Tôi sẽ nói gì, bắt đầu từ đâu, và như thế nào đây? Xin được giới thiệu ngay từ đầu vài hướng suy nghĩ từ những nhà chuyên môn:
– Bài tổng kết của Vũ Văn An về những thế lực trong các phương tiện truyền thông chống lại Giáo Hội công giáo.
– Bài kêu gọi hãy biết ai đứng đằng sau các bản tin, các chương trình, chúng ta nghe và đọc.
– Đài Chân Lý Á Châu đã mừng 40 năm thành lập vào năm 2009, nay (2013-2014) có gì mới?
Chúng ta đang sống trong thời điểm 50 năm sau Công Đồng Vatican II, củng là 50 năm công bố sắc lệnh Inter Mirifica về các phương tiện truyền thông xã hội ( 04.12.1963). “Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều khiển các phương tiện trên, hãy chăm lo quy hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đằn những phương tiện này” (IM 24).
Giờ đây xin vào đề với một đoạn trích từ Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Tận Hiến,– tông huấn Vita Consecrata,– số 99, nói về sự hiện diện của người tận hiến trong lãnh vực truyền thông xã hội, như sau:
Trong quá khứ, những người tận hiến đã biết đem mọi phương tiện có trong tay phục vụ việc loan báo Tin Mừng, đã biết khôn khéo ứng phó với những trở ngại, thì ngày nay, những người tận hiến cũng phải làm chứng cho Tin Mừng với những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến. Nhờ những tiến bộ kỹ thuật đại tài, các phương tiện truyền thông có khả năng đạt tới tận những vùng xa xôi nhất trên mặt đất. Những người tận hiến, nhất là thuộc các tu hội có đặc sủng hoạt động trong lãnh vực này, lại càng phải đào luyện để hiểu biết vững vàng về ngôn ngữ đặc thù của các phương tiện truyền thông, để nói về Đức Ki-tô cách thuyết phục cho con người ngày nay, để diễn tả được “niềm vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay” (242) và để góp phần xây dựng một thế giới trong đó mọi người đều cảm nhận được họ là anh chị em với nhau, cùng đi trên con đường tiến đến Thiên Chúa.
Tuy vậy, cũng vẫn phải đề cao cảnh giác trước sự sử dụng lệch lạc những phương tiện truyền thông, nhất là vì khả năng thu hút phi thường. Không nên che dấu những vấn đề chúng đặt ra cho chính đời thánh hiến: thà nhìn thẳng vào vấn đề với óc phán đoán sáng suốt còn hơn (243). Lời giải đáp của Giáo Hội tiên vàn mang tính giáo dục: nó muốn giúp thấu đạt những lý luận ẩn tàng, và biết lượng giá tính chất luân lý của các chương trình, đồng thời cũng tạo cơ hội để luyện những tập quán tốt trong việc sử dụng chúng (244). Trong công tác giáo dục nhằm đào tạo những khán thính giả thành thạo và những chuyên viên về truyền thông, những người tận hiến được kêu mời làm chứng đặc biệt về tính cách tương đối của mọi thực tại thụ tạo. Nhờ vậy họ giúp anh chị em mình biết đánh giá các phương tiện truyền thông theo kế hoạch Thiên Chúa, và đồng thời không để cho mình bị ám ảnh bởi “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (x. 1 Cr 7,31).
Phải khuyến khích mọi nỗ lực trong lãnh vực quan trọng và mới mẻ này để làm việc tông đồ, ngõ hầu Tin Mừng của Đức Ki-tô được loan báo bằng những phương tiện hiện đại. Các tu sĩ hãy sẵn sàng hợp tác bằng cách đầu tư sức lực, phương tiện và nhân sự, để thực hiện những dự án chung trong những lãnh vực khác nhau của truyền thông xã hội. Hơn nữa, những người tận hiến, và đặc biệt những thành viên của các tu hội đời, tuỳ theo nhu cầu mục vụ, nên nhiệt tình tham gia vào việc đào tạo về mặt tôn giáo cho những người phụ trách và nhân viên trong ngành truyền thông xã hội dù công hay tư. Nhờ vậy, sẽ vừa hạn chế được những tai hại do việc sử dụng lệch lạc những phương tiện truyền thông, vừa gia tăng phẩm chất các chương trình với nội dung biết tôn trọng luật lệ luân lý và giá trị nhân bản và Ki-tô giáo.
(số 99, Vita Consecrata; cf. số 39, Huấn Thị Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô)
Số 46 Vita Consecrata: “Sentire cum Ecclesia”: Đồng cảm với Giáo Hội ( Người tận hiến sống và duy trì sự hiệp thông giáo hội. Cụ thể trong thái độ khiêm tốn vâng phục giám mục bản quyền.
Một nhiệm vụ quan trọng được giao phó cho đời sống thánh hiến, dưới ánh sáng của đạo lý về Giáo Hội xét như là hiệp thông đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định. Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông (94), như “những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa” (95). ….
Một khía cạnh nổi bật của sự hiệp thông với Giáo Hội là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với huấn quyền của các giám mục ; tất cả những người tận hiến, đặc biệt những ai dấn thân trong công việc nghiên cứu thần học, trong việc giảng dạy, trong việc xuất bản sách vở, trong huấn giáo, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (102), phải nghiêm chỉnh thi hành và minh chứng rõ ràng điều này trước mắt Dân Thiên Chúa. Bởi vì những người tận hiến giữ một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, cho nên thái độ của họ đối với huấn quyền có một tầm quan trọng lớn trước toàn thể Dân Thiên Chúa. Chứng tá của lòng mến yêu hiếu thảo của họ mang lại sức mạnh và sinh khí cho hoạt động tông đồ của họ. ….. Như thế, với những đoàn sủng phong phú, các người tận hiến giúp Giáo Hội thể hiện ngày một sâu xa hơn bản tính của mình là bí tích của “sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (104).
Số 88: Vita consecrate: Các phương tiện truyến thônbg xã hội thách đố đức khiết tịnh của người tận hiến. Văn kiện viết như sau:
Thách đố đầu tiên đến từ một nền văn hoá hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng loã của các phương tiện truyền thông xã hội. Ai cũng thấy được những hậu quả của tình trạng này: đủ mọi thứ vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và nhiều gia đình. Lời đáp ứng của đời thánh hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người. Người tận hiến chứng nhận rằng điều mà đa số xem như không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh của Chúa Giê-su. ……
Đời thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm (224). Qua chứng tá đó, tình yêu nhân loại tìm được một điểm tựa vững chắc, mà con người thánh hiến phát hiện ra, khi chiêm niệm tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được Đức Ki-tô mạc khải cho chúng ta. Chính vì được nhận chìm trong mầu nhiệm đó, con người tận hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng. ….
VÀI NÉT VỀ ĐÀI CHÂN LÝ Á CHÂU
Hướng đi mới của Đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia, RVA) vừa được bắt đầu áp dụng (2011-2012) cho Giáo Hội Công Giáo tại địa phương các quốc gia Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, được gọi là “decentralization”, đưa về giáo hội địa phương. Hiện còn Chương Trình của ba quốc gia Trung Quốc (Mandarin), Myanmar, Việt Nam, thì chưa áp dụng hướng mới này, nhưng từ từ trong tương lai, chờ khi tình thế cho phép.
Trước hết, xin được nhắc lại vài điểm chính trong lịch sử phát triển của Đài Chân Lý Á Châu.
Dự án về một Đài Phát Thanh Công Giáo cho vùng Á Châu, như là Trung Tâm Thông Tin và Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu, đã được gợi ý bởi Đức Hồng Y Peter Agagianian, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo ở Roma, trong chuyến viếng thăm miền đất xa xôi này vào năm 1958, và đã nhận được sự đồng thuận của khoảng 100 Giám Mục từ Á Châu và Úc Châu họp nhau tại Manila với Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo. Vào thời điểm này, chưa có tổ chức “Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu” (FABC) như hiện nay.
Đức Hồng Y Rufino Santos, lúc đó là Tổng Giám Mục Manila, được trao cho trọng trách thực hiện dự án. Một mãnh đất rộng 4 mẫu tại Fairview, Q.C. do gia đình Yulo dâng cho Tổng Giáo Phận Manila, được ĐHY Santos dành riêng làm nơi xây dựng cơ sở thực hiện dự án Đài Phát Thanh. Đồng thời một mảnh đất thứ hai của Tổng Giáo Phận Manila tại Malolos, cách Manila khoảng 40 cây số, được dùng làm nơi đặt các máy phát sóng và các dàn ăntênh. Vấn đề tài chánh là gay go nhất.
Ngày 11 tháng 10 năm 1960, trong cuộc gặp gỡ lịch sử với ĐHY Peter Agagianian (Bộ Truyền Giáo) và Đức Ông Wilhelm Wissing (HĐGM Đức), Ông Konrad Adenauer, thủ tướng Đức, cam kết chính phủ Đức sẽ viện trợ tài chính để mua máy phát sóng và những ăntênh cần thiết. Trên bình diện Giáo Hội, thì Bộ Truyền Giáo, Hội Đồng Giám Mục Đức qua hai tổ chức Misereor và Missio, Tổng Giáo Phận Cologne, Tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Đau Khổ (KIN), trợ giúp thêm phần tài chánh cho dự án thành lập Đài Phát Thanh Veritas, với hai phân bộ, một cho nội địa Phi Luật Tân, phát thanh qua làn sóng trung bình, và một cho các nước Á Châu, phát thanh qua làn sóng ngắn. Năm 1961, căn tính pháp lý của Đài Phát Thanh Veritas được thành lập đúng theo luật pháp nhà nước tại Phi Luật Tân, với tên gọi là “Trung Tâm Phát Thanh Thông Tin và Giáo Dục Phi Luật Tân” (PREIC), với Đức Tổng Giám Mục Manila luôn là vị chủ tịch, cùng với các Giám Mục Phi Luật Tân khác làm thành viên của Hội Đồng Quản Trị Đài Phát Thanh Chân Lý. Luật pháp Phi Luật Tân không cho phép người ngoại quốc trực tiếp điều hành Đài Phát Thanh. Năm 1965, công việc xây cất Đài Phát Thanh bắt đầu. Năm 1967, Đài Phát Thanh Veritas cho nội địa bắt đầu hoạt động, và năm 1969, Đài Phát Thanh Veritas cho hải ngoại, tức cho các quốc gia Á Châu, bắt đầu hoạt động, với vài ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt Nam, được bắt đầu phát ngày 01 tháng 02 năm 1969, trước cả ngày khai mạc chính thức của Đài, là ngày 11 tháng 04 năm 1969.
Nguyên tắc chỉ đạo cho phần Chương Trình Phát Thanh lúc đó được các Giám Mục Á Châu đồng thuận với Hội Đồng Quản Trị của Đài Veritas tại Manila, là các Hội Đồng Giám Mục địa phương của từng quốc gia chịu trách nhiệm về các chương trình, được thâu trước vào băng nhựa, rồi gửi sang Manila để phát về đất nước mình. Hội Đồng Giám Mục của từng ngôn ngữ, qua Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, đề xướng hướng phát triển và kiểm soát nội dung các chương trình phát thanh, chịu trách nhiệm sản xuất các loại chương trình tùy theo nhu cầu địa phương, thẩm định phẩm chất và điều nghiên phản ứng của các thính giả, rồi chia sẻ với Văn Phòng Đài Phát Thanh Veritas ở Manila. Mỗi Hội Đồng Giám Mục Địa Phương là thẩm quyền cuối cùng cho chương trình phát thanh. Có thể nói mỗi giáo hội địa phương tham dự vào hai mục tiêu chính của Đài Veritas là rao giảng Tin Mừng và hổ trợ công cuộc phát triển của dân tộc mình.
Cụ thể việc tham dự của Giáo Hội Địa Phương vào mục tiêu của Đài Veritas đã được thực hiện như thế nào? Cách chung, từ ngày được thành lập cho đến năm 2010-2011, việc tham dự đó được thực hiện cụ thể như sau: Giáo Hội Địa Phương qua Ủy Ban Giám Mục về Truyền Thông Xã Hội thiết lập và điều khiển tại đất nước mình một trung tâm sản xuất các chương trình rồi gửi sang Manila để phát thanh trở lại cho địa phương. Đồng thời cũng bổ nhiệm nhân sự tối thiểu cần thiết sang Manila làm việc, lo phần xếp các chương trình, theo thời biểu phát thanh, và tùy nhu cầu lo sản xuất các chương trình thời sự và tin tức bổ túc thêm cho các chương trình từ địa phương gởi đến. Đó là điều thông thường được áp dụng đối với các quốc gia tự do.
Đối với các quốc gia bị giới hạn, như Trung Quốc, Việt Nam (từ năm 1975), Miến Điện (Myanmar), thì phương cách thực hiện có phần thay đổi: Hội Đồng Giám Mục Địa Phương của ngôn ngữ phát thanh vẫn phải chịu trách nhiệm về các chương trình phát thanh, mặc dù hầu hết các chương trình phát thanh đều được sản xuất từ bên ngoài, nhưng theo những phản hồi từ bên trong. Trưởng nhóm ngôn ngữ bên Manila luôn giữ hiệp thông và liên lạc với các Giám Mục địa phương, để biết nhu cầu của Giáo Hội và của dân chúng địa phương, hầu sản xuất những chương trình thích hợp.
Trên bình diện tài chính, thì những nguồn trợ giúp tài chánh cho Đài Veritas, từ Bộ Tryền Giáo và từ Giáo Hội Đức, được dùng để trả các chi phí sau đây: 1. Chi phí máy phát; 2. Chi phí nhân sự làm việc tại Manila; 3. Chi phí sản xuất chương trình tại Trung Tâm Chương Trình của các Giáo Hội địa phương. Cách chung, các chi phí đều được trả từ nguồn tài chính này. Đây là sự hổ trợ tài chính gần như 100% từ các ân nhân cho công việc soạn chương trình và phát thanh của Đài Veritas Asia tại Manila.
Nhưng sau đó, có những biến cố lịch sử từ từ xuất hiện dẫn đến quyết định thực hiện hướng đi mới trên phương diện tài chánh của Đài Veritas Asia.
Biến cố thứ nhất là việc tách rời hoàn toàn hai bộ phận của Đài Veritas vào năm 1990. 1. Chương trình phát thanh nội địa Phi Luật Tân tách rời hoàn toàn ra khỏi “Nhà Mẹ,” với danh gọi mới “Radio Totoo 846” (tiếng Phi dịch từ Veritas). Đó là Radio Veritas Philippines, hoàn toàn không có tài hỗ nào từ các ân truyền thống của đài nữa, mà sống nhờ quảng cáo và những ân nhân Phi Luật Tân sống trong hoặc đang làm việc nước ngoài. Đây cũng là một cách thực hiện việc “địa phương hoá”. 2. Chương Trình Veritas Hải Ngoại, vẫn giữ cơ sở nguyên thủy, — “Nhà Mẹ” tại Farview — vừa lập thêm tại PALAUIG, cách Manila khoảng 400km, một cơ sở mới, rộng 350 mẫu, đủ chổ cho ba máy phát mới với công xuất mạnh gấp 5 lần (250kw) các máy phát củ (50kw), và với 15 ăntênh màn nhệnh, định hướng theo từng vùng phát sóng.
Như vừa nói trên, có thể nói Chương Trình Tiếng Phi là ngôn ngữ đi tiên phong trên bình diện tài chánh theo hướng đi mới: đó là giáo hội địa phương hoàn toàn tự lập và tự tìm nguồn tài chánh cho những chi tiêu trong việc phát thanh chương trình của mình. Chính mình trở thành người rao giảng Tin Mừng cho những anh chị em của mình. Giáo Hội Phi Luật Tân đã thành công lo việc phát thanh cho chính dân chúng của mình, từ năm 1990 đến nay (tức hơn 20 năm rồi).
Từ việc phân đôi này, Phân Bộ Hải Ngoại của Đài Veritas được gọi là Đài Veritas Asia, Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu. Từ ASIA, Á Châu, được thêm vào để tránh hiểu lầm với Đài Veritas Philippines.
Biến có thứ hai cũng đã xảy ra vào thời đểm 1990; đó là biến cố được gọi là “Cam Kết Bandung 1990,” trong phiên họp khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, tại Bandung, Indonêsia. Qua các đại diện tham dự, các Giám Mục Á Châu cam kết trả các chi phí cho việc soạn các chương trình phát thanh tại Trung Tâm địa phương, theo một tiến trình từ từ trong thời gian 4 năm. Theo cam kết này, nếu thật sự được thực hiện, thì từ năm 1995, các ân nhân từ Đức (qua Đài Veritas Asia) sẽ không còn trả bất cứ chi tiêu nào về mặt sản xuất chương trình do các trung tâm địa phương! Nhưng “Cam Kết Bandung” đã không được thực hiện đúng theo chương trình dự trù.
Hai mươi năm qua rồi! Đến lúc “Các Ân Nhân Châu Âu” nhất quyết yêu cầu Giáo Hội tại Á Châu hãy góp phần (tài chánh) của mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc tại Á Châu. Mỗi giáo hội địa phương sẽ chịu trách nhiệm không những về nội dung các chương trình phát thanh, mà còn phải chịu các chi phí tài chánh cho việc phát thanh.
Vì thế, đến thời điểm 2010-2011, Hội Đồng Quản Trị và Ban Điều Hành với sự đồng thuận của Văn Phòng Truyền Thông của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OSC), bắt đầu áp dụng hướng đi mới trong việc tìm nguồn tài chánh mới, qua việc đưa các chương trình phát thanh trở về lại giáo hội địa phương.
Tháng 12 năm 2011 vừa qua, Đài Veritas Asia, đã thực hiện xong các chương trình về Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Hmong (về Thái Lan). Từ nay, từ các địa phương, các chương trình phát thanh được chuyển về Manila, qua hệ thống kỷ luật mới (internet), để phát thanh. Và các giáo hội địa phương tại những quốc gia này gánh chịu những chi phí tài chánh cho các chương trình của riêng họ, với sự trợ giúp tài chánh nhỏ, từ từ ít đi, cho đến mức không còn trợ cấp nào nữa.
Hiện còn các chương trình Mandarin (Trung Quốc), Việt Nam, Myanmar (Miến Điện) còn theo thể thức cũ. Nhưng chúng ta nên lo đến tương lai. Ban Điều Hành không đòi chúng ta phải đóng góp hoàn toàn ngay từ đầu, nhưng từ từ với thời gian.
Vậy xin được ghi ra nơi đây chi phí của Ban Việt Ngữ.
Mỗi ngày có 4 lần phát thanh, tổng cộng gần 3 tiếng phát thanh. Số tiền chi phí trọn một năm cho lương các nhân viên của Ban Việt Ngữ và chi phí liên quan đến việc soạn chương trình phát thanh, tổng cộng là:
Năm 2000: 1,651,211 pesos, tức 37,527 USD (theo thời giá đổi tiền lúc đó)
Năm 2011: 2,313,836 pesos, tức 53,810 USD
Năm 2012: 2,299,498 pesos, tức 53,476 USD
Đó là chưa kể chi phí cho việc phát thanh (máy phát và ăntênh), mỗi phút bình quân tốn 4 USD. Chương trình Tiếng Việt có 4 lần phát thanh: 27’ + 27’ + 57’ + 57’ == 168 phút mỗi ngày.
Tổng cộng một ngày là: 168 phút x 4 USD == 672 USD một ngày phát thanh.
Một năm phát thanh tốn: 672 x 365 = 245,380 USD.
Tổng cộng tất cả chi phí chương trình và phát thanh cho Tiếng Việt năm 2012 là:
245,380 (kỷ thuật) + 53,476 (chương trình) === 298,856 USD
III. ĐIỂM ĐÁNG NHỚ TRONG TRUYỀN THÔNG
Tôi không lặp lại nơi đây những lý thuyết về truyền thông, về các phương tiện truyền thông xã hội, những phương tiện “thông minh”… nhưng chỉ muốn nhắc lại đây một chút “điều đánh động bản thân trong những năm dài’ phục vụ qua các phương tiện truyền thông.
TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ?
Cần phân biệt “Truyền Thông” nhân bản (cá nhân, liên vị, giữa người với người) và “Truyền Thông Xã Hội”, giữa nhiều người với nhau và “những phương tiện truyền thông xã hội”.
Truyền thông nhân bản nằm trong lãnh vực những tương quan giữa người với người. Truyền Thơng Xã Hội nằm trong lãnh vực những tương quan giữa nhiều người trong xã hội. Còn những “phương tiện truyền thông xã hội” nằm trong lãnh vực những phương tiện, những kỹ thuật được sử dụng để chuyển đạt một nội dung hay một sứ điệp nào đó đến cho nhiều người, nhắm giúp cho những tương quan giữa người với người được tốt đẹp và dễ dàng hơn. Cần huấn luyện về truyền thông nhân bản trước, rồi đến truyền thơng xã hội sau cùng mới học tập sử dụng những phương tiện kỹ thuật. Thật là trớ trêu và mâu thuẫn, một người không có hoặc khơng thể phát triển khả năng truyền thông mà nắm trong tay những phương tiện kỹ thuật truyền thông xã hội !
Truyền Thông là gì? Đây là từ ngữ Việt để chuyển dịch quan niệm được diễn tả bằng từ latinh (và những ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng latinh như Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,v.v….). Từ latinh là COMMUNICATIO ( danh từ ) , COMMUNICARE (động từ), đến từ mẫu ngữ gốc là COMMUNIS: nghĩa là CHUNG; communicare là communis facere, làm cho thành chung, làm cho chung lại, liên kết chung lại. Ý Niệm “CÙNG CHUNG” là ý niệm chính và quan trọng.
Khởi đầu, chúng ta có thể hiểu “truyền thông” như là “chia sẽ một điều gì đó cho chung nhiều người để liên kết nhiều người chung lại với nhau. Truyền thông có mặt trong cộng đoàn và hướng đến việc thiết lập, duy trì và cũng cố thêm cộng đoàn. TRUYỀN điều gì đó từ người nầy sang người khác (cũng có thể là từ một sang nhiều người) để liên kết họ lại trong sự hiệp THÔNG. Có Truyền mà không có Thông thì chưa phải là Truyền Thông. Sự Hiệp Thông giữa người truyền đi và người tiếp nhận, là yếu tố quyết định cho công việc truyền thông.
Chúng ta hãy nhìn qua các sơ đồ mô tả “hiện tượng” TRUYỀN THÔNG, từ đơn sơ căn bản cho đến phức tạp.
A.
1. NGƯỜI TRUYỀN SỨ ĐIỆP | 2. PHƯƠNG TIỆN ĐƯỢC DÙNG | 3. NGƯỜI NHẬN SỨ ĐIỆP. |
B.
1.NƠI NGƯỜI TRUYỀN SỨ ĐIỆP: Ý LỜI// Đặt KÝ HIỆU// SỨ ĐIỆP GỞI ĐI | 2. PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT: Thích Hợp, Không Bị Cản. | 3.NƠI NGƯỜI NHẬN
SỨ ĐIỆP NHẬN// GIẢI MÃ// Ý LỜI ( đã hiểu) | 4. MỤC ĐÍCH NGƯỜI GỞI: Để làm gì? |
C.
1.NƠI NGƯỜI TRUYỀN SỨ ĐIỆP: Ý LỜI// Đặt KÝ HIỆU// SỨ ĐIỆP GỞI ĐI | 2. PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT: Thích Hợp, Không Bị Cản. | 3. NƠI NGƯỜI NHẬN
SỨ ĐIỆP NHẬN// GIẢI MÃ// Ý LỜI ( đã hiểu) | 4. MỤC ĐÍCH NGƯỜI GỞI: Để làm gì? | 5.Phản Hồi của Người Nhận cho Người Gởi. Sự Hiệp Thông |
Đồ thị cho chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn những diễn tiến phức tạp của hiện tượng TRUYỀN THÔNG. Để được hữu hiệu và nên trọn , thì việc truyền thông bắt đầu với hoạt động truyền và cần kết thúc với tình trạng thông hiệp với nhau, góp phần xây dựng cộng đồng mỗi ngày một hơn.
Có một điều gì đó từ nơi người truyền được trao cho được thông ban cho người nhận. Có một cái gì CHUNG được thiết lập giữa người truyền và người nhận. Chung Ý, Chung Lòng, Chung nếp sống, Chung hàng động.
Phân tích thêm hiện tượng Truyền Thông, chúng ta sẽ nhận thấy rằng “LỜI NÓI” là “cái vốn quý giá nhất” của Truyền Thông. “LỜI NÓI” là phương tiện truyền thông tốt nhất, là con đường thiết lập và duy trì những tương quan giữa người với người, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân của những chia rẽ, không thông cảm, tranh chấp và đau khổ. Lời Nói có thể chữa lành hay gây thương tích.
Tuy nhiên Lời Nói, để có giá trị truyền thông, — và như thế được trọn vẹn — cần phải vượt qua mức độ quy ước thường tình về ý nghĩa, vượt qua mức độ “truyền tin”, để đạt đến mức độ trao ban chính mình. Hai người “nói với nhau” không phải chỉ để “truyền tin” ( báo tin, cho biết tin), nhưng còn để “trao ban cho nhau một cái gì đó”, để xây dựng cộng đoàn giữa hai người. “LỜI NÓI” luôn luôn được đi kèm với “cái gì” đó của người nói, và được hiểu trong và theo những giới hạn của người nhận.
“LỜI NÓI” có ba bậc:
để báo tin ( cho biết) ==Truyền Tin Tình Thế
để biểu lộ nội tâm ====Thông tỏ thâm tâm
để mời gọi đáp ứng====Tác thông Tích Thích.
Càng gia tăng theo ba bậc nói trên và với nội dung có ít nhiều “ba bậc” nói trên, thì “LỜI NÓI” càng có giá trị “Truyền Thông”!
“Báo Tin”: Truyền đi những chi tiết, tin tức, có tính cách thuần túy “vì lợi ích” ( hữu dụng). Lời báo tin, ở cấp độ một nầy, tuy chưa có nhiều giá trị truyền thông, nhưng lại có thể gây hại cho truyền thông, vì tính cách “mơ hồ”, “dị nghĩa” mà người báo tin có thể mặc cho Lời báo Tin đó. Ngày nay, ngôn ngữ đã “bị hư, bị rữa” đi khá nhiều!
“Biểu Lộ Nội Tâm”: Ở cấp độ thứ hai nầy, LỜI NÓI vượt quá nội dung thông tin có thể nói là “một chiều”, “lạnh lùng”, bàng quan, để mặc thêm “mùi vị” của người nói cũng như của người nhận. Tính cách “liên kết ngôi vị” ( liên ngôi vị) được biểu lộ. Thế giới ( tự tâm, từ tâm, nội tâm) của người nói được biểu lộ. Người nói chia sẻ ý định của mình, và khơi dậy sự đáp ứng nơi người nghe nhận. Sự “cảm thông” bắt đầu. Và tứ đĩ “Lời Nói” được nâng cấp sang bậc thứ ba..
“Mời gọi đáp ứng”: Lời Nói mời gọi người nhận (nghe) tích cực đáp ứng. Thế giới chung giữa hai người nói và nghe, trao đi và nhận lại, được thiết lập, duy trì , củng cố.
“Lời Nói” được hiểu theo cả hai khía cạnh: Lời Nói thành tiếng (ngôn ngữ) để nghe, và Lời Nói không thành tiếng (sự im lặng, ngôn ngữ của thinh lặng) để cảm nhận.
Mẫu “Truyền Thông” cao độ trọn vẹn nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là Một Truyền Thông, Một Mầu Nhiệm Hiệp Thông. LỜI của Ngài có đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, cả “ba bậc” mà chúng ta vừa phân tích trên đây.
Nhìn vào KINH THÁNH, chúng ta có thể đọc được kiểu mẫu “Truyền Thông” của Thiên Chúa cho con người. Thiên Chúa nói LỜI của Ngài cho con người. Lời Ngài là Trọn Vẹn Truyền Thông, gồm đủ cả ba bậc: Báo Tin (Mạc Khải), Biểu Lộ Tâm Tư (Giao ước) và Mời Gọi Đáp Trả (Tái Tạo Dựng sự hiệp thông).
Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, không những chỉ thông truyền tư tưởng, sự Thật, mà còn thông truyền chính mình làm sự Sống của chúng ta (Bí Tích Thánh Thể), để mời gọi những ai đón nhận đến với Ngài, được Ngài tái tạo, trở nên thành phần của một Nhiệm Thể Duy Nhất, một “cộng đoàn với ngài và trong ngài”. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời Nói và Đời Sống là một. Trong viển ảnh nầy, chúng ta hiểu hơn công thức “làm chứng cho Chúa (Truyền Thông) bằng Lời Nói và bằng Đời Sống. Trong viển tượng nầy, Truyền Thông là Truyền Giáo ! Truyền Giáo là Truyền Thông, hai “quan niệm” gặp nhau và có thể thay thế cho nhau. Sống tu đức truyền thông là thực hiện truyền giáo.
Người sống đời tận hiến — như tất cả chúng ta đây — được mời gọi “trở về với Chúa Kitô” và bắt đầu lại từ Chúa, trở thành Nhà truyền thông như Chúa, biến trọn cả Đời Sống mình trở thành LỜI NÓI THÔNG TRUYỀN THIÊN CHÚA cho anh chị em.
Cũng thế, mỗi người chúng ta,— nhất là những kẻ tận hiến cho Chúa—chúng ta cần làm cho đời mình trở thành Lời Truyền Thông cho anh chị em được nhìn thấy Thiên Chúa, được hòa nhập vào trongthế giới của Thiên Chúa.
Trong khung cảnh vừa nói trên, tôi xác tín rằng:
Truyền thông ( nhân bản và xã hội) là yếu tố không thể thiếu trong đời tận hiến. Và người tận hiến — trong xã hội Việt Nam chúng ta — được xem như là người lãnh đạo, cả khi không có vai trị lãnh đạo nào trong một tổ chức. Các hoạt động của người lãnh đạo—của người tận hiến,— đều được xây dựng trên truyền thông. Không thể nào tưởng tượng mộït lãnh đạo, một người tận hiến, mà không có khả năng truyền thông.
Và để phát triển truyền thông, ta không thể nào bỏ qua việc luyên tập TU ĐỨC. Chúng ta có thể liên kết ba ý niệm Tu Đức, Lãnh Đạo, Truyền Thông, trong một công thức sau đây: Cần có Tu Đức tốt để Truyền Thông hữu hiệu; và cần có Truyền Thông hữu hiệu, để lãnh đạo thành đạt.
TỪ vài suy nghĩ trên, Tôi xin được rút ra kết luận cho đề tài muốn chia sẻ hôm nay:
TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG TRONG ĐỜI NGƯỜI TẬN HIẾN.
“TIN MỪNG” viết hoa và muốn chỉ về TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ, là cùng đích của người tận hiến, chứng nhân của TIN MỪNG. Nhưng để đạt đến cùng đích này, hằng ngày người tận hiến, trong cảnh sống cụ thể và với trọn vẹn nhân cách của mình, phải tu luyện làm sao để có thể “phát ngôn”, “phát thanh”, “phát hình”, tắt một lời là “thông truyền tin mừng” (tin mừng chữ thường) cho anh chị em.
Tiếp sau là vài suy nghĩ liên quan đến việc huấn luyện truyền thông ( truyền thông nhân bản làm gốc trước ( in principio), rồi mới đến truyền thông xã hội).
Đến đây, xin được trích từ bài viết của LM Giuse Vũ Tiến Tặng.
Trong bài: “Sắp đến Ngày Quốc tế Truyền thông thử bàn về Facebook” (04/16/2013), Cha đã nhận định như sau:
Có thể nói thời đại bùng nổ thông tin giúp chúng ta nắm bắt được những gì xảy ra trên thế giới một cách nhanh chóng. Trong thời đại tin học, Giáo Hội cũng biết thích ứng để loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả. Có rất nhiều tổ chức dòng tu và tín hữu đã dấn thân hăng hái trong lãnh vực đầy mới mẻ này. … Tuy nhiên cái gì cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Đây là một thực tại không thể phủ nhận. Do vậy một đòi hỏi đặt ra cho mỗi người và cộng đoàn khi sử dụng là cần phải nâng cao ý thức, để có được hiệu quả như mong muốn.
(Lợi thế)
Facebook giúp cho mọi người xích lại gần hơn với những vấn đề mình quan tâm, với những người có cùng một sở thích. Chỉ một bức thông điệp phát đi từ một thành viên là tất cả đều nhận được….
Mọi cấp độ trong Giáo Hội từ cá nhân đến cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, giáo phận đã tận dụng ưu thế này để rao giảng Lời Chúa. Đặc biệt, các dòng tu có thể quảng bá linh đạo của mình bằng cách dẫn dắt mọi người bước vào trong đời sống thiêng liêng rất hiệu quả. Có dòng còn tổ chức cả một chương trình quy mô để giới thiệu ơn gọi cho các bạn trẻ. Ngoài việc tìm được nguồn ơn gọi nó còn công dụng đánh động những người khác, hoặc ít ra cũng cung cấp cho mọi người thông tin tối thiểu về dòng tu của mình.
Đối với mỗi cá nhân, trang mạng xã hội trợ giúp đi vào các diễn đàn để đưa ra ý kiến quan điểm riêng và cũng nhận được nhiều phản hồi từ người khác. Hơn nữa bạn có thể duy trì được mối liên hệ với người thân cũng như bằng hữu ở mọi nơi. Một tấm hình chụp phong cảnh đẹp nhận được sự thán phục của nhiều người. Một tấm hình du lịch, thăm viếng, các thành viên khác lập tức cập nhật được mọi sinh hoạt và tin tức từ phía bạn phát đi.
(Bất cập)
Khi quan sát các trang facebook của cộng đoàn dòng tu, cá nhân tu sĩ và giáo dân, thỉnh thoảng lại thấy có sự hoán vị chỗ đứng của nhau: giáo dân chỉ nói chuyện cao trên trời, tu sĩ lại nói chuyện đời dưới đất, và dòng tu thích nói chuyện ăn uống.
Ngược lại, tu sĩ linh mục chủng sinh được mời gọi làm chứng bằng chính đời sống thánh hiến và phục vụ Giáo Hội và Tin Mừng. Đây là căn tính của toàn bộ cuộc đời mình. Do đó, rất cần chú tâm đến lời ăn tiếng nói, kể cả những nguồn đọc sách giải trí hay thư giãn. Một người bình thường phổ biến một truyện cười pha chất đời có thể chấp nhận được. Trái lại, một tu sĩ chủng sinh hay linh mục, khi chia sẻ trên facebook của mình một câu nói hay một tư tưởng hoàn toàn tốt lành, nhưng qua đường dẫn tìm về nguồn của nó, người ta lại khám phá ra hàng loạt những câu truyện tầm phào khác.
(Thay lời kết)
Giáo Hội rất ý thức được hình thức rao giảng Tin Mừng mới của thời đại. Chính vì thế, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được dành cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông. Mỗi người được mời gọi tiếp cận với hình thức mới mẻ này để mở rộng tầm nhìn qua việc trao đổi những vốn kiến thức cần thiết. Để cho có hiệu quả hơn, chúng ta rất cần hạn chế những mặt trái của phương tiện này. Có như vậy, các trang mạng mới thực sự phục vụ đắc lực đời sống nhân loại và sứ mạng của Giáo Hội về loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh.
V : HUẤN LUYỆN TRUYỀN THÔNG NHÂN BẢN (Liên vị).
Con người sinh ra, sống, yêu thương và làm việc trong khung cảnh những tương quan liên vị. Nhu cầu giao tiếp được thực hiện qua truyền thông và mối liên hệ với những người khác. Cần có thời gian và sự kiên trì để việc truyền thông đạt đến mức độ cao nhất và hoàn hảo bao nhiêu có thể. Nhất là cần “bầu khí tương quan” (bầu khí thân tình, ấm cúng) giúp đưa vào những tương quan tích cực và mời gọi thăng tiến để vui sống hài hòa với nhau và tự ý trao đổi đối thoại với nhau, giúp hiểu nhau và chấp nhận nhau. Thực tế trong cộng đoàn, chúng ta thường trải qua kinh nghiệm này là chúng ta tự nhiên thấy mình dễ nói chuyện trao đổi với người này, còn với vài người khác thì không. Với những người này thì nói liên tu bất tận, còn với nhóm người khác thì không thèm để ý đến, ngay cả việc khởi đầu câu chuyện cũng là điều không thể.Mỗi người trong chúng ta mang “một bầu tâm sự” bao gồm những giá trị, những tâm tình, những cảm xúc, những kinh nghiệm, để được đem chia sẻ với kẻ khác; và cuộc đối thoại được khai triển khi ở đâu người ta ý thức được về “tâm sự” của kẻ khác và có những điều kiện cần thiết cho sự chia sẻ trong tình yêu thương và tương kính. Truyền thông và lắng nghe, được thực hiện, khi sự khác biệt giữa tôi và người khác được chấp nhận, khi Tôi và Người Khác nhìn nhận nhau, biết những khác biệt của nhau, cảm nếm niềm vui khi được chia sẻ cho nhau, hay ngược lại, cảm thấy “mất mát”, tiếc nuối khi biết được rằng những khác biệt đó không phù hợp với những chờ đợi riêng, không dẫn đến tương quan đối thoại với nhau.Khi truyền thông chỉ quy hướng về những vụ lợi cho riêng mình hay những nhu cầu riêng, thì truyền thông không còn là đối thoại mà là độc thoại khô cằn. Lúc đó, trong “truyền thông-độc thoại” này, người ta chỉ nhìn thấy những tâm tình đau khổ, khinh thị, mỏng dòn tạm bợ, ganh tị, thụ động, tiêu cực, mưu cầu sự tuỳ thuộc, ước muốn thống trị, sự phản bác và phủ nhận nhau. Tâm tình tiêu cực đó ảnh hưởng mạnh trên tiến trình truyền thông, lèo lái lựa lọc truyền thông, giải thích sứ điệp của người khác theo quan điểm riêng. Những tâm tình tiêu cực đi kèm theo truyền thông dẫn ta đến việc làm méo mó không những nội dung mà kẻ khác muốn thông truyền mà còn làm méo mó chính liên hệ giữa các đương sự. Những tâm tình tiêu cực đó có thể làm ô nhiễm bầu khí ấm cúng và việc truyền thông, và là gốc rễ của nhiều khó khăn cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Chẳng hạn như khi trong truyền thông có sự bất nhất giữa điều người ta nói và điều người ta sống, thì các đương sự cảm thấy chính sự tự trọng và căn cước của mình bị xúc phạm, và do đó họ cho dựng lên những hệ thống tự vệ mà cuối cùng về lâu về dài làm băng hoại sự thông truyền và cổ võ cho những nếp sống không trung thực và không phù hợp với đời sống chung. Vì thế cần có sự đồng quy giữa lời nói, ý nghĩa của lời nói, và cử chỉ diễn tả lời nói. Không thể nào nói lời chào chúc, hoặc trao đổi cái hôn bình an cho một ai đó mà mắt nhìn vào chỗ khác hay với thái độ lạnh lùng, hay chỉ theo hình thức, hoặc với cái hôn giả tạo, cái bắt tay gượng gạo. Lời nói, ý định, cái nhìn và cử chỉ phải cùng quy về một hướng, nếu muốn gởi đi một sứ điệp cách hiệu quả để không rơi vào cảnh truyền thông lộn xộn mâu thuẫn. Nguy hiểm này càng có thể xảy ra, khi việc truyền thông mang tính cách phức tạp và đa thức đa biệt.Vì thế cần đặc biệt chú ý đến “truyền thông giữa người với người” để phát triển cộng đoàn. Nếu mỗi thành phần “truyền thông” với nhau mỗi ngày càng đích thực hơn, thì cách hành xử của mỗi thành phần sẽ càng ngày càng có tính cách xây dựng hơn. Truyền thông đích thực sẽ giúp cho đương sự được trưởng thành. Vì thế cần phải giáo dục biết “truyền thông” và lắng nghe cho mọi thành phần, nhất là cho những người lãnh đạo cộng đoàn. Công việc của người lãnh đạo được hữu hiệu hơn, bởi vì công việc đó cho phép các thành phần mang những cố gắng truyền thông lành mạnh đến gần với những mục tiêu chung của đời huynh đệ, vừa tận dụng năng lực và các phương tiện, ngõ hầu tất cả cùng dấn thân đề đạt đến các mục tiêu đó. Xin mời cùng suy nghĩ về các điểm sau đây: 1. Tạo tương quan tích cực giữa lời nói và thực tế sống. 2. Lắng nghe đề nghị. 3. Những rào cản trong truyền thông. 4. Những khả thể truyền thông. 5. Kỹ năng truyền thông trong lãnh đạo. 6. Cung cấp sự nâng đỡ cho truyền thông. 7. Vài kết luận để truyền thông được hữu hiệu.
- Tạo tương quan tích cực giữa lời nói ( thông tin) và thực tế sống.
Con người đang có trong tay những phương tiện truyền thông rút gọn khoảng cách và thời gian. Toàn cầu trước đây vài chục năm đã được thu nhỏ thành một làng một ấp; nay được thu nhỏ thành một căn phòng, và cuối cùng thành một màn hình máy vi tính, một màn hình máy điện thoại thông minh…và trong tương lai đang tiến gần thành như mặt đồng hồ. Thế nhưng, không ai có thể “lấy thước mà đo lòng người”. Con người có thể bọc lại “nội tâm mình” trong một cõi riêng, với những dự án riêng, những ý riêng, bất khả xâm phạm, với thái độ bỏ mặc kẻ khác. Con người cô đơn, đóng kín chính mình, không quan tâm gì đến kẻ khác. Kẻ khác trở thành kẻ vô danh, dù sống trong cùng một cộng đoàn, hay trong cùng một nhà. Đương sự có thể nhận tới tấp hàng ngàn thông tin trong ngày, và quên mất người hay những người cụ thể đã gởi đi những thông tin đó. Cộng đoàn những người tận hiến không nên cho phép xảy ra những tiêu cực như thế. Cần làm sao để truyền thông phong phú hoá chúng ta, xây dựng cái “chúng ta” chung với nhau, giúp ta “nếm” được cái hay của những sứ điệp khác biệt, và giúp ta yêu thương người anh chị em mình bằng tình yêu của Chúa Kitô. Như thế, truyền thông (bằng lời nói hay bằng cử chỉ) ảnh hưởng trên cách hành xử. Truyền thông cổ võ sự gặp gỡ giữa người với người, giúp con người thoát ra khỏi cảnh cô đơn, tạo dịp cho cuộc đối thoại, biến con người thành kẻ biết tham dự. Mỗi người thoả mãn được nhu cầu “sống với kẻ khác” , tìm về hợp đoàn với kẻ khác, để cùng nhau phát triển sự cộng tác, tình liên đới, sự tôn trọng nhau.Trong việc “truyền thông xây dựng cộng đoàn”, chúng ta có thể quan sát thấy rằng một “sứ điệp” (lời nói ra) không chỉ trao chuyển một hay nhiều thông tin đơn thuần, mà còn đồng thời đề nghị một lối đối xử giữa những con người đang thông truyền với nhau. “Truyền thông không phải là một hiện tượng diễn ra theo đường thẳng, nhưng là một “sinh hoạt” trao đổi liên vị trong đó những ai tham dự vào, có ảnh hưởng trên nhau và “kiểm soát” (điều kiện hoá) lối cư xử của nhau.” Sứ điệp (lời nói ra) ở bình diện một thì chuyển tải thông tin; ở bình diện hai thì diễn tả một đòi hỏi (hay một nhu cầu) hướng đến tương quan giữa những người đang thông truyền với nhau, nghĩa là cung cấp những chỉ dẫn về việc phải làm sao để giải mã nội dung của sứ điệp được thông truyền.Mỗi “sinh hoạt” truyền thông là một cách thức để đặt đương sự vào trong một tương quan, một “chấp nhập” kẻ khác. Tương quan này giả thiết phải có một nội dung để thông truyền và một ý chí để thông truyền nội dung đó. Trong sinh hoạt truyền thông, mỗi bên biểu lộ cái tôi đích thực cách trọn vẹn hoặc bán phần, để được chấp nhận và được lắng nghe. Từ đây bắt đầu thái độ tin nhau và phó thác cho nhau. Như thế, sinh hoạt truyền thông liên tục tạo ra và biến đổi những tương quan giữa người với người. Trong khung cảnh nầy, ý nghĩa của một biến cố không giống y như nhau cho tất cả mọi người, bởi vì mỗi người nhận xét, cảm nghiệm, và sống biến cố đó một cách khác nhau. Nhưng nhờ truyền thông, mỗi người có dịp bước vào gặp gỡ với cái khác biệt nơi người khác. Ngoài ra, trong sinh hoạt trao đổi truyền thông, cả hai người (gởi đi và nhận lại) cả hai cùng phải cố gắng giúp nhau đạt đến sự thật khách quan. Chính sự thật nầy mới là yếu tố chính liên kết họ chung lại. Trong “đối thoại truyền thông” không phải là vận dụng hết mọi phương thế để đạt thắng lợi trên đối tác, nhưng là cố gắng của mỗi bên, để đạt đến cái chung. Đây là một cuộc biến đổi trong đó cả hai người không còn ở trong vị thế giống như trước khi dấn thân vào trong sinh hoạt truyền thông. Cách cụ thể, khi con người thông truyền với nhau, thì họ tự ý bước vào trong tương quan với nhau và thay đổi cách hành xử với nhau. Những tương quan này—tự ý và cùng chia sẻ với nhau—cho phép con người củng cố những liên lạc và tiếp nhận những nội dung của sinh hoạt truyền thông mà họ dấn bước vào. Chúng ta cần lưu ý thêm rằng nội dung của truyền thông và tương quan giữa những con người trong sinh hoạt truyền thông, luôn có ảnh hưởng trên nhau. Bầu khí tương quan tốt -khi có sự tôn trọng và tin tưởng- làm cho dễ chú ý hơn đến nội dung của truyền thông. Ngược lại, nếu bầu khí tương quan trở nên bệnh hoạn do bởi những xung đột hay căng thẳng, thì nội dung của truyền thông ít được chú ý đến.
- Lắng nghe đề nghị.
Để truyền thông thật sự, cần biết lắng nghe.Trong cộng đoàn, người nào sẵn sàng lắng nghe, thì chắc chắn người đó sẽ góp phần nhiều vào trong việc xây dựng những tương quan liên vị tích cực. Nhưng thường tình con người ít có thói quen lắng nghe: chúng ta biết viết, biết đọc, biết nói, biết hát, v.v… nhưng không biết lắng nghe, hay đúng hơn không học lắng nghe. … Người ta hiểu lầm rằng lắng nghe che dấu một thái độ thụ động. Nhưng lắng nghe kinh nghiệm sống của kẻ khác là một hành động thật sự tích cực, bởi vì nó đòi hỏi một sự hiện diện với hết sức chú ý có thể đến những gì kẻ khác cống hiến cho ta, qua lời nói, cử chỉ, lối hành xử. Biết lắng nghe như thế là một việc cực nhọc, vì đòi hỏi sự tập trung tinh thần, kiểm soát phản ứng tình cảm, làm chủ cảm xúc, nhất là khi người khác trình bày cái nhìn khác, suy nghĩ khác, không giống và không đúng theo cách chúng ta nhìn sự vật.
- Những rào cản trong truyền thông.
Đặt mình vào trong tương quan truyền thông với kẻ khác là đặt mình vào trong dòng chảy của tương quan hỗ tương, một công việc đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, mà người lãnh đạo cộng đoàn tận hiến có trách vụ làm trung gian và giải thích những yếu tố của tương quan truyền thông này. Rào cản thứ nhất là cảm xúc. Vì lý do liên hệ tình cảm, người truyền thông có thể thay đổi nhận định của mình về tương quan truyền thông. Nếu khía cạnh tình cảm ở mức quá cao, làm chủ thống trị, thì chúng ta có nguy hiểm làm mất tính cách đặt biệt của sứ điệp được kẻ khác gởi đến, vì lúc đó chúng ta quá bận tâm bảo vệ lập trường của mình, hoặc bận lo tấn công những lập trường của ngưởi khác. Tuy nhiên, một chút thiện cảm (empathy) đối với kẻ khác có thể làm cho ta chú ý hơn, ý thức hơn về điều đang xảy ra, để tiếp nhận những thực tại khác nhau hiện diện trong tương quan liên vị. Rào cản thứ hai: thái độ chủ quan giải thích thực tại theo ý riêng mình. Một người có tính hay ganh tị trong cộng đoàn thì hay giải thích những gì kẻ khác nói hay làm như là những xác nhận cho sự ganh tị của mình là đúng. Củng cố thêm cho thái độ chủ quan là những ý kiến riêng, những cách suy nghĩ, những niềm tin vớ vẩn, những thành kiến và tiên kiến. Những điều này không giúp ta tiếp nhận những gì thực sự xảy ra quanh ta. Rào cản thứ ba: khuynh hướng chúng ta nhìn sự việc đến với chúng ta trong sinh hoạt truyền thông, trong lăng kính vai trò chúng ta đóng. Đây có thể được gọi là sự méo mó nghề nghiệp. Ý thức quá mạnh về vai trò riêng của mình có thể làm méo mó thái độ của mình và làm ta không thích nghi được nữa với những hoàn cảnh mới. Rào cản thứ tư: tuyệt đối hoá khía cạnh lý trí của những gì được nói ra làm ta bỏ quên khía cạnh tâm lý. Đừng quên rằng: “Con tim có cái lý riêng của nó”. Chỉ dừng lại ở nội dung của lời nói, chỉ biết đến ý nghĩa “trí thức” của lời nói, làm ta quên mất những ý nghĩa khác nữa mà người khác muốn nói đến trong sinh hoạt truyền thông. Thí dụ: khi một nữ tu về nói với bề trên: trong trường con học, ai ai cũng có máy vi tính! Thì bề trên đừng khô khan chỉ nghĩ như thế, mà hãy nghĩ: nữ tu nầy muốn xin máy vi tính, muốn được như bao kẻ khác trong trường!Đó là những rào cản chính. Chúng làm cho ta nhìn thực tại qua “lăng kính” lọc lựa, chỉ nhận và hiểu những gì phù hợp với cái nhìn của mình. Để vươn tới quan điểm của kẻ khác, chúng ta cần thoát ra khỏi những “thói quen”, những lăng kính hay mặt nạ, để đặt mình trong một “góc độ khác”, biết chú ý đến khía cạnh khác, tìm hiểu một tâm lý một nhân cách khác. Cần luôn đặt mình vào dòng chảy luyện tập liên tục giúp ta biết canh tân kiểu cách truyền thông của mình, nhắm đạt đến hiệu quả tối đa là sự thông hiểu nhau mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
- Những khả thể của truyền thông
Huấn luyện truyền thông mở ra cho chúng ta những khả thể sau đây: Đó là Biết Chú Ý đến yếu tố CON NGƯỜI trong TRUYỀN THÔNG.Trong truyền thông liên vị, cần hướng về nhau cách thể lý và tâm lý, để có thể tiếp nhận ý nghĩa của quan điểm khác nhau, để tiếp cận được với thực tại theo như người kia tiếp cận. Điều nầy có nghĩa là đáp ứng với sự khác biệt của người kia và với cách thức người đó đặt mình trong tương quan với ta. Từ quả quyết trên ta có thể rút ra vài nguyên tắt sau đây: 1.Điều quan trọng là biết tiếp nhận hoàn cảnh đúng như nó được các đối tác truyền thông sống. Kinh nghiệm sống của đối tác được tiếp nhận như là “thành phần” không thể tách rời của sinh hoạt truyền thông; và như thế cho thấy là người truyền thông chia sẻ cái gì đó thật quan trọng trong đời sống và kinh nghiệm của đối tác. 2. Hơn nữa, cần hiểu biết rõ những cách thế được người kia dùng để diễn tả, để nói lên điều gì đó có ý nghĩa trên bình diện tâm lý. Điều quả thật quan trọng là người truyền thông có khả năng tiếp nhận những “biểu hiện tương quan” qua đó người này bước vào trong thế giới truyền thông của người kia. Những biểu hiện tương quan trực tiếp rõ ràng là những cách thức trực triếp để diễn tả và chia sẻ những tâm tình bên trong, làm cho người ngoài có thể nhận ra được, như nụ cười, cách cười,…., bộ diện nói lên lo lắng, bất an, cách thinh lặng, ….Thêm vào đó, ta cần quan sát chính những biểu hiện của mình nhờ qua “phản ứng” của người khác làm ta ý thức hơn về những gì xảy ra trong sinh hoạt truyền thông. Ta cần chú ý quan sát tiến độ của mối tương quan liên vị, để hiểu hơn về tình trạng truyền thông đang có.
- KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG trong LÃNH ĐẠO.
Cảm nhận, hiểu, tiên liệu những thái độ của anh chị em trong truyền thông là bước cần thiết đầu tiên trong diễn tiến giao tiếp năng động giữa người với người trong cộng đoàn.Người lãnh đạo cần: 1. tạo điều kiện dễ dàng cho dòng chảy thông tin trong cộng đoàn; 2. Biết lắng nghe khi thi hành vai trò nhận truyền thông (cảm nhận, làm sáng tỏ, ôn lại cách tổng hợp “mã hoá lại” với người truyền thông).
- CẦN NÂNG ĐỠ cho TruyỀn thông trong cỘng đoàn.
Ngoài việc tạo điều kiện cho các thành phần cộng đoàn truyền thông với nhau, người lãnh đạo còn cần bảo trì và nâng đỡ bầu khí giúp cho các thành viên truyền thông với nhau cách đích thực và thành thật. Ít nhất người lãnh đạo cần thực hiện ba điều chính yếu sau đây: 1. Củng cố, 2. Nói lên thiện cảm; 3. Tự biểu lộ mình.
- Củng cố.
Sự nâng đỡ ảnh hưởng trên sinh hoạt truyền thông sao cho mọi người tiếp tục công việc xây dựng tương quan hỗ tương lành mạnh, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và trên xác tín rằng con người có thể sống cởi mở với nhau. Với sự củng cố này, người lãnh đạo định hướng và gia tăng công việc của nhóm. Đôi khi, vì quá bận, người lãnh đạo không chú ý đủ đến việc khuyến khích, đến sự kiểm soát và thẩm định sự đóng góp của kẻ khác. Ngõ hầu sự nâng đỡ nên hữu hiệu, thì nó cần phù hợp cách thiết thực và gắn liền với điều mà con người nói hoặc làm, mà không quá phóng đại cách vô ý thức.
- Biểu lộ sự nồng ấm và thiện cảm.
Bằng cách nầy, người lãnh đạo nói lên thái độ sẵn sàng và quan tâm muốn hiểu kẻ khác, vừa cổ võ bầu khí cộng tác và liên kết với nhau, ngõ hầu giúp cho cộng đoàn đạt đến những mục tiêu chung.
- Tự biểu lộ mình.
Người lãnh đạo “giới thiệu mình” cách trung thực qua những biểu lộ kinh nghiệm sống, chia sẻ những nhận định riêng. Việc người lãnh đạo nói lên những kinh nghiệm riêng dẫn đến kiểu mẫu cởi mở về truyền thông, trong đó cá nhân được mời gọi cởi mở chính mình, không còn núp sau những mặt nạ, hay trong những tự vệ. Như thế, khi tự biểu lộ chính mình trong cộng đoàn, người lãnh đạo khuyến khích kẻ khác cởi mở chính mình và chia sẻ những kinh nghiệm riêng, những cảnh sống riêng, và như thế gia tăng uy tín và đáng được tín nhiệm. 7.VÀI KẾT LUẬN GIÚP TRUYỀN THÔNG HỮU HIỆU.Truyền thông hữu hiệu không phải là chuyện đơn giản. Cần có thời gian luyện tập và luyện tập không ngừng.Cần tạo ra “khoảng rộng” chung trong đó những sinh hoạt truyền thông phát triển được những tương quan đích thực giữa những thành phần của cộng đồng. Sự chú ý và tôn trọng có mặt trong sinh hoạt truyền thông không loại trừ những khác biệt trong các ý kiến, các niềm tin, các nền văn hoá, nhưng ngược lại làm cho chúng được tăng giá trị cách mới mẻ và hữu hiệu.Nguyên tắc tạo dựng “sân chơi” nói trên là mối giây yêu thương lẫn nhau, nhờ qua đó người ta thiết lập sinh hoạt truyền thông giữa các thành phần của cộng đoàn. Để thực hiện tình thương hỗ tương này, cần có những thái độ biết tôn trọng tự do và phẩm giá của kẻ khác, cần những lối cư xử thân thiện, sự sẵn sàng, chân thành và biết cho đi. Chúng ta thường nghe nói rằng để lãnh đạo một cộng đoàn thì cần phải đặt tất cả mọi người trên cùng một “mặt bằng” như nhau, để cùng chung giữ luật hay những đoàn sủng chung. Có lẽ không nên nghĩ như vậy nữa! Sự biến đổi từ cái “TÔI” thành “Chúng Tôi”, là công việc liên lỉ quay trở về với “người khác” nhờ qua sự “hiểu biết” và nhìn nhận những khác biệt của tôi và của kẻ khác. Đây là một tiến trình lôi cuốn bề trên và cộng đoàn vào tiến trình dấn thân chung, đầy cương quyết, đôi khi cũng đầy đau khổ, nhưng chắc chắn là một dấn thân làm phong phú cho nhau, bởi vì nó dẫn đến việc khám phá hồng ân hiệp thông mà Thiên Chúa luôn tuôn đổ xuống trên Giáo Hội và trên toàn thế giới. Cộng đoàn những kẻ tận hiến, với ý thức trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng tình hiệp thông huynh đệ, trở thành dấu chỉ cho khả thể sống tình huynh đệ kitô, vừa là dấu chỉ cho giá trị cần phải trả để xây dựng bất cứ cộng đồng huynh đệ nào.
KẾT LUẬN TOÀN BÀI: ( trích từ bài giảng đầu tiên của ĐTC Phanxicô, ngày 14 tháng 03 năm 2013):
“Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.
Tôi ước mong rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, chúng ta có được sự can đảm, thực sự có lòng can đảm,để bước đi trước mặt Chúa, với Thánh Giá của Chúa; để xây dựng Hội Thánh trên Máu Thánh Chúa đã đổ ra nơi Thánh Giá; và để tuyên xưng sự vinh quang duy nhất: Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Và bằng cách đó, Hội Thánh sẽ tiến lên phía trước.
Nhà lý thuyết truyền thông Marshall McLuhan ( 1911-1980) đã nói “trong truyền thông, người chủ gởi sứ điệp không phải là một cá nhân biệt lập; người “sáng tạo thật sự của sứ điệp là “tổng thể tất cả những ai góp phần vào việc khởi động những phương tiện truyến thông. Tắt một lời, chủ thể thật của truyền thông không phải là TÔI, mà là CHÚNG TÔI.”(trích từ tập sách: Blessed James Alberione, Communicator of the Gospel, by Domenico B. Spolettini,SSP, trang 69).