Thứ Năm Tuần Thánh
NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU
Lm Phêrô Trần Đình
Dẫn nhập
Tin mừng Thánh Gioan hôm nay nói rằng : “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến…Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Tình thương của Đức Giêsu là tấm gương cho tất cả chúng ta học tập. Vậy đâu là những đặc điểm tình yêu của Người ?.
1/ Tình yêu đòi hỏi một sự hiện diện
Điều này thật dễ hiểu, nhất là trong đời sống gia đình. Người ta đau khổ trong tình yêu vì người yêu vắng mặt cách nào đó : như người mẹ qua đời, người cha đi xa, người con vắng nhà. Những nỗi buồn da diết, hao mòn thường bắt nguồn từ sự vắng mặt của một người nào đó, nhất nữa người đó lại là kẻ ta thương hoặc thương ta.
Đức Giêsu hiểu được đòi hỏi của sự hiện diện trong tình yêu, nên Người đã lập ra bí tích Thánh Thể, để Người ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
2/ Tình yêu đòi hỏi sự hiệp thông
Đặc tính thứ hai của tình yêu, đó là sự hiệp thông, hiệp nhất. Hiệp thông hay hiệp nhất không phải chỉ là ở bên nhau, nhưng còn là ở trong nhau nữa. Đây là một sự đòi hỏi thường tình của tình yêu.
Khi chúng ta rước Mình Chúa là để Chúa ở trong chúng ta, như Thánh Phaolô nói : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi. Chính Chúa sống trong tôi” (Gl 2, 20). Trong Tin mừng chúng ta vừa nghe, Phêrô từ chối Chúa rửa chân cho, nghĩa là Ông từ chối sự hiệp thông với Chúa.
3/ Tình yêu đòi hỏi phải khiêm nhường
Đây là một đặc tính nhiệm lạ của tình yêu, mà xem ra ít ai chịu hiểu và sống. Là bởi vì người ta thích xem mình là quan trọng, nghĩ rằng khiêm tốn trước người khác là chịu lép vế trước họ. Người ta thường ăn miếng trả miếng, có khi chấp nhất một lời nói, một cử chỉ, rồi sinh ra bất hoà bất thuận dai dẳng. Người ta thường coi trọng ý kiến của mình và khó chịu khi kẻ khác có ý kiến khác mình. Thực ra, những con người vĩ đại thì thường khiêm tốn, như trường hợp Đức Mẹ : “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52).
Để chứng tỏ tình thương đối với các môn đệ cho đến cùng, Đức Giêsu đã cầm lấy chậu nước, cúi xuống rửa chân cho họ. Thông thường, đây là việc làm của một người nô lệ. Để yêu thương, Chúa chấp nhận trở thành nô lệ. Chúa đã rửa chân cho Ông Phêrô, kẻ sẽ chối Thầy. Chúa cũng khom lưng rửa chân cho Ông Giuđa Iscariốt, kẻ sẽ bán Thầy để lấy 30 đồng bạc, bằng giá mua một người nô lệ. Chúa đã rửa chân cho những môn đệ còn lại, những kẻ sau đó sẽ bỏ Người mà chạy trốn cho yên thân.
Bao giờ cũng thế, trong thánh lễ tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội làm lại cử chỉ này để cho chúng ta hiểu rằng trong tình yêu sự khiêm tốn có vai trò to lớn như thế nào, để rồi khi trở về trong gia đình, trong cuộc sống, chúng ta hãy bắt chước Chúa mà sống như vậy.
4/ Tình yêu đòi hỏi phải chết, phải bỏ mình
Để yêu thương các môn đệ cho, Chúa cầm lấy chậu nước rửa chân cho họ, và trước đó Người “cởi áo ra”. Đây là một kiểu diễn tả của kinh thánh để nói lên sự bỏ mình, sự chết đi.
Rồi khi Chúa lập bí tích thánh thể, Thánh Phaolô nói như thế này : “Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra”. Hai chữ “bẻ ra” cũng diễn tả sự bỏ mình và chết đi.
Trong tình yêu, nếu chúng ta chỉ muốn người khác chết thay vì mình phải chết, muốn người khác phải khổ thay vì mình phải khổ…thì không bao giờ chúng ta có thể yêu thương một ai.
Một bài hát nào đó có câu như thế này : “Ai cũng tìm việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về ai ?”. Câu này có thể áp dụng cách hữu lý vào tình yêu đối với kẻ khác : tình yêu thì phải bỏ mình, phải chết.
5/ Tình yêu đòi hỏi phải vững bền
Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình “cho đến cùng”. Yêu thương cho đến cùng, theo Tin mừng Gioan có hai nghĩa :
- Yêu thương cho đến cuối đời, cho đến chết. Tình thương không bao giờ là dang dở.
- Yêu thương cho đến mức độ cuối cùng của lòng mến. Tình yêu đòi hỏi phải hi sinh, gian khổ, phải chết.
Kết luận
Thiết tưởng đó là những khía cạnh của tình yêu mà Đức Giêsu đã thể hiện đối với các môn đệ. Tình yêu “cho đến cùng” của Người có thể được hiểu như vậy.