CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN(18-11-2001)
KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
NGHE:
* Bài đọc 1: Kn 3,1-9:
Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Kẻ ngu dại coi họ như đã chết, cho là họ gặp điều bất hạnh, nhưng thực ra họ đang được hưởng bình an. Người đời nghĩ họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn tràn trề hy vọng được trường sinh bất tử.Thiên Chúa đã luyện cho họ như vàng trong lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Họ sẽ rực sáng như tia lửa..sẽ xét xử muôn dân và cai trị muôn nước. Những ai trông cậy vào Chúa sẽ am tường sự thật và những ai trung thành thì được Chúa yêu thương và cho ở gần Người.
* Bài đọc 2: 1 Cr 1,17-25:
Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập gía Đức Ki-tô trở nên vô hiệu. Thật thế, lới rao giảng về thập gía là một sự điện rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
* Bài Tin Mừng: Mt 10,17-22: Đức Giê-su tiên báo những cuộc bách hại
Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em!
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
NGẪM:
* Câu hỏi gợi ý:
1. Ý nghĩa của bắt bớ, bách hại vì niềm Tin?
2. Ngày nay chúng ta phải sống và làm chứng niềm Tin như thế nào để không thẹn với cha ông?
* Suy tư gợi ý:
1. Ý nghĩa của bắt bớ, bách hại trong Công giáo?
Chúng ta có thể khẳng định: Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử của những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giê-su Ki-tô là Chúa. Thật ra ngay từ trong Cựu Ước, những người tin vào Thiên Chúa Gia-vê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan, thử thách vì niềm Tin (bài đọc 1).
Vậy thử hỏi: Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bách hại? Lịch sử cho ta thấy người tín hữu bị bắt bớ, bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do sau: bị người đời hiểu lầm và ghen ghét. Nhưng với cái nhìn được Thánh Kinh soi sáng, thì chúng ta thấy bắt bớ, bách hại vì niềm Tin có ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là để niềm Tin của chúng ta được thử thách & tôi luyện. Miếng hay thỏi vàng chỉ tinh ròng sau khi được cho vào lửa tinh luyện. Niềm Tin Ki-tô của chúng ta chỉ vững vàng, kiên định, tinh tuyền và trong sáng qua gian nan thử thách. Đức Giê-su là “hiện thân sống”, là minh họa tuyệt vời về sự kiện ấy: Một đàng Đức Giê-su bị những người cầm quyền Do Thái và Roma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chứùc quyền của họ. Mặt khác chính qua khổ nạn thập giá mà Đức Giê-su chứng minh được lòng thảo hiếu, tuân phục đối với Cha và lòng yêu thương đối với loài người. Sự khổ nạn thập giá ấy là con đường dẫn tới phục sinh.
Các vị tử đạo trong Giáo hội công giáo Roma cũng đã có chung thân phận với Đức Giê-su. Gần gũi thân thiết với chúng ta hơn là 117 thánh tử đạo và hàng ngàn hàng vạn các vị tiền bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì đạo mà nguyên nhân chính là hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng minh chứng lòng Tin của mình. Vì thế mà ngày hôm nay toàn thể Giáo hội Việt Nam mừng kính các Ngài một cách trọng thể và nhận các Ngài làm Bổn Mạng.
2. Ngày nay chúng ta phải sống và làm chứng niềm Tin như thế nào để không thẹn với cha ông?
Lịch sử đã qua, chúng ta không thể thay đổi được. Điều chúng ta có thể làm là từ lịch sử rút ra những bài học cho đời sống đức Tin. Sau đây là một vài gợi ý để chúng ta suy nghĩ và thực hiện:
1. Cha ông chúng ta đã lấy máu đào để nói lên lòng tin cậy phó thác và trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết dùng mọi phương thế để củng cố và trau dồi niềm Tin: cầu nguyện, tĩnh tâm, nghiên cứu, học hỏi. Chắc chắn việc ấy đòi chúng ta phải hy sinh thời giờ, tiền bạc, công sức; buộc chúng ta phải chấp nhận mất mát, thiệt thòi ở một mức độ nào đó. Nhưng so với cái chết khổ hình thập giá của Đức Giê-su, Chúa chúng ta và với bao cực hình của các Vị Tử đạo cha ông chúng ta, thì có thấm vào đâu!
2. Dù bị oan và bị hành hạ trăm điều, cha ông chúng ta không một lời than trách, không một chút hận thù đối với vua quan hay lý hình, mà trái lại luôn tôn kính, yêu thương, khoan dung, tha thứ chúng ta hãy nỗ lực sống khiêm nhường, yêu thương, hòa đồng và phục vụ đồng bào anh em theo tinh thần Phúc âm mà Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và 2001 đã triển khai.
3.”Máu các thánh Tử đạo là hạt giống đức Tin”. Máu cha ông chúng ta đã thấm vào từng thớ đất hình chữ S này, tứùc hạt giống đức Tin đã được gieo vào lòng đất nước và quê hương Việt Nam yêu dấu. Chúng ta hãy đóng góp phần riêng của mình vào việc làm cho hạt giống đức Tin ấy nẩy mầm, mọc thành cây và sinh hoa kết trái cho Mùa Gặt Nước Trời. Nói cách khác chúng ta hãy trở thành những người loan báo Tin Mừng cho đồng bào, anh em.
NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng con vinh dự làm con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Nhưng Cha ơi, vinh dự cũng có nghĩa là trách nhiệm, xin Cha ban sức mạnh cho chúng con để chúng con đủ sức chu toàn trách nhiệm cao trọng ấy, bằng đời sống chứng tá của chúng con trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su là Hạt Giống Vĩ Đại mà Thiên Chúa Cha dã gieo vào lòng đất. Xin Chúa ban sức mạnh và tình yêu cho chúng con để chúng con cũng trở thành những hạt giống Tin Mừng gieo vào lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con hãnh diện được làm con cháu các Ngài. Xin các Ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng con dũng khí, lòng kiên cường, đức hy sinh, lòng trung thành với niềm Tin, để chúng con vượt thắng mọi trở ngại từ bên ngoài cũng như từ chính trong tâm hồn chúng con trong đời sống chứng tá hôm nay.
(Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội).