Về Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô
(Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro của Đức Cha Antôn)
Anh chị em thân mến,
40 ngày Mùa Chay bắt đầu từ hôm nay, Thứ Tư Lễ Tro, mùa chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua (chết và sống lại) của Đức Giêsu Kitô. Việc nhận xức tro trên đầu nói lên dấu chỉ sám hối vì mỗi người chúng ta đều ý thức về thân phận tội lỗi của mình. Mở đầu sứ điệp Mùa Chay năm nay, ĐTC Phanxicô viết: “Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết Mùa Chay là “một mùa ân thánh” (2 Cr 6,2), tức là mùa sống ân phúc được Thiên Chúa ban cho.
Tại sao thế ? ĐTC trích dẫn thư Thánh Gioan Tông đồ “Chúng ta yêu mến Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19), và giải thích: “Thiên Chúa không dửng dưng đối với chúng ta. Thiên Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài”. Còn về phần chúng ta, ĐTC lưu ý rằng có khi chúng ta lại dửng dưng với người khác: “Chúng ta quên những người khác (điều mà Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu… Ngày nay thái độ ích kỷ, dửng dưng này có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ toàn cầu hóa sự dửng dưng…”.
Vì thế, trong Mùa Chay này, ĐTC muốn chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới, Thiên Chúa yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu độ mỗi người. Trong cuộc nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong cái chết và sống lại của Con Thiên Chúa mở ra cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất. Và Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy rộng mở nhờ việc công bố Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhờ làm chứng tá đức tin hữu hiệu bằng đức ái (x. Gl 5,6). Tuy nhiên, thế giới có xu hướng khép kín vào mình và đóng kín cánh cửa qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến cùng Thiên Chúa. Vì vậy Dân Chúa cần canh tân, để không trở nên dửng dưng và không khép kín. ĐTC đãđề nghị 3 điều cần suy tư để đạt tới sự canh tân.
1. Canh tân Giáo Hội:
Kitô hữu là người cảm nghiệm được lòng từ nhân và thương xót của Thiên Chúa, để trở nên giống Thiên Chúa. ĐTC giải thích rằng: Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc rõ điều đó cho chúng ta qua nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho ông, nhưng rồi sau này ông mới hiểu rằng: chỉ có người nào để cho Chúa Kitô rửa chân trước thì mới biết rửa chân cho nhau; chỉ người nào được “dự phần” với Ngài (x. Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ tha nhân.
Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ và nhờ đó trở nên giống Chúa. Muốn nên giống Chúa, chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, vì khi đó chúng ta trở thành Mình Chúa Kitô; trong thân mình này, không có chỗ cho sự dửng dưng, vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất là Giáo hội như lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể cùng đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng vui mừng với chi thể ấy” (1 Cr 12,26).
Giáo Hội là cộng đồng hiệp thông. Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và được tham dự vào những sự thánh thiện, không ai sở hữu một điều gì riêng mình, nhưng những gì họ có là để cho toàn thân. Vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới.
2. Canh tân các giáo xứ và các cộng đoàn
Những điều nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng cần được biểu lộ trong đời sống của các giáo xứ và các cộng đoàn. ĐTC đặt câu hỏi: Các cộng đoàn đó có phải là một thân thể cùng lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban hay không ? Đó có phải là một thân thể biết chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ và bé nhỏ nhất hay không ? Chúng ta dấn thân cho một nơi xa xăm nhưng có quên người nghèo Lazzaro ngồi ngay trước cánh cửa khép kín của nhà mình hay không ? (x. Lc 16,19-31).
Vậy phải làm gì ? ĐTC trả lời:
– Thứ nhất, bằng cách liên kết trong kinh nguyện: khi cùng nhau cầu nguyện, chúng ta thiết lập một sự hiệp thông mưu ích cho nhau, bay lên trước nhan Thiên Chúa. Khi đó, cùng với các thánh trên thiên quốc, chúng ta là thành phần của cộng đồng hiệp thông ấy, trong đó tình thương chiến thắng dửng dưng. Các thánh trên thiên quốc vẫn luôn đồng hành với chúng ta là những người lữ hành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh, đã viết: “Con hy vọng sẽ không ngồi yên mà không làm gì trên trời, mong ước của con là còn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn” (Thư 254 / 14-7-1897).
– Thứ hai, mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi nối kết với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người ở vùng sâu vùng xa. Tình thương không thể im lặng trước sứ mạng truyền giáo. Những gì chúng ta nhận lãnh, thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ. Cũng thế, những gì những người anh chị em ấy nhận được, chính là một món quà cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
ĐTC viết: “Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, – đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, – trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!”.
3. Canh tân mỗi tín hữu
ĐTC viết: “Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất ?”
Chúng ta phải làm gì ? ĐTC chỉ dạy:
– Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng coi nhẹ sức mạnh của kinh nguyện !
– Tiếp đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa qua các tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể.
– Thứ ba, sự đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình thương của Thiên Chúa.
Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ của chúng ta, ĐTC xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn mà ĐGH Bênêđichtô 16 đã nói trong Thông điệp TC là Tình Yêu (số 31): “Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới tha nhân”.
Trong phần kết thúc Sứ điệp Mùa Chay năm nay, ĐTC mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Kitô “xin làm cho trái tim chúng con nên giống Trái Tim Chúa”, để chúng ta có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không khép kín, không rơi vào vực thẳm của nạn toàn cầu hóa sự dửng dưng.
Với mong ước ấy, noi gương ĐTC, tôi cầu chúc mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn giáo xứ, mỗi cộng đoàn sống đời thánh hiến tiến bước trong hành trình Mùa Chay với nhiều thành quả, và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.