Chúa Nhật 33 Thường niên, C
2010
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 21:5-19)
Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là công trình xây dựng lớn lao nhất của Ít-ra-en. Không những dân Ít-ra-en hãnh diện về Nhà Chúa của họ, mà cả đến các dân tộc chung quanh cũng không ngớt trầm trồ khi có dịp tới tham quan. Tuy nhiên Chúa Giê-su lại có cái nhìn khác về Đền Thờ. Người nhìn thấy trước cảnh điêu tàn của nó trong tương lai khi bị ngoại bang tàn phá “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Việc Đền Thờ bị phá hủy chỉ là một trong những dấu chỉ báo trước ngày chung cuộc sẽ đến. Sự kiện lịch sử này đã xảy ra vào năm 70 sau công nguyên cho thấy “ngày chung cuộc sẽ đến” là một thực tại chắc chắn, cũng giống như việc người ta sẽ sống lại trong ngày sau hết (bài Tin Mừng tuần trước, Lu-ca 20:27-38). Do đó, từ thực tại chắc chắn này, Chúa Giê-su muốn đưa ra một bài học: phải làm gì để chuẩn bị cho ngày tận thế?
Trước hết Chúa Giê-su không quan tâm tới thời điểm của những dấu chỉ xảy ra trước ngày chung cuộc. Chiến tranh, thiên tai, thậm chí cả “những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”, tất cả chỉ là bối cảnh của một thế giới đang tiến đến ngày chung cuộc và “sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”. Như thế rõ ràng sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay là Ki-tô hữu phải là những chứng nhân cho Chúa Giê-su giữa hoàn cảnh thế giới họ đang sống.
Làm chứng cho Chúa trong một môi trường thuận lợi có lẽ không có gì đáng nói. Nhưng nếu sống giữa một thế giới đi ngược lại với chân lý và những giá trị của Tin Mừng mà vẫn trung thành làm môn đệ Chúa thì đó mới thực sự là “cơ hội” để chúng ta làm chứng cho Người. Hơn thế nữa, không những chúng ta phải can đảm đi ngược chiều với lối sống của thế gian, mà còn phải kiên trì giữ vững đức tin khi bị bách hại. Ngày nay, sự bách hại không còn luôn luôn là bắt bớ, ngược đãi, bỏ tù và xét xử bất công nữa, nhưng bách hại lại như những con sóng ngầm lôi cuốn tín hữu đi lúc nào không biết, hoặc như những liều thuốc độc dần dần hủy hoại sự sống con người. Một thí dụ điển hình: có bao giờ bạn nghĩ đến sức mạnh kinh khủng của các “mạng lưới” chưa? Chúng đầu độc bao người, nhất là giới trẻ. Có nhiều nữ sinh viên ở Việt Nam dùng điện thoại thu hình những hành động đồi bại của họ, rồi hãnh diện đưa lên You Tube cho thiên hạ coi, không còn biết thế nào là liêm sỉ nữa! Nhiều khi họ còn nghĩ đó là cách để trở thành nổi tiếng! Dĩ nhiên bên cạnh họ vẫn có nhiều em can đảm không chịu để mình bị “bách hại” do lối sống buông thả và vô đạo đức của các bạn xấu ấy.
Nhiều khi trước mọi bách hại như thế, chúng ta không biết phải chống trả làm sao. Nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta “đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào”. Chúa sẽ giúp chúng ta chống trả nếu chúng ta gắn bó với Người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chẳng ai trong chúng ta mong muốn mình bị bách hại cả. Chúng ta chỉ thích được yên thân sống đạo! Nhưng không có chuyện yên thân sống đạo đâu, vì chúng ta phải sống trong thế giới bất lợi này để làm chứng cho Chúa. Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Gio-an 17:15). Làm chứng cho Chúa giữa những bách hại có nghĩa là làm chứng ở mọi nơi chúng ta sống. Bách hại xảy ra nhiều khi ngay trong gia đình, qua những bất đồng về đạo lý và luân lý giữa các thành phần. Nhưng điều chúng ta xác tín là dù bách hại thế nào và ở đâu thì đó cũng là “cơ hội làm chứng nhân cho Chúa”. Chúng ta đừng để mất cơ hội nhé!
Lm. Dominic TTL