quý trọng hơn”. Ông nhắc lại rằng Tin Mừng được lan truyền trước hết là nhờ vào chứng tá của những người “đã để cho Chúa Giêsu thu hút và say mê”.
Trình bày về sứ vụ và các hoạt động của truyền thông Vatican, Tổng biên tập Vatican News đã nhấn mạnh rằng mọi thông điệp, kể cả liên quan đến các sự kiện bi thảm, đều phải mang lại hy vọng. Ông nói: “Trong công việc hàng ngày của chúng tôi, ngay cả khi phải nói về những thực tế bi kịch như chiến tranh, chúng tôi luôn cố gắng dành chỗ cho hy vọng. Bởi vì đó là điều cần thiết.”
Đề cập đến một khía cạnh quan trọng trong hoạt động của Bộ Truyền thông khi thuật lại các sự kiện trên thế giới, ông Menichetti cho rằng điều này phải được nói qua lăng kính giáo huấn xã hội Công giáo. Ông giải thích: “Điều này có nghĩa là, ví dụ, nếu một quả bom phát nổ ở Ucraina, chắc chắn chúng tôi đưa tin về sự hủy diệt, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng đề cập đến việc ai là người giúp đỡ, ai làm việc vì lợi ích của người khác, vì hòa bình, vì tình huynh đệ, và điều này ở mọi cấp độ, rõ ràng bao gồm các nỗ lực ngoại giao và các giải pháp khả thi”.
Chỉ ra sự cần thiết của việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong các phương tiện truyền thông, ông Tornielli nói: “Chúng ta cần các phương tiện truyền thông sử dụng tất cả các công nghệ hiện đại để truyền đạt những điều tốt đẹp, thúc đẩy trao đổi, lắng nghe người khác, làm chứng cho vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo, không bao giờ biến sự thật hoặc căn tính thành một cây gậy hay một bức tường”.